Hoàn thiện về phương pháp thanh tra tại chỗ

Một phần của tài liệu hoạt động thanh tra, giám sát của ngân hàng nhà nước đối với các tổ chức tín dụng tại việt nam (Trang 77 - 83)

Hoạt động thanh tra tại chỗ cần kết hợp với giám sát từ xa thành một chu trình khép kín, ở đó, hoạt động thanh tra, giám sát là đan xen và kết quả của hoạt động này là tiền đề cho hoạt động kia. Khi cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện phương pháp Thanh tra trên cơ sở rủi ro, sự kết hợp giữa giám sát từ xa và Thanh tra tại chỗ thể hiện rõ nét trong việc lập báo cáo giám sát CAMELS (giám sát từ xa đảm nhiệm các nội dung định lượng; Thanh tra tại chỗ đảm nhiệm nội dung đánh giá định tính)

- Kết hợp giữa Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và ngân hàng với thanh tra trên cơ sở rủi ro.

Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và ngân hàng là phương pháp Thanh tra truyền thống, tập trung đánh giá việc tuân thủ của TCTD đối với pháp luật có liên quan (bao gồm các quy định pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng (trong đó có quy định về bảo đảm an toàn hoạt động), việc thực hiện các quy định trong giấy phép do NHNN cấp cũng như các quy định pháp luật liên quan khác); coi đây là mục tiêu hàng đầu và cũng là mục tiêu quan trọng nhất khi Thanh tra các TCTD. Thanh tra tuân thủ được thực hiện trên cơ sở định hướng trong kế hoạch Thanh tra năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc theo chỉ đạo của Lãnh đạo NHNN trong trường hợp cần thiết.

Thanh tra trên cơ sở rủi ro là việc đánh giá TCTD trên các mặt : (1) mức độ và xu hướng của rủi ro; (2) năng lực quản trị rủi ro và (3) khả năng tài chính của TCTD để chống đỡ rủi ro có thể xảy ra. Hoạt động Thanh tra tập trung vào rủi ro và tình hình quản trị rủi ro của các TCTD, trong đó bao gồm cả việc tuân thủ pháp luật. Như vậy, có thể nói hoạt động Thanh tra trên cơ sở rủi ro cũng đã bao hàm cả nội dung Thanh tra tuân thủ đối với các TCTD. Để thực hiện Thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro không chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Lãnh đạo NHNN mà ngoài ra còn dựa vào báo cáo giám sát vĩ mô, báo cáo cảnh báo sớm, báo cáo phân tích rủi ro từ hoạt động giám sát.

Phương pháp Thanh tra trên cơ sở rủi ro sẽ giúp Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng: (i) Đảm bảo các nguồn lực Thanh tra được phân bổ một cách hợp lý, theo đó những TCTD tiềm ẩn mức độ rủi ro cao sẽ được tập trung Thanh tra, giám sát nhiều hơn những TCTD khác, (ii) Đảm bảo phạm vi và chất lượng Thanh tra tại mỗi TCTD là thống nhất và phù hợp với mức độ rủi ro của các TCTD và (iii) nâng cao hiệu quả Thanh tra, giám sát, đồng thời phát triển năng lực và kinh nghiệm của cán bộ Thanh tra.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cần tích cực đưa nội dung Thanh tra chất lượng quản lý rủi ro tỷ giá và rủi ro thị trường vào các kế hoạch Thanh tra, đặc biệt đối với các TCTD có tỷ lệ kinh doanh ngoại tệ lớn, các tỷ lệ phản ánh rủi ro có biến động cao bất thường so với hệ thống, hoặc thu nhập ngoài lãi/tổng thu nhập cao.

- Kết hợp giữa kiểm toán độc lập do các công ty kiểm toán độc lập thực hiện với Thanh tra tại chỗ do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện.

Kết quả kiểm toán là một kênh thông tin quan trọng và đáng tin cậy hỗ trợ cho công tác Thanh tra, do đó, việc khai thác và sử dụng kết quả kiểm toán nội bộ TCTD và kết quả kiểm toán độc lập của các Công ty kiểm toán cần được coi trọng và quan tâm đúng mực. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có thể thuê cơ quan kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán một số nội dung phục vụ cho mục đích Thanh tra. Việc khai thác kết quả kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập của các Thanh tra viên khi giám sát và (hoặc) Thanh tra tại chỗ các TCTD phải được thể hiện đầy đủ, rõ ràng trong các báo cáo của Thanh tra viên. Điều này đã được cụ thể hóa trong Sổ tay Thanh tra trên cơ sở rủi ro của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và cần được xem là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, trình độ của Thanh tra viên.

Về lâu dài, khi đã nâng cao được chất lượng, hiệu quả nghiệp vụ giám sát từ xa và có đầy đủ các điều kiện cần thiết về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin cho hoạt động Thanh tra, giám sát thì cần sớm chuyển sang

phương pháp Thanh tram, giám sát rủi ro trong hoạt động của đối tượng Thanh tra, giám sát ngân hàng để giảm bớt được nguồn lực và nâng cao được hiệu quả, chất lượng công tác Thanh tra tại chỗ trong điều kiện các NHTM phát triển nhanh về quy mô, địa bàn và hoạt động nghiệp vụ ngày càng phong phú, đa dạng.

KẾT LUẬN

Cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế quốc gia, hoạt động của khu vực ngân hàng cũng ngày càng được mở rộng và phát triển cả về mặt quy mô và tính phức tạp. Các TCTD luôn phải đối mặt với nhiều loại rủi ro có thể phát sinh trong quá trình hoạt động, ở tất cả các khâu, các lĩnh vực hoạt động. Kinh nghiệm cho thấy không phải việc tránh né rủi ro mà chính là việc chấp nhận rủi ro mới là điều kiện cần thiết để đạt kết quả trong hoạt động tốt dựa trên cơ sở quản lý rủi ro hiệu quả.

Chính vì lý do trên, cùng với chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả, hoạt động Thanh tra, giám sát ngân hàng trở thành phần cốt yếu cho sự ổn định tài chính ở bất cứ quốc gia nào. Đối với các quốc gia đang phát triển hoặc các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, phương pháp Thanh tra, giám sát đối với các TCTD chủ yếu vẫn là Thanh tra, giám sát tuân thủ, phương pháp Thanh tra, với sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là WB, hiện nay, NHNN mới chỉ tiến xây dựng được cuốn Sổ tay Thanh tra trên cơ sở rủi ro được sử dụng như một cuốn cẩm nang cho các cán bộ Thanh tra ngân hàng và trên thực tế, phương pháp Thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro mới chỉ được manh nha tiến hành trong thời gian gần đây.

Vì vậy, việc nghiên cứu để đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện hoạt động Thanh tra, giám sát của cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đối với các TCTD tại Việt Nam là rất cần thiết và là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Quán triệt mục đích nghiên cứu của đề tài và bằng các phương pháp nghiên cứu thích hợp, kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, Luận văn đã có một số những đóng góp nhỏ sau:

Một là, nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về hoạt động Thanh tra, giám sát của cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, trong đó: luận giải được sự cần thiết của công tác Thanh tra của Ngân hàng nhà nước đối với các TCTD;

trình bày khái quát các phương thức Thanh tra (giám sát từ xa, Thanh tra tại chỗ), đi sâu nghiên cứu hoạt động Thanh tra mà Ngân hàng nhà nước Việt Nam thực hiện để Thanh tra, giám sát các TCTD; đồng thời giới thiệu được các nguyên tắc cơ bản về hoạt động Thanh tra, giám sát ngân hàng hiệu quả của Uỷ ban Basel.

Hai là, phân tích thực trạng thực hoạt động Thanh tra, giám sát của cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đối với các TCTD tại Việt Nam. Qua đó, cho thấy Thanh tra ngân hàng chủ yếu thực hiện Thanh tra, giám sát tuân thủ với rất nhiều hạn chế, thực hiện Thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro chỉ ở mức sơ khởi - có thể coi là còn rất hạn chế. Đồng thời chỉ ra nguyên nhân của việc chưa thực hiện Thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro của NHNN.

Ba là, trên cơ sở định hướng chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam, căn cứ những nguyên nhân của việc chưa thực hiện Thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro, đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện Thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro của NHNN đối với các TCTD tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng nhận thức được rằng đổi mới toàn diện hoạt động Thanh tra, giám sát của NHNN đối với các TCTD tại Việt Nam, trong đó có việc chuyển sang phương pháp Thanh tra trên cơ sở rủi ro, là một quá trình khó khăn, phức tạp và đòi hỏi phải có thời gian. Các giải pháp đưa ra còn cần phải tiếp tục nghiên cứu một cách cụ thể và toàn diện hơn; đồng thời cũng cần có sự nỗ lực và quyết tâm không chỉ của cán bộ Thanh tra, ban lãnh đạo Thanh tra ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng nhà nước, mà còn là sự quyết tâm và kiên định của Chính phủ trên con đường đổi mới chung của cả nền kinh tế.

Do thời gian, kinh nghiệm và kiến thức còn hạn chế, vì vậy đề tài nghiên cứu của nhóm không tránh khỏi những hạn chế và khiếm khuyết. Với tinh thần cầu thị, học hỏi, nhóm nghiên cứu mong muốn nhận được sự rộng lượng và những ý kiến sửa đổi của các thầy cô giáo để đề tài này được hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu hoạt động thanh tra, giám sát của ngân hàng nhà nước đối với các tổ chức tín dụng tại việt nam (Trang 77 - 83)