Em và một số bạn cùng trang lứa (17-18 tuổi) đã thôi học từ năm lớp 9, nay rất muốn lập thân và lập nghiệp. Nhưng ngặt hai điều: chưa có tay nghề và không có đồng vốn. Muốn học nghề cũng khó vì không có tiền. Vậy có cách chi để hướng nghiệp? Em nghĩ cái đích tối thiểu của việc hướng nghiệp là phải mưu sinh được, có đúng không?
Đúng, nếu việc mưu sinh đó là chân chính, vừa tự cứu mình, vừa không phương hại đến xã hội. Theo nghĩa đó, đi lượm bao nylon cũng là một nghề lương thiện để mưu sinh, ích nước lợi nhà.
Nhưng bạn chưa đến mức phải đi lượm rác. Bạn có thể mưu sinh bằng nghề khác, dùng đến trí tuệ có sẵn của mình, dù học chưa cao. Không có đồng vốn, nhưng bạn có những thứ “vốn” khác. Ít nhiều, bạn có sức trẻ, có chí lập thân và có một phần căn bản của học vấn. Vậy bạn có điều kiện để tự hướng nghiệp, tự mưu sinh. Bằng cách nào? Bằng cách lao vào việc; không nề hà việc nhỏ, việc vặt, việc nhàm chán. Việc ở đâu? Không chờ việc đến tay, mà tự mình đi tìm việc, tự mình nghĩ ra cách giải quyết công việc. Tìm ở đâu? Bạn thử tham khảo cách tìm việc của các thành viên thuộc Câu lạc bộ Ánh Sao (thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Quận 6 - TP. HCM). Họ tự tổ chức lại (trước khi được sự quan tâm
32 của Hội) để tiếp sức nhau làm các dịch vụ cộng đồng (theo thuê mướn) như giặt ủi, giữ trẻ, vận chuyển gạo, vận chuyển nước, giao chuyển báo, vận chuyển ga,... chủ yếu là lấy công làm lời. Mỗi người trong họ chỉ góp 10.000đ (mười ngàn) làm vốn khởi nghiệp, và đến tháng 10/2001, sau nửa năm, khi công việc đi dần vào ổn định, họ đã có thu nhập trung bình mỗi người từ 400.000 -500.000đ/ tháng.
Hiện nay, ở TP. Hồ Chí Minh đã hình thành gần 50 nhóm làm dịch vụ như vậy, thu hút trên 350 thanh niên chưa có việc làm, giúp nhau hướng nghiệp bằng những công việc “tự đi tìm lấy, từ nhu cầu trong cộng đồng mà nghĩ ra cách đáp ứng phù hợp” theo yêu cầu nhanh chóng, thuận lợi, uy tín, giá phải chăng, để có thu thập ổn định và đủ sống, rồi cứ vậy mà nâng dần từ những đồng vốn ít ỏi. Tại đó, người yếu sức cũng có những việc nhẹ phù hợp, miễn là biết chịu khó. Dù chưa phải là những nghề như mong muốn lâu dài của mỗi người, nhưng đó là một hướng mở tích cực, dành cho những người tích cực tự lập. Nghề dịch vụ cộng đồng được coi là một nghề đàng hoàng, lương thiện, dành cho những người chưa có chuyên môn nào đó, hoặc đã có chuyên môn (được đào tạo) mà chưa có nơi sử dụng đúng chuyên môn.(*)
Có người nghĩ rằng nghề dịch vụ chỉ là một nghề tạm bợ. Điều đó cũng đúng đối với ai chỉ làm tạm bợ trong khi chưa tìm được nghề vừa ý và chỗ làm như ý. Tuy vậy, đối với những ai chưa có cơ hội để được học một nghề như ý, thì đây lại là một cơ hội để được làm quen với cách hành nghề mang ý nghĩa phục vụ.Hơn thế, có nghề nào (nếu thật sự là nghề chân chính) lại không mang ý nghĩa phục vụ?
Cũng có người cho rằng, phải phục vụ “thuận tay nghề” mới mang lại hiệu quả cao. Nhưng, với những giải pháp tình thế, nhiều lúc phải làm “trái tay nghề” miễn rằng có tinh thần phục vụ và có ý thức vượt lên nghịch cảnh. Trong hướng nghiệp, việc chấp nhận làm một nghề “trái tay” lúc đầu có thể chưa đem lại thích thú cho người hành nghề. Nhưng dần dần, qua kinh nghiệm thực tế của “nghề dạy nghề”, bạn sẽ có thêm nhiều hiểu biết mới và cũng học được nhiều phẩm chất mới cần thiết cho mọi công việc, mọi ngành nghề, kể cả những nghề cao sang với nhiều vinh hiển. Lịch sử hướng nghiệp của các danh nhân đã cho thấy có nhiều tấm gương sáng ngời như thế. Bạch Thái Bưởi, Walt Disney (*) là hai trong những điển hình đi lên từ ý thức phục vụ và từ những dịch vụ cộng đồng.
Quang Dương - nhà tư vấnhướng nghiệp
www.tuvanhuongnghiep.vn