- Đổi mới công tác giám sát để nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước:
Đổi mới phương pháp, quy trình Thanh tra, giám sát ngân hàng là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay đối với nền kinh tế nước nhà. Theo đó, đổi mới phải đi đôi với hoàn thiện các quy trình an toàn, các biện pháp thận trọng trong hoạt động ngân hàng dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến và các nguyên tắc cơ bản về giám sát ngân hàng hữu hiệu của Ủy ban Giám sát ngân hàng Basel và các chuẩn mực quốc tế về giám sát ngân hàng Basel I, từng bước thực hiện các nguyên tắc, chuẩn mực cơ bản theo Hiệp ước vốn mới (Basel II). Tập trung nâng cao căn bản năng lực của NHNN trong việc cảnh báo và xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng; triển khai phương pháp Thanh tra giám sát dựa trên cơ sở rủi ro; kết hợp chặt chẽ giữa giám sát từ xa và Thanh tra tại chỗ, giám sát an toàn vi mô với giám sát an toàn vĩ mô. Hoạt động ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro gây ra tổn thất về tài chính, vì vậy phương châm hoạt động Thanh tra, giám sát ngân hàng phải lấy cảnh báo, phát hiện sớm, phòng ngừa các rủi ro, vi phạm làm trọng tâm thay vì chỉ dựa vào việc Thanh tra tại chỗ để phát hiện sai phạm đã xảy ra và tổn thất đã hiện hữu. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng với cơ quan Thanh tra, giám sát tài chính phi ngân hàng trong nước, cơ quan giám sát tài chính nước ngoài để từng bước triển khai các hình thức giám sát hợp nhất các TCTD hoạt động đa năng, các tập đoàn tài chính – ngân hàng và giám sát chặt chẽ các tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Song hành với đổi mới công tác giám sát thì việc hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ công tác giám sát ngân hàng chính là điều kiện đủ cho việc hoàn thiện công tác giám sát ngân hàng. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ, NHNN cần ban hành những luật mới, Nghị định, Thông tư, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của các TCTD để định hướng các TCTD vào các khuôn khổ an toàn hơn, bền vững hơn trong hoạt động.