Bối cảnh lịch sử

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 123 - 125)

QUAN HỆ GIỮA VƯƠNG TRIỀU TRẦN VỚI PHẬT GIÁO

3.1. Bối cảnh lịch sử

Triều nhà Lý lấy Phật giáo làm bệ đỡ tư tưởng, đã rất thành công trong sự nghiệp phát triển đất nước trên mọi phương diện, chính trị, về kinh tế, quân sự, ngoại giao và văn hóa, đã xây dựng được một thể chế chính trị quân chủ độc lập, tạo nên một truyền thống văn hóa hết sức đặc sắc, tạo dựng được một mô hình nhà nước lấy dân làm gốc, duy trì được trong một thời gian khá dài lâu.

Nhưng dù có rất nhiều ưu điểm, triều Lý cũng không tránh khỏi vận suy. Điều này không tức khắc xảy ra trong một sớm, một chiều mà có những căn nguyên sâu xa. Khi trả lời vua Thần Tông về lẽ thịnh suy, Quốc sư Viên Thông từng nói:

“…Nguồn gốc dẫn đến điều đó thì không chỉ một sớm một chiều, mà có manh nha từ trước. Trời đất không thể nóng hay lạnh tức khắc, mà phải chuyển biến dần từ mùa xuân qua mùa thu…”[65, tr.81]

Bắt đầu từ Lý Thần Tông trở về sau, các vua khi lên ngôi đều còn quá nhỏ, mọi việc phải dựa vào quần thần, mọi việc đều do các quần thần định đoạt. Các vị vua cuối triều Lý lại không thọ (Lý Thần Tông mất năm có 23 tuổi, Lý Anh Tông chỉ sống đến năm 40 tuổi). Với mục đích tu hành để đạt tới trí tuệ và giải thoát, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Nhưng đối với xã hội, thì việc đóng góp còn tùy thuộc vào nhân duyên. Nếu gặp được minh quân thì xuất, gặp hôn quân thì ẩn. Mặc dù không trực tiếp tham gia công việc chính trị ở chốn triều đình, nhưng các bậc cao tăng vẫn có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp giữ gìn bảo tồn văn hóa của dân tộc. Vào cuối triều Lý, khi Đàm Dĩ Mông dèm pha với vua Cao Tông để sa thải tăng đồ, thì nhiều vị cao tăng đã rút về vùng thôn quê, rừng núi để tu hành. Có thể coi việc Thiền sư Hiện Quang bỏ nơi phồn hoa để lên núi Yên Tử tu hành là một trường hợp điển hình. Quyết định lên Yên Tử của ông được giải thích như sau:

124

“…Sư từng nhận lễ cúng dàng của công chúa Hoa Dương. Bấy giờ những lời hủy báng đạo phật dấy lên như ong. Sư nghe biết, tự nghĩ rằng: Phàm có quan hệ với người được thế tục ngưỡng mộ tất không tránh khỏi bị điều tiếng chê bai, lẽ nào ta cũng phải chịu như thế? Vả lại Bồ Tát đường rộng, Phật giáo vô lường. Thế mà kẻ tầm thường vẫn còn buồn bã than khóc, sao không mau tỉnh ngộ, lấy nhẫn nhục làm giáp trụ, lấy tinh tiến làm giáo mác thì lấy gì mà đánh ma quân, phá phiền não để cầu đạt tới vô thượng Bồ đề?” [65, tr.159].

Việc thiền sư Hiện Quang quyết định lên núi Yên Tử tu hành, một mặt là do xã hội đương thời rối ren, nhưng mặt khác đây cũng là một xu thế chung của Phật giáo. Phàm những chốn ganh đua quyền lợi thì người chân tu thường né tránh. Nhiều vị cao tăng chân tu khác như thiền sư Trí Thiền cũng xa rời triều đình. Hai vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông nhiều lần thỉnh về kinh nhưng sư đều từ chối. Các đại thần như Phụ quốc thái úy Tô Hiến Thành, thái bảo Ngô Hòa Nghĩa tự xin làm đệ tử mà suốt 10 năm chưa từng gặp mặt sư.

Chính vì các vua khi lên ngôi còn nhỏ tuổi, nên hậu cung thường là một phần của những sự rối ren phức tạp trong nội bộ. Như quan hệ giữa Đỗ Anh Vũ và Lê Thái Hậu, hay việc đút lót vàng để mong Tô Hiến Thành chấp thuận cho Long Xưởng nối ngôi …, tất cả đều là mầm họa của triều đình. Tuy rằng giai đoạn này, nhà Lý cũng vẫn còn có những hiền thần như Tô Hiến Thành, Hoàng Nghĩa Hiền, Lý Công Tín v.v... là những người ngay thẳng, đóng góp ý kiến vì lợi ích chung. Nhưng khi mà vua đã ham đắm tửu sắc, chơi bời, thì lời ngay thật của hiền thần không được chấp nhận. Trong khi đó, những loạn thần như Đỗ Anh Vũ, Đàm Dĩ Mông lại có rất nhiều mưu mẹo lắt léo, mà mê hoặc che mắt vua, rồi ỷ thế bắt nạt quần thần, ức hiếp dân chúng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư tả lại tình trạng chính trị cuối thời nhà Lý như sau:

“Bấy giờ thừa hưởng thái bình đã lâu ngày, giường mối dần bỏ, dân không biết việc binh, giặc cướp nổi lên không ngăn cấm được. Vua mới lên ngôi, đem việc nước giao cho Đàm Dĩ Mông. Dĩ Mông là người không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày một đổ nát” [13, tr.335].

125

Trong những năm cuối cùng của triều Lý, xã hội vô cùng loạn lạc. Vua Lý Huệ Tông thân mang bệnh chữa không khỏi, lại không có con nối dõi. Trong khi đó, vào năm giáp thân, niên hiệu Kiến Gia thứ 14 (1224), vua ủy nhiệm toàn quyền cho một mình Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ quản lĩnh các quân điện tiền hộ vệ cấm đình. Nhân vua Huệ Tông không có con nối dõi, thân lại mang ác bệnh không thể chữa khỏi, Trần Thủ Độ đã ép vua Huệ Tông nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng (lúc này Chiêu Hoàng mới lên 6 tuổi). Tiếp theo Trần Thủ Độ đã sắp xếp để Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, lúc này mới lên 8 tuổi. Triều đại nhà Trần được thiết lập.

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 123 - 125)