Chính sách bình đẳng tôn giáo và tự do tín ngưỡng của nhà Trần

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 148 - 151)

1 Lý do Nhân Tông đặt câu hỏi này được chính Nhân Tông ghi trong “Thượng Sĩ Ngữ Lục” do Ngài soạn Trong Thượng Sĩ Ngữ Lục có đoạn viết: “Riêng tôi, nay cũng nhờ ơn Thượng Sĩ dạy dỗ Lúc

3.4.1. Chính sách bình đẳng tôn giáo và tự do tín ngưỡng của nhà Trần

Nhà Trần, về cơ bản cũng thực thi đường lối cai trị thân dân và chính sách bình đẳng tôn giáo và tự do tín ngưỡng giống như triều Lý. Tuy nhà Trần biên soạn lại luật lệ thành bộ Quốc triều thông chế và sửa đổi hình luật lễ nghi, gồm 20 quyển, nhưng nhà Trần đã dựa rất nhiều vào luật lệ thời Lý. Từ nền tảng đã được tạo dựng từ thời nhà Lý, triều Trần đã phát triển và cải tiến sự nghiệp giáo dục. Các kỳ thi đều có thi cả ba môn, Phật, Nho, Lão, gọi là thi “Tam giáo”, với mục đích giúp cho

149

người học phải có cái nhìn tổng quát về chính trị, xã hội và tư tưởng, để mang sở học của mình mà phục vụ cho xã hội đất nước. Đây cũng là những biểu hiện của sự tôn trọng và chính sách bình đẳng tôn giáo. Ưu ái với những người đỗ đạt cao trong các kỳ thi, để khuyến khích sự học tập cho xã hội, nhà Trần đã cho các thí sinh đỗ cao được vào chầu vua, đây được coi là đặc ân cho những người đỗ đạt. Lệ này được bắt đầu từ năm 1236, sau này thành định lệ.

Từ năm 1247 mở khoa thi, các khoa thi bắt đầu định lệ chọn Tam khôi. Năm ấy Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa là tiêu biểu cho 48 người đỗ Thái học sinh. Đến năm 1253, nhà Trần lại cho lập Quốc học viện, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Á thánh (Mạnh Tử), vẽ tranh 72 người hiền để thờ. Cùng năm vua còn xuống chiếu vời Nho sĩ trong nước đến Quốc tử viện giảng tứ thư, lục kinh. Nhờ có quan tâm của triều đình tới sự học và nhân tài mà năm 1272, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc tử viện giám tu Lê Văn Hưu soạn xong bộ Đại Việt sử ký, ghi chép từ thời Triệu Vũ đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển. Cũng năm này, triều đình đã xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức và thông hiểu kinh sách làm tư nghiệp Quốc tử giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của tứ thư, ngũ kinh sung vào hầu nơi vua đọc sách.

Như vậy, tuy rằng vẫn lấy Phật giáo làm bệ đỡ tư tưởng cho hệ thống cai trị và xã hội giống như nhà Lý, nhà Trần vẫn tôn trọng sự học của thế gian, và các hệ tư tưởng khác, miễn là có ích cho việc trị quốc và phát triển đất nước. Tuy nhiên, khi sử dụng Nho giáo như một công cụ trị quốc, các vua Trần vẫn tỏ rõ thái độ khoan dung, độ lượng và không chấp nhận sự khắt khe, cố chấp của đạo Nho. Khi các quan nặng tư tưởng Nho giáo, có ý muốn thay đổi chế độ chính sách, các vua nhà Trần luôn thể hiện quan điểm nhân ái hoặc thẳng thắn phê phán. Đại Việt sử ký

có chép lời bàn của Phan Phu Tiên về một sự kiện có ý nghĩa như vậy:

“Minh Tông có bẩm tính nhân hậu, nối nghiệp thái bình, phép cũ của tổ tông, không thay đổi gì cả. Bấy giờ có kẻ sĩ dâng sớ nói là trong nhân gian có nhiều người đến già vẫn không có hộ tịch, thuế má không nộp, sai dịch không theo, vua

150

nói: ‘Không như thế, thì làm sao có thể thành đời thái bình? Ngươi muốn ta trách phạt họ thì có được việc gì không?” [14, tr.138].

Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh là những triều thần sùng bái Nho giáo muốn thay đổi chế độ, vua nói: “Nhà nước đã có phép tắc riêng. Nam, Bắc khác nhau, nếu nghe kế của bọn học trò mặt trắng tìm đường tiến thân thì sinh loạn ngay” [14, tr.138].

Như vậy, quan điểm của vua rất rõ ràng, “Học trò mặt trắng” (Bạch diện thư sinh) là cách nói khác chỉ mấy vị quan lại theo Nho giáo. Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh cũng là những nhà Nho có tiếng, nhưng đối với vua thì chỉ là “những học trò mặt trắng tìm đường tiến thân” mà thôi.

Lão giáo được truyền sang từ Trung Quốc và cũng được nhà Lý nhà Trần tôn trọng. Căn cứ vào những gì đã thể hiện, Lão giáo cũng được đối xử bình đẳng với Phật giáo và Nho giáo. Phùng Tá Khang, cha của Phùng Tá Chu, được bổ chức Tả nhai Đạo lục, là người trông coi về Đạo giáo. Đầu thời Trần không thấy nói nhiều về Lão giáo. Mãi đến đời vua Anh Tông, mới có một Đạo sĩ phương Bắc là Hứa Tông Đạo theo thuyền buôn sang ta, đến ở bến Yên Hoa (Nay là phường Yên Phụ, Hà Nội). Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì: “Năm Nhâm Dần, niên hiệu Long Hưng thứ 10 (1302), có người đạo sĩ phương Bắc là Hứa Tông Đạo theo thuyền buôn sang ta, cho ở bến Yên Hoa, phép phù thủy, đàn chay bắt đầu thịnh hành từ đó” [14, tr.86].

Đạo lão bắt đầu phát triển mạnh từ thời vua Dụ Tông (1341-1370) về sau. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Đời vua Dụ Tông, năm Mậu Thân, Đại Trị năm thứ 11 (1368), mùa đông, tháng 10, cho mời Đạo sĩ Huyền Vân ở Chí Linh đến kinh để hỏi về phép tu luyện. Ban cho động của đạo sĩ là “Huyền Thiên động” [14, tr.145]. Vào cuối thời nhà Trần, khi triều chính đã suy vi, đất nước rối ren, loạn thần nổi lên, Lão giáo đã tiếp tay cho Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Theo Đại Việt sử thì, năm 1398 Quý Ly đã ngầm sai đạo sĩ Nguyễn Khánh ra vào trong cung, thuyết phục vua rằng:

151

“Cõi tiên thanh nhã thơm tho, khác hẳn phàm trần. Liệt thánh triều ta chỉ thờ đạo Phật, chưa có ai theo Chân tiên. Bệ hạ được tôn ở ngôi cửu ngũ (chỉ ngôi vua), nhưng muôn việc khó nhọc, chi bằng truyền ngôi cho Đông cung để giữ khí hư hòa” [14, tr.193-194].

Vua nghe lời, rồi Khánh làm lễ tâu ghi vào sổ phụng đạo vào cõi tiên. Quý Ly làm cung Bảo Thanh ở phía Tây Nam núi Đại Lại, mời vua tới ở đó. Vua bèn nhường ngôi cho Hoàng thái tử, tờ chiếu nhường ngôi đại lược nói:

“Trẫm sớm mộ huyền phong (Đạo giáo), không có bụng muốn ngự xe Hoàng ốc (xe vua). Đức kém lạm giữ ngôi cao, thực khó lòng kham nổi. Huống chi tâm bệnh thường phát ra, việc tông miếu và chính sự do đấy đều bị trở ngại. Lời thề nguyền trước, trời đất quỷ thần đều đã nghe. Nay phải nhường ngôi để giữ mãi cơ đồ to lớn. Hoàng thái tử An hãy lên ngôi Hoàng đế. Phụ chính Thái sư Lê Quý Ly lấy danh nghĩa Quốc tổ giữ quyền nhiếp chính. Trẫm tự làm Thái Thượng Nguyên Quân Hoàng Đế, tu dưỡng ở cung Bảo Thanh để thỏa ý nguyền từ trước” [14, tr.194].

Tuy Nguyễn Khánh không phải là người chủ mưu, nhưng việc làm của ông ta đã tiếp tay cho Quý Ly. Tất nhiên việc này có lợi cho Khánh. Vua nối ngôi là thái tử An, lúc này mới 3 tuổi, lạy còn chưa biết, Quý Ly sai thái hậu lạy trước cho vua lạy theo. Cuối cùng thì vua cũng chỉ ở ngôi được 2 năm, Quý Ly bèn thò đuôi cáo, cướp ngôi vua, phế vua xuống làm Bảo Ninh Đại Vương.

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 148 - 151)