Trong câu thứ 2 của Lý Giác, chữ “ nhai ”thì phù hợp với ngữ cảnh hơn, vì 2 con ngỗng đang bơi giữa dòng, thì nó phải là đang nhìn vào bờ, hoặc phía chân trời.

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 57 - 63)

58

“Ngọc lang quy” để tiễn Lý Giác về nước. Đây là một bài từ không chỉ hay về mặt văn chương, mà nó còn mang một ý nghĩa chính trị ngoại giao. Có thể nói, Pháp Thuận và Khuông Việt đại sư là những người đã góp phần tạo nên một thế ngoại giao có lợi cho dân tộc, đồng thời cũng đã tác động lên quan điểm và nguyên tắc đối ngoại của Lê Đại Hành không ít.

Trong các bậc cao tăng phò trì cho Lê Hoàn, đặc biệt phải kể đến Vạn Hạnh. Ngài là một bậc cao tăng tài đức vẹn toàn, vừa am hiểu sâu sắc về giáo lý đạo Phật vừa rất tinh thông về thuật phong thủy cũng như sấm ký. Ngài là một nhà chiến lược gia luôn vạch kế hoạch đúng đắn cho Lê Hoàn khi có chiến sự, khiến vua vô cùng khâm phục. Sách Thiền uyển tập anh có chép: “Bấy giờ sư nói ra đều gì, thiên hạ đều coi như lời sấm ngữ. Vua Lê Đại Hành đặc biệt tôn kính sư. Năm Thiên phúc thứ nhất (980) nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đem quân sang xâm lược nước ta, đóng quân ở gò Tử Cương, núi Giáp Lăng. Vua Lê mời sư đến hỏi tình thế thắng bại thế nào, sư đáp: Chỉ trong ba, bẩy ngày giặc tất phải lui, sau quả đúng như thế. Vua muốn đi đánh Chiêm Thành cùng bàn bạc với triều thần, nhưng chưa quyết, sư đề nghị vua xin cấp tốc tiến quân, nếu không sẽ lỡ dịp. Vua bèn đem quân đi đánh, quả nhiên thu được toàn thắng.” [65, tr.188].

Ngoài ba vị cao tăng (Khuông Việt đại sư, Pháp Thuận, Vạn Hạnh), còn có Ma Ha cũng là một bậc chân tu có nhiều phẩm chất rất đặc biệt. Tuy không thường xuyên ra vào cung cấm trực tiếp giúp rập cho vua, nhưng thiền sư cũng có những đóng góp cho đất nước, cho dân tộc. Theo sách Thiền uyển tập anh, thiền sư Ma Ha đã từng được Lê Hoàn ba lần thỉnh mời về triều để hỏi han việc nước nhưng sư chỉ chắp tay từ chối, khiến vua phải bực mình cho nhốt vào chùa Vạn Tuế trong đại nội. Nhưng cũng chính vì tính khảng khái ấy mà vua lại càng thêm kính nể. Trên thực tế, việc hoằng dương Phật pháp là để đem lại sự an lạc cho chúng sinh, theo quan niệm của vua cũng chính là cống hiến cho dân tộc, cho đất nước và cho nhân loại nói chung. Dưới triều Tiền Lê, có thể thấy rõ sự nhập thế mạnh mẽ của Phật giáo, từ Phật giáo cung đình cho đến Phật giáo dân gian, bất kể với vai trò nào, giới tu sĩ đều có thể thực hiện tốt vai trò tích cực của mình. Nhận xét về quan hệ giữa Phật giáo

59

với các vị vua khởi đầu ba triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý, tác giả Nguyễn Hữu Sơn đã nêu nhận định rằng các vị cao tăng “đã sáng suốt nhìn ra tình thế đất nước, đặc biệt trước yêu cầu tập hợp lực lượng toàn dân chống giặc ngoại xâm, nên đã quyết đoán ra tay phò nghiêng đỡ lệch? Hoặc giả lúc đó họ vốn là những thiền sư đại trí thức có uy vọng lớn lao nên các tân triều đều có ý thức lôi kéo, trọng dụng? Hơn nữa, hay là bản chất khoan dung, cởi mở của các thiền sư chưa nặng nhiễm ý thức trung quân Nho giáo nên dễ bề chuyển đổi, cứ thấy minh chúa, vua sáng tôi hiền là họ đi theo? Đi sâu phân tích, lý giải, đánh giá những đặc điểm đó vốn thuộc về phía chủ thể hay bởi hoàn cảnh thực tiễn đất nước quy định, hay do cả sự chi phối của tinh thần Phật giáo… dường như trên mỗi phương diện đều có thể tìm được một phần lời giải đáp hữu lý” [50, tr.329].

Nhận xét trên đây của Nguyễn Hữu Sơn tuy sắc sảo nhưng cần được bổ sung thêm để làm rõ, về đường hướng kim chỉ nam và mục đích của Phật giáo. Phật giáo sau khi được du nhập vào Việt Nam đã được người Việt chuyển hóa nền văn hóa ngoại lai nhưng đặc sắc này trở thành Phật giáo Việt Nam, chí ít ra cũng từ thế kỷ thứ I, II sau Tây lịch, mà mỗi khi chúng ta nhắc tới Phật giáo Việt Nam cũng có nghĩa nhắc tới dân tộc, tinh thần yêu nước luôn có sẵn trong tâm khảm của mỗi vị tăng sĩ. Đồng thời, từ bi và trí tuệ luôn luôn là kim chỉ nam, là phương tiện và là mục đích tối hậu của Phật giáo, mà từ bi là vô ngã, có vô ngã mới đạt được trí tuệ và giải thoát. Từ bi cũng có nghĩa thương tưởng khắp mọi loài chúng sinh, cũng có nghĩa tức là phải làm, phải hành động, nhưng tất cả những việc làm đó đều phải xa rời danh và lợi mới đạt được chân vô ngã, tức đạt được trí tuệ giải thoát. Bởi vậy chúng ta cũng dễ nhận ra sự kiện trùng lặp qua ba triều đại, phò tá cho bất kể ai mà người đó có thể mang lại hạnh phúc an lạc cho chúng sinh. Còn những ai đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của chúng sinh thì Phật giáo đều không phò tá là lẽ đương nhiên. Mặt khác, đối với Phật giáo không thể theo cái gọi là trung quân của Nho giáo, nếu vị quân vương đó không có đủ tài và đức để gánh vác giang sơn. Đặc biệt, mối quan hệ của các bậc cao tăng với vương triều, với các quân vương là không vì mục đích cá nhân, mà vì đất nước, vì dân tộc, vì cái thiện cho một xã hội, mối quan

60

hệ này được dựa trên một nền tảng lý tưởng, chứ không phải dựa trên danh lợi, mục đích của nền tảng lý tưởng đó chính là lợi ích của dân tộc. Như vậy, vừa do chủ quan sự nỗ lực của Lê Hoàn, vừa được sự phò trợ của các bậc cao tăng Phật giáo và sự đồng lòng của những người thân cận, Lê Hoàn với 24 năm làm Hoàng đế đã củng cố xây dựng đất nước ngày một vững mạnh, cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự cũng như ngoại giao.

Vốn dĩ là một võ tướng có quân đội trong tay, Lê Hoàn có tính cách quyết đoán trong công việc, nhưng ông lại là người có niềm tin vào Phật giáo, nên đã được các cao tăng hết lòng phò trợ. Về mặt đối nội, tuy là một võ tướng, có tính quyết đoán nhưng Lê Hoàn cũng đầy tính nhân văn. Ông tự chịu trách nhiệm làm phó vương để giúp rập cho vua Đinh Toàn mới có 6 tuổi. Khi biết được Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp chống lại quyết định của ông cũng tức là chống lại cái xu thế đang cần sự đoàn kết để trừng trị những người dù ở cương vị nào chống lại yêu cầu không kém phần quan trọng đó là đoàn kết, thà hy sinh một người nhưng cứu được muôn dân, đó là một việc làm đúng đắn. Khi đất nước đã ổn định, Dương Tiến Lộc được cử vào 2 châu Hoan, Ái để thu thuế, nhưng đã bội phản Tổ quốc, lôi kéo người dân hai châu này theo về Chiêm Thành, Lê Hoàn cũng đã thẳng tay trừng trị, lấy đó làm gương cho kẻ khác. Chính nhờ vào tài trí và tính quyết đoán thẳng thắn trung thực đã giúp Lê Hoàn tập hợp được lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân cũng như các triều thần ủng hộ mình, nhất là cả tướng Phạm Cự Lạng, xét về một góc độ nào đó về tình cảm, đáng ra phải đứng về phía Phạm Hạp để chống lại Lê Hoàn. Nhưng sự việc lại không xẩy ra như vậy, mà Phạm Cự Lạng lại ủng hộ cho Lê Hoàn lên ngôi, đồng thời đã đồng cam cộng khổ với Lê Hoàn. Trong cuộc chiến chống giặc Tống, Phạm Cự Lạng là một tướng tài. Cách xử sự như vậy đã nói lên uy tín của Lê Hoàn. Sau này Phạm Cự Lạng được Lê Hoàn phong chức Thái úy.

Việc Lê Hoàn đưa Dương Vân Nga trở về cung, tiếp tục lập làm hoàng hậu, hành động này hoàn toàn mang tính nhân văn, sống có tình người theo quan niệm và văn hóa người Việt không có gì sai phạm, đây cũng cũng là một thể hiện con người sống có thủy có chung, bởi triều đình có được sự thống nhất đoàn kết, trên

61

dưới một lòng, công lao đó có phần của hoàng hậu Dương Vân Nga, người biết vượt qua số phận, dẹp bỏ những định kiến tiểu tiết vì nghĩa lớn. Gần đây mối quan hệ giữa Lê Hoàn và Dương Vân Nga ngày càng được làm sáng tỏ dưới quan kiến của các nhà nghiên cứu không chỉ trong nước mà cả những học giả nước ngoài.

Hoàn toàn có lý khi tác giả Nguyễn Quang Khải nhận định:

“Do có chính sách tôn giáo phù hợp, nhất là đối với Phật giáo, nên Phật giáo thời Đinh, Lê phát triển tương đối mạnh và có uy tín lớn đối với nhân dân và nhà nước. Đây là một trong những tiền đề rất quan trọng để Phật giáo xác lập vai trò vị trí của mình đối với xã hội trong giai đoạn lịch sử sau này, để từ đó, có đủ uy tín và sức mạnh tinh thần góp phần tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Đó là xác lập một vương triều mới, tiến bộ hơn: Vương triều Lý.”[30, tr.107].

Tiểu kết Chương 1

Trong chương thứ nhất này chúng tôi đã cố gắng trình bày tóm lược những nét chính liên quan đến hoàn cảnh lịch sử cụ thể đã đưa đến sự xuất hiện của Phật giáo. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: lúc đầu Phật giáo đã xuất hiện như một nỗ lực cá nhân của Đức Phật Thích Ca nhằm tìm kiếm một con đường, một giải pháp giải phóng, phổ độ chúng sinh thoát khỏi bể khổ trầm luân. Nhờ công quả tu hành, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã khám phá ra chân lý của sự giác ngộ, đó chính là sự giải thoát mọi đau khổ và đạo Phật đã được nhân loại hoan nghênh đón nhận, tôn sùng từ hàng nghìn năm nay, bởi lẽ đạo Phật không chỉ đưa ra con đường giải thoát cho con người thoát khỏi những kỳ thị xã hội và tín ngưỡng cụ thể đang tồn tại trong xã hội cổ đại lúc đó mà còn giúp cho con người trở về với vô ngã hướng thiện, tìm thấy sự bình yên, thông tuệ, từ bi trong tâm linh từng cá nhân con người cũng như tìm thấy một con đường chung sống hài hòa, hướng thiện với nhau trong xã hội và với cả giới tự nhiên bao la, vô cùng, vô tận, vô thường. Đó chính là lý do khiến cho đạo Phật được hoằng dương và trường tồn, bất chấp những biến thiên của lịch sử. Đây cũng chính là những yếu tố cơ bản khiến cho Đạo Phật trở thành một tôn giáo có tính nhập thế rất cao.

62

Trong chương này chúng tôi cũng cố gắng tóm lược những giáo lý căn bản nhất của Phật giáo. Đây chính là những nhận thức, những tín điều căn cốt và chung nhất của đạo Phật. Sau này, hệ thống giáo lý của Phật giáo tiếp tục được phát triển theo những đường hướng riêng để trở thành những dòng tu, những giáo phái khác nhau. Nhưng tất cả các dòng, các phái, dù có khác biệt nhau đến đâu trong những luận điểm, những phương pháp tu tập cụ thể thì cũng đều dựa trên những giáo lý căn bản đó. Vả chăng, đó cũng là những con đường khác nhau để tiếp cận đến chân lý của sự giác ngộ, như những nhánh, những hợp lưu của những dòng sông lớn trên đường tìm về với đại dương của Tự Giác, Giác Tha, Giác hạnh viên mãn – đạt đến cảnh giới Niết Bàn.

Với bản chất là một tôn giáo hướng tới và dẫn dắt chúng sinh tới sự Giác ngộ và Giải thoát, trải qua hàng nghìn năm lịch sử Phật giáo đã khẳng định được những giá trị to lớn của mình trong đời sống nhân loại với tính cách một tôn giáo nhập thế. Ở đây chúng tôi chỉ điểm qua một đôi nét về vai trò của Phật giáo trong đời sống tâm linh, đạo đức và trong đời sống xã hội mà chưa thể phân tích toàn diện và sâu sắc vai trò chính trị, kinh tế của tôn giáo này trong những diễn biến cụ thể của từng xã hội, từng cộng đồng trong từng bối cảnh lịch sử cụ thể. Nhưng dù ở mức khái quát nhất thì với những gì được trình bày ở đây chúng tôi đã có thể chỉ ra rằng Phật giáo đã đồng hành và tiếp tục trường tồn trong thế giới nhân sinh bằng chính những đặc điểm ưu trội của mình xuất phát từ chính cái bản chất của thế giới, của con người và của đời sống con người.

Chương này cũng dành một mục quan trọng để trình bày rất khái lược về lịch sử và đóng góp của Phật giáo vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước của dân tộc Việt trong thời kỳ Bắc thuộc và dưới các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê. Đây là một cơ sở rất quan trọng để phân tích, luận giải vai trò của Phật giáo trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo, đặc biệt là trong thời kỳ Lý – Trần kế tiếp ngay sau đó.

63

Chương 2

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 57 - 63)