Em là một nông dân ngoại thành, nghỉ học từ năm lớp 8 và nay đã 19 tuổi. Vùng đất em ở trước đây là ruộng, giờ đã đô thị hóa. Không có điều kiện để tiếp tục nghề nông như em muốn, liệu có cách gì khác để kiếm việc làm? Nhiều bạn cùng trang lứa và cùng cảnh ngộ như em thực sự đang bế tắc, vì không có nghề khác ngoài nghề nông, mà học nghề khác thì chưa thể. Vậy chúng em biết hướng nghiệp và lập nghiệp thế nào đây?
Nếu bạn thực sự là một nông dân chân chất, cần mẫn, thì điều đó không đến nỗi bế tắc. Chỉ có một số người nào đó thích chơi cá độ hoặc mê đá gà... thì nỗi gian truân vẫn luẩn quẩn, khó vượt qua!
Bạn có thể tìm đến Câu lạc bộ Thanh niênở xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh) gặp anh Bành Tấn Thông để tham quan cách lập nghiệp khi ruộng đất không còn. Họ có thể chỉ cho bạn những sáng kiến, kinh nghiệm tạo việc làm phù hợp, ít vốn liếng mà dễ sinh lợi, từ đống phế liệu cọng sắt. Ở đó, anh Thông (làm chủ nhiệm Câu lạc bộ) có một “cơ xưởng” chế tạo lồng chim bằng cọng sắt,
29 thu hút hơn 30 lao động phụ (có trả lương). Sản phẩm của họ đã “xuất xưởng” tới nhiều nơi trong thành phố và nhiều tỉnh thành lân cận (Đồng Nai, Biên Hòa, Bình Dương, Tây Ninh,...). Anh Thông tâm sự: “Nghề phức tạp thì khó, còn nghề giản đơn (không cần qua trường lớp) thì thiếu gì, chỉ sợ thiếu quyết tâm”.
Tôi tin là bạn có thừa quyết tâm. Nhiều người trong hoàn cảnh như bạn đã tạm chấp nhận làm 1 - 2 nghề đơn giản nào đó để có thu nhập, rồi tích lũy vốn liếng để “lấy ngắn nuôi dài”. Nếu bạn có mơ ước dài lâu với một nghề chính quy nào đó, thì giải pháp như cách làm của anh Thông nói trên là môt hướng mở đầy khả thi. Câu lạc bộ “lồng chim” của anh Thông đã kịp nắm bắt nhu cầu thị trường chơi chim kiểng đang rộ lên (nhờ đời sống đang cao, và còn tiếp tục cao hơn). Đồng thời, họ còn thấy có một nguồn vật liệu vô cùng phong phú và rẻ tiền (nguyên là phế liệu thải ra từ quá trình đô thị hóa, được tái chế). Như vậy, ngoài nội lực quyết tâm, họ còn có hai điểm tựa từ ngoại lực: nhu cầu thị trường và phế liệu sắt vụn, để giúp họ tạo dần cơ nghiệp và tiền đồ.
Vùng đất đô thị hóa mà bạn đang ở có thể đang và sẽ mọc lên nhiều xí nghiệp, nhà máy hoặc khu chế xuất. Nếu chịu khó làm ăn và chí thú học hỏi để luyện thêm một tay nghề nào đó, bạn sẽ có cơ hội được người ta mời gọi đứng vào đội ngũ các công nhân công nghiệp. Đấy là tương lai của bạn, không xa, nếu bạn cứ tích cực chuẩn bị để sẳn sàng!
Đô thị hóa - người nông dân sẽ được nhiều thứ, không chỉ được đền bù, còn có nhiều vận hộiđể thành công nhân công nghiệp. Điều đó phù hợp với chủ trương thay đổi cơ cấu kinh tế và lực lượng lao động của Nhà nước ta trong tiến trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa.
Quang Dương - nhà tư vấnhướng nghiệp
www.tuvanhuongnghiep.vn