Nghiên cứu về tính đáng tin cậy của GTHL

Một phần của tài liệu định hướng về việc áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán việt nam (Trang 34 - 38)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU VỀ GIÁ TRỊ HỢP LÝ

1.1. Tổng quan các nghiên cứu về GTHL trên thế giới

1.1.2. Nghiên cứu về tính đáng tin cậy của GTHL

Theo SFAC số 2 “thông tin kế toán cần phải đáng tin cậy để người sử dụng có thể dựa vào đó để xem xét các điều kiện kinh tế hoặc các sự kiện mà nó trình bày”.

Tính đáng tin cậy là một nhược điểm mà GTHL bị phê phán so với giá gốc. Tuy nhiên thông qua kết quả của đa số các nghiên cứu có thể rút ra kết luận rằng GTHL là đáng tin cậy ở các cấp độ ước tính. Thông qua các phương pháp nghiên cứu 9có thể rút ra 3 lý do cho thấy GTHL là đáng tin cậy, thậm chí là đáng tin cậy hơn giá gốc: (1) GTHL là một đo lường đúng đắn, (2) GTHL không bị chi phối bởi nhà quản lý, (3) GTHL đáng tin cậy hơn giá gốc vì GTHL hạn chế hành vi chi phối thu nhập của nhà quản lý.

Cụ thể là:

(1) GTHL là đáng tin cậy ở các cấp độ ước tính

Các nghiên cứu với dữ liệu thu thập dựa vào thị trường vốn đã đưa ra kết luận rằng:

 Các ước tính GTHL dựa vào thị trường thì “hoàn toàn đáng tin cậy” (Barth và Clinch, 1998; Dietrich và cộng sự, 2001; Danbolt và Rees, 2008).

 Các ước tính không dựa vào thị trường – mà dựa vào các mô hình định giá – thì kém tin cậy hơn các ước tính dựa vào thị trường (Barth và Clinch, 1998;

Dietrich và cộng sự, 2001; Danbolt và Rees, 2008). Mặc dù vậy, tính đáng tin cậy vẫn ở mức độ cao nếu được “kiểm toán bởi các công ty kiểm toán danh tiếng hoặc được định giá bởi các công ty định giá bên ngoài doanh nghiệp”

(Barth và Clinch, 1998, Dietrich và cộng sự, 2001). Hoặc có thể làm tăng tính đáng tin cậy nếu “tăng cường trách nhiệm của kiểm toán viên và công bố thêm các thông tin trên báo cáo kiểm toán” (Bell và Griffin, 2012).

Các kết luận này được rút ra trong các nghiên cứu về tính đáng tin cậy kết hợp với nghiên cứu giá trị thích hợp (Barth, 1994; Barth và Clinch, 1998; Carroll và cộng sự, 2003; Danbolt và Rees, 2008). Các tác giả kiểm tra tính đáng tin cậy thông qua kiểm tra hệ số hồi quy và dấu dự báo, nếu một khoản mục được đo lường theo GTHL có khả năng giải thích giá thị trường của vốn cổ phần thì GTHL được đo lường đáng tin cậy.

9 Các nghiên cứu thường kiểm tra tính đáng tin cậy theo một trong ba cách sau: (i) kết hợp với kiểm tra giá trị thích hợp bằng cách kiểm tra hệ số hồi quy và dấu theo dự báo (Barth (1994), Barth và Clinch (1998) Carroll và cộng sự (2003), Danbolt và Rees (2008), Song và cộng sự (2010), hoặc (ii) kiểm tra tính đáng tin cậy bằng cách kiểm tra giá trị đã được công bố trong báo cáo tài chính với số tiền ước tính khác của nhà nghiên cứu (Dietrich và cộng sự (2001)), hoặc (iii) kiểm tra tính đáng tin cậy thông qua kiểm tra khả năng chi phối của nhà quản lý (Dietrich và cộng sự (2001), Danbolt và Rees (2008)).

11

Barth (1994) cho rằng nếu ước tính GTHL có sai sót thì sẽ làm ảnh hưởng đến tính thích hợp của mô hình. Carroll và cộng sự (2003) cho rằng nếu ước tính GTHL không đáng tin cậy thì GTHL không thể là giá trị thích hợp cho nhà đầu tư, mà GTHL được chứng minh là giá trị thích hợp nên suy ra GTHL là đáng tin cậy. Thật vậy, kết quả nghiên cứu của Barth và Clinch (1998) khi kiểm tra 350 công ty đại chúng tại Úc giai đoạn 1991 – 1995 để xem xét mối quan hệ giữa các biến kế toán bao gồm giá trị đánh giá lại theo GTHL - của các khoản đầu tư, tài sản vô hình và bất động sản, nhà xưởng, thiết bị - và biến phụ thuộc giá cổ phiếu được xác định dựa vào thị trường hay giá cổ phiếu được ước tính dựa vào dự báo thu nhập tương lai đều cho thấy các giá trị đánh giá lại đều có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, cho thấy tính đáng tin cậy của ước tính GTHL.

Tương tự như vậy, nghiên cứu của Bolivar và Galera (2012) khảo sát quan điểm của cơ quan ban hành chuẩn mực ở 29 quốc gia cũng khẳng định tính đáng tin cậy của các tài sản tài chính thì cao hơn tính đáng tin cậy của tài sản phi tài chính. Tuy nhiên tính đáng tin cậy cũng được đánh giá ở mức cao (bằng 4 đối với tài sản tài chính và 3,85 đối với tài sản phi tài chính trong thang đo Likert 5 mức độ, với mức độ 5 là rất đáng tin cậy).

Tính đáng tin cậy là một vấn đề mà các tác giả lo lắng nhất. Tuy nhiên kết quả chỉ ra rằng các cơ quan ban hành chuẩn mực không e ngại tính đáng tin cậy kể cả trong trường hợp không có thị trường tham chiếu. Khi đó sẽ tốn kém chi phí cho việc định giá và các nhà ban hành chuẩn mực cho rằng họ chấp nhận được chi phí này. Hơn nữa, các tác giả cũng chỉ ra rằng tính đáng tin cậy có thể được “gia cố” bằng cách sử dụng các phương pháp định giá phù hợp, thuê các chuyên gia định giá độc lập và công bố thêm các thông tin trong thuyết minh báo cáo tài chính.

Ngoài ra các nghiên cứu cụ thể về các cấp bậc đo lường GTHL (cấp độ 1, cấp độ 2 và cấp độ 3) cũng kết luận rằng cả ba cấp độ đo lường GTHL là đáng tin cậy ở các mức độ khác nhau (Song và cộng sự, 2010; Color – Proell và cộng sự, 2010). Nghiên cứu của Song và cộng sự (2010) kiểm tra tính đáng tin cậy của các cấp bậc đo lường GTHL (cấp độ 1, cấp độ 2, và cấp độ 3) bằng mô hình Ohlson, với biến phụ thuộc là giá thị trường của vốn cổ phần, biến độc lập là các giá trị các khoản mục không được đo lường theo GTHL, và các khoản mục được đo lường theo GTHL theo các cấp bậc riêng lẻ. Kết quả chỉ ra rằng ước tính cấp độ 1 và 2 là đáng tin cậy nhất (hệ số hồi quy gần bằng 1), ước tính cấp độ 3 thì kém tin cậy hơn ước tính cấp độ 1 và 2 nhưng vẫn

12

đáng tin cậy (hệ số hồi quy bằng 0,68). Nghiên cứu của Color – Proell và cộng sự (2010) đã nghiên cứu tính đáng tin cậy của GTHL ước tính cấp độ 1 và ước tính cấp độ 3 trên 59 học viên MBA – đại diện cho nhà đầu tư - với phương pháp thí nghiệm. Kết quả đã chứng minh rằng các nhà đầu tư đánh giá ước tính GTHL cấp độ 1 đáng tin cậy hơn ước tính GTHL cấp độ 3 (p=0,05), tuy nhiên sự khác biệt là không đáng kể 9.0 điểm cho ước tính cấp độ 1 và 7,65 điểm cho ước tính cấp độ 3 (trên thang đo 15 mức độ).

(2) GTHL là một ước tính đúng đắn

Phương pháp thứ hai để kiểm tra tính đáng tin cậy là kiểm tra giá trị đã được công bố trong báo cáo tài chính với số liệu ước tính khác của nhà nghiên cứu (Dietrich và cộng sự, 2001). Các tác giả kiểm tra tính “đúng đắn” bằng cách so sánh giá trị của bất động sản trình bày trên báo cáo (theo GTHL và giá gốc) và giá bán thực tế khi bất động sản được bán. Kiểm tra 355 mẫu trong giai đoạn 1988 -1996 tại UK, kết quả cho thấy

“GTHL là một ước tính của giá bán đúng đắn hơn giá gốc” (độ lệch chuẩn của GTHL là 3%, của giá gốc là 36%). Hơn nữa, các tác giả cũng cho rằng GTHL của bất động sản đầu tư cũng dễ dàng được ước tính thông qua chỉ số IDP 10(chỉ số tăng trưởng dữ liệu bất động sản), vì vậy khi so sánh GTHL đã công bố trên BCTC và GTHL ước tính lại của bất động sản đầu tư cho thấy ước tính GTHL là đáng tin cậy.

(3) GTHL không bị chi phối bởi nhà quản lý

Phương pháp thứ ba để kiểm tra tính đáng tin cậy là kiểm tra khả năng chi phối của nhà quản lý (Dietrich và cộng sự, 2001; Danbolt và Rees, 2008). Dietrich và cộng sự (2001) cho rằng: “Nếu có sự chi phối của nhà quản lý thì các ước tính sẽ kém tin cậy”.

Ngoài ra, Dietrich và cộng sự (2002) cho rằng nhà quản lý có thể chi phối ước tính GTHL để làm thay đổi giá trị tài sản thuần, và các nhân tố chi phối ước tính GTHL là:

thay đổi tài sản thuần âm, tăng nợ và áp lực chia cổ tức. Tuy nhiên, mức ý nghĩa của mô hình rất thấp (6%). Danbolt và Rees (2008) xem xét tính đáng tin cậy thông qua quan sát sự thiên vị của ước tính cho cả trường hợp giá gốc và GTHL của hai ngành bất động sản và các khoản đầu tư ở Anh với mô hình hồi quy dữ liệu chéo biến phụ thuộc là thu nhập kế toán, biến độc lập là thay đổi giá cổ phiếu và biến nhị phân (bằng 1 nếu

10 IPD (Investment Property Databank: chỉ số tăng trưởng vốn dữ liệu bất động sản bao gồm: chỉ số tăng trưởng thu nhập cho thuê, chỉ số lợi nhuận thu nhập cho thuê và chỉ số tăng trưởng vốn.

13

giá cổ phiếu giảm). Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng khi đo lường theo GTHL thì sự thiên vị là thấp nhất (hệ số δ3 gần bằng 0) cho cả hai ngành. Vì vậy, Danbolt và Rees (2008) cho rằng GTHL có độ tin cậy cao hơn giá gốc và khoản mục đầu tư thì có độ tin cậy cao hơn khoản mục bất động sản đầu tư.

(4) GTHL làm giảm thiểu các hành vi chi phối thu nhập của nhà quản lý

Các nghiên cứu còn chứng minh rằng đo lường theo GTHL là đáng tin cậy hơn đo lường theo giá gốc bởi vì GTHL làm giảm thiểu các hành vi chi phối thu nhập của nhà quản lý.

Hành vi chi phối thu nhập là thủ thuật của nhà quản lý nhằm thay đổi thu nhập để đạt được mục tiêu của mình. Các nhà quản lý sẽ thực hiện các hành vi chi phối thu nhập - nếu có cơ hội - để được hưởng những khoản thưởng tương xứng. Các hành vi chi phối thu nhập được thực hiện thông qua lựa chọn lựa chọn các tài sản để bán, lựa chọn thời điểm bán tài sản, khai khống giá tài sản hoặc chứng khoán hóa các tài sản. Các nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của GTHL là làm giảm thiểu, thậm chí có thể ngăn chặn hành vi chi phối thu nhập.

Bartov (1993) cung cấp bằng chứng thực nghiệm rằng các nhà quản lý chi phối thu nhập báo cáo thông qua tính toán thời gian bán tài sản dài hạn và các khoản đầu tư được ghi nhận tại giá gốc. Black và cộng sự (1998) cho rằng chi phối thu nhập chỉ xảy ra khi giá gốc được sử dụng.

Dietrich và cộng sự (2001) cho rằng “các nhà quản lý thường lựa chọn phương pháp kế toán được cho phép để có kết quả kinh doanh cao hơn. Hơn nữa nhà quản lý có thể lựa chọn các tài sản để bán, lựa chọn thời điểm bán để đạt được mục đích thu nhập”. Trong nghiên cứu của mình, các tác giả đã chứng minh “độ lệch chuẩn của lãi lỗ theo GTHL chỉ bằng 1/12 độ lệch chuẩn của lãi lỗ theo giá gốc, vì vậy nếu các khoản này được trình bày theo giá gốc khi bán có lãi doanh nghiệp sẽ ghi nhận một khoản lãi cao hơn gấp 12 lần khi chúng được trình bày theo GTHL. Kết quả nghiên cứu của Dietrich và cộng sự (2001), Danbolt và Rees (2008) cho thấy khi sử dụng GTHL để đo lường thì nhà quản lý không thực hiện hành vi chi phối thu nhập.

Barlev và Haddad (2003) với các phân tích bằng lập luận cho rằng áp dụng GTHL thì các công ty khó thực hiện hành vi chi phối thu nhập.

14

Barth và Taylor (2010) cho rằng “Nhà quản lý sẽ thực hiện chứng khoán hóa các tài sản nếu các tài sản này không được ghi nhận theo GTHL”. Điều này có nghĩa là thay vì nắm giữ một tài sản được ghi nhận theo giá gốc thì nhà quản lý sẽ chuyển các tài sản này dưới dạng chứng khoán để được ghi nhận theo GTHL. Vì vậy nếu các tài sản hoặc nợ phải trả này được ghi nhận theo GTHL thì nhà quản lý sẽ không cần thực hiện hành vi chứng khoán hóa.

Tóm lại, mặc dù có những lo ngại về tính đáng tin cậy của GTHL, nhưng các nghiên cứu cho thấy tính đáng tin cậy của GTHL đã được khẳng định bằng nhiều cách khác nhau, bất chấp GTHL được tham chiếu từ thị trường hay là một ước tính chủ quan của nhà quản lý. Bên cạnh đó, nếu GTHL được áp dụng để trình bày các tài sản, nợ phải trả thì nhà quản lý sẽ không có động cơ và cơ hội để thực hiện các hành vi chi phối thu nhập thông qua các hoạt động kinh tế.

Một phần của tài liệu định hướng về việc áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán việt nam (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(358 trang)