Chính sách của nhà Lý đối với tôn giáo

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 91 - 96)

QUAN HỆ GIỮA VƯƠNG TRIỀU LÝ VỚI PHẬT GIÁO

2.3.1. Chính sách của nhà Lý đối với tôn giáo

Có một vấn đề đặt ra là dưới triều Lý Phật giáo có phải là quốc đạo? Qua các tài liệu lịch sử không ai nghi ngờ rằng triều Lý rất sùng mộ đạo Phật. Những việc làm có lợi cho Phật giáo của nhà Lý như xây dựng chùa, thỉnh và sao chép kinh điển, phong phẩm cho các vị cao tăng, khiến mọi người cho rằng đó là lẽ đương nhiên. Nhưng nhà Lý có lấy Phật giáo làm quốc đạo hay không, vấn đề này không đơn giản như vậy.

92

Cùng thời đại với triều nhà Lý ở Đại Việt, là nhà Tống ở Trung Quốc. Theo Tống sử cũng như lịch sử Phật giáo thời Tống, do Vương Chí Bình biên soạn dưới tiêu đề Các đế vương với Phật giáo thì thấy, nhà Tống coi tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng chỉ là những công cụ phục vụ cho mục đích chính trị của mình mà thôi. Có thể dẫn ra đây một số chuyện làm minh chứng:

“Vào thời Tống Thái Tông trị vì, có một vị tăng xin được chất củi tự thiêu ở ngoại ô phủ Khai Phong. Tống Thái Tông cho rằng vị tăng đó hành động như vậy là cuồng tín, nên ông đã không những không cho phép mà còn hạ lệnh bắt vị tăng này đưa đi tu hành nơi xa xôi hẻo lánh, ngôi chùa mà vị tăng đó trụ trì cũng bị phá hủy.” [5, tr.43].

Có một sự kiện khác xảy ra dưới thời vua Tống Chân Tông (997-1022):

“Có một lần, Tống Chân Tông đến Long Môn, Lạc Dương, ông nhìn thấy một số lượng lớn các bức tượng Phật trong hang đã bị hư hỏng, thế là ông quay đi không dám nhìn cảnh hoang tàn đó nữa. Có người nhân cơ hội đó tấu trình Tống Chân Tông đích thân đứng ra tổ chức phục hồi lại, nhưng Tống Chân Tông đã từ chối, ông nói rằng: những khoản chi dành cho quân đội, không nên dùng vàng bạc châu báu đúc tượng Phật, cấm chỉ nhân dân xuất gia, rời bỏ người thân thích.” [5, tr.44].

Như vậy là Tống Chân Tông không bài xích Phật giáo, nhưng không quan tâm và hạn chế sự phát triển của tôn giáo này. Tống Nhân Tông cũng đã từng viết bản luận về giới luật của Phật giáo dưới tựa đề “Luận Thích Thị” (Luận bàn về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni), trong có đoạn ông viết:

“Sách về giới luật của Phật giáo cùng với học thuyết của Nho gia chỉ là hai con suối hợp thành một sông, mục tiêu của hai tôn giáo này đều là khuyến thiện cấm ác, do đó Phật giáo cần phải được đề xướng. Ông còn đem luân lý của tam cương ngũ thường của Nho gia và ngũ giới của Phật giáo ghép lại với nhau. Ông nói rằng: Không sát sinh nghĩa là nhân (nhân từ, nhân nghĩa), không trộm cắp nghĩa là liêm (trong sạch); Không mê hoặc là chính (đứng đắn, ngay thẳn); Không ăn gian nói dối, bừa bãi bậy bạ là tín (lòng tín nghĩa); Không uống rượu say là

93

trang nghiêm, (đàng hoàng), mọi người trong thiên hạ đều phải tuân theo những điều này.” [5, tr.45].

Như vậy, vua Tống chỉ coi Phật giáo như một tôn giáo, đã mang lại lợi ích cho chế độ phong kiến, như là một công cụ cho vua “bình thiên hạ” mà thôi. Cũng theo Vương Chí Bình thì, quan điểm đối với Phật giáo của nhà Tống, từ Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn cho đến Tống Thái Tông, Tống Chân Tông và các vị hoàng đế sau này, cho Phật giáo tồn tại như là một “gia pháp” của tổ tông.

Trong hệ thống giáo lý của đạo Phật được phân thành nhị đế, hay nhị pháp, là Pháp thế gianPháp xuất thế gian. Pháp thế gian là những quy luật, những vấn đề của xã hội, bao gồm cả tốt xấu, phải, trái, thịnh, suy. Còn Pháp xuất thế gian, là những phương pháp giúp cho con người đạt tới hạnh phúc, an lạc và trí tuệ chân thực. Từ xưa tới nay, nhân gian thường nghĩ, đất nước có hòa bình, độc lập tất có tự do và hạnh phúc. Điều đó đúng, nhưng tự do và hạnh phúc đó mới chỉ là về khía cạnh thể xác, không phải làm nô lệ cho những thế lực ngoại bang áp bức bóc lột đã là một niềm hạnh phúc lớn, nhưng đó chưa thực sự đảm bảo tự do về mặt tinh thần, tâm linh. Nếu lòng tham, sự sân hận, lòng đố kỵ và si mê vẫn chưa được giải phóng, hay xả bỏ, thì con người ta sẽ vẫn còn là nô lệ của danh và lợi, chỉ có sự giải phóng hoàn toàn những lòng tham, sân và si mê, con người mới thực sự đạt được tự do.

Vua Lý Thái Tổ, là người được đào tạo từ môi trường Phật giáo, nên rất hiểu giá trị đích thực của Phật giáo. Đối với tôn giáo nói chung, nhà Lý dường như đã thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, tạo nên sự bình đẳng về mặt xã hội, nhưng lại có cái nhìn rất chính xác giá trị và mục đích cuối cùng của các tôn giáo là khác nhau. Triều Lý đã không đánh đồng các giá trị này. Một mặt nhà Lý có chính sách bình đẳng tôn giáo, nhưng về mặt khác lại nhiệt thành ủng hộ Phật giáo. Ngoài những lý do đã nêu trên, các vua triều Lý còn muốn mang lại một sự tự do thực thụ cho người dân, bằng cách giúp cho dân hiểu và thực hành giáo lý của Đức Phật, mong rằng họ không còn tham, sân, si, thì họ sẽ đạt được tự do và hạnh phúc. Các vua triều Lý cũng muốn sử dựng tinh thần Bát chính đạo của Phật giáo để xóa bỏ mê tín dị đoan, những hủ tục mà từ xưa tới nay vẫn đang tồn tại trong cộng đồng

94

làng xã. Chỉ có phát huy được Bát chính đạo của nhà Phật, thì mới đẩy lùi được mê tín. Vua Lý Thái Tổ cũng học được sự tự do chân thực từ những tấm gương của các bậc cao tăng Phật giáo. Hành trạng của họ đã giúp cho vua nhận thức rõ tự do tâm linh. Sự việc Tăng thống - Đại sư Khuông Việt, cũng như Thiền sư Vạn Hạnh, sau khi giúp vua hoàn thành đại sự đều trở về chùa tu hành, không màng tới danh lợi, đã có tác động rất lớn tới tư tưởng tự do tâm linh của vua.

Với tư tưởng tôn trọng tự do tín ngưỡng, không phân biệt tôn giáo, nên ngay khi mới lên ngôi, vua Lý Thái Tổ đã “… hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại”, [13, tr.242], trong lệnh này không chỉ các chùa chiền của Phật giáo, mà cả những đạo quán của Lão giáo cũng được tu sửa. Trong ba lần xuống chiếu khuyến khích người xuất gia thì một lần vua cho cả người theo đạo Lão được tu hành, lần đó xảy ra vào năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016). Những lệnh này do vua Lý Thái Tổ ban ra cho thấy, triều Lý thực hiện chính sách bình đẳng tôn giáo đối với xã hội. Đường lối này được tôn trọng và thực hiện nhất quán tới thời vua Lý Nhân Tông.

Trong thời gian trị vì của mình vua Lý Thái Tông đã cư xử rất bình đẳng với Đạo giáo. Tinh thần tự do bình đẳng của Thái Tông được thể hiện rất rõ qua sự kiện vua ban áo ngự cho đạo sĩ Trần Tuệ Long ở quán Nam Đế. Năm Tân Mùi, niên hiệu Thiên Thành thứ 4 (1031), đạo sĩ Trịnh Trí Không tâu xin cho các đạo sĩ được nhận Ký lục, một loại giấy chứng nhận cho phép tu hành ở cung Thái Thanh, vua đã y cho.

Không chỉ Phật giáo, Đạo giáo được phát triển, mà tinh, những mặt tích cực của các đạo khác cũng được triều Lý trân trọng và vận dụng triệt để. Nho giáo là một trường hợp điển hình. Vào năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070), vua Lý Thánh Tông cho làm Văn miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Đến năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075) mùa xuân, tháng 2, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu tuyển minh kinh bác học và thi Nho học tam trường, Lê Văn Thịnh đã trúng tuyển, được chọn vào cung để hầu vua học. Năm sau (1076), vua cho lập Quốc tử giám, trường học

95

cấp quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Đến năm Bính Dần, Quảng Hựu thứ 2 (1086), mùa thu, tháng 8, thi người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn lâm viện, và Mạc Hiển Tích trúng tuyển, bổ làm Hàn lâm học sĩ.

Dưới thời Lý Nhân Tông, cả Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo đều được đối xử rất bình đẳng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì: “Mùa đông, tháng 11, năm Thiên phù Duệ vũ thứ 7 (1126), sau khi vua đi xem gặt ở hành cung Ứng Phong về đến kinh sư, các nhà Nho, Đạo, Thích đều dâng thơ mừng.”[13, tr.294]. Những lúc nhàn rỗi, vua vẫn mời cả cao tăng Phật giáo cũng như Đạo giáo vào cung để đàm đạo, và họ đều để lại cho vua Nhân Tông một ấn tượng kính ngưỡng.

Nhờ chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, và được bình đẳng tôn giáo, nhà Lý đã tập hợp được lực lực toàn dân. Dù theo bất kỳ tôn giáo nào, người dân đều hết lòng cống hiến vì vua, vì đất nước. Cùng với chính sách tự do tín ngưỡng, triều Lý còn thực hiện rất nhiều chính sách khoan hòa, thân dân, đã nhiều lần đại xá cho thiên hạ, giảm tô thuế cho dân, mỗi khi nhà nước có những lễ trọng, như Đại lễ Phật đản, khánh thành chùa, hay đất nước bị thiên tai v.v… Bằng những chính sách và việc làm đó, triều nhà Lý đã thu phục được lòng, xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân, cơ sở xã hội vững chắc cho nhà nước tập quyền thân dân, một mô hình đặc sắc trong lịch sử Việt Nam.

Chính sách tôn giáo của triều Lý không chỉ mang đặc tính tự do, bình đẳng, khoan hòa, mà quan trọng hơn là nhờ đó mà nhiều tôn giáo, tín ngưỡng đã xích lại gần nhau, đan xen nhau và tạo nên thể hỗn dung hài hòa. Xin dẫn ra đây một Minh chứng là bản Văn bia chùa Minh Tịnh (1090). Bài văn này do vị sư Bạch Liên sa di Thiện Giác soạn, và thiền sư Thích Nghĩa Tín viết chữ. Mở đầu, tác giả bài văn bia viết: “Vốn lẽ: Thái hư rộng lớn, chẳng trùm được bản tính chân như; vạn vật gồm thâu, không phải là cội nguồn sâu thẳm. Biến thành năm khí từ khi chưa hình thành, bao trùm nhị nghi từ khi chưa định dạng. Chế làm tám quẻ, nhóm họp từng loài, phân chia mọi vật, đó là cái phong hóa của họ Bào vậy. Quẻ càn: gồm cả bốn đạo, gốc từ một khí mà có thể sinh ra Hà Lạc; năm hành biến hóa, ứng với ngàn năm lại sinh ra bậc thánh nhân. Bởi vậy Giác Hoàng giáng sinh ở đời…”[66, tr. 47-48].

96

Đoạn văn trên là do một nhà sư viết, nhưng lại toát lên tinh thần và những nội dung căn cốt của Đạo giáo và thuyết âm dương, ngũ hành vốn rất phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam thời đó. Sử cũ cũng cho biết, thiền sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn, Lý Nhân Tông vv… đều là những người thông hiểu cả cửu lưu tam giáo, nhất là Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo.

Chính trên nền tảng hỗn dung, khoan hòa giữa “Tam giáo – Nho, Phật, Đạo” với các tín ngưỡng cổ truyền của người Việt, trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước của người Việt mà Phật giáo thời Lý đã phát triển rực rỡ và khẳng định được vị trí, giá trị của mình với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chấn hưng dân tộc.

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo (Trang 91 - 96)