QUAN HỆ GIỮA VƯƠNG TRIỀU TRẦN VỚI PHẬT GIÁO
3.2.1. Tam tông quy nhất tông
Quá trình vận động, thiết kế, xây dựng lên triều đại nhà Lý, công lao lớn nhất thuộc về Thiền sư Vạn Hạnh, thuộc dòng phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Đương nhiên trước đó, thời nhà Đinh và Tiền Lê phái Vô Ngôn Thông cũng đã có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc đấu tranh và củng cố nước Đại Việt. Đến thời vua Lý Thánh Tông, vua rất mến mộ sự am hiểu của thiền sư Thảo Đường. Vua Lý Thánh Tông đã ban chức Quốc sư cho thiền sư Thảo Đường. Như vậy bắt đầu từ vua Thánh Tông nhà Lý, cả ba dòng phái đều cùng song song tồn tại và phát triển, và đều có những đóng góp cho triều đại nhà Lý. Mỗi dòng phái có những nét đặc thù và mặt ưu việt riêng. Dưới thời Lý, ba dòng phái này luôn thay nhau nắm giữ những chức sắc cao do vua ban như, Quốc sư, Tăng thống hay Tăng lục. Đây là những chức danh đứng đầu giáo phẩm Phật giáo và thường làm cố vấn cho vua và triều đình trong những kế sách trị quốc hoặc giúp cho vua nghiên cứu học hỏi giáo lý nhà Phật. Các bậc tôn túc danh tăng được vua ban tặng danh hiệu là nhờ uy tín tu hành của các Ngài. Về mặt quản lý tăng đoàn, Giáo hội sinh hoạt tăng theo chiều ngang. Phật giáo có các Sơn môn, Pháp phái. Tăng đoàn sinh hoạt theo quy chế Tổ đình. Những ngôi chùa lớn, danh tiếng hầu như đều gắn với các dòng phái, các bậc cao tăng như chùa Lục Tổ của dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi, chùa Kiến Sơ thuộc dòng Vô Ngôn Thông, và chùa Khai Quốc (Kinh đô Thăng Long) thuộc dòng phái Thảo
126
Đường. Ngoài Giới luật mà Đức Phật đã chế đặt, tăng đoàn còn sinh hoạt theo nghi quỹ tu tập, thời khóa hành trì cũng như quy định riêng của từng dòng phái, nhưng sự khác biệt là không lớn. Mục đích tu hành của các dòng phái đều như nhau, đó là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”. Đối với bản thân thì chuyên cần, tinh tiến tu hành để đạt tới giải thoát và giác ngộ. Đối với xã hội thì thực thi trách nhiệm của người tu hành tiến hành thuyết pháp độ sinh. Trong lịch sử phát triển của Phật giáo, có thời kỳ hình thành lên tới 20 bộ phái, rồi 10 tông. Sự hợp tách của các dòng phái, hay của các tông Phật giáo diễn ra chủ yếu để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.
Được hình thành tại Việt Nam từ thế kỷ thứ VI, đến cuối triều Lý, dòng phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã tồn tại được gần sáu trăm năm. Thiền sư cuối cùng của dòng phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi được triều Lý phong tặng Quốc sư là Viên Thông. Sau đó tuy dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi vẫn còn có một số cao tăng, nhưng lại trụ trì những chùa khác, tổ đình Lục Tổ thiếu vắng bậc cao tăng. Chính vì vậy mà, sau mấy chục năm, Thiền sư thuộc thế hệ thứ 12 dòng thiền Vô Ngôn Thông là Thường Chiếu lại về đây trụ trì. Thiền sư Thường Chiếu, họ Phạm, người hương Phù Ninh, từng giữ chức Quảng từ cung lệnh đô tào triều Lý Cao Tông, sau từ quan xuất gia với thiền sư Quảng Nghiêm ở chùa Tịnh Quả, được đích thân truyền thụ pháp chỉ. Ngài theo hầu thầy mấy năm rồi đi thuyết pháp, môn đồ theo học rất đông, cuối cùng về trụ trì chùa Lục Tổ.
Trước tình trạng suy thoái chính trị của triều đình, Thiền sư Thường Chiếu dồn tâm sức vào công việc nghiên cứu những tài liệu về dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi và các nguồn sử liệu Phật giáo do Thiền sư Thông Biện soạn. Trên cơ sở đó Thiền sư Thường Chiếu đã hoàn thiện bộ Thiền uyển tập anh, và biên soạn cuốn Nam tông tự Pháp đồ. Người được truyền lại những tài liệu quí này là thiền sư Thần Nghi. Sau khi Ngài về làm tọa chủ tổ đình Lục Tổ, số đệ tử đến chùa thụ giáo ngày càng đông. Tại đây mỗi khi thăng tòa thuyết giảng, Thiền sư đã vận dụng tinh túy của cả ba dòng phái cho thính chúng. Vì thế Thường Chiếu được coi là người thống nhất cả ba tông phái làm nhất tông. Tiếp nối Thường Chiếu là các Thiền sư Hiện Quang,
127
Thông Thiền và Thần Nghi, sau này đều trở thành những bậc long tượng của dòng phái Trúc Lâm.
Theo Nam tông tự Pháp đồ thì trực hệ dòng Vô Ngôn Thông, sau Thần Nghi còn có Thiền sư Ẩn Không, nhánh này tới đây thì chấm dứt. Nhánh của Thông Thiền còn truyền tiếp cho Thiền sư Tức Lự, rồi tới Ứng Thuận, sau đó truyền xuống cho 3 vị đệ tử là Nhất Tông, Giới Minh và Tiêu Dao mới dứt. Còn nhánh của Thiền sư Thường Chiếu chính là Thiền sư Hiện Quang, người khai sơn phá thạch, xây dựng cho nền móng dòng phái Trúc Lâm Yên Tử.
Thiền sư Hiện Quang, từ khi mới lên 10 tuổi, được thiền sư Thường Chiếu nhận nuôi làm đệ tử. Sư học hành tinh tấn, mỗi ngày tụng đọc cả vạn câu, chưa đầy 10 năm đã thông cả tam giáo, nhưng chưa kịp suy cứu về yếu chỉ của thiền tông thì Thường Chiếu đã quy tịch. Về sau, khi biện luận những điều tâm yếu thường bị người khác bắt bẻ, sư tự hối trách: “Ta nay cũng ví như đứa con nhà giàu, khi cha mẹ còn sống thì kiêu lười vô độ, sau khi cha mẹ chết thì thì cô độc mê muội, không biết của quý trong nhà cất giữ ở đâu, rốt cuộc trở thành nghèo khó”. Sư bèn đi vân du khắp chốn tùng lâm tìm thầy học đạo. Sau gặp thiền sư Trí Thông ở chùa Thánh Quả, được nghe một lời nói mà đất lòng đột nhiên bừng sáng, bèn thờ Trí Thông làm thầy. Sau đó, sư vào núi Uyên Trừng, phủ Nghệ An thụ giới Cụ túc với Thiền sư Pháp Giới [65, tr.159].
Khi ở núi Uyên Trừng với thiền sư Pháp Giới, một hôm thấy người hầu của tín chủ mang gạo lên cúng cho nhà chùa, lỡ tay làm đổ xuống đất, người ấy lo sợ, vội bốc cả gạo lẫn đất. Sư thấy vậy lấy làm hối hận, nghĩ rằng: “Ta sinh ra không ích gì cho ai, chỉ làm cho mọi người phải cung đốn vất vả nên mới đến nỗi như thế”. Lại nhân trước đây, thiền sư đã từng nhận sự cúng dàng từ công chúa Hoa Dương, rồi nghe thấy chuyện xì xào đàm tiếu. Bởi vậy sư quyết định chỉ ăn rau mặc lá không phải lo lường gì nữa. Sau gần 10 năm, sư muốn tìm nơi khác để tu hành trọn đời, bèn đến chỗ sâu trong núi Yên Tử kết am tranh mà ở. Mỗi khi xuống núi, sư thường quảy túi vải trên đầu gậy, đi tới đâu, dã thú trông thấy đều đến thuần phục. Vua Lý Huệ Tông rất kính trọng, nhiều lần thỉnh về kinh, sư đều từ chối. Hiện
128
Quang là vị Tổ khai sơn núi Yên Tử, và cũng là Sơ Tổ của phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài viên tịch vào mùa xuân, năm Tân Tị, niên hiệu Kiến Gia thứ 11 (1221). Trước khi viên tịch, Thiền sư kiết già phu tọa trên một tảng đá, đọc kệ truyền thừa cho đệ tử rồi an nhiên thị tịch. Đệ tử trực hệ của Ngài là Đạo Viên.
Phái Trúc Lâm có ảnh hưởng rất lớn tới vương triều Trần. Ngay vị vua đầu tiên là Trần Thái Tông cũng đã có quan hệ chặt chẽ và lắng nghe lời khuyên bảo của các Thiền sư thuộc dòng phái này. Sử sách có chép cuộc hội kiến với vua trên núi Yên Tử năm 1236. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư thì nhà vua Trần Thái Tông lên núi Yên Tử định đi xuất gia, gặp Phù Vân một Thiền sư đồng thời là bạn hữu của vua. Sự kiện Thái Tông lên núi, định bỏ ngai vàng qui theo đạo Phật là có thật, nhưng việc chép người gặp và khuyên vua là Phù Vân có lẽ là một sự nhầm lẫn. Căn cứ vào Nam tông tự Pháp đồ thì Phù Vân là pháp tự của thiền sư Tĩnh Lự, đệ tử của thiền sư An Tâm thuộc thế hệ thứ 10 của phái Trúc Lâm. Như vậy thì sư không thể là bạn của vua Trần Thái Tông được, vì tổ thứ 3 của Trúc Lâm, vua Trần Nhân Tông còn là hậu duệ của Trần Thái Tông. Các tài liệu Phật giáo như Thánh Đăng Lục, Yên Tử sơn Trúc Lâm Trần Triều Thiền Tông bản hạnh và tài liệu truyền thừa chùa Hoa Yên của Hòa Thượng Phúc Điền, đều thống nhất cho rằng người đã hội kiến và khuyên vua Trần Thái Tông năm 1236 là Viên Chứng, hay Trúc Lâm Quốc sư. Thực ra đó chỉ là một người, Thiền sư Đạo Viên. Vai trò và ảnh hưởng của Đạo Viên đối với tư tưởng Phật học và tinh thần chính trị nhập thế của vua Trần Thái Tông là hết sức quan trọng. Chính sự giác ngộ về Phật học của vua Trần Thái Tông từ lời giáo hóa của Trúc Lâm Quốc sư đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của một triều đại, từ đó sự gắn kết giữa Phật giáo với dân tộc trở nên sâu sắc hơn, bền chặt hơn và rộng mở hơn. Theo Thiền tông chỉ nam thì vua Trần Thái Tông gọi thiền sư Đạo Viên là “Trúc Lâm Đại sa môn Quốc sư ”, còn Thiền sư xưng với vua là “Lão Tăng”. Có lẽ lúc này Thiền sư Đạo Viên cũng không còn trẻ nữa. Sau đó 12 năm, vào năm 1248, vua Trần Thái Tông đã thỉnh Quốc sư về kinh sư để giúp đọc duyệt lại những bộ kinh và lục trước khi đem khắc bản gỗ để ấn loát và lưu hành. Trong dịp này, vua đã trình với Trúc Lâm Quốc sư tác phẩm Thiền tông chỉ nam
129
của mình. Trúc Lâm Quốc sư đã khen ngợi và khuyên nên khắc bản để in luôn vào dịp ấy. Từ những sự kiện này, chúng ta thấy, Trần Thái Tông kính trọng Trúc Lâm Quốc sư, đối xử với Ngài như quan hệ thầy trò.
Ngoài ra, còn một người có ảnh hưởng không nhỏ tới tư tưởng tu tập của vua Trần Thái Tông là Thiền sư Thiên Phong, thuộc dòng thiền Lâm Tế. Thiên Phong là người từ Chương Tuyền, Trung Quốc đến. Theo Thượng Sĩ ngữ lục thì, Thiên Phong là cư sĩ, còn sách Thánh Đăng Lục lại cho rằng Thiền sư Thiên Phong là một vị tăng nhà Tống. Sách Trần Triều Thiền Tông bản hạnh chỉ nói, Thiên Phong là thầy nước ngoài được vua Trần Thái Tông mời tới viện Tả Nhai để giảng Phật pháp cho các bậc thiện tri thức, trong đó có thiền sư Đại Đăng, người sau này được truyền tâm ấn từ Thiên Phong.
Có thể nói, chính vua Trần Thái Tông là người khởi động phong trào chấn hưng Phật giáo thời Trần, và người thầy tâm linh của Thái Tông chính là Quốc sư Trúc Lâm (thiền sư Đạo Viên). Từ đây dòng Thiền Trúc Lâm được hưng khởi. Căn cứ vào Nam Tông tự Pháp đồ, phái Trúc Lâm được lưu truyền 23 thế hệ1, trong đó có các vị cao tăng lỗi lạc, đã đóng góp không nhỏ cho dân tộc, cho Phật giáo như Đạo Viên, Đại Đăng, Tiêu Diêu, Huệ Tuệ, Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang v.v… Đây được coi là các bậc Thượng Sĩ, Thánh tăng của Phật giáo Việt Nam. Trong đó, cùng với các nhà tu hành suốt đời phụng sự đạo pháp còn có các vị vua đầu thời Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông, Trần Anh Tông. Họ không chỉ là những minh quân, mà còn là những Phật tử thuần thành. Trong số đó, đặc sắc nhất phải kể đến đức vua Trần Nhân Tông. Ngài vừa là một anh hùng hào kiệt của dân tộc, một bậc quân vương minh triết, một nhà chiến lược đại tài, vừa là một bậc chân tu vĩ đại của dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam. Vua nắm được cơ vận của trời đất, ra vào hợp thời, thấu lẽ sinh tử.