- Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ:
2. Đặc trưng văn hóa khu vực đồng bằng
Vùng đồng bằng trải dài dọc theo lãnh thổ Việt Nam và văn hóa vùng đồng bằng thể hiện tính thống nhất trong đa dạng. Dưới đây chúng tôi sẽ trình bày đặc trưng văn hóa theo từng vùng, kết hợp tính đa dạng văn hóa vùng và tộc người. Ở vùng đồng bằng, ngoài người Kinh (Việt) còn có các dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Chăm ở miền Trung, người Khơ me, người Hoa ở Nam Bộ.
2.1. Đặc trưng văn hóa người Việt vùng đồng bằng
2.1.1.Đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ-chiếc nôi văn hóa của người Việt.
Đồng bằng Bắc Bộ theo lý thuyết khu vực học của các nhà nghiên cứu Nhật Bản là một trong 10 vùng văn hóa điển hình ở Đông Nam Á. Có thể nói Đồng bằng Bắc Bộ và cả bắc Trung Bộ, vốn gắn liền với quốc gia từ buổi đầu dựng nước (châu Hoan, châu Diễn hay xứ Thanh, xứ Nghệ) là vùng văn hóa- lịch sử cổ, là cái nôi hình thành dân tộc Việt (Kinh) và văn hóa Việt, đồng thời cũng là nơi hình thành các nền văn hóa nổi tiếng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Lịch sử văn minh Việt Nam từ thời Hùng Vương tới hiện nay là sự tiếp nối từ văn hóa Đông Sơn đến Đại Việt và văn hóa Việt Nam trong đó tiêu biểu là các di tích Bạch Hạc, Cổ Loa, Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. Các nhà văn hóa đã phân chia các sắc thái tiểu vùng như: Kinh Bắc, vùng Đất Tổ, vùng Trung tâm, vùng Duyên hải ...
Là cội nguồn, đồng bằng Bắc Bộ cũng đồng thời là trung tâm của đời sống chính trị xã hội và là nơi hình thành và phát triển những truyền thống văn hóa lâu đời thông qua hoạt động kinh tế, các dạng thức của văn hóa vật thể và phi vật thể, các quan hệ xã hội...làm nên bản lĩnh và cốt cách dân tộc.
Chúng ta thường nói văn hóa Việt Nam là văn hóa xóm làng, văn minh Việt Nam là văn minh nông nghiệp và người Việt Nam chủ yếu là nông dân. Đó dường như là một hằng số để cho đến thời hiện đại vấn đề tam nông vẫn còn là cốt lõi. Điều đó trước hết được thể hiện tại đồng bằng sông Hồng từ hàng ngàn năm trước.
Lịch sử tụ cư của cư dân người Việt ở đồng bằng sông Hồng diễn ra từ hàng ngàn năm trước. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, sử học, dân tộc học, quá trình này diễn ra khoảng từ 7000 đến 4000 năm trước. Từ vùng thung lũng chân núi người Việt từng bước chinh phục và chiếm lĩnh vùng đồng bằng sông Hồng. Cách ngày nay khoảng 2800-2700 năm với văn hóa Đông Sơn, văn hóa đồng bằng sông Hồng phát triển rực rỡ với văn hóa đồ đồng. Kỹ thuật đúc đồng đã tạo cơ sở cho sự phát triển mạnh của sản xuất nông nghiệp.
Trên lãnh thổ Việt Nam, đồng bằng sông Hồng là nơi có mật độ dân số đông nhất so với các vùng trong cả nước, gấp khoảng 3 lần so với đồng bằng sông Cửu Long và gấp khoảng 6 lần so với các tỉnh duyên hải miền Trung. Trong khi đó như đã đề cập, diện tích đồng bằng sông Hồng chỉ chiếm khoảng ¼ diện tích đồng bằng cả nước và do đó không ở đâu hiện tượng đất chật người đông lại điển hình như ở khu vực này. Do sức ép dân số, vấn đề nông nghiệp luôn được đặt ra thường xuyên liên tục ở đồng bằng sông Hồng.
Như vậy, văn hóa đồng bằng sông Hồng trước hết là văn hóa nông nghiệp, trong đó nghề trồng lúa đóng vai trò chủ đạo, dù đời sống kinh tế-xã hội hiện nay có nhiều thay đổi. Lối sống cổ truyền hàng nghìn năm trước vẫn được lưu truyền và ảnh hưởng mạnh mẽ đến lối sống cư dân thời kỳ công nghiệp hóa mà sự phục hồi hội làng là một ví dụ. Tất nhiên, bên cạnh nông nghiệp còn có hoạt thủ công nghiệp, thương nghiệp, đánh bắt cá sông biển... Trong các hoạt động kinh tế đó, thủ công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong diện mạo bức tranh đồng bằng sông Hồng và là nơi xuất hiện dày đặc các nghề thủ công và các làng thủ công5 phản ánh quá trình lao động sáng tạo và bàn tay tài hoa của ông cha ta qua hàng nghìn năm lịch sử.
Khi nói đến văn hóa Việt người ta thường nhấn mạnh đến 3 nhân tố cơ bản: NHÀ-LÀNG-NƯỚC. Đây là 3 nhân tố cốt lõi được hình thành bởi điều kiện lịch sử kinh tế xã hội quy định và có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Nhà với cách là gia đình mà trước hết là tiểu gia đình phụ quyền luôn được coi là tế bào xã hội, là nơi tiếp nhận, trao truyền, nuôi dưỡng và phát huy văn hóa dân tộc. Cùng với tiểu gia đình còn có sự tồn tại của đại gia đình (tứ đại đồng đường, Ngũ đại đồng đường). Trên nền tảng ý thức hệ Nho giáo gia đình người Việt là gia đình phụ quyền tôn ty trật tự chặt chẽ. Gia đình là một đơn vị xã hội đồng thời là một đơn vị kinh tế (thông qua các hoạt động nông nghiệp, thủ công nghiệp, trao đổi hàng hóa). Mặc dù ảnh hưởng đậm của ý thức hệ Nho giáo nhưng trong gia đình người Việt, phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh tế và cuộc sống gia đình, cao hơn nhiều so với các xã hội Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mối quan hệ