Giọng điệu là một phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học, nó “biểu thị thái độ, cảm xúc, tư thế của chủ thể phát ngôn thông qua lời văn nghệ thuật”.
Trong thơ ca giọng điệu được qui định bởi nhiều yếu tố như cách dùng từ, sắc điệu tình cảm, nhịp điệu... giọng điệu thể hiện tư duy nghệ thuật của nhà thơ, là yếu tố cơ bản tạo thành phong cách nghệ thuật.
Từ chiến tranh đến thời bình, giọng điệu thơ Thanh Thảo vẫn luôn thống nhất, vận động và ổn định mang mang đậm dấu ấn sáng tạo của nhà thơ. Thơ Thanh Thảo ghi dấu ấn trong lòng người đọc bằng một giọng điệu rất riêng, vừa ngang tàng, khẩu khí nhưng đầy tính trữ tình triết lý sâu sắc, vừa thể hiện được sự chiêm nghiệm và khao khát giãi bày. Nhưng nổi bật nhất trong thơ ông vẫn là
giọng điệu triết lý suy tưởng mang đậm màu sắc cá nhân nhà thơ. Chính giọng
điệu suy tưởng - triết lý này đã phản ánh được tư duy thơ giàu chất nghĩ, và khả năng khái quát hiện thực một cách tinh tế của tác giả, từ đó chúng ta thấy Thanh Thảo là một nhà thơ rất có trách nhiệm trước cộng đồng và ý thức trong sáng tạo nghệ thuật.
Chất suy tưởng - triết lý trước hết được thể hiện qua cái nhìn về chiến tranh, bởi Thanh Thảo không chỉ là nhà thơ mà còn là một người chiến sỹ. Băng mình vào khói lửa chiến tranh, tự mình nếm trải những gian nan thử thách, những hiểm nguy dưới bom đạn kẻ thù, nên cái nhìn của Thanh Thảo với cuộc chiến tranh không phải là cái nhìn của người ngoài cuộc mà là cái nhìn trải nghiệm, cái nhìn
hóa thân để rồi ông viết nên những trang thơ về tình đồng đội, quê hương, tình yêu Tổ quốc, về những mất mát hy sinh, những khó khăn gian khổ… Điều này được thể hiện rất rõ trong trường ca của ông (Những người đi tới biển).
Viết về hiện thực chiến tranh, sự suy tư của Thanh Thảo đặt lên những người lính với sự sống mong manh nơi chiến trận, và những hiện thực phũ phàng:
“những năm/ một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời” (Những người đi
tới biển). Đó là những tâm sự chân tình, những giãi bày chứa chất sự suy tư, để rồi chính nhà thơ đưa ra những triết lý sâu sắc về sự tự ý thức của cả một thế hệ: “(Những tuổi hai mươi thì làm sao không tiếc)/ nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi
thì còn chi Tổ Quốc?” (Khúc bảy - Những người đi tới biển). Hiểu người lính, hiểu những suy tư rất đời thường ấy, Thanh Thảo đã nói về chiến tranh với tầm sâu suy tưởng triết lý sâu sắc, ông viết về cái chết có thể đến bất kỳ trong một khoảng khắc“một bước chân có thể tôi còn anh mất”, viết về những người đồng đội “không cật ruột chẳng phải họ hàng”, nhưng “họ đi vào chiếc nôi chung của
một thời khốc liệt”.
Giọng điệu suy tưởng - triết lý trong thơ Thanh Thảo còn được thể hiện khi ông đứng trước sức mạnh và sự trường tồn vĩnh hằng của nhân dân, Tổ quốc, Thanh Thảo đã có những chiêm nghiệm thật sâu sắc. Nhà thơ đã có những cảm nhận về Tổ quốc thật thấm thía và sâu sắc bằng chất giọng trầm, lắng sâu suy tưởng khác với những hình dung về Tổ quốc bằng chất giọng ngợi ca tha thiết trong thơ chống Mỹ. Thanh Thảo đã hình dung Tổ quốc gần gũi và thiêng liêng như cơm ăn, nước uống hàng ngày, gắn bó với mỗi con người bởi những điều hạnh phúc nhỏ nhoi nhất, bởi: “Đất nằm yên như chết/ nhưng có bao giờ đất chết
đâu anh” (Địa hình - Những người đi tới biển).
Trong tập thơ Khối vuông Rubic, bằng giọng thơ trầm lắng, chất chứa những suy tư, Thanh Thảo đã hóa thân vào nhân vật Cao Bá Quát để suy ngẫm về những vấn đề đạo đức nhân phẩm, vai trò sứ mệnh của thơ ca và nhà thơ (Đêm trên cát), hóa thân vào nước Nga, ở trong cánh rừng Lê-nin-grát để chiêm nghiệm về hình bóng một nước Nga anh hùng (Bến sông Hàn buổi trưa); đồng thời cái tôi
hóa thân của nhà thơ trong Khối vuông Rubic còn thể hiện cái nhìn đa chiều, giọng điệu phức hợp đa thanh của nhà thơ khi phản ánh những mảng màu khác nhau của cuộc sống.
Cho đến khi hoà bình lập lại, Thanh Thảo cũng không ngừng bộc bạch những suy tư, chiêm nghiệm của mình một cách nghiêm túc bằng giọng thơ suy tưởng trầm lắng ấy, với những đau đáu, những suy tư về đời sống, những trăn trở về những giá trị và đạo đức con người.
Khi nỗi đau chiến tranh đã trôi qua, nhưng con người dường như vẫn phải hằng ngày, hằng giờ chèo chống với cuộc đời để mưu sinh, tồn tại, họ phải đối mặt với một cuộc chiến khác, đó là cuộc chiến cơm áo gạo tiền, với “những giấc
mộng tồi tàn ám ảnh vì tiền bạc”. Khi những giá trị trước kia chúng ta tôn thờ
nay cũng đã dần dần bị thay đổi thì giọng điệu triết lý thể hiện sự trăn trở suy tư của nhà thơ lại trở về với cuộc đời để tìm kiếm những giá trị chân lý vĩnh hằng.
Nhà thơ suy nghĩ về xã hội mới, một xã hội “không tiếng ve” dưới một vùng “lửa trắng” của những cột khói nhà máy, một nơi chốn “vội vã”, quay cuồng với
nhịp sống hiện đại mà quên lãng đi những giá trị chân thực của con người, vội vã bước qua, vội vã tìm bến, vội vã những câu thơ đi kiếm tìm ngọn lửa, vội vã hướng về quên lãng, hướng về vô vọng… Từ sự nhận thức sâu sắc hiện thực ấy, Thanh Thảo đã đưa đến cho chúng ta một triết lý sống đầy khát vọng cống hiến và dấn thân, mà với nhà thơ: “nếu tôi trung thành với mục đích đời mình/ như
Bim/ nếu ngôn ngữ trung thành với tôi/ như Bim/ chúng ta đi giữa cuộc đời không sợ hãi/ bọn vu cáo bọn phe phẩy/ bọn táp nham mặc xác chúng to mồm” (Chó
Bim trắng tai đen).
Và đối với tình yêu, Thanh Thảo không bày tỏ triết lý “yêu là chết ở trong lòng một ít” như Xuân Diệu, mà triết lý tình yêu của Thanh Thảo hiện lên qua
những suy tưởng mờ nhòe, sự lắp ghép lộn xộn của những mảng màu đen - trắng, sáng - tối. Với nhà thơ: chồi xanh là “tiếng nói em”, vầng trăng “tựu thành khuôn
mặt” “em”, nhưng hình ảnh của “em” lại gắn với “một quả mìn/ gài vào giấc ngủ” (Tiếng nói). Tình yêu là mật ngọt, nhưng cũng là trái đắng, là yên bình
nhưng cũng chính là hiểm nguy, là “nửa gương mặt phía vầng trăng” và nửa còn lại “chìm bóng tối”. Vì thế, trong thơ Thanh Thảo, không lúc nào người đọc không thấy ngạc nhiên trước sự xáo trộn ngôn từ để tạo nên giọng điệu vô cùng triết lý, vô cùng suy tưởng.
Tuy nhiên, thơ Thanh Thảo không nhất quán một giọng mà đôi khi ta thấy xuất hiện nhiều giọng điệu đan xen nhau, dường như nhà thơ muốn đối thoại với thế hệ mình, thế hệ tiếp nối và thế hệ tương lai về truyền thống lịch sử, về những trăn trở về đời sống. Dù thời chiến hay thời bình, giọng thơ Thanh Thảo luôn tỉnh táo trong trải nghiệm và cả những chiêm nghiệm, dự cảm về tương lai. Đó là giọng thơ được cất lên từ trách nhiệm lớn lao đối với Đất nước mà nhà thơ đã ý thức được từ chính những trải nghiệm của bản thân.