Sơ lược sự hình thành và phát triển ngành thuế

Một phần của tài liệu nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngành thuế từ thực tiễn cục thuế tỉnh thừa thiên huế (Trang 48 - 52)

6. Kết cấu của đề tài

2.1. Sơ lược sự hình thành và phát triển ngành thuế

Nước ta, dù hình thành từ rất lâu nhưng cho đến tận thế kỷ XI, đời vua Trần Thái Tông (1225-1237) thì việc đánh thuế mới được hình thành một cách có tổ chức, quy cũ và có hệ thống.

Vào thời nhà Trần theo sử sách ghi lại có 2 loại thuế chính được áp dụng đó là: thuế thân và thuế điền. Việc đóng thuế kể từ lúc đó đến các triều đại phong kiến sau này đã thành lệ và không có gì thay đổi đáng kể. Nhìn chung, hệ thống thuế của các triều đại phong kiến ở nước ta có đặc điểm chung là thiếu những chuẩn mực về đạo lý và pháp lý cần thiết.

Sang thời kỳ Pháp thuộc thì cơ chế tài chính do Pháp thiết lập ở Đông Dương đầu thế kỷ XX không nằm ngoài mục đích bao trùm là vơ vét của cải của các nước thuộc địa.

Sau tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thành công, giành được chính quyền, Chính phủ ta chủ trương một số biện pháp như: bải bỏ các thứ thuế vô lý do thực dân Pháp và chính quyền tay sai đề ra (bải bỏ thuế thân, thuế thổ trạch…)

Đến ngày 10/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ban hành sắc lệnh số 27 lập ra “Sở Thuế quan và thuế gián thu”, đánh dấu sự ra đời của ngành Thuế Việt Nam. Mới đây, ngày 6/8/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1370/QĐ-TTg công nhận ngày 10/9 hàng năm là ngày truyền thống ngành Thuế Việt Nam. 67 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, lớp lớp các thế hệ cán bộ công chức, viên chức ngành Thuế cùng toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ nhiệm vụ vẻ vang: Vào những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1945), Quỹ ngân khố trung ương chỉ có 1.250 nghìn đồng Đông Dương. Trước yêu cầu chi cho nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và ổn định đời sống nhân dân,

Đảng, Bác Hồ và Chính phủ quyết định xoá bỏ thuế thân; bãi bỏ chế độ độc quyền muối, rượu, thuốc phiện (là những chính sách nô dịch của chế độ thực dân phong kiến), giảm thuế điền thổ để khuyến khích nhân dân tăng gia sản xuất... Các chủ trương, chính sách và biện pháp tài chính, tiền tệ đã khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần độc lập, tự chủ và sự đóng góp của nhân dân; những sắc lệnh, nghị định về chính sách thuế, hệ thống tổ chức thuế được thực hiện nghiêm túc. Nhờ đó, số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đáp ứng nhu cầu cấp bách, quan trọng của chính quyền cách mạng và tiếp sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi.

Những năm 1955 - 1965, ngành Thuế tham mưu cho Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ban hành một hệ thống thuế hoàn chỉnh và áp dụng thống nhất trên toàn miền Bắc (gồm có thuế nông nghiệp thu bằng hiện vật và 12 thứ thuế thu bằng tiền). Sau đó, theo Nghị định 197/CP ngày 7/11/1961 của Chính phủ, Sở Thuế công thương nghiệp được chuyển thành Vụ Thu quốc doanh và thuế; đồng thời, Vụ Thuế nông nghiệp được chuyển thành Vụ Tài vụ hợp tác xã và Thuế nông nghiệp. Do đó, hệ thống chính sách thuế mới được ban hành và số thu ngân sách có những chuyển biến mới với tỷ lệ động viên tài chính chiếm từ 28% - 30% thu nhập quốc dân, phần thu trong nước chiếm tỷ trọng 70% - 80% tổng số thu NSNN.

Trong những năm cả nước tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1966-1975), ngành Thuế cùng cấp uỷ, chính quyền các địa phương phát động phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”...; đồng thời, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều giải pháp thuế phù hợp áp dụng cho hai miền Bắc, Nam. Cụ thể: Ở miền Bắc, tổ chức ngành Thuế được cải tiến theo Nghị định 61/CP ngày 20/3/1974 của Hội đồng Chính phủ; ngành thuế đề ra chính sách, tổ chức quản lý thu phù hợp có hiệu quả rõ rệt, với tổng thu ngân sách thời kỳ 1966 - 1970 tăng gấp 2 lần so với thời kỳ 1961 - 1965, thời kỳ 1971 - 1975 tăng gấp 2,7 lần so với thời kỳ 1961 - 1965. Ở miền Nam, chính quyền cách mạng lâm thời thực hiện chính sách động viên hợp lý như: “Đảm phụ nuôi quân”, “Đảm phụ nông nghiệp”, “Đảm phụ công thương nghiệp”... tạo ra nguồn lực tài chính để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, (từ năm 1986 đến năm 1996), ngành Thuế nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền ban hành một hệ thống chính sách thuế mới thay thế cơ bản chính sách thuế trước đó. Đồng thời, ngành Thuế nghiên cứu, trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 281-HĐBT ngày 7/8/1990 về việc thành lập hệ thống thuế Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Từ đó cho đến nay, ngành Thuế hoạt động với một bộ máy thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Việc thực hiện hệ thống chính sách thuế và cơ cấu tổ chức mới cho thấy, số thu nội địa liên tục vượt dự toán giao, năm sau cao hơn năm trước, tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng thu ngân sách (đến năm 1996 đã chiếm trên 90% tổng số thu của NSNN); tỷ lệ động viên từ thuế và phí so với GDP ngày càng tăng (từ 12,83% GDP năm 1992 tăng lên 23,52% năm 1996); số thu thuế năm 1996 gần bằng 9,5 lần số thu năm 1990.

Từ kết quả đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (6/1996) khẳng định: “Việt Nam đã hình thành được hệ thống thuế áp dụng thống nhất cho các thành phần kinh tế, nâng dần tỷ lệ động viên thuế và phí trong GDP, tạo thành nguồn thu chính cho NSNN, bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và tăng dần dành cho đầu tư phát triển...”.

Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước, từ năm 2003, ngành Thuế đã nghiên cứu xây dựng và trình Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt “Chiến lược cải cách và hiện đại hoá hệ thống thuế đến năm 2010”. Đến nay, việc thực hiện chiến lược này về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Cụ thể:

Số thu ngân sách không ngừng tăng trưởng. Nếu như năm 2000 thu nội địa chiếm 76,9% tổng thu NSNN, thì đến năm 2010 số thu nội địa chiếm 92,6% tổng số thu NSNN (trong đó thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm 72,7%). Hiện cả nước đã có 40 địa phương có số thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng; 5/63 địa phương có số thu trên 10.000 tỷ đồng. Riêng TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang hiện hữu trở thành địa phương có số thu 100.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, ngành Thuế tham mưu trình Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành các luật thuế mới như: Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế Tài nguyên, Luật Thuế bảo vệ môi trường...; kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tằng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp... liên tục rà soát, bãi bỏ hoặc sửa đổi các loại phí, lệ phí không hợp lý khác, được xã hội cùng cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Bên cạnh đó, ngành Thuế đã xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành Luật Quản lý thuế, thống nhất được các quy định về quyền hạn và trách nhiệm của cả cơ quan quản lý thuế, người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan về quản lý thuế v.v... Đồng thời, ngành triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính thuế theo hướng xoá bỏ các thủ tục rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế tự giác thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Đặc biệt, việc thực hiện đơn giản hoá các thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ, đến nay toàn ngành đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung 243 thủ tục; thay thế 4 thủ tục, bãi bỏ 11 thủ tục, đơn giản hoá 76% thủ tục trong số thủ tục hành chính thuế đã công bố và ước tính sẽ cắt giảm khoảng 36,1% chi phí tuân thủ chung cho xã hội về thực hiện các thủ tục hành chính thuế...

Một trong những thành tựu nổi bật của ngành Thuế là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thuế đã phát huy hiệu quả tích cực như các ứng dụng: Đăng ký thuế qua mạng, khai thuế qua mạng, thu thuế qua ngân hàng... Việc thực hiện những ứng dụng này vừa tạo thuận lợi cho cơ quan thuế quản lý thuế được tốt hơn, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nộp thuế.

Ghi nhận những thành quả đạt được trong 67 năm qua, ngành Thuế Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Chỉ tính trong 20 năm gần đây, ngành Thuế được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1997), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2004), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2004). Nhiều tập thể, cá nhân trong ngành được tặng thưởng các phần thưởng và danh hiệu như:

Về danh hiệu thi đua: Có 6 tập thể và 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 77 tập thể được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ; 103 tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ Tài chính; 145 cá nhân được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 4.229 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Tài chính; 13.856 lượt tập thể đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.

Về hình thức khen thưởng: Có 4 tập thể được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; 37 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; 133 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 1.381 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 3.155 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của

Chính phủ; 22.041 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen Bộ Tài chính; và hàng nghìn tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố [16] .

Viết tiếp truyền thống: Phát huy truyền thống 67 năm qua, trong thời gian tới toàn ngành Thuế quyết tâm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao; đó là: Tập trung xây dựng dự toán thu 5 năm (2011 - 2015) để trình Đại hội Đảng và trình Quốc hội thông qua; chỉ đạo các địa phương áp dụng mọi biện pháp quản lý, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu 5 năm và từng năm với mức vượt dự toán tối thiểu là 5% so với dự toán Quốc hội phê chuẩn.

Một phần của tài liệu nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngành thuế từ thực tiễn cục thuế tỉnh thừa thiên huế (Trang 48 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w