Thực trạng công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà

Một phần của tài liệu hoàn thiện công tác quản lý và sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh khánh hòa (Trang 95)

Khánh Hoà

2.3.3.1.Tình hình tổ chức, nhân sự làm công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ kỹ thuật, nghiệp vụ về quản lý tài nguyên nước và môi trường

Từ năm 2004, công tác quản lý về tài nguyên nước tỉnh Khánh Hòa được chuyển từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sang Sở Tài nguyên và Môi trường. Công tác quản lý tài nguyên nước nói chung và đối với các lưu vực sông nội tỉnh nói riêng từ tỉnh đến xã phường như sau:

Cấp tỉnh:

- Hiện nay, Phòng nước Khí tượng Thủy văn là Phòng tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác quản lý tài nguyên nước; nhân lực của phòng có 3 biên chế có trình độ từ kỹ sư, cử nhân trở lên và thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu về tài nguyên nước như sau:

+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

+ Tổ chức thẩm định các đề án, dự án về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, chuyển nước giữa các lưu vực sông thuộc thẩm quyền phê duyệt của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

+ Tổ chức thực hiện việc xác định ngưỡng giới hạn khai thác nước đối với các sông, các tầng chứa nước, các khu vực dự trữ nước, các khu vực hạn chế khai thác nước; kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước trên địa bàn;

+ Tổ chức thẩm định hồ sơ gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất theo thẩm quyền; thực hiện việc cấp phép và thu phí, lệ phí về tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; kiểm tra các hoạt động về tài nguyên nước quy định trong giấy phép;

+ Tổ chức thực hiện công tác điều tra cơ bản, kiểm kê, thống kê, lưu trữ số liệu tài nguyên nước trên địa bàn; tổ chức quản lý, khai thác các công trình quan trắc tài nguyên nước do địa phương đầu tư xây dựng;

+ Tổng hợp tình hình khai thác, sử dụng nước, các nguồn thải vào nguồn nước trên địa bàn; lập danh mục các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; hướng dẫn, kiểm tra việc trám lấp giếng không sử dụng theo quy định của pháp luật;

+ Tham gia tổ chức phối hợp liên ngành của Trung ương, thường trực tổ chức phối hợp liên ngành của địa phương về quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn nước lưu vực sông.

- Chi cục bảo vệ môi trường được thành lập theo quyết định số 1669/QĐ- UBND ngày 03/7/2008 của UBND tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở tổ chức lại Phòng Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; chính thức hoạt động từ ngày 01 tháng 11 năm 2008 với 11 biên chế.

- Phòng Cảnh sát môi trường thuộc Công an tỉnh (được thành lập theo Quyết định số 1081/2007/QĐ-BCA ngày 17/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an), bắt đầu hoạt động từ 01/2008, hiện tại có 25 biên chế.

- Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường được thành lập theo quyết định số 08/QĐ-UB ngày 05/01/2007 của UBND tỉnh, bắt đầu hoạt động từ 01/4/2007 có chức năng điều tra, quan trắc tài nguyên và Môi trường. Trung tâm hiện có 15 biên chế.

Cấp huyện:

Mỗi Phòng Tài nguyên và Môi trường đều biên chế từ 2 đến 3 cán bộ làm công tác quản lý môi trường nói chung, trong đó có chức năng, nhiệm vụ quản lý về tài nguyên nước, song không có cán bộ chuyên trách về quản lý tài nguyên nước.

Cấp xã phường:

Tại các xã, phường, công tác quản lý môi trường, tài nguyên nước thường do cán bộ làm công tác địa chính kiêm nhiệm.

Ngoài ra, Khu Kinh tế Vân Phong có Phòng Tài nguyên và Môi trường trực thuộc Ban, có 4 biên chế làm công tác quản lý môi trường.

Cán bộ hiện đang công tác trong lĩnh vực tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nói chung và ở các lưu vực sông trong các cơ quan cấp tỉnh đều có trình độ từ kỹ sư, cử nhân trở lên. Cán bộ ở các Phòng cấp huyện và ở cấp xã phường làm việc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở các lưu vực sông suối không đều nhau. Phần lớn các cán bộ trong lĩnh vực này không được đào tạo nâng cao kiến thức về lưu vực sông, về quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Hơn nữa họ phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nên kiến thức của họ về bảo vệ môi trường lưu vực sông còn hạn chế. Trong khi đó hoạt động quản lý nước ở cấp lưu vực sông lại đang đòi hỏi phải có kỹ năng cao hơn. Hiện nay, nhu cầu về cán bộ quản lý tài nguyên nước, còn rất thiếu so với đòi hỏi của tình hình thực tế ở cấp huyện và xã, phường.

Một phần của tài liệu hoàn thiện công tác quản lý và sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh khánh hòa (Trang 95)