Học nghề theo hướng thi công, thực hành?

Một phần của tài liệu Tư vấn nghề cho học sinh THPT (Trang 44 - 45)

Tôi không thích thú với những kiến thức lý thuyết quá sâu xa và dài dòng, dù nó hấp dẫn với nhiều người học nó khi đào tạo nghề. Nhưng tôi rất say mê với những kỹ năng thực hành và hoạt động thi công. Và, trong lĩnh vực đó, tôi thấy mình được phát huy tiềm lực, nhất là sau khi được đào tạo ở trường Trung học Công nghiệp ra, làm việc tại một công trường thi công xây dựng. Vậy xin hỏi, học nghề theo hướng thực hành - thi công, liệu có mài sắc được trí tuệ và năng lực hành nghề hay không? Triển vọng của định hướng đào tạo này có giúp được gì nhiều cho sự tiến thân của học viên so với cách đào tạo bài bản lấy lý thuyết làm trọng?

Không chỉ ở bậc trung học nghề, mà ở bậc cao đẳng hay đại học cũng rất quan tâm đến việc đào tạo chú trọng nâng cao kỹ năng tác nghiệp, tức là nâng cấp năng lực thực hành - thi công trong nghiệp vụ chuyên môn. Đó là xu hướng đào tạo nói chung. Đương nhiên, bậc đào tạo càng cao thì tỉ lệ giờ lý thuyết vẫn phải nhiều hơn giờ thực hành, để tạo nền móng về khoa học cơ bản cho sinh viên trong việc tìm tòi, nghiên cứu, nhằm nâng cao khả năng thiết kế và lập trình là chính, chứ không phải thực hành và thi công là chính. Đây cũng là chỗ khác nhau căn bản giữa trình độ của kỹ sư thiết kế với kỹ sư thực hành, giữa đào tạo đại học với đào tạo cao đẳng hoặc trung cấp.

Quan điểm xuyên suốt của việc đào tạo nghề ở mọi cấp là lấy lý thuyết làm cơ sở nghiên cứu, lấy thực hành làm phương tiện tập dượt để nâng cao, không coi nhẹ bên nào. Ngay việc lập trình hay thiết kế cũng phải chú trọng thực hành (thực hành lập trình, thực hành thiết kế). Và, người thi công hay thực hành muốn giỏi hơn, muốn mạnh hơn về khả năng sáng tạo, không thể không nghiên cứu lý thuyết. Bạn có thể không thích đi sâu vào lý thuyết, nhưng ít ra, cần nắm chắc được những lý thuyết căn bản nếu muốn thực hành đúng bài bản và có thêm cơ sở nhận thức để phát huy tiềm năng sáng tạo khi hành nghề.

Trên thực tế, giống như bạn, có nhiều người học lý thuyết thì “khó vô” nhưng học bằng thực hành thì rất nhạy bén, chẳng những “mau vô” mà còn thú vị. Tuy nhiên, nếu không tiếp tục đào sâu lý thuyết thì đến một lúc nào đó, khả năng thực hành sáng tạo sẽ bị khựng lại, khó tiến xa. Đó là nói chung. Với bạn, rào cản ấy chắc không lớn lắm, có thể vượt được nếu qua thực hành và thi công đạt chất lượng và hiệu quả cao, bạn rút tỉa ra được nhiều điều bổ sung cho lý thuyết cơ sở. Từ đấy, dần dần bạn sẽ có thêm hứng thú với lý thuyết, nhất là những lý thuyết đã được kiểm nghiệm qua thực hành. Vì thế, học nghề theo hướng thực hành - thi công vẫn có thể mài sắc được trí tuệ và năng lực hành nghề, nhất là trong nhữngđiều kiện được tổ chức thực hành và thi công theo khoa học, có bài bản, không tùy tiện.

Với hướng đó, hiện nay, nhiều trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp (đi đầu là Trường Trung học nghề Lý Tự Trọng - TP. Hồ Chí Minh) đã quan tâm đến việc đào tạo kỹ sư thực hành. Điều này đáp ứng được nhu cầu của các học viên có sở trường thực hành và thi công, vừa đáp ứng được đòi hỏi của các guồng máy kinh tế - kỹ thuật trong các lĩnh vực ứng dụng và triển khai. Ngoài diện kỹ sư thực hành xây dựng, còn có các kỹ sư thực hành cơ khí, điện khí, cơ điện, quang điện, điện tử, tin học, môi trường, hóa sinh,... nói chung là mọi lĩnh vực công nghệ. Đây cũng là hướng mở trong đào tạo liên thôngđể nâng cấp trình độ và năng lực cho những công nhân kỹ thuật và cán bộ kỹ thuật có sở trường và có chí khí tiến thân trong nghề nghiệp, để không chỉ làm thợ mà có thể làm thầy khi có bằng cấp cao

45 hơn. Và đến lúc đó, bạn sẽ càng thấy giá trị to lớn của việc kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành trong đào tạo nghề.

Như vậy, nếu bạn thực sự có tiềm năng thì sau văn bằng trung cấp, vẫn có thể học lên đại học để có bằng kỹ sư, sau bằng kỹ sư thực hành vẫn có thể học tiếp để thành kỹ sư thiết kế. Những người được đào tạo như thế vừa làm thầy giỏi, vừa làm tốt chức năng của người thợ giỏi. Có nghĩa, họ càng “nghệ tinh” khi vào đời, đi đâu và làm gì trong nghề đó cũng phát huy được tác dụng, cũng vinh hiển nhờ nghề. Về phía xã hội, kỹ sư thực hành là một dạng nhân lực nòng cốt, là cầu nối giữa kỹ sư thiết kế và thực tế thi công ở hiện trường. Đào tạo kỹ sư thực hành là một yêu cầu lâu dài trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cho nên, những học sinh xuất sắc ở các trường trung học nghề vẫn có nhiều cơ hội, rộng đường tiến thân để tự khẳng định trong nghề nghiệp mà mình theo đuổi.

Quang Dương - nhà tư vấnhướng nghiệp

www.tuvanhuongnghiep.vn

Một phần của tài liệu Tư vấn nghề cho học sinh THPT (Trang 44 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)