Ảnh hưởng của các dòng phái khác

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 130)

1 Nói 23 thế hệ, là theo bản đồ truyền thừa của cuốn Nam Tông tự Pháp đồ, vì từ Tiêu Diêu trở xuống, tại Việt Nam lúc bấy giờ hầu như chỉ có một dòng Trúc Lâm là phát triển nhất, đồng thờ

3.2.2. Ảnh hưởng của các dòng phái khác

- Về Mật giáo: Như phần trên đã trình bầy, đến thời nhà Trần, Phật giáo chủ yếu được phát xuất từ dòng Vô Ngôn Thông. Tuy Thiền sư Thường Chiếu đã có định hướng quy ba tông về làm một tông, nhưng như vậy không có nghĩa là Mật tông đã tuyệt tích. Nếu như hai tông phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông có ảnh hưởng lớn với triều đình cũng như quần chúng Phật tử bình dân, thì Mật tông lại có xu hướng ẩn tu. Có một chi tiết đáng lưu ý là, thế hệ của Y Sơn có 2 người đắc pháp, nhưng trong sách Thiền Uyển tập anh chép thiếu một người. Phải chăng người bị chép thiếu đó chính là một trong những vị cao tăng Mật giáo đã ẩn tu, và chỉ khi nào gặp người đủ duyên mới độ. Đây có thể là lý do tại sao đến đầu thế kỷ 14, Mật tông lại thấy xuất hiện, đặc biệt là đối với vị tổ thứ hai của phái Trúc Lâm Yên Tử, đó là Pháp Loa. Nói về tiểu sử của Pháp Loa, trong Tam Tổ thực lục có nhiều đoạn khiến ta liên tưởng đến Mật giáo, chẳng hạn như đoạn viết sau đây:

“Sư thường ngày đêm lễ Phật, trì chú, không lúc nào thiếu sót, lại viết bài phát nguyện trong “Lục thời nghi”, đại ý nói: “Chư Phật, Bồ Tát có những hạnh nguyện gì đều xin học cả. Hết thảy chúng sinh hoặc tán dương hay hủy báng, hoặc kính trọng hay xem thường, hoặc bố thí hay cướp đoạt, mà khi gặp mặt hay nghe tên, đều nguyện độ cho họ được giác ngộ”.

131

Đặc biệt, khi Pháp Loa bị bệnh nặng, Ngài đã trao lại những ấn chứng truyền thừa cho các đệ tử, trong đó có những pháp khí thuộc truyền thừa của Mật giáo. Cũng trong sách Tam Tổ thực lục có đoạn viết:

“Tháng 2 năm Đinh Tị, niên hiệu Đại Khánh thứ 4 (1317), sư bệnh nặng, bèn đem y và tâm kệ do Điều Ngự truyền lại trao cho Huyền Quang, đem pháp khí tích trượng trao cho Cảnh Ngung, phất tử trao cho Cảnh Huy, trúc bề trao cho Tuệ Quán, kinh sách và dụng cụ hành pháp trao cho Tuệ Nhiên, linh vàng trao cho Hải Ấn, chày vàng trao cho Tuệ Chúc. Khi sư lành bệnh, Huyền Quang từ khước việc phú chúc ấy”.

Tiếp sau đó: “Sư lại phụng chiếu đòi vị Phạm tăng Ban Để Đa Ô Sá Thất Lợi đưa trình kinh Bạch Tán Cái Thần Chú”.

Hay cũng trong Tam Tổ thực lục viết: “Năm Quí Hợi, niên hiệu Đại Khánh thứ 10 (1323), sư 40 tuổi. Tháng 9, Tư đồ Văn Huệ Vương, Uy Huệ Vương mời sư về chùa Báo Ân tại Siêu Loại để truyền giới Bồ Đề và thọ pháp Quán đỉnh. Bảo Vân công chúa mời sư về chùa Siêu Loại giảng hai hội thứ ba và thứ bốn kinh Hoa Nghiêm” [82, tr.50].

Như vậy, Pháp Loa không chỉ thông hiểu kinh điển thuộc về Hiển giáo, mà còn thông hiểu cả kinh điển thuộc Mật giáo. Linh và Chày là những pháp khí thuộc Mật giáo. Đồng thời, Sư phải rất thông hiểu kinh điển của Mật giáo mới có chiếu yêu cầu Ngài duyệt lại bộ kinh Bạch Tán Cái do vị sư Ấn Độ dịch của Mật giáo. Đặc biệt, sư còn thăng tòa truyền Quán đỉnh cho Thượng hoàng Anh Tông, Văn Huệ Vương, Uy Huệ Vương. Đây là một nghi thức của Mật giáo. Nếu không phải là bậc thầy A Xà Lê đã được truyền thừa theo quy định thì sẽ phạm vào tội ăn cắp pháp. Tuy rằng các tài liệu không trực tiếp nói Pháp Loa nhận Quán đỉnh từ bậc thầy nào của Mật Tông, nhưng từ thời vua Nhân Tông và Minh Tông đã có các vị sư từ Ấn Độ, Chiêm Thành, Tây Tạng sang ta. Ngay thời vua Trần Nhân Tông đã có Du Chi Bà Lam vị sư người Hồ sang Đại Việt rồi ở lại cho đến cuối đời. Sự kiện này được Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau:

132

“Sư sang ta vào thời Nhân Tông, vẻ người già nua, tự nói là 300 tuổi, có thể ngồi xếp bằng trên mặt nước, lại có thể thu cả ngũ tạng lên ngực, làm cho trong bụng lép kẹp, chỉ còn da bụng và xương sống thôi. Sư chỉ ăn lưu hoàng, mật, rau dưa, ở mấy năm thì về nước, đến nay lại sang ta. Vua lấy con gái sư là Đa La Thanh vào cung. Nhà sư sau mất ở kinh sư”

Cũng sách này còn cho biết, sau này dưới thời Trần Minh Tông “cũng có sư người Hồ là Bồ Đề Thất Lý sang ta, có thể nổi trên mặt nước, nhưng nằm ngửa mà nổi, không giống như nhà sư Du Chi”. [14, tr. 96].

Cùng với các sư người Hồ, vào năm Giáp Thìn, Hưng Long năm thứ 12 (1304) còn có sư Du Già nước Chiêm Thành sang ta, chỉ ăn sữa bò. [14, tr. 88].Tam Tổ thực lục còn nói tới một vị sư người Ấn tên là Ban Để Ô Sá Thất Lợi đã phụng chiếu vua Minh Tông dịch bộ kinh Bạch Tán Cái Thần Chú. Để có thời gian học được tiếng Việt đến mức có thể dịch được kinh từ tiếng Phạn ra tiếng Việt, nhà sư chắc đã phải có thời gian ở Việt Nam tương đối lâu. Như vậy, việc sư Pháp Loa học Mật giáo chắc chắn có liên quan chặt chẽ đến hoạt động của các vị sư ngoại quốc nói trên. Mật giáo đầu thế kỷ 14 dường như được khơi dậy lại.

Đến vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm Yên Tử là Huyền Quang, yếu tố Mật tông cũng có những biểu hiện khá rõ nét. Trong Tam Tổ thực lục có chép: “Ngày rằm tháng giêng năm Quý Sửu (1313), sư về kinh thăm vua, rồi đến chùa Báo Ân giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm…” Đây là một bộ kinh có liên quan đến thiền và Mật giáo. Đặc biệt, sự kiện mà Huyền Quang bị Thị Bích vu khống, khi vua cho kiểm tra lại bằng cách lập một đàn Lục Cúng, trong đó bầy cả những đồ tạp vật, rồi thỉnh sư tới cúng được chép trong Tam Tổ thực lục rất đáng lưu ý:

“Sư biết là do việc cung nữ thử mình ngày trước, liền ngửa mặt lên trời than thầm, rồi lên đàn ba lần, xuống đàn ba lần. Đứng ngay giữa đàn, vọng bái Thánh hiền mười phương. Tay trái cầm bình bạch ngọc, tay phải cầm nhánh dương xanh, mật niệm Thần chú và tẩy tịnh trên dưới và trong ngoài đàn tràng. Bỗng thấy một đám mây đen hiện lên từ hướng Đông Nam, bụi bay mù mịt ngất trời. Một lát liền dứt, các thứ tạp vật cuốn bay đi hết, chỉ còn lại hương đăng lục cúng…”.

133

Đây rõ ràng là nghi thức tế lễ gắn với Mật giáo.

Ngoài Mật tông, Phật giáo thời Trần còn có ảnh hưởng tư tưởng Tịnh độ tông. Trong tác phẩm Khóa hư lục, Trần Thái Tông có bàn về niệm Phật như sau:

“Ôi! Niệm Phật do tâm khởi. Tâm khởi thiện là thiện niệm. Khởi thiện niệm tất báo thiện nghiệp. Tâm khởi ác là ác niệm. Sinh ác niệm tất ứng ác nghiệp. Như gương hiện ảnh, tựa bóng theo hình. Nên Vĩnh Gia thiền sư nói: ‘Đâu là vô niệm, đâu là vô sinh’, là nghĩa thế vậy. Người học ngày nay, muốn khởi chính niệm, để tắt ba nghiệp cũng nhờ ở công phu niệm Phật. Niệm Phật để tắt ba nghiệp là sao? Bởi khi niệm Phật, thân chính ngồi ngay, chẳng làm hạnh tà, tắt nghiệp về thân. Miệng tụng chân ngôn, chẳng nói lời tà, là tắt nghiệp khẩu, ý nghĩ tinh tiến, chẳng khởi niệm tà, là tắt nghiệp ý.”[73, tr.47].

Trong bài Niệm Phật luận này, vua Trần Nhân Tông nhắc tới Vĩnh Gia, tức thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ, một Thiền sư Trung Quốc (904 - 975) thuộc Thiền phái Pháp Nhãn. Ngài là người đã áp dụng phương pháp kết hợp niệm Phật và trì chú trong Thiền môn. Đây cũng là một trong những phương pháp tu tập thời khóa công phu thiền định và niệm Phật của chư tăng sau này, nhất là vào thời Thiền sư Huyền Quang. Sau này Phật giáo, tu Thiền kết hợp với Tịnh độ gọi là Thiền Tịnh song tu, hoặc Tịnh Mật song tu.

Tuy rằng, Tuệ Trung Thượng Sĩ chủ trương lấy Thiền tu là chính, nhưng Ngài có nghiên cứu Tịnh độ. Trong tập Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục có bài phú “Bảo tu nghiệp Tây Phương”:

Di Đà vốn thực pháp thân ta Nam Bắc Đông Tây khắp chói lòa Trăng Thu ngự giữa trời cao lộng Đêm lặng trùng dương rạng chiếu xa.

(Bản dịch của Nguyễn Lang)

Trong thực tế, người tu hành pháp môn niệm Phật được chia làm ba hạng: thượng, trung và hạ trí. Người hạ trí cho rằng Đức Phật Di Đà và cảnh giới Tây Phương là một mục tiêu cần đạt đến. Người trung trí nhận được Phật Di Đà và cảnh

134

giới Tây Phương có trong tâm ta, nhưng do bị vô minh, cấu nhiễm che lấp nên cần phải tu hành để trở về với tâm vốn Di Đà của mình. Đối với bậc thượng trí, thì Di Đà là Pháp thân, sáng rỡ, và có khắp cả mười phương. Thượng Sĩ là người đã giác ngộ được “tính không”, vượt qua khỏi đối đãi, xem Tinh độ Di Đà bằng con mắt tuệ của bậc giác ngộ.

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 130)