Bối cảnh chính trị xã hộ

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 63 - 65)

QUAN HỆ GIỮA VƯƠNG TRIỀU LÝ VỚI PHẬT GIÁO

2.1.1. Bối cảnh chính trị xã hộ

Trong 24 năm ở ngôi trị vì đất nước, Lê Hoàn đã làm được rất nhiều việc cho đất nước trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao, quân sự. Đại Hành hoàng đế là người tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Tiền Ngô vương và của Đinh Tiên Hoàng, là người hoàn tất công việc xây dựng nền móng độc lập, tự chủ cho dân tộc, để sau này nhà Lý tiếp tục xây lên bức tường và lợp mái cho ngôi nhà Đại Việt. Ông đã tạo ra một thế đứng vững chắc cho đất nước và thực xứng đáng là người anh hùng dân tộc.

Tuy nhiên, nghịch lý trong quan hệ giữa mô hình tập quyền quân sự và bệ đỡ tư tưởng Phật giáo đã bộc lộ ngay sau khi Lê Đại Hành băng hà. Các vua Lê kế vị chỉ duy trì được 4 năm, nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ cho nhân dân cảm nhận được cảnh cùng cực, phẫn uất dưới ách cai trị hà khắc của một vương triều đã trở nên mục nát. Bài học đau lòng của triều Đinh, vì ngôi vị mà Đinh Liễn đã giết em của mình là Hạng Lang. Nay dân tộc ta lại phải chứng kiến cảnh đau lòng tương tự, cũng vì ngôi vị, vì tham vọng của danh và lợi mà Long Đĩnh đã mượn bàn tay của kẻ trộm trèo tường vào cung sát hại anh mình là Trung Tông để tiếm ngôi, chính việc làm thất đức này của Long Đĩnh là manh mối của sự suy vong triều Lê.

Không chỉ độc ác, Lê Ngọa Triều còn là kẻ bất hiếu, nhiều lần khiến cho tù binh và phạm nhân vì bị tra tấn dã man mà phạm húy cha mình thì lại lấy làm thích thú. Với con người có tính cách như vậy dù có tôi trung, thần hiền cũng chẳng thể làm được gì để can gián, hơn thế Ngọa Triều lại chỉ thích những kẻ bợ đỡ xu nịnh như bọn tuồng khôi hài mà thôi. Ngô Sĩ Liên đã nhận định chính xác rằng: “Mất nước mau chóng, há phải không do đó mà ra?”[13, tr.237].

64

Xét trong khung khổ hạn hẹp của kinh thành Hoa Lư thì có thể coi sự kiến lập của triều Lý như sự chấn hưng của vương quốc từ sự đổ nát của triều Tiền Lê do những thói bạo ngược của Lê Long Đĩnh gây ra. Nhưng nhìn nhận trong khung khổ rộng hơn – trong xu thế đi lên của toàn dân tộc và của vương quốc Đại Cồ Việt thì có thể khẳng định rằng sự kiến lập của triều lý là một nấc thang mới, kế tục sự nghiệp dựng xây và củng cố chủ quyền và nền văn hiến dân tộc ở một tầm cao và vận thế mới. Tròn bảy thập kỷ kể từ sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, dân tộc Việt đã nỗ lực vươn lên, không chỉ khẳng định được sự phát triển, cố kết, bền vững của ý thức cộng đồng quốc gia – dân tộc qua việc Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn xứ quân, thu giang sơn về một mối, xây dựng nên một nhà nước quân chủ tập quyền vững mạnh, mà còn khẳng định chắc chắn chủ quyền quốc gia với việc Lê Hoàn lãnh đạo quân, dân đập tan cuộc xâm lăng tái chiếm quy mô khá lớn của đế chế Tống.

Chủ quyền quốc gia và sự thống nhất dân tộc bền vững cùng với những võ công hiển hách đó chắc chắn phải được kiến tạo trên tảng nền của một nền văn minh – văn hiến phát triển đang đà thăng hoa với một bệ đỡ kinh tế, xã hội, văn hóa, tâm linh vững chãi, hài hòa và đồng thuận. Trong suốt bảy thập kỷ đầu kỷ nguyên độc lập ấy, Phật giáo chính là một yếu tố quan trọng, đứng ở vị trí trung tâm của kiến trúc thượng tầng của nhà nước quân chủ Đại Cồ Việt. Với vai trò là bệ đỡ tâm linh, tinh thần, ý thức hệ và nền tảng đạo đức, Phật giáo tiêu biểu cho khát vọng vươn lên của dân tộc, góp phần tạo nên sự đồng thuận chung và là một cơ sở của khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời Phật giáo cũng nhập thế sâu, đóng vai trò chính trị - xã hội quan trọng, vừa là cố vấn cho các bậc quân vương ở chốn cung đình, lại vừa là bậc thầy khuyên bảo, chăm lo dạy dỗ dân chúng ở xóm làng.

Với vị thế như vậy, Phật giáo, đặc biệt là giới tăng sĩ cao cấp, trong đó tiêu biểu nhất là thiền sư Vạn Hạnh đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đào tạo nên Lý Công Uẩn với tư cách một bậc nhân tài sáng thế, giúp rập ông trong mỗi bước trưởng thành và cuối cùng đã hậu thuẫn ông thành công trong việc dũng cảm, mưu lược đứng ra nhận lãnh sứ mệnh kế thừa ngôi báu của vua nhà Tiền Lê, lập ra

65

một triều đại mới, sửa sang triều chính, dời đô và mở ra một thời đại mới – thời đại thịnh trị, thái bình và thăng hoa tột đỉnh của nền văn minh Đại Việt.

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 63 - 65)