Quá trình hội nhập kinh tế thế giới đang diễn ra ở VN thông qua việc gia nhập các diễn đàn kinh tế thế giới trong thời gian vừa qua đã tạo ra một sức ép phải hội nhập quốc tế
137
về kế toán. Cần làm giảm sự khác biệt giữa BCTC của VN và các quốc gia khác.
GTHL được nhận diện là một nguyên nhân gây ra sự khác biệt trong quy định kế toán của các quốc gia (Cairns và cộng sự, 2011). Trong khi đa số các quốc gia trên thế giới áp dụng GTHL trong đo lường sau ban đầu thì VN vẫn chưa áp dụng. Vậy GTHL có đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế về kế toán tại VN không?
GTHL có cần thiết và có đủ điều kiện để áp dụng tại VN không? Luận án này thực hiện hai nghiên cứu để trả lời các câu hỏi trên, và kết quả tìm thấy được đã có một số đóng góp nhất định về mặt lý thuyết và thực tiễn. Cụ thể:
5.3.1 Đóng góp của luận án liên quan đến các lý thuyết nền
Luận án đóng góp các bằng chứng về việc áp dụng các lý thuyết liên quan đến lập quy trong quá trình ban hành các chính sách ở VN và đóng góp bằng chứng về việc áp dụng lý thuyết liên quan đến hành vi lựa chọn của nhà quản lý ở VN.
(1) Đối với các lý thuyết về lập quy
Về mặt lý thuyết, luận án đã cho thấy lý thuyết phù hợp để giải thích cho việc ban hành các quy định kế toán trong thời gian vừa qua là dựa trên lý thuyết lợi ích tư về lập quy (Private Interest Theories of Regulation). Theo lý thuyết này, các quy định có thể không được ban hành vì nhà lập quy không có đầy đủ thông tin về nhu cầu của tất cả các thành phần kinh tế mà chỉ dựa vào nhu cầu của thành phần kinh tế nào đó. Thật vậy, vụ phó vụ chế độ kế toán và kiểm toán33 đã cho rằng việc xây dựng chính sách trong thời gian vừa qua bị chi phối bởi doanh nghiệp nhà nước, lấy doanh nghiệp nhà nước làm trung tâm. Điều này cũng đúng với bối cảnh của VN, trong giai đoạn ban hành chuẩn mực kế toán VN 2001 - 2005, nền kinh tế VN phụ thuộc vào doanh nghiệp nhà nước, với số lượng doanh nghiệp nhà nước nhiều và tỉ trọng đóng góp vào GDP cao và ổn định. Kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy GTHL cho đo lường sau ban đầu không được ban hành trong các quy định của kế toán Việt Nam và kết quả của quá trình khảo sát quan điểm của các doanh nghiệp đã cho thấy các công ty cổ phần niêm yết có gốc từ doanh nghiệp nhà nước không ủng hộ áp dụng GTHL. Từ đó cho thấy lý thuyết lợi ích tư là cơ sở để giải thích cho việc ban hành chính sách kế toán tại VN trong thời gian vừa qua. Ở khía cạnh khác, lý thuyết lập quy cho rằng một quy định có thể không được ban hành vì các nhà lập quy cho rằng chưa sẵn sàng để áp dụng quy
33 Trịnh Đức Vinh – Vụ phó vụ chế độ kế toán và kiểm toán phát biểu tại hội thảo “IFRS – Định hướng và lộ trình áp dụng tại Việt Nam” ngày 21/12/2016 tại Tp.HCM
138
định đó. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng VN chưa có các thông tin trên thị trường để đo lường GTHL, nhân sự định giá ở mức trung bình, và các phương pháp đo lường GTHL được xem là phức tạp. Có lẽ đó cũng chính là nguyên nhân mà GTHL chưa được các cơ quan lập quy ban hành trong thời gian vừa qua.
Về mặt thực tiễn, luận án cung cấp cơ sở cho việc ban hành chính sách dựa trên lý thuyết lợi ích chung về lập quy (Public Interest Theories of Regulation). Thông qua nghiên cứu cụ thể về việc áp dụng GTHL, luận án cho thấy rằng quá trình ban hành chính sách, cụ thể là việc áp dụng GTHL, cần phải tính toán lợi ích của các đối tượng khác nhau, cần thay đổi quan điểm chỉ dựa vào doanh nghiệp nhà nước. Kết quả nghiên cứu của luận án đã cho thấy ý kiến của đại diện phần lớn các thành phần kinh tế trong xã hội, đó là công ty niêm yết, công ty cổ phần không niêm yết, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều ủng hộ áp dụng GTHL. Đây là một đóng góp cho thấy bức tranh về sự ủng hộ của các thành phần trong xã hội để từ đó cho thấy rằng việc ban hành các quy định về GTHL ở VN có thể dựa trên lý thuyết lợi ích chung về lập quy.
(2). Đối với các lý thuyết về hành vi lựa chọn của nhà quản lý
Đối với các lý thuyết liên quan đến hành vi lựa chọn của nhà quản lý như lý thuyết ủy nhiệm, lý thuyết tín hiệu, lý thuyết các bên liên quan thì luận án đã cung cấp bằng chứng cho thấy lý thuyết tín hiệu là cơ sở để giải thích cho hành vi lựa chọn áp dụng GTHL ở VN. Kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy tính thích hợp và đáng tin cậy có tác động thuận đến việc lựa chọn áp dụng GTHL. Có nghĩa là lý do mà nhà quản lý lựa chọn áp dụng GTHL vì GTHL giúp cung cấp thông tin hữu ích cho nhà đầu tư (thích hợp và đáng tin cậy) để cung cấp các tín hiệu cho nhà đầu tư. Lý thuyết ủy nhiệm và lý thuyết các bên liên quan không giúp giải thích hành vi lựa chọn của nhà quản lý có thể là vì hợp đồng giữa bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm ở VN là hiệu quả, nên lợi ích của nhà quản lý nhất quán với lợi ích của bên ủy nhiệm và các bên khác.
Về mặt thực tiễn, luận án cung cấp cơ sở lý thuyết cho việc áp dụng GTHL ở VN, đó là dựa trên lý thuyết tín hiệu, áp dụng GTHL để cung cấp thông tin hữu ích cho nhà đầu tư.
139
5.3.2 Đóng góp liên quan đến sự cần thiết và khả năng áp dụng GTHL.
Về mặt lý thuyết, luận án cung cấp bằng chứng thực nghiệm về khoảng cách giữa các quy định của VN và chuẩn mực kế toán quốc tế do không áp dụng GTHL. Các nghiên cứu trước đây của Phạm (2012), Nguyen va Goong (2014) đã cho thấy mức độ hòa hợp giữa chuẩn mực kế toán VN và chuẩn mực kế toán quốc tế còn thấp. Nghiên cứu của luận án đã xác định được khoảng cách giữa quy định của VN và chuẩn mực kế toán quốc tế chủ yếu là do ảnh hưởng của GTHL, và mức độ tác động của GTHL đến sự hòa hợp này là 34%. Từ đó cho thấy vai trò quan trọng của GTHL để rút ngắn khoảng cách giữa quy định của VN và quốc tế.
Ngoài ra, về mặt lý thuyết, luận án cũng đóng góp bằng chứng thực nghiệm về tính thích hợp của GTHL ở VN. Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng GTHL là thích hợp khi đo lường BĐSĐT (Danbolt và Rees, 2008), TSTC (Barth, 1994; Barth và cộng sự, 1996; Carroll và cộng sự, 2003; Koonce và cộng sự, 2011), TSVH (Barth và Clinch, 1998), TSCĐHH (Easton và cộng sự, 1993; Barth và Clinch, 1998; Aboody và cộng sự, 1999), nợ phải trả (Nelson, 1996; Barth và cộng sự, 1996; Simko, 1999). Tuy nhiên, tính thích hợp chưa được chứng minh ở quốc gia đang phát triển như VN. Vì vậy kết quả nghiên cứu của luận án đã đóng góp cho lý thuyết rằng áp dụng GTHL cho BĐSĐT, TSCĐHH, TSVH và TSTC ở VN giúp cung cấp thông tin thích hợp. Không có sự khác biệt trong mức độ thích hợp giữa các khoản mục BĐSĐT, TSCĐHH, TSVH và TSTC. Cảm nhận về tính thích hợp giữa nhà đầu tư và nhà quản lý doanh nghiệp cũng không có sự khác nhau.
Bên cạnh đó, luận án cũng đã cung cấp bằng chứng thực nghiệm để đóng góp cho lý thuyết về tính đáng tin cậy của đo lường GTHL ở các quốc gia đang phát triển như VN.
Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng GTHL là đáng tin cậy ở tất cả các cấp độ ước tính (Song và cộng sự, 2010; Color – Proell và cộng sự, 2010), GTHL là đáng tin cậy khi đo lường các khoản đầu tư, TSVH, TSCĐHH (Barth và Clinch, 1998;
Dietrich và cộng sự, 2001; Danbolt và Rees, 2008); của TSTC và tài sản phi tài chính (Bolivar và Galera, 2012). Kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy rằng GTHL của BĐSĐT, TSCĐHH, TSVH và TSTC được đo lường đáng tin cậy. Tính đáng tin cậy có sự khác biệt giữa tài sản có thị trường để đo lường (TSTC và BĐSĐT) với tài sản không có thị trường để đo lường (TSVH và TSCĐHH).
140
Qua tính thích hợp và đáng tin cậy của GTHL ở VN, một lần nữa đóng góp về mặt lý thuyết rằng GTHL là cơ sở đo lường thỏa mãn lý thuyết thông tin thông tin hữu ích được chứng minh ở quốc gia đang phát triển.
Về mặt thực tiễn, luận án cung cấp các cơ sở cho việc áp dụng GTHL tại VN hiện nay.
Đó là, (1) GTHL ở VN giúp cung cấp thông tin thích hợp. GTHL giúp trình bày các thông tin theo giá trị ở thời điểm hiện tại, cho phép ghi nhận sự thay đổi của giá cả và lãi lỗ được trình bày theo quan điểm bảo toàn vốn vật chất. Các nghiên cứu trước đây cũng đã đề cập đến những nhân tố này. Nghiên cứu của luận án cũng đã chứng minh những nhân tố này có tác động thuận đến tính thích hợp của GTHL ở VN. (2) GTHL ở VN được đo lường đáng tin cậy. Mặc dù VN có những bất lợi trong thực tế để áp dụng GTHL như không có thị trường để đo lường GTHL, phương pháp đo lường GTHL thì phức tạp, VN có nhân sự định giá ở mức độ trung bình, tuy nhiên tất cả những bất lợi này không ảnh hưởng đến việc đo lường đáng tin cậy của GTHL. Kết quả nghiên cứu của luận án chỉ ra rằng doanh nghiệp sẽ không chi phối ước tính GTHL vì không có động cơ, vì e ngại phải ứng của nhà đầu tư và các rào cản như việc kiểm toán hoặc công bố thông tin. Ngoài ra, luận án đã cung cấp các bằng chứng thực nghiệm về các nhân tố ảnh hưởng đến tính đáng tin cậy của GTHL, đó là: đối với nhà quản lý tính đáng tin cậy phụ thuộc vào phương pháp đo lường, đối với nhà đầu tư, tính đáng tin cậy phụ thuộc vào nhân sự định giá và các rào cản như việc kiểm toán hoặc công bố thông tin.Từ đó luận án đã có những đóng góp để có thể áp dụng GTHL vào VN, chẳng hạn như việc công bố giá định kỳ, việc đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp các tài liệu hướng dẫn, xây dựng các trung tâm định giá để hỗ trợ doanh nghiệp, đưa ra các yêu cầu công bố, kiểm toán hay đưa ra lộ trình áp dụng GTHL một cách thích hợp.
5.3.3 Đóng góp liên quan đến các nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn áp dụng GTHL
Về mặt lý thuyết, luận án đã cung cấp bằng chứng thực nghiệm về các nhân tố có ảnh hưởng và không ảnh hưởng đến việc lựa chọn áp dụng GTHL ở VN, đó là:
Tính thích hợp có tác động thuận đến việc lựa chọn áp dụng GTHL ở VN. Kết luận này cũng giống kết luận trong nghiên cứu trước đây của Tan và cộng sự (2005).
141
Tính đáng tin cậy có tác động thuận đến việc lựa chọn áp dụng GTHL ở VN.
Trong khi đó, nghiên cứu của Fargher (2001) cho thấy tính đáng tin cậy không có tác động đến việc lựa chọn áp dụng GTHL.
Chi phí đo lường GTHL được cho là cao, tuy nhiên chi phí đo lường không ảnh hưởng đến việc lựa chọn áp dụng GTHL ở VN. Các nghiên cứu trước đây trên thế giới cũng đã có bằng chứng cho rằng chi phí đo lường là cao (Easton và cộng sự, 1993; Tan và cộng sự, 2005; Bolivar và Galera, 2012; Jung và cộng sự, 2013) và có tác động nghịch đến việc lựa chọn áp dụng GTHL (Tan và cộng sự, 2005)
Việc công bố nhiều thông tin không gây bất lợi cho các doanh nghiệp, và việc công bố nhiều thông tin không ảnh hưởng đến việc lựa chọn áp dụng GTHL ở VN, ngoại trừ khoản mục TSVH có tác động nghịch. Trong khi đó, nghiên cứu trước đây của Tan và cộng sự (2005) cho thấy việc công bố nhiều thông tin không tác động đến việc lựa chọn áp dụng GTHL
Quy mô công ty không có tác động đến việc lựa chọn áp dụng GTHL ở VN.
Trong khi đó, các nghiên cứu trước đây, quy mô công ty có tác động thuận đến việc lựa chọn áp dụng GTHL trong nghiên cứu của Brown và cộng sự (1992), Jung và cộng sự (2013) và không có tác động đến việc lựa chọn áp dụng GTHL trong nghiên cứu của Fargher (2001).
Đòn bẩy tài chính không có tác động đến việc lựa chọn áp dụng GTHL ở quốc gia đang phát triển như VN. Trong khi đó, nghiên cứu của Brown và cộng sự (1992), Jung và cộng sự (2013) và Christensen và Nikolaev (2013) kết luận rằng đòn bẩy tài chính có tác động thuận đến việc lựa chọn áp dụng GTHL.
Tỉ trọng của BĐSĐT, tỉ trọng của TSCĐHH, tỉ trọng của TSVH và tỉ trọng của TSTC không có tác động đến việc lựa chọn áp dụng GTHL. Trong khi đó, các nghiên cứu trước đây của Jung và cộng sự (2013) và Brown và cộng sự (1992) đã cho thấy chúng có tác động thuận đến việc lựa chọn áp dụng GTHL.
Loại hình doanh nghiệp không có tác động đến việc lựa chọn áp dụng GTHL ở VN. Các nghiên cứu trước đây chưa đề cập đến vấn đề này. Nghiên cứu của luận án đã cung cấp bằng chứng cho thấy doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần niêm yết, chưa niêm yết, doanh nghiệp khác không có ảnh hưởng đến việc lựa chọn áp dụng GTHL.
142
Ngoài ra, về mặt lý thuyết, luận án cũng đã cung cấp bằng chứng thực tiễn chứng minh rằng GTHL được ủng hộ áp dụng ở VN. Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh GTHL được ủng hộ áp dụng bởi nhà đầu tư (Gassen và Schwedler, 2010), nhà quản lý (Fargher, 2001; Tan và cộng sự, 2005; Jung và cộng sự, 2013) ở các khoản mục TSTC (Fargher, 2001), tài sản phi tài chính (Jung và cộng sự, 2013) và các khoản nợ (Gassen và Schwedler, 2010). Kết quả nghiên cứu của luận án đã đóng góp thêm bằng chứng về sự ủng hộ áp dụng GTHL ở khoản mục BĐSĐT, TSTC, TSVH và TSCĐHH ở quốc gia đang phát triển như VN. Không có sự khác biệt về mức độ ủng hộ giữa các khoản mục BĐSĐT, TSTC, TSCĐHH và TSVH. Không có sự khác biệt trong mức độ ủng hộ giữa quan điểm của nhà đầu tư và nhà quản lý doanh nghiệp.
Về mặt thực tiễn, luận án đã cung cấp các bằng chứng làm cơ sở cho việc áp dụng GTHL ở VN và đưa ra các lộ trình phù hợp. (1) GTHL được sự ủng hộ của nhà đầu tư và nhà quản lý doanh nghiệp. Mặc dù có những bất lợi trong thực tế để áp dụng GTHL, nhưng cả nhà đầu tư, nhà quản lý của tất cả các loại hình doanh nghiệp đều ủng hộ áp dụng GTHL. (2) Có thể áp dụng GTHL cho các loại hình doanh nghiệp ở VN. (3) Các khó khăn hiện tại như thị trường, nhân sự, chi phí đo lường… không ảnh hưởng đến việc lựa chọn áp dụng GTHL.
5.3.4 Đóng góp liên quan đến phương pháp nghiên cứu
Luận án đã xây dựng được thang đo mới phù hợp, đóng góp cả về lý thuyết và thực tiễn cho việc nghiên cứu GTHL sau này. Luận án đã đóng góp thang đo mới với nhiều câu hỏi để đo lường tính thích hợp và đáng tin cậy. Các nghiên cứu trước đây khi thu thập dữ liệu nghiên cứu về GTHL trong phương pháp khảo sát chỉ sử dụng thang đo với một câu hỏi duy nhất cho các thuật ngữ phức tạp và khó hiểu như tính thích hợp hay tính đáng tin cậy. Điều này có thể dẫn đến các câu trả lời không phù hợp. Thang đo mới của luận án được xây dựng dựa vào phương pháp phân tích nội dung bằng cách đúc kết các kết quả nghiên cứu, các biến nghiên cứu và các lập luận của các nghiên cứu trước đây để khái quát lại thành thang đo, và được kiểm định thông qua chuyên gia và khảo sát thử, sau đó đưa vào sử dụng để thu thập dữ liệu chính thức cho luận án. Kết quả nghiên cứu thu được cũng gần giống với kỳ vọng đặt ra ban đầu có thể cho thấy thang đo đã giúp cho việc khảo sát được thành công.