CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU VỀ GIÁ TRỊ HỢP LÝ
1.1. Tổng quan các nghiên cứu về GTHL trên thế giới
1.1.1. Nghiên cứu về tính thích hợp của GTHL
Trong lịch sử phát triển của kế toán có rất nhiều phương pháp đo lường khác nhau như giá gốc, giá hiện hành, GTHL… để mỗi loại giá được chính thức sử dụng trong các chuẩn mực thì các nhà ban hành chuẩn mực thường dựa vào các nghiên cứu về tính thích hợp để xem giá nào là thích hợp hơn trong việc đo lường giá trị doanh nghiệp.
Theo quan điểm của các nhà lập quy “Giá trị kế toán là thích hợp nếu nó có thể giúp người sử dụng báo cáo tài chính đưa ra một quyết định khác hơn” [SFAC số 5],
“Thông tin thích hợp khi nó có thể làm thay đổi quyết định của người sử dụng”
[KMLT - IASB].
Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, một giá trị được xem là giá trị thích hợp nếu nó “ảnh hưởng đáng kể đến giá thị trường của vốn chủ sở hữu” (Amir và cộng sự, 1993), “phản ánh sự hài lòng của nhà đầu tư” (Barth và cộng sự, 2001), “cung cấp các con số dự đoán về giá trị thị trường vốn hoặc sự biến đổi tuyến tính của giá trị thị
3
trường vốn” ((Holthausen và Watts, 2001) hoặc dựa trên các lựa chọn, cảm nhận của người tham gia khảo sát (Koonce và cộng sự, 2011).
Kết quả của các nghiên cứu này cho thấy tính thích hợp của GTHL được khẳng định hoàn toàn trên nhiều phương diện: đầu tiên, GTHL được chứng minh là giá trị thích hợp, điều này càng có ý nghĩa hơn khi giá gốc, giá hiện hành được chứng minh không là giá trị thích hợp và GTHL được chứng minh không là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính. Cụ thể:
(1) GTHL là giá trị thích hợp
Các nghiên cứu về tính thích hợp của GTHL ở các quốc gia đã áp dụng GTHL chủ yếu là nghiên cứu dựa vào thị trường vốn. Câu hỏi nghiên cứu là các biến kế toán được đo lường theo GTHL tác động như thế nào đến nhà đầu tư? GTHL có tốt hơn giá gốc trong việc giải thích phản ứng của nhà đầu tư? Các nghiên cứu chủ yếu sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính dữ liệu chéo, với biến phụ thuộc là giá cổ phiếu, hoặc giá thị trường của vốn cổ phần, hoặc lợi nhuận cổ phần. Biến độc lập là giá sổ sách của vốn cổ phần, GTHL của các khoản mục được nghiên cứu, chênh lệch GTHL trừ giá gốc của các khoản mục được nghiên cứu, thu nhập.... hoặc có thêm các biến kiểm soát như quy mô công ty, đòn bẩy tài chính, chất lượng kiểm toán…. Việc lựa chọn biến phụ thuộc và biến độc lập tùy thuộc vào mục tiêu nghiên cứu và mô hình được sử dụng. Có ba dạng mô hình hồi quy được sử dụng (phụ lục 5), được Holthausen và Watts (2001) gọi tên là: mô hình bảng cân đối (balance sheet model), mô hình thu nhập (earnings model) và mô hình Ohlson (Ohlson model).
Nhìn chung, các nghiên cứu đều kết luận rằng GTHL của tài sản và nợ phải trả là thích hợp. Cụ thể:
GTHL của tài sản phi tài chính là giá trị thích hợp trong các nghiên cứu về: tài sản vô hình (Barth và Clinch (1998)); bất động sản, nhà xưởng, thiết bị (Easton và cộng sự, 1993; Barth và Clinch, 1998; Aboody và cộng sự, 1999); bất động sản đầu tư (Danbolt và Rees, 2008). Anh và Úc là hai quốc gia đầu tiên cho phép đánh giá lại tài sản, vì thế hàng loạt các nghiên cứu cho các khoản mục tài sản là các nghiên cứu thực hiện tại hai quốc gia này. Easton và cộng sự (1993) khi nghiên cứu 72 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp từ năm 1981 đến 1990 đã chứng minh rằng thặng dư đánh giá lại7 tốt hơn
7 Thặng dư đánh giá lại: là chênh lệch đánh giá lại sau khi loại trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.
4
thu nhập (hoặc thay đổi của thu nhập) trong việc giải thích lợi nhuận của cổ phiếu. Hơn nữa các tác giả cũng cho rằng việc đánh giá lại làm cho giá sổ sách của vốn chủ sở hữu bằng với giá thị trường của vốn; thặng dư đánh giá lại làm cho tỉ lệ giá thị trường của vốn cổ phần trên giá sổ sách của vốn cổ phần tiến đến một. Barth và Clinch (1998) thực hiện nghiên cứu đối với tài sản tài chính, bất động sản, nhà xưởng, thiết bị và tài sản vô hình cho 846 doanh nghiệp ở Úc trong giai đoạn 1991 - 1995 đã chứng minh rằng đánh giá lại theo GTHL đối với tài sản tài chính, tài sản cố định và tài sản vô hình là giá trị thích hợp. Cả giá trị đánh giá lại cao hơn giá gốc và thấp hơn giá gốc đều là giá trị thích hợp. Nếu như các nghiên cứu trước chỉ biến phụ thuộc là giá cổ phiếu được quan sát từ thị trường thì nghiên cứu của Barth và Clinch (1998) giá cổ phiếu được ước tính từ thu nhập trong tương lai. Tương tự như vậy, nghiên cứu của Aboody và cộng sự (1999) quan sát 738 doanh nghiệp ở Anh các năm 1983 – 1995 kết luận rằng giá trị đánh giá lại có mối quan hệ thuận với biến phụ thuộc (giá cổ phiếu, lợi nhuận cổ phiếu và kết quả hoạt động tương lai). Mối quan hệ giữa giá cổ phiếu hoặc lợi nhuận cổ phiếu với giá trị đánh giá lại là mối quan hệ yếu đối với doanh nghiệp có tỉ lệ nợ trên vốn cao. Danbolt và Rees (2008) khi quan sát 446 doanh nghiệp bất động sản ở Anh trong giai đoạn 1993 – 2002 cũng đưa ra kết luận “thu nhập theo GTHL thì thích hợp hơn thu nhập theo giá gốc hoặc theo UK GAAP”.
GTHL của công cụ tài chính là giá trị thích hợp trong các nghiên cứu về chứng khoán nợ, chứng khoán vốn, và khoản cho vay của ngân hàng (Barth, 1994; Barth và cộng sự, 1996; Nelson, 1996; Eccher và cộng sự, 1996; Brickner, 2002); các khoản đầu tư của công ty bảo hiểm (Petroni và Wahlen, 1995); công cụ phái sinh (Venkatachalam, 1996). Nghiên cứu về GTHL của công cụ tài chính trong ngân hàng là mảng đề tài có nhiều nghiên cứu nhất. Barth (1994) cho rằng GTHL của chứng khoán đầu tư tốt hơn giá gốc trong việc giải thích giá thị trường của vốn chủ sở hữu. Kết luận này cũng được Nelson (1996) đưa ra khi kiểm tra các ngân hàng với mẫu là 146 cho năm 1992 và 133 mẫu cho năm 1993. Barth và cộng sự (1996) kiểm tra 136 ngân hàng năm 1992-1993 rút ra kết luận rằng GTHL của chứng khoán đầu tư và khoản cho vay có ảnh hưởng đến giá thị trường của cổ phiếu ngân hàng. Venkatachalam (1996) kiểm tra 99 công ty năm 1994 cho rằng công bố GTHL liên quan đến công cụ phái sinh sử dụng cho mục đích quản lý tài sản và nợ phải trả thì là giá trị thích hợp trong việc giải thích giá thị trường Thu nhập: là doanh thu hoặc thu nhập được xác định dựa vào dữ liệu kế toán.
Lợi nhuận cổ phiếu: là chênh lệch giá cổ phiếu tại thời điểm t và giá cổ phiếu tại thời điểm t - n.
5
của vốn của doanh nghiệp. Carroll và cộng sự (2003) khi nghiên cứu chứng khoán đầu tư của các tổ chức không phải ngân hàng trong giai đoạn 1982 – 1997 (143 mẫu mỗi năm) đã tìm thấy kết quả GTHL có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của công ty ớ mức ý nghĩa 99%, giá gốc thì không có ý nghĩa thống kê.
GTHL của khoản nợ phải trả là giá trị thích hợp trong các nghiên cứu về nợ phải trả của khoản tiền gửi của ngân hàng (Nelson, 1996; Barth và cộng sự, 1996), nợ phải trả về tiền hưu trí (Barth, 1991), nợ dài hạn trong lĩnh vực ngân hàng (Barth và cộng sự, 1996; Eccher và cộng sự, 1996). Đặc biệt, Simko (1999) đã kiểm tra về nợ dài hạn trong 260 doanh nghiệp phi tài chính giai đoạn 1992 – 1995 đã cho thấy GTHL của nợ, chủ yếu là nợ dài hạn thì có ý nghĩa thống kê trong việc giải thích giá thị trường của doanh nghiệp.
Khác với nghiên cứu ở các quốc gia đã áp dụng GTHL, nghiên cứu ở các quốc gia trong giai đoạn chưa áp dụng GTHL dữ liệu chủ yếu dựa vào khảo sát hoặc phương pháp thí nghiệm để đo lường quan điểm của nhà đầu tư (Koonce và cộng sự, 2011), kiểm toán viên (Kumarasiri và Fisher, 2011), nhà ban hành chuẩn mực (Bolivar và Galera, 2012) và giám đốc tài chính của doanh nghiệp (Jung và cộng sự, 2013). Kết quả nghiên cứu tiếp tục khẳng định GTHL là thích hợp. Cụ thể:
Koonce và cộng sự (2011) đã thực hiện ba thí nghiệm trên các nhà đầu tư là các học viên MBA để xem xét GTHL hay giá gốc là thích hợp hơn trong các tình huống đối nghịch của công cụ tài chính: tài sản hay nợ phải trả, GTHL tạo ra lãi hay lỗ, ý định của nhà đầu tư là bán sớm hay giữ đến hạn. Kết quả chỉ ra rằng GTHL là thích hợp hơn giá gốc. Tính thích hợp của GTHL thì cao hơn ở tài sản so với nợ phải trả, cao hơn ở ý định bán sớm so với giữ đến hạn, không có sự khác nhau trong trường hợp lãi hay lỗ.
Chung quy lại, kết quả cho thấy GTHL thì thích hợp hơn giá gốc. Khác với những nghiên cứu trước đây, Koonce và cộng sự (2011) không nghiên cứu phản ứng của nhà đầu tư thông qua thị trường chứng khoán mà nghiên cứu trực tiếp phản ứng của nhà đầu tư với các tình huống được đưa ra. Họ cho rằng: “phương pháp thí nghiệm cho phép đo lường trực tiếp ý kiến của nhà đầu tư về tính thích hợp của GTHL và các dự báo của họ... Những đo lường này là quan trọng, chúng cho phép kiểm tra trực tiếp ý định của nhà đầu tư hơn là việc sử dụng giá chứng khoán để xét đoán ý định của nhà đầu tư”.
6
Nghiên cứu của Kumarasiri và Fisher (2011) ở Sri Lanka với dữ liệu có được qua khảo sát 156 kiểm toán viên hành nghề cho thấy rằng GTHL giúp cung cấp thông tin hữu ích cho việc ra quyết định hơn giá gốc. Mặc dù họ nhận thấy có những nhân tố ảnh hưởng đến tính đáng tin cậy của đo lường GTHL ở các quốc gia đang phát triển như thiếu thị trường hoạt động, thiếu hiểu biết về kỹ thuật, sự phức tạp của việc xác định GTHL
…nhưng những điều này thì không làm giảm tính thích hợp của GTHL.
Bolivar và Galera (2012) nghiên cứu quan điểm của cơ quan ban hành chuẩn mực ở 29 quốc gia về tính thích hợp, đáng tin cậy, khả năng so sánh và khả năng kiểm chứng khi áp dụng GTHL cho kế toán khu vực công. Kết quả chỉ ra rằng “khi áp dụng GTHL cho khu vực công thì người đọc sẽ dễ hiểu và dễ tiếp cận hơn so với giá gốc”, bởi vì GTHL là “thích hợp, có khả năng so sánh và khả năng kiểm chứng”.
Nghiên cứu của Jung và cộng sự (2013) trên mẫu là 209 giám đốc tài chính ở Mỹ kết luận rằng các doanh nghiệp có tỉ lệ tài sản phi tài chính cao sẽ lựa chọn đo lường theo GTHL để cung cấp thông tin thích hợp cho người sử dụng báo cáo tài chính.
Như vậy GTHL đã được chứng minh là giá trị thích hợp trên tất cả các đối tượng nghiên cứu, các khoản mục nghiên cứu qua nhiều phương pháp thu thập dữ liệu khác nhau.
(2) Giá hiện hành, giá gốc không là giá trị thích hợp.
Các nghiên cứu đã chứng minh GTHL là thích hợp. Vậy các giá khác – ví dụ giá hiện hành, giá gốc – có là giá trị thích hợp không? Luận án tiếp tục mở rộng tìm hiểu vấn đề này, vì nếu tất cả đều là giá trị thích hợp thì việc nghiên cứu GTHL là điều không cần thiết. Đồng thời mở rộng quan sát các giá khác cũng cho thấy rằng sự xuất hiện GTHL là một tất yếu, vì đã giải quyết được các nhược điểm của các loại giá khác.
Các nghiên cứu về mô hình giá gốc khẳng định rằng: Thu nhập kế toán8 do sử dụng mô hình giá gốc thì không ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, lợi nhuận cổ phiếu (Lev, 1989;
Kothari và Sloan, 1992; Easton và cộng sự, 1992; Collins và cộng sự, 1994). Mô hình giá gốc không cho phép ghi nhận lợi nhuận chưa thực hiện, vì vậy khi sử dụng thu nhập theo giá gốc để dự báo lợi nhuận của cổ phiếu thì cho mối tương quan yếu. Mối tương quan mạnh hơn khi quan sát trong khoảng thời gian dài. Điều này được các tác giả cho rằng mô hình giá gốc phản ánh thu nhập không đúng kỳ (Lev, 1989), kế toán
8 Thu nhập kế toán là doanh thu hoặc thu nhập được xác định dựa vào dữ liệu của kế toán.
7
giá gốc thì không phản ánh dòng tiền mong đợi trong tương lai vào thu nhập đúng thời điểm (Kothari và Sloan, 1992). Các nghiên cứu này chủ yếu sử dụng mô hình thu nhập để kiểm tra mối quan hệ giữa thu nhập kế toán theo mô hình giá gốc và lợi nhuận của cổ phiếu (Lev, 1989; Easton và cộng sự, 1992; Collins và cộng sự, 1994). Kết quả cho thấy hệ số hồi quy thấp hơn mong đợi, khả năng giải thích của mô hình thấp, ví dụ theo Lev (1989) khả năng giải thích từ 2% đến 5% khi sử dụng khoảng thời gian ngắn hạn xoay quanh thông báo về thu nhập, từ 4% đến 10% khi sử dụng thời gian đến 2 năm, và tăng đến 35% khi thời gian là 2 đến 5 năm. Easton và cộng sự (1992) kiểm tra trong khoảng thời gian là 10 năm thì khả năng giải thích của mô hình là 63%. Lý do được các tác giả đưa ra để giải thích là mô hình giá gốc không phản ánh thu nhập đúng thời điểm. Thật vậy, khi Kothari và Sloan (1992) sử dụng biến phụ thuộc là lợi nhuận trễ (3 năm sau ngày công bố báo cáo tài chính) thì kết quả như mong đợi. Có nghĩa là thu nhập theo giá gốc được nhà đầu tư nhận ra và phản ứng vào giá cổ phiếu 3 năm sau ngày công bố thông tin. Collins và cộng sự (1994) kiểm tra riêng lẻ và kết hợp cho ngành công nghiệp và ngành phục vụ kết quả khả năng giải thích cũng ở mức thấp (1%
đến 16%). Khi mô hình được mở rộng ngoài biến thu nhập theo giá gốc, còn đưa thêm biến dự báo thu nhập và mức tăng trưởng của đầu tư thì khả năng giải thích của mô hình cao hơn (44,9%). Các tác giả muốn chứng minh rằng thu nhập theo giá gốc có khả năng giải thích yếu trong mối quan hệ giữa lợi nhuận cổ phiếu và thu nhập kế toán.
Ngoài ra, tác giả sử dụng cả ba cách xử lý mô hình: hồi quy dữ liệu chéo (cross section), dữ liệu gộp (pooled regressions) và dữ liệu chuỗi thời gian (time series) thì kết quả vẫn là mối tương quan yếu.
Các nghiên cứu về giá hiện hành cũng đưa ra kết luận rằng: giá hiện hành không tốt hơn giá gốc trong việc giải thích lợi nhuận cổ phiếu (Easman và cộng sự, 1979; Beaver và cộng sự, 1982; và Bernard và Ruland, 1987). Giá hiện hành được công bố theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán quốc tế số 6 và số 15 (IAS 6 – Kế toán sự thay đổi giá cả, IAS 15 – Thông tin về sự thay đổi giá cả) - được áp dụng chỉ trong giai đoạn từ năm 1977 đến năm 2003. Các nghiên cứu về giá hiện hành sử dụng mô hình thu nhập để kiểm tra mối quan hệ giữa lợi nhuận cổ phiếu và thu nhập kế toán đo lường theo các cách khác nhau (thu nhập theo giá hiện hành và thu nhập theo giá gốc). Easman và cộng sự (1979), Beaver và cộng sự (1982) đưa ra kết luận trên thông qua nghiên cứu dữ liệu chuỗi thời gian của 80 doanh nghiệp trong 6 năm. Beaver và cộng sự (1982),
8
Bernard và Ruland (1986) khi kiểm tra bằng dữ liệu chéo thì giá hiện hành có khả năng giải thích lợi nhuận cổ phiếu, tuy nhiên mối quan hệ thì rất yếu, gần bằng 0 (hệ số hồi quy bằng 0,38). Bernard và Ruland (1987) lại một lần nữa kiểm tra bằng mô hình hồi quy tuyến tính với dữ liệu chuỗi thời gian và dữ liệu chéo với mẫu lớn hơn các nghiên cứu trước và nghiên cứu cho từng ngành, cụ thể, mẫu là 113 công ty của 27 ngành trong thời gian 1962 đến 1980, kết quả cũng giống như các nghiên cứu trước đây: giá hiện hành có khả năng giải thích lợi nhuận cổ phần, tuy nhiên mối quan hệ rất yếu (hệ số hồi quy bằng 0,27). Beaver và cộng sự (1982) đã cố gắng cải tiến khả năng giải thích của mô hình. Các tác giả cho rằng doanh thu thường được tính toán theo lạm phát, còn chi phí (ví dụ chi phí khấu hao) được ghi nhận theo giá gốc nên không phản ánh lạm phát, kết quả là lợi nhuận kế toán luôn tăng theo sự gia tăng của lạm phát. Vì vậy trong mô hình nghiên cứu của mình nhóm tác giả đã tìm cách cải tiến khả năng giải thích của mô hình bằng cách điều chỉnh ảnh hưởng của lạm phát đến biến lợi nhuận. Mặc dù vậy, trong phần kết luận tác giả vẫn cho rằng giá gốc và giá hiện hành có ảnh hưởng đến lợi nhuận cổ phiếu nhưng ở mức thấp (khoảng 7%).
Beaver và cộng sự (1982) cho rằng: “giá hiện hành chỉ đơn thuần là một phiên bản bị cắt xén của giá gốc”.
Như vậy, có thể thấy rằng các nghiên cứu trong giai đoạn trước khi áp dụng GTHL đều chứng minh rằng giá gốc và giá hiện hành không phải là giá trị thích hợp, thông qua bằng chứng là mối quan hệ rất yếu giữa lợi nhuận cổ phiếu và thu nhập kế toán theo giá gốc và giá hiện hành. Ngược lại, đối với GTHL, tính thích hợp của tài sản và nợ phải trả đã được chứng minh trong rất nhiều nghiên cứu, bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
(3) GTHL không là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính
Các nghiên cứu đã chứng minh GTHL là thích hợp hơn giá gốc và giá hiện hành. Đến năm 2006 GTHL được chính thức ban hành lần đầu tiên tại Hoa Kỳ trong chuẩn mực FAS 157 – đo lường GTHL. Tuy nhiên đến năm 2007 cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra và các nhà phê bình đổ lỗi cho GTHL khi cho rằng GTHL “đã góp phần gây nên khủng hoảng tài chính và khoét sâu thêm tác hại của cuộc khủng hoảng đối với các tổ chức tài chính ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới” (Laux và Leuz, 2009), tạo nên một sự e ngại khi sử dụng GTHL - thích hợp nhưng lại gây ra khủng hoảng tài chính. Vì vậy cần thiết phải làm rõ GTHL có phải là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hay không?