Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, công cuộc "đổi mới" đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Bước vào thập kỷ 90, đất nước vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội.Thực hiện đường lối đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII và các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ về cụ thể cương lĩnh và chiến lược trên hầu hết các lĩnh vực, Nghị quyết Đại hội VIII và các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương tiếp theo, nhất là Nghị quyết Trung ương IV, Trung ương V, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng trên tất cả các mặt kinh tế -xã hội trong 10 năm (1991- 2000). Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội có những diễn biến phức tạp, cụ thể là:
- Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có những nét đổi mới sâu sắc. Những thành tựu mà ngành nông nghiệp đạt được trong thời gian qua là hết sức cơ bản và quan trọng, là nền tảng cho sự ổn định để tiếp tục phát triển nền kinh tế. Nông nghiệp đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá và toàn diện trên nhiều lĩnh vực; nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ đã được áp dụng,
góp phần quan trọng cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Cơ sở vật chất, kỹ thuật được cải thiện, tạo sự chuyển biến quan trọng cho phát triển lực lượng sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Nguồn vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn chiếm bình quân 10,2% trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội. Hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp và phát triển, công nghiệp chế biến có bước phát triển khá, một số cơ sở chế biến đã được xây dựng ngay trên vùng nguyên liệu.
- Quan hệ sản xuất ở nông thôn đã có sự thay đổi căn bản, tạo động lực quan trọng để giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp và nông thôn. Các hợp tác xã kiểu mới ở nông thôn được thành lập, đảm đương chức năng dịch vụ trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Kinh tế trang trại đã xuất hiện và phát triển khá nhanh (đến nay đã có khoảng 11,5 vạn trang trại, chủ yếu ở vùng trung du và miền núi). Nông lâm trường quốc doanh đã được tổ chức quy hoạch lại nên việc sử dụng đất hợp lý hơn và có hiệu quả hơn.
- Đời sống ở nhiều vùng nông thôn đã được nâng lên một bước đáng kể, điều kiện ăn, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí đã được cải thiện; bộ mặt kinh tế - xã hội ở một số vùng nông thôn đã có sự thay đổi rõ rệt, hàng triệu hộ nông dân đã dần trở nên giàu có.
- Ngành công nghiệp đã từng bước đổi mới công nghệ, tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng của xã hội. Phát triển công nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã góp phần phân bổ lao động một cách hợp lý hơn, tạo tiền đề hình thành nhiều cơ sở công nghiệp, nhiều trung tâm công nghiệp mới, trong đó đặc biệt là trên địa bàn các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước như khu vực ngoại thành của các đô thị lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vùng Tàu.
- Ngành du lịch đã phát triển tương đối đa dạng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và phục vụ đời sống xã hội; từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, giảm chi phí hoạt động để tiếp tục phát triển. Dịch vụ du lịch chất lượng cao được hình thành như: các tuyến du lịch được thiết lập mới cả đường bộ, đường sông, đường biển, miền núi, cao nguyên, đồng bằng, vùng ven biển và hải đảo; cùng với sự phát triển nhanh của khách du lịch và hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, lực lượng lao động trong ngành du lịch phát triển nhanh, bình quân hàng năm tăng khoảng 25%. Chất lượng kinh doanh và chất lượng lao động ngành du lịch dần được nâng cao (50% số lao động đã được đào tạo qua các trường dạy nghề, các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về du lịch).
- Ngành vận tải về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu giao lưu hàng hóa và đi lại của nhân dân với nhiều loại phương tiện đa dạng và phương thức thuận lợi; cơ chế quản lý vận tải đã có những đổi mới quan trọng, đảm bảo quá trình lưu thông hàng hóa, hành khách được thông suốt.
- Bưu chính viễn thông phát triển nhanh và khá hiện đại. Mạng lưới viễn thông trong nước đã được hiện đại hóa về cơ bản. Tất cả các tỉnh, các huyện trong cả nước đã được trang bị tổng đài điện tử với nhiều loại hình dịch vụ thông tin mới nhằm bước đầu thỏa mãn nhu cầu thông tin thương mại của công chúng.
- Quan hệ kinh tế đối ngoại ngày càng được mở rộng sau khi nước ta gia nhập ASEAN; Mỹ xóa bỏ cấm vận và dần bình thường hóa quan hệ thương mại với nước ta.
- Hoạt động xuất nhập khẩu đã có những bước phát triển khá bất kể thị trường xuất khẩu bị thu hẹp một cách đột ngột do sự tan rã của Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
- Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng, hình thức đào tạo và cơ sở vật chất. Quy mô học sinh tiếp tục tăng
ở tất cả các bậc học, ngành học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân. Chất lượng giáo dục có sự chuyển biến rõ rệt. Chất lượng đội ngũ giáo viên các bậc học được cải thiện. Cơ sở vật chất kỹ thuật các trường học được nâng cấp, cải thiện rõ rệt, mỗi năm bình quân xây dựng mới 15.000 phòng học, cải tạo nâng cấp 16.000 phòng học.
- Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã có những tiến bộ đáng ghi nhận: chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên, trang thiết bị y tế đã được nâng cấp ở các tuyến.
Trong suốt 10 năm thực hiện các nhiệm vụ chiến lược "ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000" tình hình kinh tế - xã hội của đất nước có nhiều biến đổi sâu sắc và tích cực đạt được những thành tựu quan trọng trên, song bên cạnh những mặt làm được cũng còn đan xem những yếu kém, tồn tại nổi lên mấy vấn đề về kinh tế xã hội đáng chú ý sau:
- Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn vẫn còn chứa đựng nhiều yếu tố chưa vững chắc làm cho tăng trưởng của ngành thiếu ổn định. Một số sản phẩm chưa nhiều nhưng đã bắt đầu dư thừa, nhiều loại sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm.
Năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, giá thành sản phẩm cao nên khả năng cạnh tranh sản phẩm kém cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Lao động dư thừa nhiều, tỷ lệ được đào tạo thấp, ngành nghề truyền thống ở nông thôn kém phát triển, cơ cấu kinh tế chậm được đổi mới. Lao động nông nghiệp vẫn chiếm khoảng 70% lực lượng lao động cả nước.
Cơ sở vật chất và kỹ thuật còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của một nền nông nghiệp tiên tiến. Thu nhập, đời sống, trình độ văn hóa, dân trí của cộng đồng dân cư nông thôn nhìn chung còn thấp. Tỷ lệ hộ đói nghèo
của một số vùng còn cao. Chênh lệch về thu nhập giữa dân cư nông thôn và thành thị có xu hướng gia tăng.
Môi trường một số vùng đã bị ô nhiễm. Rừng đã bị tàn phá, nhiều làng nghề, nhiều nguồn nước, nhiều dòng sông bị ô nhiễm.
- Trong công nghiệp còn nhiều tồn tại, yếu kém, sản xuất chưa ổn định, năng suất, chất lượng và hiệu quả không cao, tính cạnh tranh thấp, thiếu nhiều yếu tố và cơ sở cho phát triển bền vững. Công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch ngành tuy đã được quan tâm nhưng chất lượng thấp, tính khả thi kém, dự báo không chính xác, nhiều quy hoạch nặng về mong muốn chủ quan, do vậy quy hoạch thường bị phá vỡ. Chất lượng lao động trong công nghiệp còn thấp, đặc biệt là công việc đòi hỏi tay nghề cao. Việc đào tạo và đào tạo lại lực lượng cán bộ, công nhân kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức, chưa tìm được mô hình phù hợp và có hiệu quả dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, chất lượng lao động thấp, lạc hậu trước kỹ thuật mới, công nghệ mới và phương thức quản lý mới.
- Dịch vụ vận tải còn bị hạn chế, nhất là vận tải công cộng ở các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Ngành giao thông vận tải chưa chuyển biến kịp thời trong việc quản lý mạng lưới vận tải có nhiều thành phần kinh tế tham gia.
- Ngành du lịch còn yếu kém cả về cơ sở vật chất lẫn điều kiện và phương thức hoạt động, thiếu các loại hình du lịch hỗn hợp, kết hợp nhiều loại phương tiện vận chuyển nên chất lượng sản phẩm du lịch còn thấp và chưa có sự cạnh tranh cao.
- Hiệu quả đầu tư còn thấp, đầu tư lại phân tán, không tập trung dứt điểm gây lãng phí, thất thoát nguồn lực. Đầu tư vào những dự án không có hiệu quả hoặc sinh lời thấp làm cho hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp, cơ cấu đầu tư theo ngành và theo vùng chưa hợp lý, chưa khai thác hết thế mạnh trong từng ngành, từng vùng phát triển.
- Tình trạng không có việc làm trở thành vấn đề gay gắt nổi cộm nhất về kinh tế - xã hội hiện nay.
- Giáo dục ở vùng sâu, vùng xa phát triển chậm, chất lượng dạy và học tuy có tốt hơn trước nhưng nhìn chung vẫn còn thấp cả về kiến thức, năng lực thực hành và đạo đức.
- Cơ sở vật chất của ngành y tế tuy có được cải thiện, nhưng vẫn còn thiếu thốn, nghèo nàn, lạc hậu, nhất là tuyến huyện và xã. Quy hoạch mạng lưới y tế chưa hợp lý, phân bổ không đồng đều giữa các vùng và chất lượng dịch vụ còn kém.
- Nhiều vấn đề xã hội đang đặt ra cấp bách, nhiều hiện tượng đáng lo ngại: tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và tệ nạn tham nhũng không giảm. Các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm đang tồn tại và nhức nhối. Tội phạm kinh tế, tội phạm hình sự có xu hướng gia tăng, có nhiều vụ trọng án hơn trước. Khiếu nại của dân, trước hết là của nông dân diễn ra phức tạp hơn, rộng lớn hơn nhưng chưa được giải quyết kịp thời.
Tóm lại, tình hình kinh tế - xã hội ở nước ta trong thời gian qua có những đặc trưng cơ bản sau:
Trình độ phát triển của nước ta còn thấp hơn nhiều so với các nước xung quanh. Sự ổn định và phát triển kinh tế chưa vững chắc, còn nhiều yếu tố chưa đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của nền kinh tế thấp, sức cạnh tranh kém. Nhiều ngành, lĩnh vực có tăng trưởng nhưng không ổn định, sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn.
Các thành phần kinh tế chưa mạnh dạn và chưa có ý thức làm ăn lâu dài và còn dè dặt. Môi trường đầu tư chưa sôi động.
Trình độ dân trí nhiều vùng còn quá thấp, môi trường sống và môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng. Cơ sở hạ tầng nông thôn chưa được phát triển; các ngành nghề truyền thống chưa được khai thác triệt để; một số vấn
đề xã hội bức xúc và gay gắt chưa được giải quyết tốt đã làm tăng thêm tính phức tạp của tâm lý xã hội hạn chế các động lực phát triển đang cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Luật Ngân sách Nhà nước đầu tiên đã ra đời năm 1996 khẳng định rằng Ngân sách Nhà nước không trực tiếp tham gia tài trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngân sách Nhà nước chỉ tài trợ cho các dự án đầu tư cơ sở kinh tế - kỹ thuật, hạ tầng xã hội không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp. Đây chính là một trong những cơ sở và tiền đề xuất hiện tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.