Khung pháp lý của hoạt động Thanh tra trên cơ sở rủi ro.

Một phần của tài liệu hoạt động thanh tra, giám sát của ngân hàng nhà nước đối với các tổ chức tín dụng tại việt nam (Trang 25 - 27)

Xuất phát từ tầm quan trọng của hoạt Thanh tra, giám sát đối với việc bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng Việt Nam nên chính phủ và NHNN đã ban hành nhiều cơ chế chính sách điều chỉnh hoạt động này. Đó là hệ thống các văn bản pháp luật gồm Luật, Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Quyết định, Quy chế...

Sự ra đời của 2 Pháp lệnh về Ngân hàng (năm 1990) đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình đổi mới hoạt động ngân hàng, tách bạch rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước của NHNN và chức năng kinh doanh của các tổ chức tín dụng

(TCTD) thông qua hình thành hệ thống ngân hàng hai cấp. Trong đó, NHNN đóng vai trò là Ngân hàng Trung ương và cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; các TCTD thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ, ngân hàng và là đối tượng quản lý, Thanh tra, giám sát của NHNN.

Đáng chú ý là sự ra đời của Luật NHNN và Luật các TCTD tháng 12 năm 1997 được xem là bước tiến quan trọng trong hoạt động của ngành ngân hàng. Công tác Thanh tra và giám sát các TCTD đã thể hiện rõ sự thay đổi về cơ chế quản lý của ngành ngân hàng, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp theo đó ngày 04/09/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/1999/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngân hàng và Thống đốc NHNN ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác Thanh tra, giám sát, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đặc biệt sau Nghị định số 96 ngày 26/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN Việt Nam và Quyết định số 83/2009/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN Việt Nam được ban hành thì Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã được thành lập, đây được xem là bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách cơ cấu tổ chức và hoạt động của NHNN nói chung và Thanh tra ngân hàng nói riêng.

Sự ra đời của Luật Thanh tra (năm 2004), Luật NHNN 2010, Luật các TCTD 2010 đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động Thanh tra ngân hàng, đưa công tác Thanh tra thực sự là công cụ quản lý không thể thiếu được của Nhà nước để bảo đảm việc tuân thủ các chính sách, pháp luật từ đó tăng cường kỷ cương, pháp chế trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã tham mưu cho Lãnh đạo NHNN rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành một số quy định mới phù hợp với diễn biến của hoạt động ngân hàng tại Việt Nam và thông lệ, chuẩn mực quốc tế như: Quy định về sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD hướng dẫn tổ chức, quản trị, điều hành, vốn điều lệ, chuyển nhượng cổ phần, bổ sung, sửa đổi giấy phép, điều lệ của NHTM; quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với các TCTD; quy định về việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động NHTMCP; quy định mới về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD...

Các chính sách, quy định an toàn và biện pháp thận trọng trong lĩnh vực ngân hàng được ban hành từ trước đến nay đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, Thanh tra, giám sát các TCTD. Tuy nhiên cơ chế chính sách chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu Thanh tra, giám sát ngân hàng hiện đại và thực hiện các thông lệ quốc tế về Thanh tra, giám sát ngân hàng. Khuôn khổ pháp lý còn thiếu rất nhiều các quy định mang tính chuyên môn sâu trong hoạt động Thanh tra, giám sát ngân hàng, cụ thể: (i) Chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào đề cập đến quy trình Thanh tra chuyên ngành về ngân hàng, quy trình Thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro; (ii) Chưa có quy định về quy trình đánh giá các TCTD theo tiêu chuẩn CAMELS đối với TCTD riêng lẻ; quy trình đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản lý rủi ro, tình hình tài chính và hoạt động của TCTD; (iii) Chưa có các quy định cụ thể về chuẩn mực kế toán, hạch toán lỗ lãi đối với những nghiệp vụ ngân hàng hàm chứa rủi ro thị trường như nghiệp vụ phái sinh, kinh doanh ngoại tệ và trái phiếu...

Một phần của tài liệu hoạt động thanh tra, giám sát của ngân hàng nhà nước đối với các tổ chức tín dụng tại việt nam (Trang 25 - 27)