Với trình độ lớp 12, nhưng em chưa biết nên chọn trường nào và ngành nào để học nghề. Ở nhà, ngoài giờ học, em cũng tự giác lao vào việc để phụ giúp gia đình, nhưng thường bị cha mẹ chê là lớn xác mà vụng về, có học mà vô dụng! Những lúc đó, chẳng những em buồn vì lời chỉ trích, còn rất lo lắng và mặc cảm. Có phải em thuộc loại “vô tích sự” hay không, dù có học gì đi nữa? Em muốn tự lập kiếm sống mà chưa biết làm sao, nếu quả thật là vụng về và vô dụng? Xin giúp em một gợi ý về hướng nghiệp để thoát khỏi sự bế tắc nơi em và cũng thoát khỏi định kiến của gia đình. Nếu không làm được việc gì ra hồn, có thể đời em sẽ đi vào ngõ cụt, chẳng nghề ngỗng?
Chắc chắn đời bạn có lối ra (không đi vào ngõ cụt) nếu bạn không vì lời chỉ trích mà bi quan mặc cảm. Trước hết, hãy rà soát lại chính mình. Có một điều rất may cho đời bạn là bạn không thuộc dạng lười biếng, lại chăm làm, biết “tự giác lao vào việc”, muốn “tự lập để kiếm sống”. Đó chính là những hạt nhân tích cực trong tâm lực của bạn, đừng để chúng bị bào mòn. Buồn nhất là người không thích động tay vào công việc, lại muốn có được tất cả mọi thứ! Những người như thế mới có nguy cơ đi vào ngõ cụt. Còn bạn thì khác.
57 Hướng nghiệp không phải đi từ sự “khéo tay”, mà cốt là đi từ sự “hay làm” như trường hợp của bạn. Đã làm, thoạt đầu khó mà tránh được tình trạng lóng cóng, vụng về! Điều đó thường có nguyên nhân tâm lý: hồi hộp, lo lắng, thiếu tự tin, thiếu can đảm. Thiếu tự tin đôi khi còn do thiếu hiểu biết rành rẽ công việc mình làm. Bởi vậy, nếu muốn đỡ lóng cóng, hết vụng về, bạn cần lưu ý rèn tập theo 2 phương án căn bản sau đây:
1. Chịu khó tìm tòi học hỏi trước về những tri thức và kinh nghiệm liên quan đến công việc đó. Không nên vì quá tự giác lao vào việc mà mù quáng làm bừa, bởi việc gì cũng có quy cách, quy trình, thủ pháp riêng của nó. Trong sự học hỏi này, bạn nên chú ý quan sát các thủ pháp mà người thành thạo đã làm. Bước đầu, hãy bắt chước làm theo họ, sau đó mới tùy cơ ứng biến mà linh hoạt sáng tạo thêm. Vừa làm, vừa chú ý rút kinh nghiệm dần để điều chỉnh. Được như thế, bạn sẽ từng bước thoát khỏi sự vụng về. Càng hiểu biết kỹ lưỡng, bạn càng vững tin và mạnh dạn khi làm, không run tay.
2. Ráng rèn luyện từ trong ý thức đểcó được một sự bình tĩnh, không nôn nóng bộp chộp, tránh hồi hộp lo lắng quá mức khi bắt tay vào làm. Muốn thế, cần xác định từ trong tư tưởng: ta chỉ có thể làm tốt khi chính ta gạt được mối lo, coi sự chê bai hay chỉ trích chỉ là chuyện nhỏ, nhẹ như lông hồng ; coi sự rèn tập mới là chuyện lớn, phải kiên trì nhẫn nại. Nếu có thất bại, không buồn rầu, không nản lòng. Rồi bạn tự cảnh báo chính mình: nếu ta nhụt chí thì tự ta hại ta, chứ không phải lời công kích hại ta. Cứ liên tục kiên trì, liên tục cảnh báo như vậy, bạn sẽ tập dần được thói quen bình tĩnh, mạnh dạn, tự tin.
... Trong thực tế hướng nghiệp, nhiều người theo nghề và làm việc thoạt đầu thường bị chê bai, thậm chí bị đả kích. Nhưng khi họ đã tự xác định việc mình làm là đúng, nghề mình làm là hợp, thì họ quyết tâm kiên định. Nhiều người trong họ chẳng những không nhụt chí, còn phẫn chí (cố làm bằng được để rửa cái hận bị coi thường). Và, cứ thế, cho đến khi họ thành công và tự khẳng định được mình thì lời người khác chê bai hay đả kích tự nó bị tiêu tan và đổi hướng sang nể trọng. Trên mạng Internet có những thông tin kỳ thú về cuộc đời và sự nghiệp của các vị danh nhân tiền bối, vạch rõ nhiều trường hợp của rất nhiều vị thoạt đầu bị chê bai là kém cõi, vô tích sự... Nhờ phẫn chí, nhờ kiên định luyện rèn mà họ đã vượt qua, để lại gương sáng cho đời. Đó là những tên tuổi như Beethoven, Darwin, W.Disney, T.Edison, A. Einstein, L. Pasteur,...
Trong trường hợp bạn đã quyết tâm và thực hiện đúng theo 2 phương án nói trên (với thời gian khá dài theo đuổi một công việc gì đó hữu ích) mà thấy chưa hiệu quả, bạn hãy xác định rằng, chẳng phải do bạn lười biếng, mà vì bạn không có sở trường hoặc năng khiếu đối với loại công việc đó. Khi ấy, bạn nên chuyển hướng qua một việc làm khác mà bạn nghiệm thấy nó hợp với mình hơn. Nếu được trắc nghiệm khoa học, bạn sẽ biết rõ mình hợp hay không hợp với nghề nào đó. Và, đừng chạy theo nghề không hợp, dù bạn thích. Nên học một nghề hợp với mình, hơn là một nghề mình thích mà không hợp.
Học nghề mình hợp, trước sau bạn cũng thích nó vì cảm thấy làm việc hiệu quả trong nghề đó. Một người có thể vụng về ở việc này, nhưng tinh thông trong việc khác, nghề khác. Người tài giỏi mấy cũng có lúc vụng về, có chỗ lúng túng, vì không ai tinh thông hết mọi ngóc ngách của công việc. Bậc thiên tài cũng có khi bị “lỡ bước” hoặc “rớt đài”. Một chuyên gia vi tính cũng có thể là người “trói gà không chặt, đánh giặc không tài”. Và, một người có thể “vô tích sự” trong việc đại sự (việc nước chẳng hạn) nhưng
58 vẫn là người rất hữu ích trong vài việc nhỏ mà nghĩa lớn, nếu họ có tối thiểu một lòng nhân. Chẳng hạn, không đâu xa, ngay nơi bạn ở, có người đã thầm lặng làm việc thiện, giúp người nghèo,... Trong vạn thứ nghề, có một nghề không oai phong nhưng đại nghĩa, xã hội đang rất cần - đó là nghề từ thiện.
Quang Dương - nhà tư vấnhướng nghiệp
www.tuvanhuongnghiep.vn