Ngôn ngữ là công cụ trực tiếp của tư duy. Nhà thơ sử dụng ngôn ngữ để tạo ra thứ sản phẩm cũng bằng ngôn ngữ. Ngôn ngữ thơ đối với nhà thơ vì vậy vừa có
ý nghĩa phương tiện vừa có ý nghĩa mục đích. Trong thơ Thanh Thảo, nổi bật lên là ở ngôn ngữ đậm chất đời thường, ngôn ngữ thơ siêu thực tạo ra nhiều khoảng trống, và ngôn ngữ giàu nhạc tính mang đậm nét cá tính sáng tạo của riêng của nhà thơ.
Với Thanh Thảo “làm thơ phải cực kỳ đơn giản”, thế nên ông không bao giờ quá chăm chút vào việc gọt dũa cho ngôn ngữ thơ mình mà ông luôn để cho những câu từ cứ thế tuôn chảy theo cách tự nhiên nhất. Từ những trang thơ viết về con người trong kháng chiến đến những câu thơ viết về cuộc sống mới, ông đều sử dụng lớp ngôn ngữ tối giản đến mức có thể. Vốn từ ngữ trong thơ ông vì thế trước hết là vốn từ ngữ của đời thường, gần gũi với đời sống nhân dân, và việc lựa chọn thể thơ tự do, câu thơ trúc trắc không vần đã cho phép Thanh Thảo tự do trong việc lựa chọn những ngôn từ ấy.
Ta thường hay bắt gặp trong thơ Thanh Thảo lối nói khẩu ngữ quen miệng hàng ngày, những từ ngữ địa phương như: gié, chòi, đạp, lộn nhào…, những cách xưng hô thân thuộc ở quê nhà, như là má là anh, chị, là cô Út, chú Năm…: “con
lại về nhà thấy má/ cây mai mới trồng bật hoa” (Không đề). Đọc những câu thơ
của ông, ta nhận ra nhà thơ đã luôn cố gắng dùng những từ ngữ dễ hiểu, thông dụng để đến gần hơn với cuộc sống.
Và ngay cả những lối nói trần trụi có phần hơi phức tạp cũng đều được Thanh Thảo khắc tạc vào thơ: “tôi tự khoanh vùng mình/ như con chó đánh dấu
lãnh địa bằng nước đái” (Khúc chậm 2000); hay là: “anh nói tôi là người yếu đuối nhưng tôi/ mạnh khỏe theo kiểu anh làm/ đếch gì” (Thường là vậy); hoặc
cũng có khi nhà thơ viết về hình thể nhưng lại không mang bất kỳ một dục niệm nào: “ngọn lửa da thịt/ chìm trong đôi núm vú hồng hồng” (Trang sức). Chúng ta không hề thấy sự tầm thường trong thơ ông, bởi đó chính là ngôn từ giản dị, chân chất, chúng cho ta hiểu thêm nét chất phác, hồn hậu của thơ Thanh Thảo cũng như chính con người ông vậy.
Có thể nói lớp ngôn ngữ đã được chắt lọc từ đời sống phong phú và vô tận của con người đã mang lại cho nhà thơ thứ vũ khí để chống lại sự mĩ lệ, sáo mòn
của thơ ca. Ngôn ngữ trong thơ Thanh Thảo vừa như tình cờ, vô ý nhưng lại luôn vươn tới tầm triết luận sâu sắc khẳng định sự tích luỹ của vốn sống và tài năng của nhà thơ. Điều này đã thể hiện cá tính sáng tạo của Thanh Thảo mà không hề lẫn với bất kỳ tác giả nào.
Nét độc đáo trong ngôn ngữ thơ cách tân của Thanh Thảo chính là ngôn ngữ
thơ mang đậm dấu ấn siêu thực. Ngôn ngữ siêu thực là thứ ngôn ngữ được viết
ra bằng tiềm thức, viết một cách tự do và cùng với thể thơ cũng rất tự do ấy, nó tạo nên sự mờ nhòe về ý nghĩa và cả hình ảnh.
Trước hết dấu ấn siêu thực được thể hiện ở tính phân mảnh, sự rời rạc, ngắt quãng trong khoảng giữa của từ ngữ, hình ảnh. Những từ ngữ giúp người đọc hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa các đối tượng thường khuất lấp ở tầng ngầm của văn bản. Ví dụ trong bài thơ Tiếng nói, Thanh Thảo viết: “tiếng nói nước mưa/ bà-
không-ăn/ nhà-cây-chim/ mẹ-chuối-nắng”. Khó có thể nắm bắt được hết ý nghĩa
từ những câu thơ trên, nó cứ mờ mờ ảo ảo, có gì đó không thực khi nhà thơ nhắn đến tiếng nói của những giọt nước mưa. Nước làm gì mà nói được? có chăng cũng chỉ là những âm thanh trừu tượng khi nó rơi tí tách trên mặt đất, nhưng nhà thơ lại cụ thể hóa tiếng nói ấy như thể ông nghe thấy được chúng nói điều gì. Mà những âm thanh ấy lại chính là những từ ngữ được ghép với nhau bằng dấu ghạch nối nhưng lại chẳng có chút logic ngữ nghĩa nào: bà-không-ăn, nhà-cây-chim,
mẹ-chuối-nắng. Chính từ đó mới tạo nên những khoảng lặng, khoảng trống trong
thơ Thanh Thảo, và chính những khoảng rỗng đó không hề đẩy khoảng cách ngôn từ ra xa mà lại làm cho mức độ dồn nén của ngôn ngữ thơ càng trở nên đậm đặc.
Từ việc sáng tạo ra ngôn ngữ thơ nhiều khoảng trống đã khiến độc giả khó có thể cắt nghĩa bằng cách đọc thông thường mà phải vận dụng vốn hiểu biết của mình để có thể cảm nhận những gì mà nhà thơ rung động. Và cũng chính bởi sự đứt đoạn, gián cách, mà muốn hiểu được người đọc phải tự xâu chuỗi những hình ảnh biểu tượng để tìm ra nghĩa biểu hiện của bài thơ. Bởi những câu thơ rất giàu tính liên tưởng, trong đó có sự chuyển đổi cảm giác, chuyển đổi ấn tượng tinh tế, mang đậm màu sắc tượng trưng, siêu thực. Đây chính là sự bí ẩn của thơ hiện đại,
nó hối thúc người đọc hòa mình vào quá trình tìm tòi và đồng sáng tạo với người nghệ sĩ.
Thứ hai, ngôn ngữ thơ siêu thực trong thơ Thanh Thảo còn được thể hiện qua sự lạ hóa. Cũng giống như cách mà Thanh Thảo sử dụng vốn ngôn ngữ đời thường, ông không muốn quẩn quanh với những chuẩn mực có sẵn mà để cho liên tưởng, tưởng tượng dẫn lệch khỏi lối mòn của sự lựa chọn và kết hợp ngôn từ. Thế nên, song hành với cái khác lạ, cái bất ngờ là sức gợi nhiều chiều và khả năng làm dấy lên trong lòng người đọc hứng thú thám hiểm những miền ngôn ngữ mới.
Thanh Thảo làm mới thơ không phải bằng cách sáng tạo ra nhiều từ mới để thể hiện sự “độc quyền” ngôn từ. Tác giả đưa thơ thoát ra sự mòn, rỗng nhờ vào cách biến quen thành lạ, làm lạ hóa lớp ngôn từ vốn đã quen thuộc. Nhà thơ đặt những con chữ đã biết vào lối kết hợp mới, từ đó tạo nên một sự hoán chuyển linh hoạt để cho từ ngữ không bị găm vào những cách hiểu thông thường: “bạn bè cây
rừng thưa dần/ chiến tranh cưa ngang/ bằng cưa máy/ hòa bình đốn ngã/ bằng đủ thứ” (Chợt nhớ). Thanh Thảo tạo nên sự cân xứng hài hòa bởi sự song hành: bạn bè - cây rừng, chiến tranh - hoà bình, cưa ngang - đốn ngã, bằng cưa máy - bằng đủ thứ. Chiến tranh kia cướp đi sinh mạng của bao người trong những cuộc
tiến công và phản kích, nhưng biết bao người không ngã xuống vì bom đạn chiến trường mà lại bị “đốn ngã” giữa đời thường vì “đủ thứ”. Đó không còn là sự đau đớn thể xác nữa, mà còn là sự đau đớn trong tâm hồn.
Sự mới lạ trong ngôn ngữ thơ của Thanh Thảo, còn là việc ông đưa vào thơ nhiều từ ngữ khoa học mới mẻ và đầy ý nghĩa sâu xa:“Không ai tái chế nước
mắt, dù để làm nên những trang sách” (Và ông đã đánh thức tôi, Ginsberg…). Và
còn thể hiện ở lối so sánh những liên tưởng bất ngờ và cách dùng từ sáng tạo của nhà thơ: “trong trái cây hư rữa gồm đau đớn lẫn mừng vui/ lửa hay hạt mầm nứt
vỏ?” (Nhịp sương).
Ngôn ngữ thơ Thanh Thảo rất giàu nhạc tính, mà chính nhịp điệu là yếu tố quan trọng làm nên tính nhạc trong ngôn ngữ thơ. Thanh Thảo đã tạo nên sự ăn
khớp giữa nhịp điệu bên ngoài của tổ chức lời thơ với nhịp điệu bên trong của hình ảnh và cảm xúc. Điều đó mang lại cho ngôn ngữ thơ vẻ đẹp cân đối, nhịp nhàng mà không bằng phẳng, tẻ nhạt.
Đọc Đàn ghi-ta của Lorca, ta không khỏi bị hấp dẫn bởi cách ngắt dòng tự do và số chữ trong từng câu ngắn dài khác biệt, chính điều đó đã khiến cả bài thơ như một bản giao hưởng mà mỗi khổ, mỗi dòng là một phối bè: “tiếng ghita nâu/
bầu trời cô gái ấy/ tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy/ tiếng ghita tròn bọt nước vỡ tan/ tiếng ghi-ta ròng ròng/ máu chảy”. Điệp ngữ “tiếng ghi-ta” cứ lặp đi lặp lại cùng
với sự liền mạch của các dòng thơ như những đợt sóng cứ nối tiếp nhau lên xuống trầm bổng, ngân vang và không bao giờ dứt.
Không chỉ có vậy, nhạc tính trong thơ Thanh Thảo còn được tạo dựng thông qua những hình ảnh thơ giàu sức gợi: Chuỗi âm thanh “li-la li-la li-la” mở đầu và cuối bài thơ là tiếng đàn biểu tượng cho tài năng, nghệ thuật của Lorca, là tiếng lòng của người nghệ sĩ yêu tự do vang lên trong lời thơ và khúc nhạc. Nếu nói rằng âm thanh ở phần đầu là hữu thanh, thì ở cuối bài thơ đó chính là ảo thanh, là tiếng đàn vang vọng trong kí ức của người đời qua không gian và thời gian. Người đọc không khó khăn để nhận ra những âm sắc đã tràn cả ra ngoài dòng chữ, sự trùng điệp ngữ âm và sự giao thoa ngữ nghĩa ở phần đầu và cuối bài thơ đã trở thành một ám ảnh nghệ thuật. Đó là sự kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh, của tiếng đàn ghita và loài hoa lila, của nghệ thuật và cái đẹp.
Không chỉ ở Đàn ghi-ta của Lorca, không chỉ những bài thơ ở trong tập thơ
Khối vuông Rubic, mà rất nhiều bài thơ khác cũng đều mang âm sắc nhạc tính độc đáo. Chính Thanh Thảo đã buông mình để “từ ngữ gọi từ ngữ, nhịp điệu đẩy
đưa nhịp điệu”, để ngôn từ, hình ảnh trong thơ tự huy động lẫn nhau theo mạch
liên tưởng tự do, thoải máichảy tuôn mà không vướng vào cái khuôn câu chữ, vần điệu. Sự kiểm soát của lí trí dường như đã nhường chỗ hoàn toàn cho mạch cảm xúc tự nhiên và điệu nhạc của tâm hồn.
Tất nhiên, không phải bài thơ nào của Thanh Thảo cũng hay và mới, cũng được người đọc hiểu và cảm. Nhưng đọc thơ ông, chúng ta như được đến với một
lớp học ngoại ngữ, được tiếp xúc với lớp ngôn từ lạ hóa mang màu sắc hiện đại, thể hiện những nỗ lực tự đổi mới rất mạnh mẽ trong thơ của chính tác giả. Ngôn ngữ thơ đã góp phần lên tiếng nói cho một đời sống đang hừng hực tuôn trào, vừa tự nhiên, mộc mạc nhưng vừa đong đầy trí tuệ, và tràn trề sức sống; là thứ ngôn ngữ rất đa âm, đa nghĩa có khi lại gợi nhiều hơn tả, cảm nhiều hơn là hiểu. Chúng ta khó mà phủ nhận vẻ đẹp phân mảnh cũng như vẻ đẹp lạ hóa ngôn từ trong sáng tạo của nhà thơ, có lẽ, trong dòng thời gian mải miết ấy, thơ Thanh Thảo vẫn lặng lẽ “chống lại ngày quên lãng”.