Giáo dục của gia đình

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh Trung học Phổ thông ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh (Trang 40 - 41)

8. Cấu trúc của luận văn

1.5.2.Giáo dục của gia đình

Dân tộc ta có truyền thống rất coi trọng gia đình. Đó là nơi sản sinh, nuôi dưỡng và là trường học đầu tiên của mọi thành viên trong xã hội. Từ người bình thường đến vị nguyên thủ quốc gia đều nhờ gia đình mà nhen nhóm lên lòng nhân ái, tính cần kiệm, hiếu học, lòng dũng cảm, đức hy sinh … là những phẩm chất cơ bản của mọi nhân cách. Vì vậy, việc nuôi dạy, giáo dục con cái là công việc thường xuyên, quan trọng nhất và là trách nhiệm của gia đình.

Từ gia đình, các em đã bước đầu hình thành những chuẩn mực đạo đức, thói quen lao động, cách suy nghĩ, thái độ và quan hệ với các hiện tượng xung quanh, hình thành những ý niệm đầu tiên về giá trị mà gia đình thừa nhận và thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Gia đình là cái nôi bồi dưỡng, giáo dục tình cảm đạo đức, ươm mầm và nuôi dưỡng nhân cách. Cha mẹ là người thầy giáo đầu tiên và lâu dài của mỗi con người, giáo dục con cái mình những phẩm chất nhân cách cơ bản làm nền tảng cho quá trình phát triển toàn diện về đạo đức, trí lực, thể lực, thẩm mĩ, lao động theo các yêu cầu của xã hội. Kết quả giáo dục gia đình phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất, trình độ học vấn, nghệ thuật sư phạm của các bậc cha mẹ. Nếu việc giáo dục gia đình bị coi nhẹ thì không những gia đình phải gánh chịu hậu quả của sự tha hóa về đạo đức của các thành viên trong gia đình mà còn làm phương hại đến đạo đức và trật tự xã hội.

Giáo dục gia đình cần hình thành cho các em những chuẩn mực đạo đức gồm: Những chuẩn mực đạo đức trong gia đình (cách cư xử với người thân, trách nhiệm cá nhân trong gia đình và về tình cảm gia đình) và những chuẩn mực đạo đức trong xã hội (Trách nhiệm cá nhân đối với xã hội, văn hóa đạo đức truyền thống và văn hóa đạo đức mang tính toàn cầu).

Do vậy có thể thấy giáo dục gia đình thường để lại trong tâm hồn các em những ấn tượng không phai mờ và ảnh hưởng quan trọng đến các em trong suốt cuộc đời. Một gia đình hạnh phúc, ấm no, hòa thuận, ông bà, cha mẹ mẫu mực sẽ là mảnh đất mầu mỡ giúp nhân cách các em đâm chồi, nảy lộc một cách tốt nhất và ngược lại.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh Trung học Phổ thông ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh (Trang 40 - 41)