Ẩn mình trong bóng tối, ẩn mình trong những dòng suy tư đong đầy tâm trạng của sự cô đơn, nhưng Thanh Thảo vẫn để chúng ta nhận ra được niềm khát khao đến cháy bỏng, muốn tiếp tục cách tân, muốn hòa mình vào với xã hội, với một thế giới mới của nhà thơ. Đó chính là những chân lý vĩnh hằng mà nhà thơ chiêm nghiệm thấy qua cái nhìn trực tiếp nơi chiến hào và cái nhìn khắt khe trước cuộc sống, trước lý tưởng sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ.
Đó trước hết là chân lý mà Thanh Thảo đúc kết được từ chiến hào. Là một người lính, Nhà thơ đã nói hộ tiếng lòng của những người chiến sĩ trẻ khi không ngần ngại khẳng định niềm tin sắt đá vào chân lý của cả một thế hệ tin tưởng vào nhịp đập của trái tim, nhịp đập mang trọn tình yêu Tổ quốc:
mỗi chúng tôi còn một cuộc đời trên bàn tay mở ra cân nhắc tôi chưa hề tin phép lạ
nhưng tôi tin kỳ diệu những lời cất lên từ trái tim
(Nguồn sông hát - Những người đi tới biển)
Bởi Thanh Thảo hiểu được chiến tranh là đau thương, là mất mát nhưng chính những đau thương và mất mát ấy lại đem đến cho nhà thơ những triết lý sống, muốn hòa bình phải đổ máu, muốn thành công phải nhỏ giọt mồ hồi, và trên tất cả, đối với Thanh Thảo, sức mạnh của tình yêu Tổ quốc là nguồn sức mạnh vô biên không gì bẻ gãy. Đó chính là những điều được và mất, lấy đau thương để đổi lấy hòa bình, lấy mất mát hi sinh để đổi lấy bầu trời tự do cho Dân tộc.
Đối với cuộc sống, Thanh Thảo cũng đã bày tỏ những chiêm nghiệm của mình
trước sự đổi thay của xã hội, một xã hội mà con người ta sống giống như những
“con chim tập yêu chiếc lồng của mình/ nhưng không cần tập hót”. Từ đó, nhà thơ
đã đưa ra một nhận định rất triết lý của mình khi sống giữa cuộc đời khi nhắc lại câu nói của Rơ mác: “Cái mà nhân loại đang thiếu, chính là một lòng tốt bình thường”, và cũng giống như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “sống trong đời sống cần có một
tấm lòng”, tấm lòng như Thanh Thảo đang muốn hướng đến lại vô cùng giản dị, đó
chính là sự gìn giữ những tình cảm chân thật từ chính con tim.
Nhưng trong xã hội này, mấy ai còn giữ được cái chân chất thật tình đó của mình? Bởi khi con người ta càng lớn, càng từng trải, người ta mất dần đi vẻ ngây thơ, càng già dặn, bon chen hơn mà sự chân thật sẽ ngày càng nhạt nhòa đi:
“Càng từng trải, anh có thể khôn ngoan hơn, nhưng sẽ làm hình ảnh nhạt đi hương vị chân chất của đời mình; nó là cách nói lên sự thật như từ miệng một đứa trẻ nói. Cũng sẽ mất dần độ nhạy cảm của đôi cánh chuồn chuồn trước thời tiết” (Khối vuông Ru bích).
Những chân lý về cuộc sống của Thanh Thảo không dừng lại ở đó, mà còn được thể hiện qua cái cách ông nhìn nhận về đời người, về sự tồn tại của chúng ta trên cõi trần là “không bền lâu”, “không vĩnh cửu”:
những cánh hoa mỏng manh bố cục thay đổi không bền lâu không vĩnh cửu tất cả chúng ta đều có thể úa tàn một ngày nào đó
chỉ để lại chút hương mùa nắng đã qua
( Hoa cúc)
Con người sinh ra và sống trong cuộc đời này, không ai có thể tồn tại vĩnh cửu, ai rồi cũng sẽ úa tàn vào một ngày nào đó, bởi cuộc đời luôn là những vòng tuần hoàn của sinh - lão - bệnh - tử, và không ai trong chúng ta có thể thoát ra khỏi sự chi phối của thời gian và sự sống, của cái chết và sự hồi sinh. Nói như chính nhà thơ: “tất cả chúng ta đều có thể tàn úa”, đều trở về với hư vô, với cát bụi và cái chúng ta để lại duy nhất trên cuộc đời là “chút hương mùa nắng đã qua”. Độc đáo ở đây chính là hình ảnh hương của nắng, nắng làm gì có hương?
Sự suy tư, chiêm nghiệm của Thanh Thảo đã bộc lộ chính quan điểm sống của ông: cuộc đời chúng ta là những mùa nắng, có những mùa nắng chói lòa, nhưng cũng có những mùa nắng dịu nhẹ, thanh bình, nhưng khi mùa nắng trôi qua, thứ còn lại duy nhất là mùi hương của nó, nhưng mùi hương đó rồi cũng tan vào hư vô, tan vào quên lãng. Đó chính là quan niệm sống trong cuộc đời.
Qua tác phẩm Khối vuông Ru bích, với những lần lật xoay những ô vuông, những lần lắp ghép với những mảng màu hoàn toàn khác biệt, Thanh Thảo đã đem đến cho độc giả những cái nhìn đa diện, nhiều chiều về quan niệm sống và quan niệm về sáng tạo trong cuộc đời. Những lần xoay như dẫn chúng ta đến với những ô màu khác nhau, với sự bài trí bố cục lẫn lộn màu sắc khác nhau, từ đó, chúng ta nhìn thấy được những hình ảnh đa dạng của cuộc đời: chúng ta nhận ra tình thương giữa cuộc đời là một diều quan trọng, chúng ta nhận ra rằng phải giữ trong mình một ý chí vững vàng trước những đổi thay của cuộc sống, và nhận ra cả những sai lầm, những thiếu sót để từ đó đứng lên vượt qua vấp ngã. Và cứ với mỗi lần xoay, Thanh Thảo dường như luôn để lại trên những trang viết của mình sự chiêm nghiệm, những triết lý và chân lý để tồn tại.
Những đúc kết của một quá trình đi tìm lời giải đáp cho những chiêm nghiệm, chứng kiến trước một xã hội đầy biến hóa sau chiến tranh của Thanh Thảo tuy không mới mẻ, nhưng với giọng thơ đầy chất triết luận của ông lại trở thành một chân lý vĩnh hằng: “Hãy biết quý những gì không trở lại” (Khối vuông ru bích). Người ta không nên vứt bỏ đi quá khứ, người ta nên biết học cách quý trọng những gì không trở lại: đó là một cuộc sống yên bình ở chốn làng quê, một phố xá thân quen đượm mùi quà bánh… Bỏ qua tất cả những đổi thay khiến ta như bị “bóp nghẹn”, và hãy sống với chính những giá trị vốn có của bản thân mình, bởi cuộc đời ngắn lắm “phải lớn lên như một cái cây lớn lên”, vì nếu không, chúng ta cũng sẽ “có số phận của một cây cảnh trang trí cho hòn non bộ”.
Đối với Thanh Thảo, chân lý, lý tưởng của sáng tạo nghệ thuật chính là những bước đi trên con đường nghệ thuật chân chính. Mà trên con đường đó, người nghệ sĩ giống như chơi một “trò chơi Ru-bíc”, mà khi “xoay những ô
vuông” sẽ nhìn thấy được những mảnh ghép của những triết lý trong cuộc đời và
cũng thấy được “sáng tạo là hành động cao cả nhất của con người”. Từ đó, nhà thơ không ngừng sáng tạo, không vượt ra khỏi những giới hạn của chính mình, không ngừng kiếm tìm những chân lý vĩnh hằng từ hiện thực cuộc sống, ông đưa thơ đến với đời thưực, đưa chân lý đến với con người, đưa con người đến với chân - thiện - mĩ: “Tôi xoay những ô vuông. Vương quốc của niềm say mê. Đối
chọi. Hòa hợp. Con người thể kỷ hai mươi chiếm lĩnh những đỉnh Evơrét-trí-tuệ, đẩy lùi xa những giới hạn chính mình” (Khối vuông ru bích).
Thanh Thảo đã cho chúng ta thấy những chân lý về thơ và sáng tạo nghệ thuật của chính nhà thơ: Thơ phải hướng đến con người và cuộc đời, đó chính là nghệ thuật chân chính, vì thơ giả tạo không bao giờ dẫn dắt con người đến được với chân tướng của sự việc được. Và thơ “chẳng bao giờ nó vô tư theo nghĩa tuyệt đối” cả, vì trong một khoảnh khắc nào đấy, thơ vẫn luôn là những bí ẩn: “nó vẫn nhằm cảnh báo một cái gì, so sánh với một cái gì” (Khối vuông Ru bích).
Hành trình kiếm tìm chân lý trong sáng tạo nghệ thuật cũng giống như “đãi
cát tìm vàng” trên sa mạc cuộc đời, mà những người làm thơ như Thanh Thảo
phải huy động cả tư duy lẫn tiềm thức và cả khả năng sáng tạo không mệt mỏi của chính mình. Bởi “làm thơ khó lắm”, đã vậy người ta chẳng bao giờ “tính toán
được thơ”, chính vì thế mà người sáng tạo không được dễ dãi, không được quá
coi thường, vì thơ mà không tạo ra được sự mởi mẻ thì đó chính là cái chết của nghệ thuật, và “những kẻ toan tính lợi dụng thơ, rốt cuộc đều bị thơ lợi dụng, và
không hiếm kẻ đã bị thơ làm điên đảo khi nó hứa hẹn những thiên đàng bất tử, những trái quả ngon ngọt của vinh quang” (Khối vuông Ru bích).
Trên hành trình kiếm tìm chân lý, chúng ta nhận ra được những chiêm nghiệm, suy tư, trăn trở và khao khát được giãi bày của một cái tôi cô đơn, một mình tìm kiếm, một mình chiêm nghiệm, và cũng chỉ một mình suy tư trăn trở. Thanh Thảo bước từ cuộc đời vào chiến tranh, rồi từ chiến tranh ông lại trở về với cuộc sống, nhưng dù là ở hoàn cảnh nào, Thanh Thảo cũng luôn bày tỏ một hồn thơ luôn khao khát được trải mình vào thơ, và trải thơ ra để hòa nhập với cuộc sống.
CHƯƠNG 3