Thực trạng thái độ của cộng đồng với người có HIV/AIDS

Một phần của tài liệu Sự kỳ thị của cộng đồng với người có HIV AIDS ở khu vực nông thôn Việt Nam (Trang 61)

Theo ấn phẩm “HIV/AIDS tại Việt Nam” do Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em, Bộ y tế và Văn phòng tham khảo dân số xuất bản năm 2006 cho thấy, bức tranh tình hình nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS tại Việt Nam khá sáng sủa. Kết quả điều tra các chỉ tiêu Dân số và AIDS Việt Nam năm 2005 cho thấy 95% nam và 93% nữ có nghe đến HIV/AIDS [24, tr.33]. Tuy nhiên, từ nhận thức tới thái độ và hành vi lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Từ nhận thức đúng đến có thái độ đúng và hành vi phù hợp là một khoảng cách vô hình khá nan giải mà nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự đang cố gắng lấp đầy bằng các chương trình, chiến dịch, dự án liên quan đến việc tuyên truyền chống kỳ thị với người có HIV/AIDS. Hai thôn Cao Bồ và An Lộc Hạ, xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là hai địa bàn được triển khai dự án từ rất sớm, năm 2003. Dự án tập trung vào các mảng chính như sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục của vị thành niên thanh niên, bạo lực giới, bạo lực gia đình, bình đẳng giới… và phòng chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hiệu quả của dự án được thể hiện rõ trong báo cáo cuối kỳ tháng 6/2012 với 92% số người được hỏi trả lời đúng về đường lây nhiễm HIV, 67% số người được hỏi trả lời đúng về cách phòng tránh lây nhiễm bệnh HIV/AIDS, 80% số người trả lời đúng về cư xử với người nhiễm HIV/AIDS và 69% trả lời đúng về quyền của người có HIV/AIDS [7]. Tuy nhiên đây là số liệu tổng hợp trên cả 4 vùng dự án: Nam Định, Bắc Giang, Phú Yên và Thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải của riêng địa bàn Nam Định, do đó để phục vụ cho luận văn tác giả tiến hành khảo sát trên 411 người dân nhằm tìm hiểu nhận thức, thái độ cũng như hành vi của người dân tại khu vực này về vấn đề kỳ thị với người có HIV/AIDS tác giả đã đặt ra nhiều câu hỏi tình huống giả định để đo thái độ của người dân dưới nhiều góc cạnh và đa chiều nhất. Trước câu hỏi tình huống “Cảm xúc đầu tiên của bạn khi bất ngờ biết người đang nói chuyện với mình có HIV là gì?” và tác giả đưa ra 5 phương án trả lời chính:

55

1. Tỏ thái độ khinh bỉ, xa lánh, lập tức không nói chuyện cùng

2. Cố gắng bình tĩnh nói chuyện tiếp nhưng trong lòng cũng hơi lo ngại, e dè 3. Tìm cách chấm dứt câu chuyện một cách nhẹ nhàng, tránh tiếp xúc những

lần sau

4. Cảm thấy bình thường, vì bản thân đã có hiểu biết về HIV 5. Thấy thông cảm, chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ nếu có thể.

Kết quả của câu hỏi trên thu được tương đối thú vị, thể hiện dưới biểu đồ hình tròn sau:

Biểu 3.1: Thái độ của cộng đồng khi bất ngờ biết người đang nói chuyện nhiễm

HIV/AIDS

Như vậy, nhìn vào số liệu và biểu đồ trên ta thấy, thái độ của người dân khi bất ngờ biết được người đang nói chuyện với mình có HIV/AIDS là chưa hoàn toàn tích cực. Trong 5 phương án trả lời, thì phương án nhận được nhiều sự lựa chọn nhất là phương án 4 “Cảm thấy bình thường, vì bản thân đã có hiểu biết về HIV” vói 46%; và 41% tức 168 người được hỏi trả lời rằng “Thấy thông cảm, chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ nếu có thể” - Đây là mức độ cao nhất thể hiện thái độ vô cùng thân thiện của cộng đồng với người có HIV, không hề có bất kỳ một sự kỳ thị nào, không có bất kỳ một khoảng cách nào giữa người có HIV và người không có HIV. Tổng số các câu trả lời mang ý nghĩa tích cực cộng dồn 2 phương án là 87% (357/411 người), đây quả là một con số đáng mừng. Tuy nhiên, 13% còn lại, tức 54 ý kiến còn lại thì lại có thái độ chưa tích cực và hàm chứa sự kỳ thị phân biệt đối xử

56

ở trong đó. Mặc dù tỷ lệ này không phải là đa số nhưng cũng không phải là một con số nhỏ, và đây mới là những ý kiến cần được quan tâm hơn cả. Dẫu vậy, trong số 13% này, không có một người nào chọn phương án “Tỏ thái độ khinh bỉ, xa lánh, lập tức không nói chuyện cùng”. Quả thật, đây cũng là một phương án mà trạng thái phản ứng của nó là quá gay gắt, nếu một người có HIV/AIDS khi tiết lộ bản thân đang có HIV mà gặp phải phản ứng dữ dội như vậy thì chắc hẳn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của họ. Hai phương án còn lại lần lượt là: “Cố gắng bình tĩnh nói chuyện tiếp nhưng trong lòng cũng hơi lo ngại, e dè” chiếm 6.8% (28 ý kiến) và “tìm cách chấm dứt câu chuyện một cách nhẹ nhàng, tránh tiếp xúc những lần sau” là 6.3% (26 ý kiến). Cả hai phương án trên đều không hề thể hiện thái độ ra ngoài thành nét mặt, cử chỉ, điệu bộ như ngạc nhiên, kinh ngạc, tò mò... mà nó thể hiện dưới dạng hết sức kín đáo, chỉ khi người trả lời nói ra cảm xúc của mình thì người ngoài cuộc mới biết được. Như vậy, mặc dù có thể thể hiện dưới những hình thức khác nhau, nhưng sự kỳ thị với người có HIV vẫn còn tồn tại. Nhưng dẫu sao, trong 411 ý kiến đưa ra thì cũng có đến 87% số người trả lời có thái độ hoàn toàn tích cực khi tiếp xúc với những người có HIV, đó là một con số đáng mừng, một thành công trong công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cũng như sự kỳ thị với những người mang HIV của chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng.

Một phần của tài liệu Sự kỳ thị của cộng đồng với người có HIV AIDS ở khu vực nông thôn Việt Nam (Trang 61)