Thanh Thảo là một người nghệ sĩ - một nhà thơ của những cách tân, của những điều mới mẻ, những chiêm nghiệm, tìm tòi và sáng tạo không mệt mỏi. Ở những sáng tác của ông luôn bộc lộ một cái tôi cá tính, sáng tạo, một cái tôi trữ tình, mềm mại nhưng cũng vô cùng rắn rỏi, sắc bén đầy chất triết lí suy tư.
Cũng như những nhà thơ khác, Thanh Thảo sống bằng một cái tôi cá nhân của đời sống thường nhật, nhưng khi đi vào trong thơ, dù trong giọng thơ của ông có giàu triết luận, có thấm đượm sự hư ảo, mờ nhòe của khuynh hướng thơ siêu thực, tượng trưng và lối cách tân thơ độc đáo theo âm hưởng hậu hiện đại, thì trước hết, đó vẫn chỉ là thơ, và ông là một thi sĩ. Với vai trò là người sáng tác, Thanh Thảo đã bày tỏ được những suy tư, chiêm nghiệm, tìm tòi, những dự cảm về tương lai… bằng một cái tôi rất nghệ sĩ - cái tôi trữ tình.
Thơ thực chất là “sự chiếm lĩnh bằng nghệ thuật các loại kinh nghiệm đời
sống qua cái tôi cá nhân”. Vậy nên, chúng ta hiểu cái tôi trữ tình là sự thể hiện
một cách nhận thức và cảm xúc đối với thế giới và con người thông qua việc tổ chức các phương tiện của thơ trữ tình, tạo ra một thế giới tinh thần độc đáo mang tính thẩm mỹ nhằm truyền đạt tinh thần đến người đọc.
Không thể phủ nhận rằng, cái tôi trữ tình có mối quan hệ chặt chẽ với cái tôi cá nhân của nhà thơ, bởi chính cái tôi cá nhân Thanh Thảo đã tạo dựng nền tảng để nhà thơ xây dựng nên cái tôi trữ tình trong thơ. Đối với Thanh Thảo, cái tôi trữ tình trước hết là sự thể hiện một cách nhận thức và cảm xúc đối với thế giới và con người thông qua lăng kính cá nhân của nhà thơ và thông qua việc tổ chức các phương tiện truyền đạt của thơ, nhà thơ tạo ra một thế giới tinh thần riêng biệt, độc đáo, mang tính thẩm mỹ, nhằm truyền đạt năng lượng tinh thần ấy đến người đọc. Thanh Thảo nhìn nhận thơ là đời thực, thơ là bức ảnh chụp về cuộc sống như những gì mà nó vốn có bằng chính cái nhìn chân thực của một cái tôi cá nhân. Nhưng khi ông sáng tạo thơ thì người đọc lại nhìn thấy ở đó một cái tôi trữ tình với những suy tư, trăn trở về cuộc sống, về con người, về hành trình kiếm tìm nghệ thuật chân chính và chân lý của một người nghệ sĩ.
Nói cách khác, trong thơ Thanh Thảo, cái tôi cá nhân như bị che lấp đi ít nhiều đằng sau cái tôi trữ tình, nhưng việc bị che khuất đó không hoàn toàn là đem cái tôi cá nhân vùi sâu vào cát, mà nhà thơ dường như vẫn để chừa lại những khe hở bí mật để khi độc giả phát hiện ra, sẽ dễ dàng nhận thấy được cái tôi sáng tạo độc đáo của ông. Cái tôi Thanh Thảo xuất phát từ cái tôi của đời thường, của những điều chân thực và gần gũi của chốn đời sống xô bồ, nhưng cái tôi trữ tình trong thơ của ông lại được xây dựng nên bởi một tâm hồn thi nhân sống trong nghệ thuật, trong cảm hứng, khao khát giãi bày những trải nghiệm và những suy tư trăn trở qua lối tư duy sáng tạo nghệ thuật mới mẻ. Đó cũng chính là sự khác nhau giữa cuộc đời và nghệ thuật.
Thanh Thảo là một nhà thơ mang trong mình một cái tôi trữ tình đúng chất nghệ sĩ, nhưng không vì thế mà ông đánh mất đi cái tôi cá nhân độc đáo. Trong
thơ, cái tôi trữ tình Thanh Thảo thưởng hóa thân vào chính những nhân vật trữ tình, từ đó ông thay họ giãi bày những điều tai nghe mắt thấy, những dòng cảm xúc tuôn chảy từ mạch nguồn của tâm hồn. Nhưng cho dù là nhân vật hay chính nhà thơ, người đọc vẫn nhận ra được dáng dấp của một cái tôi thời đại với những suy ngẫm rộng lớn về Đất nước và con người, về cuộc sống và nghệ thuật.
Cái tôi trữ tình trong thơ Thanh Thảo chính là cái tôi được khách thể hóa từ cái tôi cá nhân của đời thực, thăng hoa trong nghệ thuật, nó mang trong mình tầm vóc lớn lao của người nghệ sĩ và biểu hiện được những ẩn ức mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm. Đằng sau nó, độc giả vẫn có thể cảm nhận được những tư vị của một hiện thực xô bồ, của cuộc sống và con người.