Cách tân về mặt thể thơ và cấu trúc

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật thơ thanh thảo (Trang 62 - 67)

Thơ Thanh Thảo mang đậm dấu ấn của Chủ nghĩa hậu hiện đại, và điều này được thể hiện rất rõ trong sự cách tân về thể thơ và cấu trúc thơ, chính điều này đã góp phần tạo nên giọng điệu thơ rất riêng của ông. Nhà thơ không hề tuân

thủ theo lối cấu trúc thơ truyền thống mà viết bằng chính sự phóng khoáng và hết sức tự nhiên của mình, qua thể thơ tự do và thể thơ văn xuôi.

Thơ tự do là thể thơ được Thanh Thảo sử dụng khá nhiều trong các sáng tác. Bởi không có sự hạn định về số câu, số chữ trong thơ tự do… nên nhà thơ thường không có thiên hướng trau chuốt về vần, nhịp, và số lượng câu chữ, sự bóng gió cho các câu thơ mà ông tập trung cao độ trong việc sáng tạo hình ảnh theo chiều hướng thơ đương đại.

Đọc thơ tự do của Thanh Thảo, chúng ta nhận ra ngay một lối viết ngẫu hứng, hết sức phóng khoáng, hết sức tự nhiên, một lối viết hoàn toàn bị chi phối bởi nhạc điệu và cảm xúc của chính tác giả. Nên dường như có khi nó trở nên chênh vênh, hỗn loạn, không tuân theo bất cứ quy luật nào về vần điệu, nhịp điệu, số câu, số chữ; cũng có khi nó lặp lại liên tiếp một vài câu thơ tưởng như logic nhưng lại không hề logic. Từ đó, bỗng chốc khơi dậy trong lòng ta những miền ký ức sâu thăm thẳm đầy mới lạ nhưng thật ra đã quen thuộc từ lâu, đó chính là cách viết độc đáo đã tạo nên những ấn tượng vô cùng mạnh mẽ:

đừng đuổi theo tôi lửa trắng

cục nước đá tan trong chiếc ly cơn gió nhân tạo mùi sắt gỉ đừng

(Lửa trắng)

Rõ ràng, không hề có sự sắp xếp của vần điệu, và số lượng chữ trong từng câu thơ mà đập vào mắt người đọc chỉ có những hình ảnh nối tiếp hình ảnh, ngay cả sự logic cũng đã bị phá vỡ đi. Trong một đoạn thơ, nhưng có câu 7 chữ, có câu 2 chữ, có câu 4 chữ, thậm chí có câu chỉ có 1 chữ lửng lơ và có đoạn còn có

những câu thơ rất dài: “mục nát lại chồng lên mục nát/ những chiếc ngai sơn son

thiếp vàng những vòng lọng đình đám những tiệc tùng thừa mứa” (Đêm trên cát).

Sự ngắn dài không đều giữa các câu thơ cho ta thấy được sự sáng tạo độc đáo của Thanh Thảo, đó chính là cách viết khá thoải mái, không hề câu nệ của nhà thơ như viết bằng chính tiềm thức, bằng chính những ẩn ức trong tâm hồn mà đôi khi nó bất chợt hiện lên dài dằng dặc, rồi cũng bật chợt tắt ngúm đi. Hay nói cách khác, lối viết trong thơ tự do chính là “một cách viết tự động tâm linh”. Những câu thơ mờ nhòe, biến ảo và hoàn toàn buông thả của lối viết tâm linh này, trong sự dẫn lối của vô thức và những giấc mơ, thơ Thanh Thảo hoàn toàn tự do, tự do tuyệt đối cả về tư duy lẫn thể loại, tất cả phó mặc cho sự siêu nghiệm, hoàn toàn không có sự kiểm soát của lý trí.

Tương tự như thơ tự do, thơ văn xuôi cũng là một hình thức thơ tự do nhưng lại được viết bằng văn xuôi. Đây cũng là một nét độc đáo cho thấy sự cách tân về thể loại của Thanh Thảo. Thơ văn xuôi của ông được xây dựng theo lối cấu trúc

“phóng túng hình hài” tồn tại theo thế giới lệch chuẩn với những câu thơ cách

điệu quen thuộc, đó chính là cách viết tự do, liên tiếp, không ngừng nghỉ và cũng chẳng xuống dòng. Qua đoạn thơ sau đây, chúng ta có thể thấy rõ điều đó: “kéo

căng chợt buông. Không mũi tên. Nhoi nhói. Hay mũi tên quay ngược. Nhiều lúc nuốt một cục gì nghẹn trong cổ. Chẳng biết xuống tới đâu. Nóng hực khoảng giữa ngực và bụng” (Nếu tôi biết…).

Những câu thơ cứ như những câu nói, nó tiến gần hơn đến sự bình thường hóa thơ ca, bởi xưa nay ta chỉ quen với những câu thơ trau chuốt, mỹ lệ, nhưng đến với thơ Thanh Thảo ta như bước sang một vùng trời khác. Câu thơ thiếu chủ ngữ, vị ngữ, cách sắp xếp hỗn loạn, đôi lúc khiến ta cảm thấy như những câu chữ cứ tự do chảy ra theo dòng cảm xúc, mọi biên giới về vần, nhịp bị xóa bỏ hoàn toàn, khiến các câu chữ cứ tồn tại vô hình giữa những ẩn ức của tâm hồn.

Tương tự, trong bài thơ Mùa Xuân, với những câu thơ cứ trải dài không có sự ngắt quãng bởi dấu câu lại là một bài toán vừa hóc búa nhưng lại vô cùng thú vị: “những con chim ở đâu về kêu trong veo bãi biển mùa xuân liệng giữa mây và

sóng những chiếc thuyền lao chao như múa gió chạy dày trên cát không để lại dấu chân”. Chỉ một câu thơ, nhưng chúng ta có thể tự do ngắt thành rất nhiều câu

thơ nhỏ, ví dụ: những con chim ở đâu về kêu/ trong veo bãi biển mùa xuân/ liệng

giữa mây và sóng/ những chiếc thuyền lao chao như múa gió chạy dài trên cát không để lại dấu chân. Hoặc : những con chim ở đâu/ về kêu/ trong veo/ bãi biển mùa xuân/ liệng/ giữa mây và sóng/ những chiếc thuyền/ lao chao như múa gió/ chạy dài trên cát/ không để lại dấu chân…

Chưa bao giờ ta thấy sự dung nạp mọi cách đọc, mọi cách ngắt nhịp, độ mở và khả năng dung hợp được mở rộng đối với thơ như thể thơ văn xuôi độc đáo này của Thanh Thảo. Với một bài thơ văn xuôi, người ta có thể tự ngắt nhịp theo những cách hiểu riêng, có thể hiểu và nắm bắt những bí ẩn theo từng cách khác nhau, thậm chí người ta cũng có thể khai phá được những bí mật khác nhau của hình tượng thơ mà chỉ thông qua một hình ảnh.

Từ lối viết tự do tâm linh để cho những con chữ chạy nhảy vô cùng thoải mái đã khiến cho kết cấu thơ của Thanh Thảo cũng trở nên tự do đến kỳ lạ. Mà trước hết đó chính là kết cấu Rubic.

Với Thanh Thảo “Ru-bích - đó là cấu trúc của thơ” (Khối vuông Rubic), Rubic là những vòng xoay, những chuyển động đa chiều, mà sau những vòng xoay, những mảnh ghép da diện của cuộc sống sẽ được kéo bật ra, phơi bày bản chất, mà trong đó dù là những mảnh ghép đối lập nhưng chúng không hề bài xích sự tồn tại của nhau mà chúng luôn cùng song hành tồn tại. Từ đó, Thanh Thảo đã thật sự tạo nên ấn tượng bởi sự hỗn loạn và tán lạc như một sự mất trật tự một cách cố ý và nghệ thuật để “người đọc có thể tham gia vào cuộc chơi bằng cách

xoay theo ý muốn của mình” (Mai Bá Ấn).

Trong bài thơ Vội vã, sự lặp lại dòng thơ ở đầu mỗi khổ, bốn khổ thơ trong bài thơ được xem như trục rubic gắn kết những đoạn thơ rời nhỏ khác: “vội vã/

mặt hướng về quên lãng/ hướng về tiếng thở dài/ hướng về chuyển động/ hướng về vô vọng (..) vội vã/ những câu thơ tìm ngọn lửa”. Sự trùng điệp đó không chỉ

suy tư. Quá khứ, hiện tại, tương lai dường như đều xuất hiện ngay trong khổ thơ thứ nhất, sau mỗi lần “vội vã”,những hiện tượng đời sống lại chuyển hướng theo mạch liên tưởng tự do: vội vã người đàn ông bước qua không một lời xin lỗi, vội

vã những con tàu tìm bến, vội vã những ngôi sao tìm chỗ được nhìn thấy, vội vã câu thơ tìm ngọn lửa. Thế nên qua mỗi lần xoay, là nỗi băn khoăn về thái độ sống

của con người khi mà cuộc sống vần xoay, vội vã cũng đa chiều: Vội vã ở hiện tại, vội vã từ quá khứ, vội vã trong tương lai; vội vã vì mục đích trước mắt, vội vã vì khát vọng cao xa; vội vã đến vô tình, vội vã đến lãng quên...

Với lối kết cấu Rubic, Những vần thơ của Thanh Thảo thực sự mang một vẻ “phóng túng hình hài”nhất định. Đó chính là sự sắp xếp không theo bất cứ một trật tự nào, thật sự hỗn loạn với độ ngắn dài của các câu và các khổ thơ không đều mà khi nhìn vào, chúng ta hình dung ra được sự phóng túng nhất định của tác giả.

Trong Đàn ghi ta của Lorca, nhà thơ lại một lần nữa cho chúng ta thấy lối kết cấu đa chiều, mà cứ mỗi một lần xoay là một lần ta được nhìn ngắm hình hài người nghệ sĩ của bầu trời Tây Ban Nha dưới một cái nhìn hiện thực khác nhau.

Ở lần xoay đầu tiên, Thanh Thảo đã tái hiện cho chúng ta thấy bầu không khí ngột ngạt đầy xung đột, Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt, và hình ảnh của một người nghệ sĩ lãng du với tâm hồn phóng khoáng, tha thiết yêu đời đi lang thang về miền đơn độc cùng cây đàn và tiếng hát ca ngợi tự do và khát vọng cách tân.

Ở lần xoay thứ hai, mảnh ghép xoay đổi thành hiện thực kinh hoàng, đau xót hiện lên trong thơ Thanh Thảo: “Lorca bị điệu về bãi bắn/ chàng đi như người

mộng du”. Sự đột ngột ấy hẳn đã khiến cho người nghệ sĩ tài hoa nặng lòng với

thi ca nghệ thuật, với Đất nước quê hương đã không khỏi ngỡ ngàng.

Ở lần xoay thứ ba, hiện lên trước mắt độc giả là những hình ảnh xuất hiện trước lúc Lorca về thế giới vĩnh hằng. Đó là tình yêu - bầu trời - cô gái ấy, là tiếng ghi-ta nâu - là mặt đất, tiếng ghi-ta xanh - là cây cối nhưng cũng là hy vọng, và cả cái chết, số phận mỏng manh của một thiên tài - “tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ

Lorca ra đi nhưng cuộc đời với tiếng đàn và khúc hát ấy vẫn vang vọng nỗi đau, tình yêu và sự sống. Trong niềm tiếc thương, trân trọng của người đời, cái đẹp không bao giờ bị hủy diệt: “không ai chôn cất tiếng đàn/ tiếng đàn như cỏ

mọc hoang”. Đó là mảnh ghép hiện lên bởi lần xoay thứ tư.

Lần xoay thứ năm, và sáu Thanh Thảo đã vẽ lên một bức tranh oai hùng của một con người đi về miền bất tử. Và kết thúc câu chuyện là thanh âm tiếng đàn vang vọng, là loài hoa lila miên man tỏa hương sắc với đời. Điều đó khẳng định điều gì nếu không phải là một sức sống tinh thần bất diệt của người nghệ sĩ!

Trong bài thơ Đêm Thanh Thảo viết: “đêm/ tiếng còi tàu/ vút qua tia sáng

tím/ anh/ ngọn gió/ khi biển em yên bình/ anh/ mỏ neo/ khi vùng biển em đang bão”. Thậm chí có những bài thơ rất ngắn, chỉ có hai câu, như bài thơ Không đề:

“mưa trên thép nung/ những lá non đẫm máu”. Với lối viết không hề viết hoa

đầu dòng, không hề có dấu câu, cách ngắt dòng rất tự do và phóng khoáng, rất phóng túng. Không dừng lại ở đó, lối thơ trong Khối vuông Rubic vừa là thơ, vừa là văn, vừa là nhạc, vừa là phim vừa là kịch nhưng đích cuối cùng vẫn là thơ trong sự chuyển động tròn không ngừng của rubic. Đó là sự tái sinh liên tục của những mũi khoan dò tìm mạch nguồn bí mật của thơ ca và cuộc sống.

Thế nên chính bởi lối viết tự do và lối kết cấu Rubic mang theo sự “phóng túng” như thả rơi thơ này mà thơ Thanh Thảo luôn hiện lên sự mờ nhòe siêu thực,

nhưng luôn toát lên cái mùi vị đậm đà của những suy tư, trăn trở giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, tất cả đã thực sự hòa cùng trong dòng chảy của ngôn từ và cảm xúc và neo lại trong tâm hồn người đọc mỗi khi xoay khối vuông Rubic.

Kết cấu thứ hai mà khóa luận đề cấp đến trong vô vàn những lối kết cấu trong thơ Thanh Thảo chính là kết cấu lắp ghép. Bởi thơ Thanh Thảo luôn là sự lắp ghép nhiều mảnh vỡ với nhau một cách tinh tế, ông không chấp nhận những cái bình thường, quen thuộc nên ông tìm đến với công cuộc sáng tạo nên những cái mới lạ bằng cách đập nát những gì mà tạo hóa đã ban cho rồi vung lên chính bầu trời tự do rộng lớn. Sau đó, nhà thơ dày công nhặt nhạnh lại những mảnh vỡ rồi lắp ghép chúng theo cách riêng của mình, mà chất keo kết dính chúng lại với

nhau chính là tâm linh và cảm giác. Điều này đã khiến thơ ông trở nên thú vị khi nó luôn biến ảo, xáo trộn, rồi lại được lắp ghép lại với nhau, mà với những mảng màu khác nhau, ở mỗi lần ghép đều ánh lên một màu sắc riêng biệt.

Hiển hiện trước mắt chúng ta là những dòng thơ dài ngắn đan xen mà Thanh Thảo đã tạo dựng lên trong các sáng tác của mình. Những câu thơ như bị tháo rời, xé lẻ để chia thành các khổ mà có khi mỗi khổ thơ chỉ vẻn vẹn một đến hai dòng. Trong bài thơ Bóng ta nhận ra được sự đứt gãy của những câu thơ, và những mảnh ghép lộn xộn, tự do trải dài: “chạm cốc vầng trăng/ tái nhợt/ những bông

hoa trước bức tường không đầu/ chỉ quy phục hoàn toàn cái đẹp/ bàn tay mở ra lơ đãng/ bóng một chiếc cầu/ bao nhiêu nước chảy qua/ không xóa nổi”.

Các câu thơ được sắp xếp rời rạc, lỏng lẻo về sự liên kết đã mở ra nhiều vùng không gian rỗng mà quá khứ và hiện tại, người xưa và người nay, hư và thực... , tất cả hiện diện trong một lần chiêm nghiệm về chiếc bóng. Những dòng thơ tách rời và mờ nghĩa, hình ảnh, âm thanh tán lạc theo dòng cảm nhận của nhân vật trữ tình. Từ vầng trăng, những bông hoa trước bức tường không đầu, đến bàn tay, chiếc cầu và nước chảy, bài thơ đã khiến độc giả phải dừng lại trong một vài khoảnh khắc, phải vận dụng cả tâm thức lẫn tư duy, và cả vùng tâm linh tiềm thức để hình dung, tưởng tượng và suy ngẫm. Từ đó mới có thể lắp ghép được những hình ảnh tưởng chừng như không logic ấy và từ đó nhận ra sự hòa phối của những mảng màu lộn xộn trong bức tranh ngôn từ.

Với lối viết không tuân thủ cấu trúc thơ truyền thống, và thuộc tính tự do được thể hiện trên lối viết theo mạch ngầm cảm xúc của Thanh Thảo đã cho chúng ta thấy được sự táo bạo của nhà thơ trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Bằng cách đưa những cái mới lạ vào thơ, nhà thơ đã làm sáng cả một vùng trời thi ca vốn đã quen với những niêm luật bằng trắc, đối âm, đối chữ.

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật thơ thanh thảo (Trang 62 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(95 trang)
w