QUAN HỆ GIỮA VƯƠNG TRIỀU LÝ VỚI PHẬT GIÁO
2.2.2. Trải nghiệm tâm linh của một số vị vua triều Lý
Sự thăng trầm của Phật giáo qua các thời kỳ lịch sử từ triều Đinh, Tiền Lê, đến nhà Lý, cho thấy sự phát triển tịnh tiến về tâm linh. Đó là sự thăng hoa của lòng từ bi, trí tuệ và giác ngộ. Chỉ có thực tế tu hành, trải nghiệm tâm linh, như trong Phật giáo thường nói “Uống nước nóng lạnh tự biết”, những ông vua triều Lý mới thấm nhuần Phật pháp. Không chỉ đối xử với Phật giáo như với một tôn giáo, lòng từ bi được trải nghiệm qua thực tế xã hội, sự bao dung được chứng minh bằng lời nói, việc làm đã khiến các ông vua trở thành những hành giả Phật giáo khoác áo long bào. Có thể nói, họ vừa là một Phật tử, vừa là một quân vương lại vừa là thiền sư. Như hành trạng của vua Lý Thái Tông, qua những lần tham vấn các bậc cao tăng, vấn đề mà Thái Tông đưa ra trong buổi hội đàm về tâm tông Phật tổ đủ thấy Thái Tông là người am hiểu sâu sắc giáo lý đạo Phật. Ông không chỉ dừng ở
85
phương diện nghiên cứu mà Lý Thái Tông còn thực hành giáo pháp của Đức Phật như một tu sĩ thực thụ. Căn cứ vào Thiền uyển tập anh, qua lời đề nghị được cùng các bậc cao tăng hội thảo, cũng như bài kệ của Lý Thái Tông chứng tỏ cái tâm của ông đối với Phật giáo. Trong Thiền uyển tập anh có chép lại như sau:
“Trẫm nghĩ bàn tới nguồn tâm của Phật tổ, các bậc thánh hiền thuở xưa còn không tránh khỏi điều tiếng chê bai, huống chi là những kẻ hậu học. Nay Trẫm muốn cùng các sư giãi bày tâm ý của mình. Mỗi người hãy làm một bài kệ để xem sự dụng tâm của từng người như thế nào?
Các sư đều vâng mệnh. Mọi người còn đang tìm ý tứ thì vua đã làm xong, bài kệ như sau:
Bát nhã chân vô tông
Nhân không, ngã diệc không Quá, hiện, vị lai Phật
Pháp tính bản lai đồng. Bản dịch của Ngô Tất Tố:
“Bát nhã” thực vô tông
Người không, mình cũng không Phật trước, nay, sau nữa
Pháp tính vốn tương đồng” [65, 85].
Sự phân vân của vua Lý Thái Tông đối với Phật giáo, đối với cái gọi là tâm tông của Phật tổ, chỉ có người trong cuộc, chỉ có người chân thành tu hành theo Giáo lý của Phật tổ mới có niềm băn khoăn như vậy. Sự băn khoăn này là một mong muốn tìm lời giải đáp để Phật pháp được hưng thịnh mang lại lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh, cho tất cả những ai có tâm nguyện thực hành giáo pháp của Đức Phật.
Đối với Tỳ Ni Đa Lưu Chi, vua Lý Thái Tông cũng rất kính trọng, vua đã có một bài kệ truy tán Thiền sư. Qua bài kệ này, một lần nữa chúng ta có thể thấy sự đạt đạo và thấu triệt “Tính không” của vua Lý Thái Tông:
86
Sáng tự lai Nam quốc Văn quân cửu tập thiền Ưng khai chư Phật tín Viễn hợp nhất tâm nguyên Hạo hạo Lăng Già nguyệt Phân phân Bát Nhã liên Hà thì lân diện kiến
Tương dữ thoại trùng huyền.
Dịch: Sang nước Nam truyền đạo Xứng danh bậc túc thiền Mở niềm tin Đức Phật Xa hợp một nguồn tâm Trăng Lăng Già vằng vặc Sen Bát Nhã thơm truyền Biết bao giờ gặp mặt
Cùng nhau nói đạo huyền [65, tr.152].
Vấn đề băn khoăn của Lý Thái Tông là một sự nghi ngờ lớn trong quá trình tu tập. Sự nghi ngờ này khác với sự nghi thế tục, xuất phát từ chỗ thiếu niềm tin, kém hiểu biết, là sự “vô minh”. Còn sự hoài nghi trong Phật giáo lại dựa trên một niềm tin vững chắc, nhưng chưa biết làm cách nào để đạt được cái tâm đó mà thôi. Cái “sở nghi” của Lý Thái Tông cũng chính là sở nghi của các bậc thánh hiền, khi thực hiện phá cái chấp ngã và chấp pháp để bước vào cảnh giới của “Tính không”. Khi đưa ra bài kệ, Lý Thái Tông đã hoàn toàn là một hành giả Phật giáo thực thụ. Ông đã biểu đạt được cái tâm của mình. Đọc bài kệ chúng ta thấy Thái Tông đã đập vỡ cái cái sở nghi, cởi bỏ sợi dây trói buộc của lòng tham và sự chấp trược. Ông đã hoàn toàn nắm bắt được “Tính không” trong hệ tư tưởng Bát Nhã. Đây là một hệ tư tưởng vô cùng quan trọng trong hệ thống tư tưởng Đại thừa, dù là thuộc tông phái nào đi chăng nữa, Thiền tông, Mật tông hay Tịnh độ tông v.v... Nếu hành giả chưa
87
đạt được tâm này, thì khó bề thăng hoa và hiểu thấu đáo được “Tính không”, nhất là lại chuyển tải được sự giác ngộ của mình qua ngôn ngữ.
Nhà Phật thường có câu: “Học mà không tu, chỉ là học giả. Tu mà không học, chỉ là tu mù”. Lý Thái Tông cũng như hầu hết các vua triều Lý, không chỉ có đọc, nghe, hay viết về Phật giáo mà còn đạt tới trình độ thực học, thực tu. Chính vì thế, lòng từ bi của họ đã được thăng hoa và mở rộng, bao hàm cả sự nhẫn nại, lòng bao dung, và tinh thần nhân ái. Hơn thế nữa, trí tuệ của những ông vua thời Lý cũng đã được khai phát. Chẳng thế mà những hành vi và việc làm của họ đều mang màu sắc của giải thoát và giác ngộ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại một “Lệnh” của vua khi quân Đại Việt đánh thắng quân Chiêm Thành như sau:
“…Binh lính chưa chạm nhau mà quân Chiêm đã tan vỡ, quan quân đuổi chém được 3 vạn thủ cấp. Quách Gia Di chém được đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu tại trận đem dâng. Đoạt được hơn 30 voi thuần, bắt sống hơn 5 nghìn người, còn thì bị quan quân giết chết, máu nhuộm gươm giáo, xác chết đầy đồng, vua tỏ ý cảm khái, xuống lệnh rằng: Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha.” [13, tr.266].
Tấm lòng từ bi của Lý Thánh Tông được khai mở tự nhiên, như tấm lòng của một vị Bồ Tát thương tất cả mọi loài chúng sinh. Với lòng từ bi mênh mông như biển cả, không phân biệt sang hèn, dòng giống, quan hay dân, ai cần, ở đâu cần Bồ Tát đều xuất hiện. Lòng nhân từ của ông đã rung động tới cả những kẻ bị giam cầm trong ngục tối, sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép:
“Mùa đông, tháng 10, đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa.” [13, tr.271].
Sử sách có chép sự kiện năm Giáp Thìn, Chương Thánh Gia khánh năm thứ 6 (1065), mùa hạ, tháng 4, vua ngự ở điện Thiên Khánh để xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo với ngục rằng:
88
“Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót. Từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm.” [13, tr.273].
Có thể nói, lòng từ bi và trí tuệ của Phật giáo đã ngấm vào máu thịt của vị hoàng đế, và chuyển hóa cái phàm tính thành thánh thiện, nó được bộc phát một cách rất tự nhiên, không cần phải ai vận động hay nhắc nhở, tình thương đó vốn có sẵn trong tâm, nên khi gặp nhân duyên nó tự phát khởi vậy. Nếu chỉ coi Phật giáo như một phương tiện, một dụng cụ, một vũ khí để thực hiện ý đồ chính trị của mình, thì chắc chắn những ông vua thời Lý không thể có những bài kệ siêu thoát đến thế, không thể có những tình cảm trắc ẩn sâu sắc đến thế khi nghĩ về các tù nhân. Họ là những ông vua đã ra nhiều lệnh đại xá nhất.
Lý Nhân Tông là người có duyên được tiếp xúc với rất nhiều vị cao tăng. Từ sự mến mộ, kính trọng, vua cũng đã học được cái chân thường trong cái vô thường, đã tìm được sự an lạc, hòa bình trong sự loạn lạc và chiến tranh. Như Đức Phật thường dạy: “Phiền não tức Bồ Đề, sinh tử tức Niết bàn”. Đặc biệt, Lý Nhân Tông đề cao tâm nguyện của Bồ Tát “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”. Do đó nhà vua đã vận động Đại sư Mãn Giác nhận sự kính trọng tin tưởng của vua để giúp cho triều đình và đất nước, vua đã nói:
“Bậc chí nhân thị hiện tất phải làm việc cứu giúp chúng sinh, không hạnh nào không cần có đủ, không việc gì không phải chăm lo, chẳng phải chỉ sức định tuệ mà cũng có công giúp ích nên phải kính nhận nó. Rồi vua phong cho sư làm Hoài Tín Đại sư.v.v...” [65, tr. 93].
Nếu không phải là người am hiểu Phật pháp, chẳng phải là người thực tu, làm sao Lý Nhân Tông có thể nói được những câu sâu sắc đến thế. Khi đất nước đã hòa bình, phát triển, thì các bậc cao tăng thường ít tiếp xúc với những cái được coi có liên quan tới danh và lợi, mà thường chuyên tu hành làm trọng yếu. Đây cũng là xu hướng chung của Phật giáo. Ở câu chuyện này, Thiền sư Mãn Giác có ý muốn về ở ẩn chuyên tu, nên vua có lời vận động như vậy.
89
Lý Nhân Tông còn là con người ham học hỏi, bất luận đó là ai, nếu có thể giúp cho sự giác ngộ, vua đều tôn trọng và lắng nghe. Chính sự chấp có của Nho giáo, chấp không của Lão giáo, đã giúp cho vua đạt tới nhanh hơn sự giác ngộ về “Tính không”. Chính vì lẽ đó mà vua đã có bài thơ khen ngợi Thiền sư Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền như sau:
Giác Hải tâm như hải Thông huyền đạo hựu huyền
Thần thông kiêm biến hóa Nhất Phật, nhất thần tiên.
Dịch: Giác Hải lòng như biển Thông Huyền đạo rất huyền Thần thông kiêm biến hóa Một Phật, một thần tiên.
Việc thực hành Phật pháp của những ông vua triều Lý đã có một ảnh hưởng tích cực đối với xã hội, chính họ là những tấm gương sáng trước dân chúng, đúng là sống và hành động đều vì dân tộc, vì chúng sinh nói chung, và nhân dân Đại Việt nói riêng. Chính sự thực hành Phật pháp đã giúp cho những ông vua triều Lý sáng suốt hơn, minh mẫn và trí tuệ hơn trong quyết định của mình đối với những đường lối chính sách của họ cho dân tộc, cho tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng.
Trong số các vị quân vương triều Lý thì Lý Nhân Tông có thể được coi là một trong những vị vua sùng Phật nhất. Điều này có lẽ xuất phát từ ba lý do chính sau đây: Thứ nhất, dưới thời trị vì của Lý Nhân Tông, quốc gia Đại Việt thực sự bước vào thời kỳ thịnh trị nhất kể từ đầu kỷ nguyên độc lập tự chủ, văn trị, võ công gồm đủ với những chiến công hiển hách và những thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa. Điều này đã chứng tỏ đường lối cai trị tập quyền, thân dân và sùng Phật được đặt nền móng từ thời vua Lý Thái Tổ đến đây đã đơm hoa, kết trái. Thứ hai, hẳn là sự sùng mộ đạo Phật của Hoàng Thái hậu Phù Thánh Linh Nhân (Ỷ Lan) cũng có tác động trực tiếp và to lớn đến thái độ sùng Phật của nhà vua. Và thứ ba,
90
chính bản thân Lý Nhân Tông cũng là một Phật tử thuần thành với những hiểu biết và trải nghiệm tâm linh sâu sắc.
Trong số các sử liệu có liên quan đến Lý Nhân Tông thì bản Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh là một sử liệu có giá trị rất đặc biệt. Đây là tấm bia được được hoàn thành vào năm 1121, dựng tại chùa Long Đọi, núi Long Đọi (thuộc huyện Duy Tiên, Hà Nam ngày nay). Văn bia do Thượng thư bộ Hình Nguyễn Công Bật soạn, ghi rõ là viết về “vua thứ tư nhà Lý nước Đại Việt”. Tính độc đáo của bài văn bia này là ở cách người đương thời tôn vinh, ca tụng công đức của vua Lý Nhân Tông và coi ông như một vị Bồ tát Minh vương, một vị Phật hóa thân. Về sự ra đời của nhà vua, văn bia viết: “Kính nghĩ đức Hoàng đế bệ hạ (…) là do: trời đất chung đúc, nhật nguyệt kết tinh. Điềm lành báo trước, triệu tốt mở ra. Phụ hoàng nằm mông, nước ngoài dâng voi trắng sáu ngà; mẫu thân có mang, gác cao phủ rồng vàng năm sắc. Đó là điềm báo trước lúc bệ hạ đầu thai vậy.”[66, tr. 168] Ở đây một số hình ảnh và điển tích mô tả sự kiện Lý Nhân Tông ra đời được mô phỏng giống hệt như sự ra đời của Phật tổ Như Lai.
Tiếp đến, văn bia có đoạn ca tụng Lý Nhân Tông như sau: “Làm chân chúa của đất trời, thấu huyền cơ của tạo hóa. Vận trí biến thông, hiển mưu đầy khắp (…) Đức sánh trời đất, nên năm sao chói sáng; ơn tới cá chim, thì muôn vật dâng điềm. Mười tám rồng thần, rạng rỡ thềm quỳnh điện báu; một nghìn voi trắng, hộ trì thềm ngọc cấm cung….”[66, tr. 173]
Ở một số quốc gia cổ đại thuộc khu vực Đông Nam Á tôn sùng Ấn Độ giáo (Hinduism) hay Phật giáo làm quốc đạo mà ngày nay là Thái Lan, Campuchia hay Miến Điện thì việc các nhà vua được người đương thời thần thánh hóa, coi như Bồ Tát hay các vị thần đầu thai giáng trần cứu thế (reincarnation) là một hiện tượng rất phổ biến, tới độ các vị quân vương được coi là “vua – thần hợp nhất” (Devaraja). Tuy nhiên, hiện tượng này lại rất hiếm gặp ở Việt Nam thời cổ - trung đại. Do vậy, hiện tượng “Phật hóa” Lý Nhân Tông, và ở chừng mực nào đó là cả vua Lý Thần Tông về sau (người được coi như một kiếp khác của thiền sư Từ Đạo Hạnh) là những trường hợp rất đặc biệt.
91
Điều cần nhấn mạnh hơn ở đây là: Lý Nhân Tông, Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu (và cả Lý Thần Tông sau này) đã được người đương thời tôn sùng và “Phật hóa” chứ không phải các vị này tự thần thánh hóa mình và tự xưng là “Phật” hay “Bồ Tát”. Đây là khác biệt căn bản nhất giữa họ với các vị “vua – thần hợp nhất” ở khu vực Đông Nam Á thời trung đại. Tự bản thân mình, các vị này vẫn khiêm cung nhất mực và vẫn giữ đúng vị thế là những Phật tử thuần thành, nỗ lực hoàn thành những bổn phận trần thế bằng tâm Phật, với tuệ hạnh dựa trên công quả tu tập Phật pháp của mình. Vì vậy, xét về bản chất họ hoàn toàn không phải là những vị “vua – thần hợp nhất”. Đây chính là một nét đặc sắc, vô cùng tinh tế, thâm sâu trong văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam thời Lý. Điều này cũng sẽ lặp lại dưới hình thức khác trong thời kỳ nhà Trần với hai nhân vật lịch sử nổi tiếng là Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung và Phật Hoàng Trần Nhân Tông.