CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU VỀ GIÁ TRỊ HỢP LÝ
1.3. Xác định vấn đề nghiên cứu của luận án
1.3.2. Xác định vấn đề nghiên cứu của luận án
Với những khoảng trống nghiên cứu như đã phân tích ở trên, tác giả cho rằng thực hiện nghiên cứu về GTHL cho đo lường sau ban đầu ở VN là điều cần thiết để cung cấp các bằng chứng trong bối cảnh của VN, nhằm làm rõ vai trò của GTHL, sự cần thiết và khả năng áp dụng GTHL cho đo lường sau ban đầu ở VN. Các mục tiêu nghiên cứu cụ thể được đặt ra như sau:
29
(1) Xác định mức độ tác động của GTHL đến sự hòa hợp giữa quy định của kế toán VN và chuẩn mực kế toán quốc tế về phương diện đo lường.
Trước tiên luận án sẽ đánh giá mức độ áp dụng GTHL trong kế toán VN để thấy được tầm quan trọng của GTHL trong quá trình hài hòa kế toán quốc tế. Không có phương pháp đo lường trực tiếp mức độ áp dụng GTHL trong kế toán, luận án sẽ đo lường gián tiếp thông qua mức độ hòa hợp giữa quy định của VN và chuẩn mực quốc tế về phương diện đo lường, sau đó sẽ xác định mức độ ảnh hưởng của GTHL đến mức độ hòa hợp giữa quy định của VN và chuẩn mực kế toán quốc tế.
Có nhiều cơ sở đo lường được áp dụng trong kế toán dựa vào các quan điểm khác nhau về vốn và bảo toàn vốn. Tuy nhiên để hài hòa kế toán quốc tế, gia tăng khả năng huy động vốn trên toàn thế giới thì các quốc gia cần đạt được sự tương đồng trong các quy định về đo lường các đối tượng kế toán. Nếu có sự khác biệt thì nguyên nhân do đâu, và mức độ ảnh hưởng của GTHL là bao nhiêu.
Các nghiên cứu trước đây đã đo lường mức độ hòa hợp giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế (của Nguyễn và Goong, 2014; Phạm, 2012; Trần Hồng Vân, 2014) nhưng chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt và mức độ ảnh hưởng là bao nhiêu. Vì vậy luận án tiến hành đo lường mức độ hòa hợp trước và sau khi điều chỉnh ảnh hưởng của GTHL giữa quy định của VN và chuẩn mực kế toán quốc tế để xác định mức độ tác động của GTHL đến mức độ hòa hợp.
(2) Làm rõ tính thích hợp của GTHL ở VN.
Tiếp theo đó luận án sẽ đánh giá tính thích hợp của thông tin đo lường theo GTHL ở VN để đánh giá sự cần thiết phải áp dụng GTHL ở VN. Để một cơ sở đo lường được sử dụng ở một quốc gia thì về mặt hình thức cơ sở đo lường đó phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, và quan trọng là về mặt bản chất cơ sơ đo lường đó phải hữu ích đối với người sử dụng và phải có đủ điều kiện để áp dụng.
Sự cần thiết của GTHL được thể hiện ở đặc điểm chất lượng “thích hợp”. Liệu GTHL có cung cấp thông tin thích hợp cho người sử dụng báo cáo tài chính ở VN? Nếu người trả lời nhận thấy cần sử dụng các thông tin dựa vào cơ sở đo lường theo GTHL (ví dụ thông tin theo giá hiện tại, thông tin về lợi nhuận chưa thực hiện…) thì GTHL là thích hợp và cần được áp dụng ở VN.
(3). Xác định khả năng đo lường đáng tin cậy của GTHL ở VN.
30
Luận án tiếp tục đánh giá khả năng đo lường đáng tin cậy của GTHL ở VN để đánh giá khả năng áp dụng GTHL trong thực tế. Nếu GTHL có thể được đo lường đáng tin cậy (ví dụ GTHL có thể được đo lường đúng đắn, GTHL không bị chi phối bởi doanh nghiệp) thì GTHL có đủ điều kiện để áp dụng ở VN.
(4). Xác định mức độ ủng hộ áp dụng GTHL ở VN
Tiếp theo đó luận án sẽ kiểm tra mức độ ủng hộ áp dụng GTHL ở VN để đánh giá sự cần thiết cũng như khả năng áp dụng GTHL trong thực tế. Nếu GTHL được ủng hộ áp dụng – nhà đầu tư sử dụng các thông tin liên quan đến GTHL để ra quyết định, nhà quản lý doanh nghiệp lựa chọn GTHL để đo lường – thì GTHL là cần thiết và có khả năng áp dụng trong thực tế.
Có nhiều nghiên cứu trên thế giới đã thực hiện nghiên cứu về tính thích hợp, tính đáng tin cậy và mức độ ủng hộ áp dụng GTHL (Barth và Clinch, 1998; Danbolt và Rees, 2008; Brickner, 2002; Koonce và cộng sự, 2011). Tuy nhiên vẫn cần thiết chứng minh lại điều này trong bối cảnh ở VN, bởi vì VN có những đặc điểm riêng với các quốc gia khác, ví dụ là nước theo trường phái “điển luật” (code law), là quốc gia đang phát triển, thiếu các thị trường hoạt động hay vốn được huy động chủ yếu thông qua ngân hàng…
nên có thể cảm nhận về tính thích hợp và đáng tin cậy của GTHL có thể không tương đồng với kết luận được rút ra từ các nghiên cứu trên thế giới. Gassen và Schwedler (2008) cho rằng các nước theo trường phái điển luật thì các “quy định thuế thường đè nặng lên BCTC” nên các doanh nghiệp có thể không quan tâm GTHL. Kumarasiri và Fisher (2011) cho rằng các nước đang phát triển thường thiếu các thị trường hoạt động hoặc thị trường không hiệu quả nên GTHL có thể đo lường không đáng tin cậy… nên cần thực hiện nghiên cứu trong bối cảnh ở VN.
(5). Xác định các nhân tố tác động đến việc lựa chọn GTHL tại VN.
Cuối cùng, luận án sẽ kiểm tra các nhân tố nào tác động đến việc lựa chọn GTHL tại VN, để nhận diện lý do doanh nghiệp ủng hộ/ không ủng hộ GTHL, để nhận diện những đặc điểm của doanh nghiệp ủng hộ/không ủng hộ GTHL để từ đó có những giải pháp kiến nghị cho lộ trình áp dụng GTHL ở VN.
Các nghiên cứu trước đây đã không kiểm tra cùng lúc các ưu điểm của GTHL (thích hợp và đáng tin cậy) và các nhược điểm của GTHL (chi phí đo lường cao, việc tiết lộ nhiều thông tin) trong cùng một mô hình. Luận án cho rằng sẽ là không đầy đủ nếu chỉ
31
đề cập đến các ưu điểm mà không đề cập đến các nhược điểm hoặc ngược lại. Vì vậy, khác với các nghiên cứu trước đây luận án sẽ kết hợp các yếu tố được xem là ưu điểm của GTHL, các yếu tố được xem là nhược điểm của GTHL và các đặc điểm của doanh nghiệp vào cùng một mô hình để kiểm tra xem liệu những ưu điểm của GTHL hay những bất lợi của GTHL hay các đặc điểm của doanh nghiệp có ảnh hưởng đến sự lựa chọn áp dụng GTHL.
Để giải quyết 5 mục tiêu nghiên cứu đã nêu trên, luận án tiến hành hai nghiên cứu độc lập:
Nghiên cứu 1 - Mức độ ảnh hưởng của GTHL đến sự hòa hợp giữa kế toán VN và chuẩn mực kế toán quốc tế. Nghiên cứu 1 sẽ giải quyết mục tiêu nghiên cứu cụ thể 1.
Nghiên cứu 2 - Các nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn áp dụng giá tri hợp lý ở VN.
Nghiên cứu 2 sẽ giải quyết mục tiêu nghiên cứu cụ thể 2, 3, 4 và 5.
Phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu được trình bày trong chương 3 đối với nghiên cứu 1 và trong chương 4 đối với nghiên cứu 2.
32
Tóm tắt chương 1
Chương 1 đã trình bày tổng quan các nghiên cứu trước đây trên thế giới và VN. Các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh GTHL là thích hợp và đáng tin cậy và được sự ủng hộ của các nhà ban hành chính sách, nhà đầu tư và nhà quản lý doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các đặc điểm của doanh nghiệp lựa chọn áp dụng GTHL bao gồm: doanh nghiệp có quy mô lớn, có tỉ trọng nợ cao, có tỉ trọng của các khoản mục được đánh giá lại cao. Ngoài ra các nghiên cứu này cũng cho rằng GTHL được lựa chọn vì cung cấp thông tin thích hợp và đáng tin cậy, GTHL không được lựa chọn áp dụng vì chi phí đo lường cao. Tuy nhiên các nghiên cứu này được thực hiện ở các quốc gia có nhiều khác biệt với VN, và các nghiên cứu về sự lựa chọn áp dụng GTHL đã không đưa đầy đủ các biến có liên quan vào mô hình.
Các nghiên cứu ở VN chỉ dừng lại ở việc xác định GTHL có được áp dụng trong thực tế cho ghi nhận ban đầu, GTHL có nên được áp dụng hay không mà chưa làm rõ được tính thích hợp, tính đáng tin cậy của GTHL, chưa giải thích được tại sao GTHL được ủng hộ áp dụng và chưa xác định được các nhân tố tác động đến việc lựa chọn GTHL ở VN.
Từ đó luận án xác định các vấn đề cần nghiên cứu tại VN để đưa ra định hướng cho việc áp dụng GTHL tại VN, các mục tiêu cụ thể đó là:
Xác định mức độ tác động của GTHL đến sự hòa hợp giữa quy định VN và chuẩn mực kế toán quốc tế để làm rõ vai trò của GTHL trong tiến trình hội nhập quốc tế về kế toán.
Xác định tính thích hợp của GTHL ở VN để làm rõ sự cần thiết phải áp dụng GTHL ở VN.
Xác định khả năng đo lường đáng tin cậy của GTHL ở VN, xác định mức độ ủng hộ áp dụng GTHL ở VN, xác định các nhân tố tác động đến việc lựa chọn áp dụng GTHL ở VN để đánh giá khả năng áp dụng GTHL ở VN.
33