Vai trò của thiền sư Vạn Hạnh trong công cuộc kiến tạo triều Lý

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 65 - 70)

QUAN HỆ GIỮA VƯƠNG TRIỀU LÝ VỚI PHẬT GIÁO

2.1.2. Vai trò của thiền sư Vạn Hạnh trong công cuộc kiến tạo triều Lý

Theo sách Thiền uyển tập anh thì “Thiền sư Vạn Hạnh họ Nguyễn, người hương Cổ Pháp, gia đình đã mấy đời thờ Phật. Thuở nhỏ thông minh khác thường, học thông ba giáo, Phật, Nho, Lão, đọc kỹ trăm nhà, nhưng coi khinh công danh phú quý. Năm 21 tuổi xuất gia cùng Định Huệ theo học đạo với Thiền Ông Đạo giả ở chùa Lục Tổ. Những khi công việc rỗi rãi, sư chăm chỉ học không biết mệt. Sau khi Thiền Ông tịch diệt, sư bèn chuyên tâm tu tập kinh Tổng trì Tam ma địa lấy đó làm sự nghiệp. Bấy giờ sư nói ra điều gì, thiên hạ đều coi như lời sấm ngữ.”[65, tr.188].

Cũng theo sách này thiền sư Vạn Hạnh thuộc thế hệ thứ 12 của dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi, một dòng phái thuộc Mật tông, lấy hành trì Mật chú và thiền quán làm công án tu tập. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì, khi Lý Công Uẩn mới 3 tuổi, thiền sư Vạn Hạnh nhìn thấy đã khen rằng: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”. [13, tr. 240] Như vậy, ở độ tuổi khoảng 38 - 40 thiền sư Vạn Hạnh đã có một kiến thức uyên bác không chỉ về Phật học, mà còn tinh thông lý số, nhất là phong thủy và sấm ký. Đây là những môn học được Mật tông dùng làm phương tiện trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của mình. Đại đa số các bậc cao Tăng thuộc dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi như La Quý An, Ma Ha, Đạo Hạnh đều có khả năng này. Các bậc Cao tăng của Mật giáo còn được cho rằng có khả năng nắm bắt thần thức chuẩn bị bước vào giai đoạn “cận tử nghiệp” để tái sinh hay chuyển thế.

Khả năng tiên lượng siêu việt của thiền sư Vạn Hạnh không chỉ nhìn thấy tương lai của cậu bé mới 3 tuổi, mà đã dự báo trước kết cục thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống và bình Chiêm dưới thời Lê Hoàn. Điều quan trọng là những dự báo tương lai của Vạn Hạnh không tùy tiện, đó là do khả năng đặc biệt, kết quả của một quá trình tu tập thể nghiệm tâm linh thuần thục, là sản phẩm của trí tuệ siêu việt kết hợp với kiến thức uyên bác, với tấm lòng yêu nước, thương dân của

66

một nhà tu hành toàn tâm toàn ý phục vụ đất nước, phụng sự dân tộc. Công đức cao nhất và thành tựu lớn nhất chính là, đã tham gia kiến tạo vững mạnh một triều đại duy trì hòa bình hàng trăm năm cho dân tộc.

Sự chứng ngộ tâm linh của thiền sư Vạn Hạnh được thể hiện qua chính những bài kệ, những bài thơ được coi là sấm ngữ, và những câu kệ siêu phàm mang đầy hương vị giải thoát. Khi chuẩn bị viên tịch, vào ngày 15 tháng 5 năm thuận thiên thứ 9 (1018) sư đã gọi tăng chúng đến đọc bài kệ:

“Thân như bóng chớp có rồi không Cây cối xanh tươi thu não nùng Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”.

Tuy có công giúp rập cho Lê Đại Hành, và sau này là Lý Công Uẩn, nhưng mỗi lần xong việc, Vạn Hạnh lại quay về chùa sống cuộc sống thanh cao.

Như chúng ta đã biết, thân thế sự nghiệp của vua Lý Thái Tổ được các bộ chính sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử lược, Việt sử cương mục hay các bộ sách biên khảo lớn đều ghi chép khá sơ sài. Trong hoàn cảnh ấy những bài diễn ca như trong Thiên Nam ngữ lục rất đáng được lưu tâm. Tuy nhiên, rất nhiều chỗ lý giải lịch sử được diễn đạt dưới hình thức thơ Nôm, tỏ ra thiếu căn cứ. Chẳng hạn, sách có một số đoạn nói về thân thế của Lý Công Uẩn, chúng ta hiểu rằng chữ Nôm thịnh hành vào thời Hậu Lê, thời Nho giáo được coi là quốc đạo. Nho giáo vốn không có thiện cảm với đạo Phật, vì thế những câu sử ca này là của những tác giả Nho gia là điều không khó đoán. Điều đáng nói là trong thời hiện đại có một số học giả đọc cuốn sử ca này không có phân tích phê phán nghiêm cẩn, mà còn đồng tình cho rằng Lý Công Uẩn chính là con đẻ của thiền sư Vạn Hạnh, thậm chí còn cho rằng việc Vạn Hạnh tiến cử và sắp xếp Công Uẩn lên ngôi một phần vì có mối quan hệ cá nhân.

Trong cuốn sách “Làng Dương Lôi với vương triều Lý” có nhiều bài viết, nghiên cứu nghiêm túc và khách quan, nhưng cũng có vài bài viết mang tính võ đoán, khiến cho người sau dễ hiểu lầm và làm sai lạc lịch sử. Đáng nói là bài của

67

Chu Quang Trứ, “Lý giải các nguồn thư tịch Hán Nôm để tìm hiểu nguồn gốc nhà Lý”, tác giả viết: “Động cơ nào thôi thúc Vạn Hạnh Làm những điều trên? Đúng là Vạn Hạnh thông hiểu thời thế, nắm được cơ trời, vận nước, nên mọi việc làm đều thuận lợi và thành công tốt đẹp. Nhưng để hăng hái làm việc tầy đình ấy, có thể còn một nguyên nhân về quan hệ cá nhân”. Thế rồi Chu Quang Trứ dẫn một đoạn sử ca theo Thiên Nam ngữ lục (bản AB 315) gồm bài số 4375, 4380, 4385, 4395, 4400, và tác giả khẳng định viết: “Thày tức Thiền sư trụ trì chùa này là Vạn Hạnh rồi”, tác giả còn chua thêm “Sư sợ mang tiếng, bà phải ra đi”[40, tr.43].

Cũng với cách làm ấy, tác giả Lê Viết Nga có bài viết dưới tiêu đề “Tài liệu về Thiền sư Vạn Hạnh và bà Phạm Thị ở khu di tích Tiêu Sơn” đã dẫn Thiên Nam ngữ lục làm tài liệu gốc để bình phẩm, và khẳng định: “Bà Phạm Thị là người sinh ra Lý Công Uẩn, vốn là người có nhan sắc, đức độ, nhưng do sa cơ lỡ vận phải đi làm thuê mướn, ăn mày ăn xin ở chùa Ứng Đại… Sau khi bà Phạm Thị mang thai, nhà sư ấy không nhận vì sợ tiếng xấu đến thanh giới tu hành, nên đã đuổi đi … Bà đã hành khất nhưng bụng mang dạ chửa, đến chùa Gia Châu thì trở dạ đẻ, sinh được một con trai (tức Lý Công Uẩn)”.

Cùng về vấn đề này, Nguyễn Hữu Toàn đã có lý giải khác với hai tác giả trên, trong bài “Bà Phạm Thị và sự ra đời của Lý Công Uẩn” cũng dẫn chứng từ

Thiên Nam ngữ lục, nhưng tác giả lại đặt vấn: “Một câu hỏi được đặt ra, ai là cha đẻ (theo đúng nghĩa đen) của Lý Công Uẩn, nếu không muốn tin vào những ghi chép đầy tính phi lý và hoang đường kia? Phải nói ngay rằng, bản thân tôi hiện giờ vẫn phải khuất phục trước câu hỏi ấy. Có điều, tôi không nghĩ Lý Công Uẩn là con đẻ của bất kỳ nhà sư nào. Ông có một người cha, một gia đình và một dòng họ bên nội sinh sống ở vùng Cổ Pháp xưa”.

Trong Thiên Nam ngữ lục còn mấy câu thơ mà ít được chú ý: Mẹ là Phạm Thị thuở xưa

Khó khăn góa bụa tuổi vừa đôi mươi Đi làm thuê mướn cửa người

68

Không rõ những câu thơ này được sáng tác dựa trên cơ sở nào, nhưng ít nhất cũng buộc chúng ta phải nghĩ theo hướng khác. Cũng không loại trừ khả năng có thể các Nho gia viết ra những câu sử ca này có ý đồ hạ uy tín của thiền sư Vạn Hạnh, qua đó hạ thấp vai trò của Phật giáo với việc kiến tạo vương triều Lý.

Có thể nói, quan hệ giữa thiền sư Vạn Hạnh với Lý Công Uẩn thực chất là quan hệ thầy - trò, một mối quan hệ trong sáng và đáng tôn kính và trân trọng. Việc thiền sư Vạn Hạnh giúp rập cho Lý Công Uẩn lên ngôi thay nhà Tiền Lê để trở thành một vị vua đứng đầu triều Lý hoàn toàn xuất phát từ tinh thần yêu nước. Không những vậy, Vạn Hạnh còn tự cho mình phải có trách nhiệm với dân tộc, luôn tham gia tích cực vào việc bàn thảo kế sách đánh giặc hoặc chính sự trị quốc.

Khi Công Uẩn trưởng thành, Vạn Hạnh đã tiến cử ông vào làm quân thị vệ dưới triều Lê Đại Hành. Có thể nói, kế hoạch gây dựng cho dân tộc một triều đại thịnh vượng nhưng nhân từ đã có từ lúc này. Cũng chính từ sự thấm nhuần lòng từ bi, lòng nhân ái và khoan dung từ bậc thầy khả kính đó là Vạn Hạnh, mà khi Lê Trung Tông bị giết, chỉ có mình Công Uẩn ôm xác vua mà khóc. Đây là một tình cảm chân thành đã khiến Long Đĩnh là kẻ chủ mưu nhưng cũng cảm được cái tấm lòng trung nghĩa của Công Uẩn. Và cũng chính từ sự kiện cảm động đó, Long Đĩnh sau khi lên ngôi đã phong cho Công Uẩn làm “Tứ sương quân phó chỉ huy sứ”. Sau ông còn được Ngọa Triều cho thăng đến chức Thân vệ điện tiền chỉ huy sứ [13, tr. 240]. Thiền sư đã chuẩn bị một kịch bản rất chu đáo cho việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, bắt đầu từ bài sấm ký trên thân cây gạo bị sét đánh. Điều này chứng tỏ Vạn Hạnh rất am tường và giỏi việc chính trị. Ông đã sử dụng thủ pháp tạo dư luận thật tài tình và nghệ thuật. Vạn Hạnh muốn việc lên ngôi của Lý Công Uẩn phải được diễn ra không chỉ thuận lợi mà còn phải diễn ra một cách chắc chắn và hòa bình. Thiền sư đã biết rõ nhân tình thế thái của quan dân lúc đó và sự căm ghét oán giận Ngọa Triều. Nên tấm lòng bao dung nhân ái của Lý Công Uẩn đã bồi đắp khoảng trống trong tâm thức quan, dân Đại Cồ Việt khi ấy, chính vì vậy việc lên ngôi của Lý Công Uẩn được diễn ra thuận lợi trong hòa bình.

69

Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, việc tiếp theo của thiền sư Vạn Hạnh là chọn đất định đô, với mục đích để đất nước được bền vững lâu dài. Vạn Hạnh là người rất giỏi về phong thủy. Thiền sư biết đất Hoa Lư chỉ phù hợp cho việc quân sự, phòng thủ, chứ không xứng với một kinh đô tương xứng cho sự phát triển của đất nước, số phận thật ngắn ngủi của hai triều đại Đinh và Lê cũng là những tiền lệ lịch sử khiến những người kiến tạo triều Lý phải suy nghĩ. Chiếu dời đô có đoạn viết:

“Ngày xưa, nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời tam đại ấy theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?” [13, tr.241].

Đọc bài chiếu dời đô này, chúng ta thấy cả một kho tàng kiến thức mênh mông và sâu sắc, nó bao hàm cả lịch sử, phong thủy địa lý, lời văn lại rất khúc triết, rõ ràng và cương quyết, thể hiện rõ khát vọng và xu thế vươn lên mạnh mẽ của quốc gia – dân tộc. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì vua Lý Công Uẩn “tự tay viết chiếu”, [13, tr. 241] nhưng để có một tờ chiếu hàm súc, uyên thâm như vậy chắc chắn phải có người có đủ trình độ uyên thâm tư vấn hoặc khởi thảo. Người đó rất có thể là thiền sư Vạn Hạnh. Suốt hơn 200 năm, tài đức của thiền sư đã được chứng minh qua thời gian, khiến đến vua Lý Nhân Tông (đời vua thứ tư triều Lý đã có bài kệ truy tán như sau:

70

Vạn Hạnh dung tam tế Chân phù cổ sấm cơ Từ làng quê cổ Pháp Chống gậy trấn kinh kỳ.

Đến đây công hạnh của Ngài đã viên mãn, việc hóa duyên đã xong, căn cứ vào Thiền uyển tập anh, thiền sư Vạn Hạnh không bệnh mà viên tịch nhằm ngày 15 tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 9 (1018).

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 65 - 70)