Tất cả những biểu tượng trong thơ Thanh Thảo đều mang tính chất siêu thực, siêu thực không chỉ trong hình ảnh mà còn siêu thực trong các hình tượng của màu sắc, âm thanh và giấc mơ.
Màu sắc trong thơ Thanh Thảo không xuất hiện nhiều, nhưng mỗi lần xuất
hiện, nó mang đến những ám ảnh mới lạ cho người đọc, với những mảng màu như đỏ, nâu, xanh, vàng, màu bạc, màu đen… ngoài việc mang nghĩa màu sắc, chúng còn biểu thị những hàm nghĩa tượng trưng khác nhau. Ví dụ: đỏ là màu của máu, nó gợi lên cái chết (“áo choàng bê bết đỏ” - Đàn ghi-ta của Lorca); xanh là màu của lá, gợi lên niềm tin và hy vọng, nhưng đôi khi đó cũng là màu gợi nhớ về quá khứ (“gương mặt vụt về một chớp xanh/ đêm cơn sốt B.52 rừng nghiêng ngả” - Những người đi tới biển); màu nâu là màu của đất, biểu tượng cho quê
hương; màu vàng là biểu trưng cho sự huy hoàng; bạc cũng là cái chết và cả sự bất tử (“Lorca bơi sang ngang/ trên chiếc ghi-ta màu bạc” - Đàn ghi-ta của Lorca)…
Thơ Thanh Thảo rất giàu nhạc tính, mà dường như chính ngôn từ đã tự phát ra âm thông qua vỏ bọc ngôn ngữ và tư duy hình tượng, nên những nhóm từ ngữ
khơi gợi âm thanh trong thơ ông cũng mang tính biểu trưng rất cao. Trong
bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca, chuỗi âm thanh “li-la li-la li-la” không chỉ gợi lên hình ảnh của loài hoa lilac mà đó còn là tiếng đàn của Lorca, và cũng là tiếng đàn tiễn đưa của chính Thanh Thảo giành cho người nghệ sĩ của đất nước Tây Ban Nha. Chính âm thanh hay còn gọi là nhạc tính của thơ đã tạo cho thơ Thanh Thảo màu sắc siêu thực với những khoảng trống, những nốt lặng, để độc giả có thể suy ngẫm, chiêm nghiệm.
Biểu tượng siêu thực trong thơ Thanh Thảo không chỉ dừng lại ở màu sắc, âm thanh, mà sự độc đáo của lối viết mờ nhòe này còn được khắc họa đậm nét
qua không gian tâm linh và biểu tượng giấc mơ. Hình tượng giấc mơ xuất hiện khá nhiều trong các sáng tác gần đây của Thanh Thảo, và cũng là biểu tượng thể hiện rõ nét nhất khuynh hướng thơ tượng trưng siêu thực của ông.
Giấc mơ trước hết là những điều không có thật, nó là thứ ám sâu vào tầng vô
thức của nhà thơ, nó bị lấp vùi ở đâu đó trong tâm hồn bởi cái nhìn trần trụi từ hiện thực mà chỉ khi đứng trước sự thay đổi của cuộc sống, trước sự xa lạ khó hòa nhập thì nó lại bung ra một cách tràn đầy. Trước những băn khoăn, trăn trở về phận người giữa cuộc đời đầy phức tạp, trở về trong thơ Thanh Thảo là những giấc mơ buồn, những giấc mơ uất nghẹn như thế…
Giấc mơ còn là biểu tượng của những giá trị tươi đẹp, những niềm hạnh
phúc đã không còn trong hiện tại khiến người ta cứ kiếm tìm trong hy vọng mong manh. Trong Không đề, chúng ta nhận ra một sự lặng lẽ trong buồn bã khiến ta không khỏi băn khoăn đến những điều trĩu nặng tâm tư khiến cho nhân vật trữ tình muốn câu giấc mơ ngày cũ như câu sự được mất, may rủi, có không… trên dòng sông đời: “nhấp cần câu/ câu giấc mơ ngày cũ/ những giấc mơ/ tớp bóng dưới lục bình/ xanh buồn bã”. Câu giấc mơ hay câu sự bình yên? Câu để có được
niềm vui hay chỉ để thấy càng thêm buồn khổ?
Giấc mơ cũng chính là thứ gắn kết con người với cuộc đời, con người với
chính họ, để hiểu đời thực hơn và cũng để hiểu mình sâu hơn: “và ông đã đánh
thức tôi, Ginsberg, tôi ngủ mê như con chó thỉnh thoảng nói mớ, thỉnh thoảng vẫy đuôi, thỉnh thoảng tru lên những giấc mơ uất nghẹn. (…) Ông đã đánh thức tôi, thô bạo như gã cảnh sát đánh thức người ăn mày nằm mơ trên ghế đá công viên, tôi dụi mắt ngơ ngác tưởng mình đang mơ tiếp giấc mơ khác. (…) Tôi biết những kẻ phân phát thuốc trường sinh, những kẻ lén đặt vào ngực người khác dăm trái mìn hi vọng, (…) Ông đã đánh thức tôi đúng lúc, giờ mặt trời khẳng định, những cánh tay nắng vươn tới tôi…” (Và ông đã đánh thức tôi, Ginsberg).
Rõ ràng chúng ta không hề nhìn thấy được nội dung của giấc mơ trên bề mặt câu chữ, nhưng ta lại cảm nhận được những ẩn ức, uất nghẹn bởi những ám ảnh đời thường, những khoảnh khắc không tìm thấy đích đến. Nhập nhằng trong những giấc mơ ngột ngạt nối tiếp nhau, nhập nhằng trong chính bởi vũng lầy của cuộc sống mà bản thân đang vướng phải. Mà với một sự đánh thức đột ngột của người cảnh sát với kẻ ăn mày trên ghế đá công viên nhưng lại đem đến cho cái tôi trữ tình ấy sự thức tỉnh thực thụ, sự nhìn nhận hiện thực với đôi mắt sáng rõ.
Sự thật phơi bày ra trước mắt họ vượt ra ngoài những gì họ tưởng tượng đến người ta chợt tỉnh mà cứ ngỡ mình đang mơ tiếp một giấc mơ khác. Để rồi họ nhận ra rằng, người ta không thể mãi vùi mình vào giấc ngủ mê, vào bóng tối của đêm đen được nữa, bởi đã đến lúc nên bước ra khỏi những giấc mơ u tối ấy, để chạm tay vào nắng, thoát khỏi cõi sáng tạo hư ảo ru ngủ con người để đến với chân trời nghệ thuật đích thực.