thực
“Để nhập cuộc với đời, không chỉ bằng con đường Đại học. Làm một người thợ với tay nghề giỏi, ắt sẽ có chỗ đứng tốt, hơn là một bác sĩ tồi. Đó là một cơ hội để tồn tại cùng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, cũng là cơ hội vững chắc để tiến bước lên trình độ cao”.
Thiết nghĩ, cần nhắc lại câu nói đó của anh Trần Long, phát biểu tại cuộc tọa đàm ở báo Tuổi Trẻ với chủ đề “Thanh niên TP.Hồ Chí Minh với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa”.
Lựa chọn có cân nhắc
Gần đây, khi theo dõi liên tục những trang báo nói về lao động - việc làm và giới thiệu trường lớp tuyển sinh, một nhóm học sinh lớp 12 chuẩn bị làm hồ sơ thi tuyển đã lập bảng bình chọn ngành nghề, trường lớp, thể thức...
Hóa ra, nếu xét một cách thực tế như vậy, trong bảng bình chọn của nhóm học sinh kia, tên của các trường ĐH và CĐ thiếu chỗ đứng, nhường vị trí hàng đầu cho các trường trung cấp và dạy nghề.
72 Rút kinh nghiệm của các bậc đàn chị, đàn anh đi trước, họ không chọn ngành nghề và trường học theo “phong trào”, dễ bị hẫng hụt, như có người đã từng hụt hẫng.
Tháng 7-1996, chỉ hai tuần sau khi mãn khóa một lớp trung cấp cơ điện, chàng thanh niên Lâm Ngọc Thanh đã được Trung tâm giới thiệu việc làm của quận 3 chuyển hồ sơ đến nơi tuyển dụng. Sau khi phỏng vấn, Thanh được chọn nhờ có tay nghề, trong khi 3 hồ sơ khác có trình độ đại học bị loại ra. Ở chỗ riêng tư, Thanh đã bày tỏ: “Trước đây, càng bị ám ảnh bởi các kỳ thi đại học hằng năm, bởi các phong trào “nhất kinh, nhì tài...”, tôi đã càng bị trượt dài. Sau đo, tôi đã chọn ngành theo hướng học nghề nhanh, hiểu nghề rành, hành nghề tốt”.
Chưa vội xét đúng sai, hay dở gì trong quan niệm đó. Cũng chưa hẳn là anh ta thi trượt đại học là do yếu kém (có thể do nỗi ám ảnh tâm lý đã làm mòn mỏi hy vọng và giảm sút niềm tin). Nhưng, có điều dễ nhận ra: đó là một cách nhìn thực tế, một giải pháp thực tế.
Từ vài năm nay, trong việc hướng nghiệp và chọn nghề, đã có không ít thí sinh chuyển hồ sơ thi từ đại học sang chuyên nghiệp, chuyển ý định từ học nghề cao cấp sang kỹ thuật trung cấp. Đó là một bước lùi hay tiến? Tốt nghiệp phổ thông, rẽ qua học chuyên nghiệp, đó không phải là một bước lùi, vẫn là bước tiến, vì vẫn được tiếp tục học, tiếp tục đào tạo để chuyển hóa và nâng cấp từ học vấn phổ thông lên học vấn chuyên nghiệp. Bước tiến này khác với bước tiến trong trường hợp học lên đại học ở chỗ, một bên được rèn tập kỹ năng nhiều hơn, một bên được trau giồi kiến thức nhiều hơn, mà kỹ năng hoặc kiến thức đều có tầm quan trọng và thiết yếu riêng của nó.
Sự thành thạo kỹ năng (tay nghề) do trường chuyên nghiệp đào tạo còn là một nguồn trí tuệ được tích lũy ban đầu cùng với vốn kinh nghiệm hành nghề để về sau, khi có điều kiện học tiếp, người học sẽ dấn bước dễ dàng lên trình độ cao. Đó là những khóa đào tạo tu nghiệp hoặc lớp học ngoài giờ, để nâng cao trình độ cho các đối tượng là người có bằng trung - sơ cấp và đã qua thực tế kinh nghiệm trong nghề.