Từ nhỏ đến nay, em rất mê điện ảnh và thích đóng phim. Những lần diễn kịch trong đội văn nghệ ở trường, em được khen là diễn tốt, nhưng lại bị chê là xấu người, không hấp dẫn! Thường nghe người ta nói đóng phim thì sẽ mau nổi tiếng, trở thành “sao”. Nhưng em không muốn trở thành “sao” hay “trăng” gì cả, chỉ muốn tự khẳng định mình bằng một nghề mà em thích, vậy thôi! Chẳng lẽ em không thể là một diễn viên nếu mê say học hỏi và chí thú tập luyện để thành nghề được hay sao? Chẳng lẽ nghề diễn viên không tuyển người xấu?
Không phải vậy! Nghề diễn viên tuyển cả những người không đẹp miễn là người đó vừa có năng khiếu diễn xuất, vừa biết khổ công tập luyện để nhập tròn vai. Trong các kịch bản phim hoặc sân khấu, thường có đủ loại vai diễn với nhiều thành phần khác nhau, sắc vóc khác nhau, cả đẹp lẫn xấu, từ kiêu sa đến dị hợm. Xấu tới mức như Thị Nở (trong phim Chí Phèo) hay anh gù (trong phim Nhà Thờ Đức Bà) cũng phải tìm cho được người nhập vai đúng sắc vóc và kiểu dáng. Nghệ thuật hóa trang trong sân khấu hay điện ảnh có thể làm biến dạng (người đẹp thành xấu và ngược lại) nhưng làm sao bằng cái xấu / cái đẹp một cách tự nhiên.
Bởi thế, việc tuyển lựa diễn viên cũng nhắm theo nhân vật là chính: nhân vật ra sao thì phải tuyển người gần giống như vậy (ít nhất về hình thức). Sau đó mới tính chuyện nhập vai có đạt hay không. Nếu không đạt thì người đó phải bị loại, dù có xinh đẹp tới mấy. Có dịp đến thăm trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM (hoặc ở nơi đào tạo khác), bạn sẽ thấy hơn 50% số sinh viên theo học để làm nghề diễn viên lại là người... không đẹp. Số đẹp như người mẫu chiếm tỷ lệ rất ít. Chắc bạn không đến nỗi xấu như bạn tưởng; nhưng nếu quả thật xấu chăng nữa, bạn cũng đừng buồn. Điều đáng buồn hơn lại là sự mặc cảm về mình. Nếu bạn muốn tự khẳng định trong một nghề theo tâm nguyện, hãy trút bỏ mặc cảm để đầu tư chí khí và công sức cho việc học hành, mới hy vọng thành đạt. Hơn nữa, nếu thực tế đã chứng minh bạn có năng khiếu diễn xuất và thích thú nhập vai, hãy mạnh dạn đăng ký dự thi vào trường CĐ Sân Khấu & Điện ảnh. Đó là nơi đào luyện diễn viên có bài bản, giúp bạn thêm tự tin khi thể hiện tròn vai.
Khi nhập vai, như lời của đạo diễn Lê Cung Bắc: Vấn đề là có hợp vai hay không, nghĩa là bạn có lột tả hết nội tâm của nhân vật một cách tự nhiên hay không. Điều này đòi hỏi ở bạn không chỉ nhớ, thuộc kịch bản và những yêu cầu về cách thức thể hiện, còn đòi hỏi khả năng nắm bắt và diễn đạt tâm lý nhân vật một cách đặc trưng. Khoa học và kỹ thuật diễn xuất sẽ đào tạo giúp bạn có thêm trí tưởng tượng phong phú và sáng tạo (nhất là biết linh hoạt để tùy cơ ứng biến), nhằm đạt tới một nghệ thuật diễn xuất điêu luyện, hóa thân vào nhân vật một cách xuất thần. Trong trường hợp đó, hình thức đẹp hay xấu không thành vấn đề nữa, mà chính cách diễn xuất thần, diễn tự nhiên như không diễn mới thực sự là
59 nhân tố quyết định sự thành công của vai diễn. Nếu hình thứcđẹp (hay xấu) mà diễn không tốt, không thể gọi là hợp vai. Như vậy, nếu theo nghề, bạn cần thường xuyên luyện rèn thêm để được liên tục hợp với nhiều vai. Càng hợp nhiều vai, bạn càng tự tin hơn vì đã tự khẳng định được mình.
Trên thực tế, có những diễn viên không đẹp (thậm chí xấu người) nhưng nhờ sắc sảo trong diễn xuất mà thành công, và do đó thành danh (vì hữu xạ, tự nhiên hương), nhất là khi họ đoạt giải. Chẳng thiếu gì diễn viên không đẹp mà đoạt những giải lớn (cả trên thế giới và ở Việt Nam). Tại Liên hoan Phim Châu Á & Thái Bình Dương năm 2000, hình ảnh của Mai Hoa khi lên nhận giải nữ diễn viên xuất sắc nhất đã chứng minh điều đó. Chị đâu có đẹp! Nhưng, chính sắc vóc mộc mạc và bình dị đó lại tôn thêm nét tự hào, gây nên bao xúc động kỳ lạ nơi khán giả.
Quang Dương - nhà tư vấnhướng nghiệp
www.tuvanhuongnghiep.vn