° Em học văn chưa vượt trên mức trung bình, nhưng lại rất ưa viết văn, dù chỉ là viết... cho mình đọc thôi. Khổ nỗi, nhà em nghèo, không có điều kiện mời thầy văn đến dạy kèm, và mỗi khi muốn học hay muốn viết, em phải tự bươn chải học viết và tập viết trong giờ giải lao giữa hai ca làm việc. Em không dám nuôi mộng thành văn sĩ, mà chỉ mơ thành văn nhân thôi, liệu có được không, trong những điều kiện eo hẹp như thế? (Băn khoăn của một học sinh lớp 11 phải nghỉ học để đi làm, dù rất ham học).
° Tôi thích viết theo kiểu nhật ký, hồi ký, hoặc ghi chép những điều gây ấn tượng, những thông tin có giá trị, những kiến thức “chất lượng cao”. Liệu cách làm như vậy có thể tự rèn tập thành một “cây bút” trong nghề văn được không? Nhưng, nói đến nghề văn, nhà văn, tôi lại bị ám ảnh bởi lời chê của bao người ( đó là loại “nghề nghèo”, là thứ “nhà nghèo”!) Tôi thích viết văn nhưng lại không thích nghèo, và sợ cái nghèo ập tới, như vậy có “trái khoáy” không, có “dở hơi” không? Làm nghề văn nếu không giàu như các đại gia doanh nghiệp thì có thể giàu như Kim Dung, Quỳnh Dao hoặc Hemingway được không? (Băn khoăn của một thanh niên 28 tuổi, mê viết).
Không ai thích nghèo. Nhưng, nếu sợ nghèo mà còn nghĩ đến nghề cầm bút, thì đó là một nghịch lý. Bởi vì, “phi thương” và “phú quý” thường không thể song hành trong mối quan hệ nhân quả. “Phi thương bất phú” mà! Những ai mê làm giàu thì không nên làm khoa học (kể cả khoa học xã hội và nhân văn). Dân gian nước Anh có một câu truyền miệng: “Người suốt đời vì khoa học chỉ giao tiếp miễn cưỡng với kẻ tôn thờ đồng tiền”. Tương tự, có thể nói: Ai mê kim ngân thì không nên làm nghề cầm bút. Người dấn thân vào nghiệp văn chương chỉ giao du chiếu lệ với kẻ sùng bái vật chất và đôla.
Trên thế gian này, hiếm thấy một nhà văn nào vừa ham giàu lại vừa ham viết. Đa số các nhà văn đều thuộc lớp “nhà nghèo” khi đang thai nghén tác phẩm. Có khi được 2 - 3 tác phẩm rồi, nhưng vẫn còn nợ chồng chất. Nếu có giàu sau đó (họ không dám ví như Kim Dung, Quỳnh Dao, Ernest Hemingway,...) thì
46 chẳng phải do họ ham giàu mà được giàu. Công lao và trí tuệ của họ bỏ ra, trải qua bao bầm giập và đắng cay, đến ngày đơm hoa kết trái, lúc được hưởng phú quý là lúc họ xứng đáng được hưởng từ kiệt tác của mình, nhưng họ không lấy tiền của và sự hưởng thụ làm mục đích. Mục đích trong nghiệp văn chương của họ là cống hiến và để lại cho đời những đứa con tinh thần “chất lượng cao”: các tác phẩm văn học có giá trị trường tồn, bất tử, vượt cả thời gian và không gian.
Bởi vậy, nếu bạn muốn theo nghề cầm bút và nghiệp văn chương, đừng quên rằng, cái khó đầu tiên là sẵn sàng chấp nhận sống một cuộc đời thanh đạm (và nhiều lúc có cả thanh bần) trước khi bắt tay vào viết lách. Đừng để cho “hơi đồng” ám ảnh, làm mờ tâm trí của bạn khi cầm bút. Tiếp theo là dấn thân vào những năm tháng dày công luyện tập. Nếu học văn chưa được khá, bạn phải luyện thật nhiều, thật gắt (đặt yêu cầu cao) và đi từng bước (từ dễ đến khó) để nâng trình độ khoa học và văn học lên mức khá và sắc sảo dần, đồng thời nâng tay nghề cầm bút. Nếu chỉ ghi chép và viết lách “khơi khơi” không thôi, bạn chưa đủ hy vọng để thành một “cây bút” trong nghề, càng chưa đủ để thành một văn nhân như mong ước. Nếu muốn thành nhà văn thì nghiệp văn chương còn đòi hỏi bạn phải đèo bồng thêm nhiều khổ ải nữa. Chỉ đến khi và chỉ khi nào bạn lao vào việc học viết và tập viết theo kiểu dấn thân và chuyên tâmđể vượt qua những khổ ải của nghề, bạn mới hy vọng có ngày biến ước mơ thành hiện thực.
Quá trình viết lách không thể tự nhiên mà thành tác phẩm. Về lâu dài, muốn có tác phẩm, phải qua nhiều thời kỳ tập viết để có những sản phẩm bước đầu ( những bài viết có thể chỉ để cất vào ngăn kéo và thỉnh thoảng lấy ra xem lại, tu chỉnh thêm, lại viết tiếp). Đọc cho nhiều, học cho nhiều, đi thực tế cho nhiều cũng để kiếm thêm vốn liếng mà suy nghĩ và tập viết cho nhiều, tạo ra nhiều sản phẩm là những bài viết thô, sửa lại thành những bài viết tinh. Nhiều bài viết tinh được hun đúc lại để thành một sản phẩm có chất lượng ; được tinh luyện nữa, gọt giũa thêm mới tạo nên tác phẩm, để lại cho đời. Đó là tiến trình khổ luyện và kiên trì làm việc của các nhà văn và những cây bút nổi tiếng trong làng sách báo. Trên đường đi tới, những trở lực trong nghề viết luôn tiếp diễn, nhiều khi như muốn hạ gục người cầm bút. Nhưng, bài học đường đời đã dạy cho họ sống và viết với lời nguyền:khó khăn, không sờn lòng; thất bại, không nản chí!
Trong những điều kiện ngặt nghèo về vật chất hoặc o ép về tinh thần, nếu bạn quyết chí, chắc sẽ vượt qua, không nôn nóng nhưng cứ kiên trì bước lên từng nấc thang một. Đã có nhiều người xuất thân từ bán dạo, từ làm thuê, từ cuộc sống vất vưởng nay ở gầm cầu, mai nơi xó chợ, gần như cả một quãng đời dài không nơi tá túc đúng nghĩa. Ấy vậy mà họ vẫn nuôi chí lớn, vượt qua nghịch cảnh để thực hiện chí lớn, lại trưởng thành với một tay nghề vững chắc. Trong số đó, có không ít người cầm bút đã thành danh. Họ đã vụt sáng từ bóng tối, vượt lên từ bần hàn, mang theo những tính cách tuyệt vời và tài năng sắc sảo. Điển hình mới nhất có nữ văn sĩ người Anh J.K. Rowling. Với tuổi đời còn trẻ, cô đã hoàn tất kiệt tác của mình (mang tên “Harry Potter và viên đá thần kỳ”) vào thời điểm mà thân phận hẩm hiu của cô đang đứng bên bờ vực thẳm (*). Nỗi cơ hàn trước đó của cô nào ai biết, cũng đắng cay trong nước mắt và thầm lặng trong nghịch cảnh, như cuộc đời của văn sĩ Quỳnh Dao thuở hàn vi. Bây giờ thì tên tuổi của cô càng chói sáng cùng với cuộc sống có “chất lượng cao”, nhất là sau khi kiệt tác đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng và bán được hơn 100 triệu bản. Đặc biệt, nó được chuyển thành phim cùng tên, vượt trên 12 kỷ lục về doanh thu điện ảnh chỉ trong vài ngày đầu trình chiếu.
47 Ở Việt Nam gần đây cũng đã xuất hiện một cây bút diệu kỳ. Đó là chị Nguyễn Thị Sáng (tác giả cuốn tiểu thuyết “Tình yêu thầm lặng” (NXB Thanh niên - 1996, và tái bản trong năm 2002). Giữa năm 1998, tiểu thuyết ấy đã được chuyển thành phim cùng tên, chiếu trên VTV1, VTV3. Nhân vật chính trong tiểu thuyết và phim ấy lại chính là tác giả (*). Khởi thủy của tiểu thuyết và phim “Tình yêu thầm lặng” là cuốn nhật ký của chị Sáng ghi lại những diễn biến liên tục khổ đau và cực kỳ bất hạnh, qua hơn nửa đời người chìm trong cay đắng. Chị đã cần mẫn viết nó dưới nước mắt hòa lẫn với mưa dột trong một túp lều nát (nơi chị nương thân và tần tảo bán ốc để mưu sinh mỗi ngày với tấm thân còm cõi. Chị học chưa hết lớp 5, không dám nuôi mộng viết văn qua nhật ký, mà chỉ nghĩ rằng, cần ghi lại trung thực bao nỗi trần ai đã phải gánh chịu để làm di sản cho con mình sau này đọc mà suy ngẫm, nếu chẳng may chị phải sớm lìa đời. Thế rồi, chị không ngờ rằng “cái di sản ấy” của chị lại được “người ta” biết tới, được thẩm định giá trị như một tác phẩm văn chương hiện thực.
Viết nhật ký mà thành văn, thành tiểu thuyết, thật không đơn giản, là điều xưa nay hiếm. Phải xuất thần lắm mới bộc lộ một tài năng như vậy. Hiện thực sinh động và cả nghị lực phi thường của đời chị đã tuôn trào qua ngòi bút, xuống dòng chữ mà thể hiện một tay nghề. Nghề văn đã đón nhận cây bút Nguyễn Thị Sáng. Đây đúng là trường hợp nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề.
Quang Dương - nhà tư vấnhướng nghiệp
www.tuvanhuongnghiep.vn