Định hướng về chính sách

Một phần của tài liệu hoạt động thanh tra, giám sát của ngân hàng nhà nước đối với các tổ chức tín dụng tại việt nam (Trang 67 - 69)

- Hình thành đồng bộ khuôn khổ pháp lý, áp dụng đầy đủ hơn các thiết chế và chuẩn mực quốc tế về an toàn kinh doanh tiền tệ - ngân hàng. Xây dựng môi trường pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng minh bạch, công bằng và phù hợp với từng loại hình nhằm thúc đẩy cạnh tranh và bảo đảm an toàn hệ thống tiền tệ, ngân hàng cũng như phù hợp với bản chất hoạt động của từng loại hình.

- Đổi mới căn bản cơ chế quản lý đối với các NHTMNN và các TCTD khác. Theo đó, các TCTD được thực sự tự chủ (về tài chính, hoạt động, quản trị điều hành, tổ chức bộ máy, nhân sự), hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh và hoạt động trong khuôn khổ pháp lý minh bạch, công khai, bình đẳng.

- Xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với quy định của Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, các thỏa thuận song phương khác với Nhật Bản, EU, các quy định của WTO và cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ tài chính – ngân hàng. Tạo cơ hội cho các TCTD nước ngoài vào hoạt động hợp pháp và theo cam kết quốc tế, nhưng phải có phương thức, cơ chế quản lý mềm dẻo, đúng pháp luật và phù hợp thông lệ quốc tế để hạn chế sự thao túng, cạnh tranh không lành mạnh hoặc thôn tính bất lợi của các TCTD nước ngoài đối với các TCTD Việt Nam.

- Tăng cường nguồn lực cho công tác Thanh tra, giám sát về cả nhân lực và cơ sở vật chất đáp ứng việc Thanh tra, giám sát toàn bộ, thường xuyên, liên tục hoạt động của các TCTD. Tập trung, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động giám sát ngân hàng.

- Nâng tần suất làm việc trực tiếp với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm nắm sát diễn biến tình hình hoạt động; trên cơ sở đó, đưa ra các khuyến nghị kịp thời và có các phương án xử lý cần thiết (trước hết là đối với các đối tượng xếp nhóm hoạt động kém an toàn; đối tượng 2 năm trở lên chưa được Thanh tra; có diễn biến bất thường trong tổ chức và hoạt động hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật có ảnh hưởng đến an toàn hoạt động; các đối tượng mới được cấp phép và mới đi vào hoạt động; các đối tượng đang trong quá trình thực hiện kiến nghị sau Thanh tra.

- Xử lý nghiêm các sai phạm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo đúng các chế tài hiện có, giám sát chặt chẽ việc chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại sau Thanh tra, đảm bảo kỷ cương trong hoạt động ngân hàng, nâng cao hiệu lực công tác Thanh tra, giám sát. Phân loại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo khối căn cứ kết quả xếp hạng; áp dụng biện pháp quản lý đối với từng khối; tập trung xây dựng định hướng phát triển đối với các tổ chức được xếp hạng cao để các tổ chức này có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế và khu vực, đồng thời cơ cấu, xử lý các tổ chức yếu kém, không an toàn nhằm hạn chế tác động tới toàn hệ thống,

- Triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, Đề án cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng; giám sát chặt chẽ các TCTD được cơ cấu lại đạt được mục tiêu, yêu cầu của các Đề án trong năm 2012 là nguy cơ đổ vỡ hệ thống được loại bỏ, các TCTD yếu kém được xử lý về cơ bản, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động ngân hàng được củng cố một cách kiên quyết để làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp cơ cấu lại hệ thống TCTD giai đoạn sau 2012.

- Thực hiện từng bước, có lộ trình phù hợp việc xếp hạng tín nhiệm đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công bố công khai kết quả xếp hạng, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Một phần của tài liệu hoạt động thanh tra, giám sát của ngân hàng nhà nước đối với các tổ chức tín dụng tại việt nam (Trang 67 - 69)