Cái tô i Người chiến sĩ mộc mạc đời thường

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật thơ thanh thảo (Trang 28 - 32)

Hiện lên trong thơ và trường ca Thanh Thảo là hình ảnh những chàng trai tuổi đời mười tám đôi mươi vừa rời ghế nhà trường, tâm hồn sáng trong và đầy chí khí. Thế nhưng họ không được xây dựng bởi những ánh hào quang của lịch sử, cũng không hề được ca ngợi trong sự vinh quang và vẻ đẹp hùng vĩ, mà ngược lại, hình tượng Người chiến sĩ của Thanh Thảo bước ra từ chính những vẻ đẹp mộc mạc của đời thường, dung dị và từ những năm tháng ác liệt nơi chiến trường chống Mỹ.

Nổi bật lên trong thơ Thanh Thảo là một cái tôi đặc chất lính trẻ, ông rất ít khi ca ngợi mà ông thường khắc tạc họ bằng những nét phóng khoáng, tự nhiên

như chính con người họ. Họ hiện lên thật sống động với vẻ đẹp giản đơn của một thế hệ “thức nhiều hơn ngủ” mộc mạc như chính cuộc đời bình dị của họ. Mà chính Thanh Thảo cũng đã nói lên được hình tượng của một cái tôi - chiến sĩ rất chân thực, giản đơn: “thế hệ chúng tôi không sống bằng kỷ niệm/ không dựa dẫm

những hào quang có sẵn/ lòng vô tư như gió chướng trong lành/ như sắc trời ngày nắng tự nhiên xanh” (Một người lính nói về thế hệ mình).

Trong cái nhìn của Thanh Thảo, bằng cảm quan độc đáo và sự trải nghiệm của chính bản thân ông, nhà thơ đã đem chính cái tôi dung dị, tự nhiên của mình hòa nhập vào cùng cái tôi của những người lính trẻ trong thơ. Họ từ giã mẹ, từ giã gia đình với lựa chọn quyết liệt: “người ta không thể chọn để được sinh ra/

nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy”. Và kể từ những

năm tháng ấy, dẫu “tuổi hai mươi làm sao không tiếc”, nhưng họ vẫn ra đi vì sự sống còn của Tổ quốc. Họ “vác trên vai” “trách nhiệm nặng hơn nòng cối 82” nhưng lại luôn mang trong mình sự trẻ trung, lạc quan, vui tươi của những người lính trẻ: “những thằng lính trẻ măng/ tinh nghịch ló đầu qua cửa sổ/ những thằng

lính trẻ măng/ quân phục xùng xình/ chen bám ở bậc toa như chồi như nụ” (Một Người lính nói về thế hệ mình).

Cái chất trẻ đầy sức sống như chồi, như nụ của người lính lại được khẳng định trong những vần thơ thâm trầm suy tư của Thanh Thảo. Những người lính mộc mạc, đơn sơ, ra đi với trọng trách cao quý nhưng hành tranh của họ cũng đơn sơ biết mấy: cũng chỉ với một ba lô đựng một bộ áo quần, với những bữa ăn đơn sơ: “vài gói mắm cùng nắm cơm nho nhỏ/ bếp dã chiến cháy dọc bờ suối đá/ treo

tòn ten mấy ống cóng canh chua” (Một người lính nói về thế hệ mình).

Giữa cuộc chiến tranh gian khổ, giữa sự sống và cái chết cận kề. Nhưng chưa bao giờ họ đánh mất đi những nét vui tươi, hồn nhiên của tuổi trẻ, họ đứng dưới mưa bom, giữa rừng già trong những đêm ngày trú ẩn nhưng vẫn hiên ngang: “so với trời xanh với rừng thì chúng tôi trẻ nhất”. Họ coi thường cái chết, họ sống một cuộc đời lính bằng chính những tâm tư mộc mạc, chân chất nhất. Họ mộc mạc trong cách sống, đơn sơ trong suy nghĩ và cũng rất chân thành trong tình

cảm đồng chí, đồng đội gắn bó thiêng. Đó là những người lính đến từ nhiều miền quê khác nhau nhưng chung một lý tưởng, chung một kẻ thù, cho nên như một điều tự nhiên, những người xa lạ trở thành anh em, bè bạn.

Qua gian khổ, thiếu thốn, tình đồng chí càng gắn bó keo sơn. Họ “trải cho

nhau/ trải ra đất/ thật tình”, họ sẵn sàng chiến đấu hết mình với quân thù và cũng “chơi hết mình” với bè bạn. Họ chia nhau cuộc đời, chia nhau cả cái chết, chia

nhau cả những điều vô cùng giản đơn: một tấm ni-lông nằm chung, một phong bánh khô xẻ nửa, một củ sắn chia đôi điều giản dị. Họ xem núi rừng là mái nhà thân thuộc: “nhà tôi rừng xúm xít quanh/ không ngăn vách cửa cây thành yêu thân” (Khúc sáu - Những người đi tới biển), và trong ngôi nhà đó, những người

lính sống gắn kết mà“nhà ai cũng thể nhà mình”, hằng đêm đốt lửa thấy đồng đội quay quần bên cạnh, họ kể cho nhau những “chuyện vui đến nỗi rừng mê”. Nhìn họ, ta không thấy cái khốc liệt và sự vật vã nơi chiến trường, mà chỉ thấy những cuộc đời rất trẻ trung, dung dị mà vui tươi.

Họ là lính, nhưng là những người lính bước ra từ cuộc đời, nên họ cũng có một đời sống nội tâm phong phú, họ có những ước mơ, có những khát vọng rất đời thường. Giữa những trận đánh, giữa những cuộc hành quân, tạm gạt bỏ những căng thẳng, hiểm nguy, những người lính ấy lại trở về với nét hồn nhiên, thơ trẻ với những niềm vui, niềm hạnh phúc giản dị, đời thường. Muốn “được cười

vang”, muốn được “nằm lăn trên cát ấm”, muốn “được ngụp hết mình lòng sông đẫm”: “được bè bạn với đá với trời xanh với rừng/ được nín thở hồi hộp cùng chú bói cá/ được là con trai/ không phải giữ gìn/ cánh tay trần khoát lên vai sóng” (Khúc ba - Những người đi tới biển).

Có khi dù chỉ là một giấc mơ nhỏ nhoi cũng khiến người đọc nao lòng: “chừng nào thật hoà bình/ ra lộ 4 trải ni lông nằm một đêm cho thỏa thích” (Một người lính nói về thế hệ mình). Niềm mơ nho nhỏ ấy tưởng chừng như chẳng phải là lí tưởng cao siêu gì nhưng kì thực, nó đã bộ lộ được vẻ đẹp rực sáng của lý tưởng cách mạng, của quyết định hòa mình vào cuộc chiến đấu gian khổ vì bầu trời của Tổ quốc. Soi vào đó, ta thấy cả một trời khát vọng - khát vọng hòa bình,

khát vọng tự do, khát vọng được sống với những nhu cầu rất bình thường mà chính đáng nhất của một con người.

Đó không chỉ là giấc mơ của một người mà là giấc mơ của cả thế hệ đang ngày đêm “dàn hàng gánh đất nước trên vai” (Hữu Thỉnh). Để biến giấc mơ ấy thành hiện thực, cả thế hệ sẵn sàng “trắng từng đêm lội nước”, vượt qua vô vàn gian khổ mà không hề do dự để chờ mong một ngày: “đồng bằng ơi bầu trời mùi

vỏ chanh/ ai chẳng muốn một lần/ đi tràn trề bình yên dưới nắng/ cho gió mát lùa tận cùng chân tóc/ lòng bâng quơ câu hát cũng bâng quơ” (Khúc năm - Những

người đi tới biển).

Và đâu đó, ở trong chính cái tôi chiến sĩ rất mộc mạc đời thường ấy vẫn phảng phất những suy tư, trăn trở giữa cái được và mất, giữa những mất mát và hi sinh. Có lẽ, chính ở đây, giọng thơ đầy suy tư, trăn trở của Thanh Thảo đã hiện lên với tất cả những gì tự nhiên nhất khi trong thơ ông, hình ảnh những người lính không hề xuất hiện với vô vàn thứ lấp lánh hào quang của chiến công, mà họ bước vào thơ, cứ như lúc họ ở bên ngoài cuộc sống, cũng trần tục với những suy ngẫm rất con người. Nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được ở họ vẫn luôn nung nấu một niềm tin cháy bỏng vào tương lai của “một ngôi sao mọc trong hố bom nhòe

nước”. Để rồi, họ mong muốn một ngày “được đắp chăn bông”, được trở về quê

nhà với “đường làng mùa này tre trổ lá”, được nghe mùi rơm rạ của quê hương. Chen vào khói lửa chiến tranh, chen vào những mệt nhọc của những chuyến hành quân vượt suối, băng rừng, họ vẫn dành những khoảng lặng trong lòng mình để suy nghĩ về người thân, về hạnh phúc, về nỗi nhớ đong đầy không gian bật thành tiếng lòng thổn thức. Những người chiến sỹ dưới ngòi bút Thanh Thảo hiện lên thật gần gũi, thân quen, trẻ trung và trong sáng. Họ nhớ về quê nhà, về những năm tháng tuổi thơ “mơ trái chín trên cành”, và đằng sau nỗi nhớ quê nhà ấy, biết bao nhớ thương về người mẹ đã chất chứa trong những dòng thơ viết về sự chia ly đầy bịn rịn của mẹ và con ngày lên đường ra trận: “tiếng gà sang canh

mùi xôi không ngủ/ đêm cuối cùng bên con mắt mẹ dệt những gì” (Khúc một - Những người đi tới biển).

Người mẹ riêng của từng chiến sĩ, của chính tác giả đã hoà làm một, đã trở thành người mẹ chung với sức mạnh và sức sáng tạo vô tận. Mẹ chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc, chính mẹ đã dạy cho người chiến sĩ phải uống nước nhớ nguồn, phải biết đến tình yêu thương và lòng căm thù cái ác: “chính mẹ đẻ

anh hùng và truyền thuyết/ từ túp lều lợp lá tranh”, “tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ/ dù uống nước đau lòng vẫn nhớ nguồn”, “tím ruột bầm gan thù bọn ác”

(Nguồn sông hát - Những người đi tới biển).

Giữa hoàn cảnh chiến tranh, giữa những đêm hành quân lấm lem bùn đất, những đêm đào hầm công sự… không chỉ là nỗi nhớ về người mẹ mà còn có cả tình yêu, tình yêu hiện lên như xóa tan đi những mệt mỏi, lo toan, những suy tư, trăn trở dự liệu về tương lai và hiện tại: “anh nhớ em/ quân thù không thể biết/

qnh nhớ em” (Khúc bốn - những người đi tới biển). Tình yêu đó còn được Thanh

Thảo lồng vào trong tình yêu Tổ quốc, hòa làm một, chung nhịp đập trái tim: “cả

những điều nhỏ nhoi bình lặng nhất/ của hai ta-cũng soi vào đất nước/ bằng ngọn lửa riêng bền bỉ suốt đời mình” (Khúc bốn – những người đi tới biển).

Có lẽ, chính tình yêu đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn của những người lính trong những cái giá lạnh khắc nghiệt của địa hình, và giúp họ vững vàng trước những thử thách cam go của kháng chiến, sống xứng đáng với con đường họ đã chọn.

Chân dung người chiến sĩ giải phóng với cái tôi mang những nét mộc mạc đời thường đã được Thanh Thảo thể hiện thành công. Hình tượng người lính trong thơ ông được nhìn nhận ở những phẩm chất tốt đẹp, lạc quan yêu đời và niềm say mê lý tưởng. Thanh Thảo đã xây dựng được bức chân dung tinh thần của những người lính cùng thế hệ, phản ánh được phần nào cái tôi thời đại trong vô vàn các mối quan hệ với Tổ quốc, nhân dân bằng giọng thơ sâu sắc, đầy trải nghiệm. Đây chính là một trong những đặc điểm sáng tạo mới mẻ của ông.

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật thơ thanh thảo (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(95 trang)
w