Sự du nhập Phật giáo vào Việt Nam

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 45 - 49)

1 Tham ái là sự ham muốn, tất cả những gì vượt quá nhu cầu, hay khả năng đó chính là tham, và tham chính là một trong những nguyên nhân gây ra đau khổ, nên Phật giáo luôn dạy con người phả

1.2.1. Sự du nhập Phật giáo vào Việt Nam

Từ giữa thế kỷ thứ III trước Công nguyên, vị quân vương tài giỏi A Dục đã thâu tóm cả Bắc và Nam Ấn Độ. Ngoài việc chăm lo phát triển cho đất nước, ông đã tận tâm cống hiến cho Phật giáo. A Dục Vương đã cho xây dựng rất nhiều chùa tháp, ủng hộ việc kết tập kinh điển lần thứ ba, đặc biệt ông đã phái khiển các bậc Đạo sư thạc học đi tới các quốc gia để truyền bá Phật giáo.

Với tinh thần nhiệt huyết các sứ giả tình nguyện đi truyền bá Phật giáo, họ đã cùng những thương thuyền Ấn Độ đi tới các quốc gia ngoài Ấn Độ. Phật giáo được truyền vào Việt Nam trong bối cảnh đó.

Theo những hiểu biết cho đến nay, đại đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng vào khoảng thế kỷ thứ II Phật giáo đã được du nhập vào Việt Nam. Ý kiến này dựa chủ yếu vào một số tài liệu thư tịch như Lý hoặc luận của Mâu Tử, Lục độ tập kinh của Khương Tăng Hội, bản dịch Kinh Tứ thập nhị chương và một số tài liệu lịch sử của Trung Quốc kể cả những bản nghiên cứu sau này của các học giả trên thế giới vv… Tuy nhiên, theo chúng tôi Phật giáo đã được du nhập vào Việt Nam sớm hơn thời điểm đó, có thể trước cả công nguyên, bởi mấy lý do sau đây:

Thứ nhất, trung tâm Phật giáo Luy Lâu có trước Bành Thành và Lạc Dương mà hai trung tâm này đã được xác định là hình thành vào thời Hậu Hán (25-220) .

Thứ hai, theo truyền thuyết, khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại (43) một nữ tướng Bát Nàn đã đi tu. Từ hình ảnh của một Đức Quán Thế Âm được tiếp thu rồi hình thành lên một nữ tướng, nữ vương, Tỳ kheo ni (nữ giới xuất gia), sự chuyển tiếp đó tới thế kỷ thứ II thì cuối cùng Phật Man Nương (Phật Mẫu Man Nương) chùa Dâu đã hoàn toàn là Phật Việt Nam. Bốn pho tượng được Man Nương kéo lên bờ cho tạc tượng cũng trở thành 4 vị Phật. Ở đây, ngoài những yếu tố tín ngưỡng dân gian hay truyền thuyết có thể thấy tâm tư, tình cảm và tư duy của người Việt đối với tư tưởng Đại thừa đã rất sâu đậm, và phải trải qua một thời gian rất dài để tiếp thu và cải cách từ một hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm thành Phật Việt Nam.

46

Thứ ba, việc Phật giáo được du nhập vào Việt Nam nhiều khả năng trước khi âm mưu đồng hóa người Việt của các quan lại Trung Quốc được thực hiện ráo riết. Khi Mã Viện bắt tay vào việc điều chỉnh các điều khoản của Việt luật cho phù hợp với Hán luật, bởi nếu Phật giáo du nhập vào sau khi Giao châu bị Bắc thuộc thì chắc chắn Phật giáo sẽ bị ảnh hưởng của văn hóa Hán nhiều hơn văn hóa Việt, chưa nói tới chuyện rất khó tiếp cận, vì sau khi Mã Viện điều chỉnh luật Việt cho phù hợp với Hán luật, các quan lại phong kiến phương Bắc không những đối xử với dân bản địa tham tàn bạo ngược, mà còn muốn xóa hết những dấu tích văn hóa bản địa, thì một nền văn hóa ngoại lai là rất khó du nhập.

Thứ tư, đến thời mà Mâu Tử sang, Việt Nam đã tiếp thu tư tưởng Phật giáo một cách sâu sắc và đã được truyền bá rất sâu rộng trong đông đảo quần chúng nhân dân nên ông mới có thể viết ra bộ Lý hoặc luận để phản bác lại những quan điểm của Nho giáo. Mâu tử đã tiếp xúc với những vị cao tăng đủ để chuyển hóa hệ tư tưởng Nho giáo đã được Mâu Tử tiếp thu từ trước, bởi Mâu Tử là một người giỏi về Nho học được ví như Mạnh Kha, Mặc Địch.

Như vậy, với những luận lý trên có thể khẳng định thêm cơ sở đáng tin cậy cho câu chuyện giữa Thông Biện và Phù Thánh Linh Nhân hoàng thái hậu bàn về lịch sử Phật giáo Việt Nam được chép trong Đàm Thiên pháp sư truyện của cuốn sách Thiền uyển tập anh. Theo đó thì khi Phật giáo chưa được truyền sang Trung Quốc thì ở Giao Châu đã xây dựng được hơn 20 ngọn bảo tháp, độ được hơn 500 tăng sĩ, dịch được 15 bộ kinh rồi. Bấy giờ có các vị Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương đến ở và truyền đạo…. Những thông tin này là những minh chứng thuyết phục về sự du nhập Phật giáo vào nước ta sớm hơn vào Trung Quốc.

Về văn hóa, người Việt có một tín ngưỡng đặc sắc là tục thờ cúng tổ tiên. Khi được du nhập vào Phật giáo không những không bị bài xích mà còn rất được hoan nghênh. Việc một văn hóa mới được chấp nhận phụ thuộc rất nhiều vào tính cách người dân bản địa. Đối với người Việt, tính cách đó đã được hình thành trên nền văn hóa lúa nước. Công việc trị thủy là một yếu tố khách quan cần có sự hợp sức của tập thể dần dần tạo nên mô thức sống cộng đồng kiểu làng xã. Với kiểu cư

47

trú làng xã, người Việt thường cư xử với nhau bằng “tình làng nghĩa xóm”, xử sự mọi vấn đề thường lấy tình cảm để giải quyết chứ ít sử dụng đến lý lẽ. Như vậy, để duy trì được mối quan hệ làng xóm thì mọi thành viên phải cần đến sự tự giác cao, nếu không mô hình tập thể dễ bị phá vỡ, và Phật giáo với tư tưởng Đại thừa là “tự giác- giác tha, giác hạnh viên mãn” đã cung cấp bồi đắp yếu tố quan trọng này trong sự kết nối và phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết cộng đồng làng xóm, và lớn hơn là góp phần củng cố, phát triển tinh thần dân tộc.

1.2.2. Hệ thống tư tưởng Phật giáo được du nhập vào Việt Nam

Đạo Phật gồm một hệ thống giáo lý và nghi thức tu hành hoàn chỉnh và khá phức tạp, nhưng khi du nhập vào vùng nào đó thì luôn có những biến thái để thích ứng với văn hóa bản địa. Phật giáo du nhập vào Việt Nam là Phật giáo Đại thừa. Tư tưởng Đại thừa vừa phóng khoáng vừa bao dung nhưng cũng mang tư tưởng triết lý cao siêu, với tinh thần từ, bi, hỉ, xả, vô ngã vị tha, và tự giác-giác tha, giác hạnh viên mãn của Bồ Tát thừa. Cùng với hạnh nguyện độ sinh, cứu khổ cứu nạn cộng với pháp môn và phương tiện là lục độ, đặc biệt là tinh thần vô úy, tinh tiến dũng mãnh để đối diện với thực tế dù là thuận cảnh hay là nghịch cảnh vẫn hùng dũng hiên ngang, với thanh gươm từ bi và trí tuệ để khuất phục và chuyển hóa kẻ thù bỏ ác làm lành. Chính vì thế, tư tưởng Đại thừa Phật giáo đã rất phù hợp với văn hóa của dân tộc Việt Nam, và cũng rất cần thiết cho cuộc kháng chiến của dân tộc ta, khi mà kẻ thù không chỉ dùng gươm giáo, súng đạn mà còn sử dụng mọi âm mưu thâm độc khác như tư tưởng, văn hóa, nó có vẻ như một tấm thảm đỏ nhưng đầy chông gai phía dưới, cuối cùng để đạt được mục đích đồng hóa dân tộc ta vĩnh viễn.

Ngay từ buổi ban đầu, tư tưởng Đại thừa Phật giáo được truyền vào Việt Nam là một hệ thống tổng hợp tất cả các tông phái (vì giai đoạn đầu Đại thừa Phật giáo chưa chia thành tông phái riêng biệt), trong đó tư tưởng Mật tông được coi là cốt lõi. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có tả lại cảnh mà Sĩ Nhiếp mỗi khi đi ra ngoài như sau: “Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người ”.[13, tr.163].

48

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, những nghi thức này đã mang những yếu tố của Mật giáo. Có thể những Phật tử Ấn Độ sang Việt Nam sinh sống và buôn bán, họ có biết về những nghi thức cung nghinh rước sách mà sau này khi hình thành các tông phái, chính Mật tông đã sử dụng nghi thức này. Trong Mật tông cũng có ảnh hưởng của Ấn giáo. Đó là yếu tố quỷ thần hiện hình thành những vị hộ pháp. Chính những yếu tố này lại phù hợp với văn hóa bản địa, và do đó Mật tông đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu, khi người Việt Nam sống dưới ách cai trị phương Bắc.

Mật tông thuộc về Kim cương thừa, còn được gọi bằng những cái tên khác như Mật giáo hay Chân ngôn tông. Tu học Kim cương thừa là một pháp tu rất cao mà khó. Trước tiên phải nắm chắc tư tưởng của Bát nhã và Duy thức, sau đó mới có thể vào được Kim cương thừa. Do vậy đòi hỏi phải có các bậc thầy tâm linh chỉ dẫn và giám sát để khỏi bị lạc đường. Những quy định chọn người thực hành pháp tu Mật giáo là rất cẩn mật, và nhất định phải được truyền quán đỉnh mới được phép thực hành phép tu này, nếu chưa được quán đỉnh mà tự ý bắt chước sẽ bị coi là ăn cắp pháp, nên Mật tông là một trong những pháp môn rất nghiêm khắc trong việc truyền thừa. Khi Mật tông được truyền sang Việt Nam, đối với đại chúng, chủ yếu chỉ được truyền dạy những phép tu học đơn giản, còn những người được thụ truyền các phương pháp cao cấp thường được chọn lựa rất khắt khe. Ảnh hưởng của Mật tông không chỉ có trong những thế kỷ đầu, khi nhà sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi sang Giao Châu hoằng pháp và hình thành nên Thiền phái mang tên ông, mà còn duy trì ảnh hưởng đến các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Hầu hết các đệ tử của tông phái này đều hành trì theo Mật tông, và đã ảnh hưởng rất sâu sắc tới vua quan các triều Đinh, Tiền Lê và Lý. Mật tông rất chú trọng Thiền quán, bởi trong “Tam mật gia trì” gồm tay bắt ấn thuộc về thân, miệng niệm chú thuộc về khẩu, đầu quán tưởng thuộc về ý, thì ý lại là quan trọng nhất, vì ý dẫn đầu các pháp, do vậy ngay cả phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi cũng được coi là phái thiền, và các vị cao Tăng của phái này cũng vẫn được gọi là “Thiền sư”.

49

Như vậy có thể nói Phật giáo Đại thừa đã du nhập vào Việt Nam và tư tưởng Mật tông (sơ kỳ) là tông phái có ảnh hưởng mạnh tới văn hóa, kinh tế, chính trị. Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, đây là thứ vũ khí phù hợp và cần thiết cho người Việt tập hợp lực lượng trong cuộc đấu tranh chống lại âm mưu đồng hóa của phong kiến phương Bắc.

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 45 - 49)