Lý Công Uẩn với việc định đô Thăng Long

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 70 - 72)

QUAN HỆ GIỮA VƯƠNG TRIỀU LÝ VỚI PHẬT GIÁO

2.1.3. Lý Công Uẩn với việc định đô Thăng Long

Sau chiến thắng vĩ đại chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm (938) dân tộc ta đã bước sang một trang sử mới, một kỷ nguyên đất nước độc lập, tự do vững chắc được mở ra.

Với việc Lý Công Uẩn lên ngôi vào cuối năm Kỷ Dậu (1009), vương triều Lý được thiết lập, tiếp nối và đưa sự nghiệp chấn hưng dân tộc lên một tầm cao mới, mở ra kỷ nguyên văn minh Đại Việt rực rỡ trong lịch sử dân tộc. Toàn bộ chính sách trị nước, an dân của triều lý được xác lập, định hình bởi Lý Thái Tổ. Do vậy, có thể nói những đặc điểm về nhân cách của ông có dấu ấn đậm nét trong toàn bộ diễn trình lịch sử của vương triều.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì ngay từ tuổi ấu thơ, Lý Công Uẩn đã gắn bó chặt chẽ với Phật giáo, được các bậc cao tăng, đặc biệt là thiền sư Vạn Hạnh dày công rèn dạy. Sư Vạn Hạnh, người đã sớm nhận ra những khí chất phi thường của Lý Công Uẩn từ khi vua còn là một đứa trẻ, đã ra sức giúp rập, theo sát từng bước đường trưởng thành của ông. Đến lúc nhà Tiền Lê rơi vào khủng hoảng, thiên hạ đứng trước nguy cơ đại loạn, chính Vạn Hạnh đã đưa ra lời khuyến cáo vô cùng quan trọng cho Lý Công Uẩn: “Mới rồi tôi thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ là người khoan thứ nhân từ được lòng dân, lại đang nắm binh giữ quyền trong tay, đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ thì còn ai đương nổi nữa.” [13, tr. 237-238].

71

Sự hậu thuẫn của sư Vạn Hạnh nói riêng và giới Tăng ni, Phật tử nói chung, và bên cạnh đó là sự ủng hộ mạnh mẽ của giới quân sự và quan lại mà đại diện là Đào Cam Mộc là những cơ sở quan trọng nhất khiến cho Lý Công Uẩn kiên quyết hành động và ông đã được suy tôn lên ngôi hoàng đế.

Sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn đã thực thi một loạt quyết định quan trọng, có tầm chiến lược để mở ra vận hội mới cho đất nước. Năm Thuận thiên năm thứ 1 (1010), cùng với việc xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, Lý Công Uẩn còn xuống chiếu ban hành hàng loạt những chính sách đáp ứng nhu cầu trị quốc và xây dựng đất nước như: dựng lại các cung điện trong Kinh thành, sắp xếp lại các đơn vị hành chính… Đặc biệt vua đã xuống chiếu phát tiền kho 2 vạn quan, thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức, tất cả nơi nào có chùa đổ nát đều cho dựng lại. Ngay trong Kinh thành, bên cạnh những cung, lầu của triều đình, vua đã cho xây chùa Ngự Hưng Thiên, ngoài thành về phía Nam, vua cho dựng chùa Thắng Nghiêm. Vua Lý Công Uẩn được đào tạo dạy dỗ từ môi trường nhà chùa của đạo Phật, nên vua cũng rất hiểu vai trò của một ngôi chùa, không chỉ là nơi tu hành của các tu sĩ, mà còn là một ngôi trường thân thiện, gần gũi đào tạo lên những bậc trí thức cho thời đại, và không chỉ dạy cho con em nông dân cái chữ cái nghĩa, còn dạy cho họ cách làm người. Ngôi chùa cũng là nơi kết nối và khơi dậy lòng yêu nước, trung tâm văn hóa làng xã, nơi tập hợp sức mạnh đoàn kết của những người dân lúa nước, là nơi giữ gìn hồn thiêng văn hóa truyền thống cho dân tộc. Vua Lý Công Uẩn là người hiểu hơn ai hết những giá trị và vai trò của Phật giáo. Chẳng thế mà mới lên ngôi năm thứ hai, vua đã cho xây dựng nhiều chùa chiền, mong muốn của vua chính là mong muốn của dân, vua đã đặt địa vị của mình vào địa vị của dân trước khi yêu cầu dân phải biết mình là ai, và dân có yên nước mới hưng thịnh. Đây cũng chính là đường lối tư tưởng xuyên suốt của vua Lý Công Uẩn cũng như hầu hết các vua triều Lý, đó là lấy dân làm gốc, dân có giàu nước mới mạnh. Sau này các nhà nghiên cứu đã gọi chế độ nhà nước triều Lý là mô hình “nhà nước tập quyền thân dân” [22, tr.43]. Đây là một đường lối, quan điểm tư tưởng đúng đắn và chính xác, cũng chính nhờ vào quan điểm đường lối đúng đắn này mà triều Lý đã trị vì lâu dài nhất, thịnh

72

vượng, đặc biệt là nhân dân được hưởng một thời đại ấm no và hòa bình nhất trong các triều đại của lịch sử dân tộc.

Việc Lý Công Uẩn mới lên ngôi đã cho làm chùa là việc làm có mục đích, không phải như cách nhìn của các tri thức tôn sùng Nho giáo mà đưa ra những lời nhận xét đầy tính kỳ thị, đại loại như: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể, của không phải của trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật lộng lẫy hơn cả cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy.” [13, tr.242]. Nhìn vào lịch sử có thể thấy, trước thời Hậu Lê, chùa chiền chính là điểm tụ họp, gặp gỡ của nhân dân Phật tử, hình ảnh ngôi chùa sau lũy tre làng đã là một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt, sau một nghìn năm Bắc thuộc, góp phần giữ gìn được truyền thống văn hóa của mình. Từ cái nhìn cực đoan, độc tôn Nho giáo, các sử thần Nho gia chẳng những đã đánh giá thiếu khách quan, thậm chí còn có phần đố kị sự phát triển vượt bực, toàn diện của triều Lý, khởi đầu từ Lý Công Uẩn.

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 70 - 72)