° Cha mẹ khuyên em cố tìm học một nghề mà không chỉ thích hợp với em, còn mãi mãi giúp em có việc làm. Vậy xin chỉ rõ cho biết những ngành học nào, những nghề nghiệp nào có triển vọng đảm bảo cho người học ổn định được cuộc sống vì không bị thất nghiệp?
° Nếu học nghề nào “có giá” (nghề đang lên, nghề thời thượng) thì không sợ thất nghiệp, phải không? Em đang trăn trở với ý nghĩ: không biết nên chọn trường nào, khối nào, ngành nào để theo học một nghề mà không sợ bị thất nghiệp! Nếu phải chọn một nghề “không có giá” (ít người ưa thích, ít ai tuyển dụng) nhưng lại hợp với em, được em thích, như vậy thì nỗi lo thất nghiệp có khiến cho đời em bị bấp bênh không?
Hiện tại, nỗi lo thất nghiệp đang ám ảnh nhiều người, nhưng không ám ảnh nhiều nghề. Tại sao lại nhận định như thế? Báo TUỔI TRẺ CHỦ NHẬT (11-11-2001) cho biết có tới 90% sinh viên tốt nghiệp đang bị thất nghiệp. Tiếp theo, cũng báo đó (số ra ngày 24-3-2002) đưa lời kết luận của các chuyên gia tiến hành dự án giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) sau cuộc khảo sát, cho thấy chính sinh viên tốt nghiệp đại học lại là đối tượng có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất: lớn gấp 2 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của nhân lực nói chung trong cả nước, lớn gấp 2,4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của những nhân lực có trình độ dưới ĐH. Mặt khác, cũng số báo đó (với công trình khảo sát đó) còn vạch rõ: Có những ngành học đang lên và nghề nghiệp thời thượng, như công nghệ thông tin, công nghệ hóa phẩm... lại là những ngành nghề có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (12,32%). Trong khi có những ngành nghề bị chê (ít ai học) thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, lại có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp.
Chắc chắn những người có trình độ về công nghệ thông tin (hoặc nghề khác) mà không thất nghiệp, hầu hết phải là những người thật giỏi trong ngành đó mới cạnh tranh được chỗ làm. Còn những nghề ít ai ngó tới nhưng nếu gặp người giỏi thì càng dễ thu hút, nghĩa là không bị ám ảnh thất nghiệp vì nghề. Nói cách khác: thất nghiệp hay không thất nghiệp chẳng phải do nghề, mà thường do hoàn cảnh, và chủ yếu là do con người. Không có nghề nào thực sự ăn khách, nếu người làm nghề đó chưa đủ sức hấp dẫn khách. Vậy, tay nghề là quan trọng. Và, thái độ hành nghề, giỏi cách hành nghề còn quan trọng hơn.
Ai cũng biết Vua hài Charlie Chaplin (Charlot) thuở chưa lên ngôi đã phải lao đao kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Đến khi được “vang bóng” trong nghề kịch câm, ông mới lên tiếng về vấn đề thất nghiệp. Trả lời phỏng vấn của báo TIME, ông nói: “Thất nghiệp hay không, còn tùy người, không phải tùy nghề”. Khi Charlie Chaplin bước đầu đi vào nghề kịch câm, ai cũng chê cười “anh chàng tưng tửng” đó. Họ cho đấy là nghề mạt hạng, làm chi hái ra tiền! Họ còn mỉa mai ông: Sao không chọn nghề “biết mở miệng”, lại đi chọn nghề “phải ngậm miệng”!? Thời đó, vì ai cũng đua nhau mở miệng (tranh nói), nên Charlie đã tìm thấy một khoảng trống trong cách thể hiện mà người đời không chú ý. Đó là những cử chỉ và hành vi không cần nói (phi ngôn ngữ) cũng diễn tả được ý tưởng một cách tuyệt vời. Và, những cách diễn tả như vậy sẽ thực sự độc đáo, nếu biết nâng lên thành nghệ thuật. Quả thật, từ nghệ thuật của kịch câm, Charlie đã nâng lên thành điện ảnh câm. Tính nghệ thuật sắc sảo đó đã khẳng định một ngôi sao Charlot chói sáng trên bầu trời điện ảnh mà từ bấy đến nay (đã qua gần một thế kỷ) vẫn chưa có một tài danh nào sánh kịp. Từ khi có sân khấu và điện ảnh, Charlie Chaplin chưa bao giờ bị thất nghiệp. Trái
53 lại, ông luôn luôn phải làm không hết việc. Cho nên, bất kỳ nghề thời thượng hay nghề “thời hạ”, miễn cao tay nghề thì công việc sẽ tới.
Ngày nay, nhiều nghề không nằm trong “top” thời thượng vẫn có đất dụng võ, nếu có đệ tử sành nghề. Nghề thợ hàn trước đây và bây giờ vẫn được xếp vào loại nghề “thời hạ”. Ấy vậy mà những ai là thợ hàn đều có việc làm. Nếu là thợ hàn loại “xịn”, đồng lương lại rất cao. Thời theo học ở trường nghề, Đào Công Đức đã dành dụm tiền học bổng để mua que hàn đem vào xưởng trường, xin thầy cho thực hành thêm. Kết quả của việc thực hành thêm đó là Đức đã hàn được thành thạo cả hai tay (rất ít thợ hàn làm được như thế). Biết được thợ giỏi, Công ty xây dựng và lắp máy 18 đã tuyển dụng Đức và chỉ sau một thời gian ngắn, anh trở thành người thợ trẻ nhất lại có tay nghề cao nhất của công ty. Đức còn được cử đi dự thi tay nghề thợ hàn toàn quốc, rồi sang Thái Lan dự hội thi tay nghề ASEAN đoạt huy chương đồng nghề hàn. Bước đường thăng tiến của Đức không dừng ở đó: niên khóa 2001-2002, anh được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. (*)
Khách quan mà nói, trong từng giai đoạn, tùy theo nhu cầu, cũng có một số nghề không lo bị thất nghiệp, nếu số nhân lực trong nghề đó chưa được bão hòa. Nhưng khi đã bão hòa nhân lực thì sự cạnh tranh càng gay gắt, chỉ có người thật giỏi về năng lực và thật tốt về phẩm chất mới hy vọng trụ lại được trong nghề. Còn thì, sức cạnh tranh sẽ đẩy những người kém cỏi ra, không thất nghiệp thì cũng sạt nghiệp. Do đó, để tính chuyện bền lâu, bạn nên dự phòng trước bằng cách học thêm một nghề khác, để kịp thời xoay trở khi bất trắc.
Có những đường hướng tổng quát giúp ta chủ động trong mọi tình thế lập nghiệp, bắt nguồn từ việc chọn ngành và học nghề. Khoa học hướng nghiệp có vạch ra năm phương châm chọn ngành và học nghề (để không lo bị thất nghiệp trong mọi hoàn cảnh). Đó là:
A. Học nghề thông dụng, ở bậc đào tạo thấp nhưng có tay nghề cao. Bước đầu ra làm thợ, đi làm công (nếu chưa đủ tiền vốn), chưa vội tính chuyện làm chủ.
B. Học nghề mà phía bản thân và phía nghề nghiệp có nhiều điểm tương hợp, không chỏi nhau. Khi đó, nghề sẽ đánh thức được nhiều tiềm năng của bạn, giúp bạn nhanh chóng giỏi nghề. C. Học nghề mà bản thân bạn thấy có thể đầu tư tốt cho tương lai (chủ yếu: đầu tư chiều sâu) và
khuếch trương mạnh khi lập nghiệp (chủ yếu: tiêu thụ được sản phẩm).
D. Học nghề mà theo dự báo (nhờ sự tỉnh táo suy xét của bản thân kết hợp với những chiến lược phát triển của xã hội) sẽ có triển vọng duy trì được lâu bền, không lo biến động.
E. Học nghề mà ít có người chen chân, hoặc chưa mấy ai “xí chỗ”. Khi đó, “trong xứ mù thì người chột làm vua”, và đương nhiên, “đầu gà” vẫn cao giá hơn “đuôi cọp”.
Quang Dương - nhà tư vấnhướng nghiệp
www.tuvanhuongnghiep.vn