Sinh hoạt của Tăng đoàn Phật giáo thời nhà Trần

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 134 - 139)

1 Nói 23 thế hệ, là theo bản đồ truyền thừa của cuốn Nam Tông tự Pháp đồ, vì từ Tiêu Diêu trở xuống, tại Việt Nam lúc bấy giờ hầu như chỉ có một dòng Trúc Lâm là phát triển nhất, đồng thờ

3.2.3. Sinh hoạt của Tăng đoàn Phật giáo thời nhà Trần

a. Về phương diện tu học

Từ khi vua Trần Thái Tông lên núi Yên Tử định xuất gia, uy tín và vai trò của dòng tu trên núi Yên Tử ngày một nâng cao và phát triển. Đặc biệt, từ khi vua Trần Nhân Tông chính thức lấy nơi này làm cảnh giới tu hành của mình thì Yên Tử trở thành dòng phái Trúc Lâm Yên Tử. Sau này hầu hết các bậc cao tăng đều phát tích từ đây, và trở thành một dòng phái chủ lực của Phật giáo thời nhà Trần.

Trong giai đoạn đầu của Thiền phái Trúc Lâm, chư tăng chủ yếu thực hành pháp tu Thiền quán. Nhưng từ đầu thế kỷ 14, từ tổ Pháp Loa, chư tăng bắt đầu tu niệm theo lục thời khoa nghi, tức một ngày chư tăng hành trì lễ niệm theo sáu thời khóa. Khóa lễ vào lúc sáng sớm gọi là công phu, vào bốn giờ sáng chư tăng thức dậy trì chú Thủ Lăng Nghiêm, Đại bi thập chú và ngồi thiền. Ban ngày tất cả có 4 thời khóa (sáng, trưa, chiều và tối), và một khóa lễ vào lúc trước khi đi ngủ gọi là

lâm thụy, niệm Phật trước khi đi ngủ. Những thời khóa ban ngày, chư tăng thường tụng đọc các bộ kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Kim Cương, Bát Nhã, Lăng Già, kinh Di Đà, Lương Hoàng Sám v.v.

b. Về phương diện tổ chức giáo hội

Nếu như dưới thời nhà Lý, Tăng đoàn chủ yếu sinh hoạt theo quy chế của từng Tông phái, Tổ đình, chốn Tổ, thì đến thời nhà Trần, Phật giáo trong cả nước tập trung ở dòng Trúc Lâm. Sự quản lý thống nhất là việc cần thiết, số lượng Tăng ni ngày càng đông, chùa chiền ngày càng được xây dựng, trùng tu nhiều hơn. Phật giáo thời nhà Trần đã lấy chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) làm trung tâm tổ chức của giáo hội, nơi lưu giữ quản lý tăng tịch của tu sĩ Phật giáo trên toàn quốc. Người lãnh đạo tinh thần của giáo hội chính là Trúc Lâm đệ nhị tổ Pháp Loa tôn giả. Theo Tam

135

Tổ thực lục thì tổ Pháp Loa là vị tăng sĩ đầu tiên được vua Anh Tông ban Độ điệp tu hành vào năm (1308). Từ đây, giáo hội quy định người xuất gia bắt buộc phải có Độ điệp. Với Độ điệp, sư tăng không bị trở ngại khi di chuyển, và được các chùa tiếp đón và thu xếp ngủ qua đêm. Với hàng chục nghìn tu sĩ và hàng nghìn ngôi chùa thì, đây là cách quản lý tăng sĩ chặt chẽ, và tạo điều kiện thuận lợi cho họ. Về một phương diện khác, với số lượng sư tăng đông như vậy nếu không quản lý chặt chẽ, sẽ có những trường hợp lợi dụng và mạo danh làm tổn hại tới uy tín của Phật giáo. Dưới thời Pháp Loa có lúc đã phải hạn chế đàn giới, theo đó ba năm mới tổ chức một lần. Mỗi lần tổ chức đàn giới có hàng nghìn thí sinh đến dự tuyển. Việc khảo thí một lần đàn giới vào năm Tân Dậu, Đại Khánh năm thứ 8 (1321) được Đại Việt sử kýtoàn thư chép như sau: “Thi các tăng nhân, hỏi kinh Kim Cương”.[14, tr.107] Việc làm tăng nhân phải qua sát hạch là một hoạt động khá độc đáo của Phật giáo thời Trần.

Việc đào tạo tăng tài, chủ yếu dựa vào các tổ đình lớn. Ngoài ra, chư tăng còn được tu học vào dịp 3 tháng an cư (từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch) hằng năm. Người xuất gia ngày một đông, nên Pháp Loa tôn giả đã cho dựng 200 tăng đường làm nơi cư trú và tu học cho tăng sĩ. Số lượng tăng ni được cấp Độ điệp, trong vòng 16 năm từ năm 1313 đến 1329 là 15.000 người. Vào năm 1322 Pháp Loa tôn giả còn cho in 5.000 bản bộ luật Tứ phần. Các vị cao tăng như Quốc sư Tông Cảnh và Quốc sư Bão Phác được triệu tập về để mở những lớp giảng dạy giới luật cho tăng ni.

Việc tổ chức cho tăng ni Phật tử tu học thời nhà Trần đã có tiếng vang sang tận nhà Minh, nên có lúc họ đã yêu cầu nhà Trần cung cấp sư tăng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết:

“Tháng 3, nhà Minh sai sứ sang đòi 20 Tăng nhân. Trước đây, nước ta đưa bọn nội nhân Nguyễn Tông Đạo, Nguyễn Toán đến Kim Lăng, vua Minh dùng làm cận thần, đãi ngộ rất hậu. Bọn Tông Đạo tâu: ‘Tăng nhân nước Nam biết dựng Đạo tràng giỏi hơn Tăng nhân phương Bắc’. Đến đây nhà Minh cho sứ sang đòi” [14, tr.170].

136

Sự kiện nhà Minh yêu cầu nhà Trần cung cấp sư tăng cho thấy, trình độ tổ chức các Đạo tràng tu tập của Phật giáo Đại Việt khi ấy chất lượng rất cao. Đấy là chưa kể sự kiện này được chép vào năm Xương Phù năm thứ 9 (1385), khi nhà Trần đã bước vào thời kỳ suy thoái, đạo Phật cũng không còn ở thời kỳ thịnh vượng.

c. Về các bậc Danh tăng

Trên nền tảng phát triển cả về chiều rộng cũng như chiều sâu của Phật giáo, dưới triều Trần đã xuất hiện nhiều vị Danh tăng. Ngoài những bậc cao tăng được ghi trong Nam Tông tự pháp đồ, còn có nhiều vị cao tăng khác được chép rải rác trong nhiều tài liệu khác. Những tài liệu lịch sử cho thấy Phật giáo triều Trần dường như không có chức Tăng thống hay Tăng Lục như triều Lý, mà chỉ thấy chức danh Quốc sư. Rất có thể việc quản lý Tăng đoàn ở các cấp là do giáo hội bổ nhiệm hay phân cử, còn nhà nước chỉ phong tặng chức danh Quốc sư mà thôi. Triều Trần đã phong 12 cao tăng làm Quốc sư, và hai cao tăng được nhận danh hiệu Đại sư. Ngoài ra, vua Trần Nhân Tông còn tặng Minh Đức thiền sư danh hiệu Minh Đức Chân Nhân.

Theo bản đồ của truyền thống Trúc Lâm Yên Tử có 23 tổ sư nối tiếp truyền thừa là Hiện Quang tổ sư, Viên Chứng Quốc sư, Đại Đăng Quốc sư, Tiêu Dao tổ sư, Huệ Tuệ tổ sư, Nhân Tông tổ sư, Pháp Loa tổ sư, Huyền Quang tổ sư, An Tâm Quốc sư, Phù Vân Quốc sư, Vô Trước Quốc sư, Quốc Nhất Quốc sư, Viên Minh tổ sư, Đạo Huệ tổ sư, Viên Ngộ tổ sư, Tổng Trì tổ sư, Khuê Thám Quốc sư, Sơn Đằng Quốc sư, Hương Sơn Đại sư, Trí Dung Quốc sư, Tuệ Quang tổ sư, Chân Trú tổ sư, Vô Phiền Đại sư.

Không nằm trong danh sách trực hệ đó, có những tu sĩ, cư sĩ, là vua, quan triều đình như vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông, vua Trần Minh Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trí Viễn thiền sư, Thuần Nhất pháp sư, Tăng Điền Đại sư, Bão Phác Quốc sư, Tông Cảnh Quốc sư, Pháp Cổ thiền sư, Huệ Nghiêm thiền sư, Bảo Sát thiền sư, Trí Thông thiền sư, Vô Sơn Ông (tức tư đồ Văn Huệ Vương, xuất gia năm 1322), Minh Đức Chân Nhân, Đức Sơn thiền sư, cư sĩ Vương Như Pháp (hay Thiên Nhiên), Bích Phong trưởng lão, Sa Môn Thu Tử, Lãm Sơn Quốc sư,

137

Thạch Đầu và Mật Tạng (hai thiền sư này đã tự thiêu sau khi đắc pháp, được ghi trong Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục ).

Đặc biệt trong các bậc Danh tăng đời Trần có hai người, một được coi như Bồ Tát là Tuệ Trung Thượng Sĩ (Trần Tung), và một được coi là vị Phật tổ của Việt Nam là Điều Ngự Giác Hoàng (vua Trần Nhân Tông). Không phải tự nhiên hai người này được vô cùng tôn kính, mà do những cống hiến cho dân tộc, và sự tinh cẩn tu hành nên các Ngài được tôn kính cả lúc sinh thời cũng như sau khi viên tịch. Không giống như câu chuyện Phật Mẫu Man Nương trong hình tượng của tín ngưỡng dân gian, trong đó chỉ có một phần sự thật, những ghi chép về Tuệ Trung Thượng Sĩ và Điều Ngự Giác Hoàng là những sự kiện lịch sử hoàn toàn có thật. Hai Ngài đều là những nhân vật lịch sử của triều Trần. Với Tuệ Trung Thượng Sĩ, nếu nghiên cứu thơ phú hay ngữ lục có thể thấy sự siêu thoát, sâu sắc nhưng lại gần gũi. Ngài là một đại diện cho tư tưởng nhập thế của phật giáo, đâu có khác nào Duy Ma Cật tái thế. Thượng Sĩ và Điều Ngự Giác Hoàng đều là những nhân vật đã thông hiểu được quy luật sinh tử, nên trong thời khắc nhập diệt lại là lúc thanh thản nhất. Với Điều Ngự Giác Hoàng, cả cuộc đời Ngài đã cống hiến cho dân tộc, cho chúng sinh. Dù ở cương vị nào, là vua, Thái thượng hoàng hay là một tu sĩ, Ngài đều làm tròn trách nhiệm của mình. Không phải ngẫu nhiên mà Ngài được tôn xưng là Thượng Sĩ hay Đại Sĩ, Tuệ Trung và Trúc Lâm Đầu Đà.

Câu chuyện về xá lợi của Điều Ngự Giác Hoàng, được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã làm tăng sự linh thiêng, tôn kính của người đời với Điều Ngự. Sách chép rằng:

Pháp Loa thiêu xác Thượng hoàng được hơn ba ngàn hạt xá lợi mang về chùa Tư Phúc ở kinh sư. Vua có ý ngờ. Các quan nhiều người xin bắt tội Pháp Loa. Hoàng thái tử Mạnh mới 9 tuổi, đứng hầu bên cạnh, chợt có mấy hạt xá lợi ở trước ngực, đưa ra cho mọi người xem, kiểm lại trong hộp, thì đã mất một số hạt. Vua xúc động phát khóc, trong lòng mới khỏi ngờ.” [14, tr.92].

Ở đây có chi tiết vua Anh Tông nghi ngờ là điều cần phải bàn. Ông là một Phật tử thuần thành, không thể có chuyện vua nghi ngờ xá lợi của Nhân Tông. Rất

138

có thể vì Ngô Sĩ Liên là nhà Nho vốn không tin Phật giáo nên suy diễn ra như vậy? Sau khi viết về Anh Tông, Ngô Sĩ Liên cũng có những nhầm lẫn đáng tiếc do quan điểm Nho giáo của mình. Khác với thời Lý, những sự kiện liên quan tới Phật giáo được chép rất nhiều, nhưng ở thời nhà Trần, những sự kiện liên quan tới Phật giáo được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư rất ít, nhưng những thông tin liên quan tới Phật giáo lại được chép rải rác rất nhiều trong các tài liệu của Phật giáo. Điều đó có nghĩa không phải là ít các sự kiện liên quan đến Phật giáo, mà chỉ có thể là các sự kiện đó ít được phản ánh trong chính sử mà thôi.

d. Về những trước tác của Phật giáo thời Trần

Các Tăng sĩ nghiên cứu tu học thời Trần chủ yếu từ những bản kinh điển chữ Hán. Đây là thời kỳ phong trào biên chép, chú giải các kinh điển chữ Hán phát triển rất mạnh. Nhiều bộ Ngữ Lục của các bậc cao tăng thời Trần đúc kết những kinh nghiệm thực tế tu hành của các Ngài rất có giá trị, được coi là sách gối đầu giường của các tăng ni. Tuy vua Trần Thái Tông không xuất gia, nhưng những trước tác của Ngài lại vô cùng sâu sắc. Những tác phẩm ấy như kim chỉ nam cho những người muốn bước vào con đường giải thoát. Vua Trần Thái Tông đã để lại những tác phẩm sau: Thiền Tông chỉ nam, Kim Cương Tam Muội kinh chú giải, Lục Thời Sám hối khoa nghi, Bình Đẳng lễ Sám văn, Khóa hư lục, Thi tập.

Còn Điều Ngự Giác Hoàng - vua Trần Nhân Tông, trước tác gồm có:

Thượng sĩ ngữ lục, Thiền Lâm Thiết Chủy ngữ lục, Trúc Lâm hậu lục, Thạch Thất Mị Ngữ, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng Già toái sự.

Pháp Loa tôn giả để lại các tác phẩm: Thạch Thất Mị Ngữ niệm tụng (những lời nhận xét và những bài kệ tụng viết về tác phẩm Thạch Thất Mị Ngữ của Trúc Lâm tổ sư), Tham Thiền yếu chỉ, (được soạn năm 1322 theo yêu cầu của vua Trần Minh Tông), Kim Cương Trường Đà La Ni Kinh Khoa chú (phân tích và chú giải kinh Kim Cương Trường Đà La Ni), Pháp Hoa Kinh Khoa sớ, Lăng Già Kinh Khoa sớ, Bát Nhã Tâm Kinh Khoa Sớ, Pháp Sự Khoa Văn (về các nghi thức và sớ điệp dùng trong những nghi thức của phật giáo), Độ Môn Trợ Thánh tập (các nghi thức về cúng đàn chẩn tế), Nhân Vương Hộ Quốc Nghi Quỹ (sách này soạn riêng cho vua

139

Minh Tông). Đặc biệt, theo Tam Tổ thực lục thì vào năm Tân Hợi, niên hiệu Hưng Long thứ 19 (1311) Pháp Loa đã phụng chiếu khắc bản Đại Tạng kinh, nhưng vì lúc này Pháp Loa rất bận công việc tổ chức giáo hội, nên đã nhờ thiền sư Bảo Sát chủ trì việc này. Bộ Đại Tạng này, chắc là bản được nói tới trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Năm Ất Mùi, Hưng Long năm thứ 3 (1295), sứ Nguyên là Tiêu Thái Đăng sang. Vua sai Nội viên ngoại lang Trần Khắc Dụng, Phạm Thảo cùng đi theo, nhận được bộ kinh Đại Tạng đem về để ở phủ Thiên Trường, in bản phó để lưu hành”

[14, tr.73].

Theo Tam tổ thực lục thì vào Năm 1319 in Đại Tạng kinh được hơn 5.000 quyển, để tại viện Quỳnh Lâm. Như vậy, bản Đại Tạng mà Pháp Loa phụng chiếu khắc bản, thời gian khắc bản mất tất cả 9 năm1.

Huyền Quang tổ sư là người rất giỏi về chữ nghĩa. Ngoài những tài liệu được Pháp Loa giao cho kiểm duyệt, còn có những trước tác như: Chư Phẩm kinh

(tuyển tập những phẩm kinh thiết yếu và thực dụng), Công văn tập (Tuyển tập những bài văn sớ điệp dùng trong các nghi lễ Phật giáo), Thích Khoa Giáo (tập sách giáo khoa về Đạo Phật).

Rất đáng tiếc là khi giặc Minh sang xâm lược, nhiều tác phẩm thời Trần đã bị thất lạc, hoặc do binh lửa hoặc do quân Minh tịch thu, đem về Trung Quốc.

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 134 - 139)