Kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS

Một phần của tài liệu Sự kỳ thị của cộng đồng với người có HIV AIDS ở khu vực nông thôn Việt Nam (Trang 33 - 34)

Định nghĩa kỳ thị và phân biệt đối xử

Xuất phát điểm cho định nghĩa khái niệm kỳ thị và phân biệt đối xử là nghiên cứu của Erving Goffman (1963) về sự kỳ thị liên quan đến bệnh tâm thần, sự dị dạng của cơ thể và những gì được xem là các hình vi lệch chuẩn. Goffman mô tả kỳ thị như là “một thuộc tính hết sức cá nhân” và dẫn tới việc loại bỏ một người hoặc một nhóm người ra khỏi cộng đồng và những người bình thường, coi họ là một người hoặc một nhóm người vô dụng và “phế phẩm” [12]. Tiếp tục mở rộng các kết quả nghiên cứu của Goffman, Link và Phelan (2001) mô tả kỳ thị như là một quá trình gồm có 3 bước riêng biệt: (i) Phân loại những người “phế phẩm” ra khỏi những người “bình thường” bằng cách phân biệt và gán nhãn; (ii) Liên hệ những sự khác biệt đó với những thuộc tính xấu; (iii) Tách “chúng ta” ra khỏi “chúng nó”.

Parker và Aggleton (2003) cho rằng những người bị kỳ thị thường chấp nhận các chuẩn mực và giá trị (phản ánh các mối quan về quyền lực và kiểm soát) mà gán cho họ những sự khác biệt xấu. Kết quả là các cá nhân hoặc các nhóm bị kỳ thị có thể thừa nhận rằng họ “xứng đáng” bị đối xử một cách tồi tệ và bất công, khiến cho việc chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử thậm chí còn khó hơn nữa. Tự kỳ thị được biểu hiện theo nhiều cách, bao gồm cả tự thù ghét bản thân, tự cô lập và sự xấu hổ [12].

27

Định nghĩa của UNAIDS về sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS:

 Sự kỳ thị liên quan đến HIV/AIDS được mô tả như một ‘quá trình mất giá’ của những người sống chung hoặc có quan hệ với những người bị nhiễm HIV/AIDS. Sự kỳ thị này thường có nguồn gốc từ kỳ thị mại dâm và tiêm chích ma tuý là hai con đường thông dụng nhất dẫn đến lây nhiễm HIV.

 Sự phân biệt đối xử đi sau kỳ thị là việc đối xử không công bằng đối với một người nào đó do họ bị nhiễm hoặc do cảm tưởng là người đó bị nhiễm HIV. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử vi phạm đến các quyền cơ bản của con người, ở các cấp độ khác nhau từ chính trị đến kinh tế, xã hội, tâm lý và thể chế.

 Một khi có sự kỳ thị thì người ta thường muốn làm ngơ trước tình trạng thực sự hoặc có thể nhiễm HIV của mình. Điều này dẫn đến nguy cơ làm cho bệnh tật tiến triển nhanh hơn đối với bản thân họ cũng như nguy cơ gây lây nhiễm HIV sang những người khác [12].

Định nghĩa của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) Việt Nam:

 Kỳ thị người nhiễm HIV là thái độ khinh thường hay thiếu tôn trọng người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV.

 Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV [14].

Một phần của tài liệu Sự kỳ thị của cộng đồng với người có HIV AIDS ở khu vực nông thôn Việt Nam (Trang 33 - 34)