Nâng cao năng lực cán bộ và hoàn thiện tổ chức quản lý tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo hướng cải cách hành chính

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ HOÀN THIỆN cơ CHẾ tín DỤNG đầu tư của NHÀ nước TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP hóa HIỆN đại hóa ở VIỆT NAM (Trang 175 - 180)

3.4.4.1 Nâng cao năng lực và trách nhiệm đội ngũ cán bộ tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước

Suy cho cùng chất lượng hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước nói riêng phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý. Để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong thời gian tới phải quán triệt phương châm "Con người là quyết định" theo hướng:

- Xác định rõ yêu cầu đối với người cán bộ tín dụng bao gồm yêu cầu chung, yêu cầu cụ thể ở từng lĩnh vực, từng môi trường công tác;

- Tiêu chuẩn hóa cán bộ công chức tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước;

- Tin học hóa công việc của cán bộ tín dụng tới từng vị trí làm việc.

Giống như một dây chuyền sản xuất, trong đó cần quy định bao nhiêu người, từng người làm gì và phải có kiến thức, kinh nghiệm ở mức nào;

- Trong công tác cán bộ cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ các cấp lãnh đạo và các cấp thừa hành;

- Phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước một cách thường xuyên trên cơ sở kế hoạch hàng năm và dài hạn.

Trong những năm tới, để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, cần thực hiện những việc sau:

Một là, tiến hành kiểm tra lại kiến thức đối với đội ngũ cán bộ tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước về kinh tế và kỹ thuật; về tiền tệ và tín

dụng; về tài chính doanh nghiệp; về kế toán và thống kê; về luật pháp nói chung và luật pháp về kinh tế tài chính nói riêng.

Hai là, phải có quy hoạch cán bộ trên cơ sở đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ kế cận.

Ba là, tổ chức bồi dưỡng định kỳ bằng việc mở những lớp tập huấn ngắn hạn, trao đổi nghề nghiệp trong phạm vi khu vực hoặc theo hệ thống tổ chức tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

Bốn là, khuyến khích nghiên cứu khoa học để giải quyết những vấn đề thực tiễn có cơ sở lý luận.

Năm là, phải có chế độ tiền lương thỏa đáng để nâng cao trách nhiệm, năng lực của cán bộ tín dụng đầu tư nhà nước.

Với những việc làm trên chúng ta mới thực sự lựa chọn được những cán bộ tín dụng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi và mới thực sự biến những cán bộ tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thành các chuyên gia giỏi, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

3.4.4.2 Hoàn thiện tổ chức quản lý tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo hướng cải cách hành chính

Hiện nay có nhiều loại hình ưu đãi tín dụng thông qua các đầu mối khác nhau, thậm chí một nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cũng có nhiều tổ chức quản lý và thực hiện cho vay (Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần hàng hải, Ngân hàng Á châu, Ngân hàng Phục vụ người nghèo, Kho bạc Nhà nước, Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt nam...) với điều kiện, thủ tục, yêu cầu hồ sơ quản lý khác nhau gây khó khăn cho đối tượng thụ hưởng.

Để hoạt động tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước đúng mục đích và đạt hiệu quả cao, thể hiện rõ vai trò hỗ trợ đầu tư của nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, theo chúng tôi cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo hướng tập trung chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước vào một đầu mối là Quỹ Hỗ trợ phát triển hoạt động như Ngân hàng chính sách trên cơ sở đó để tách chức năng tín dụng thương mại thuần túy ra khỏi tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Quỹ Hỗ trợ phát triển là kênh hỗ trợ có thu hồi nhưng có ưu đãi, sẽ là một công cụ quan trọng để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, hỗ trợ ưu đãi - một tuyến để thực hiện trong cơ chế thị trường nước ta như bất kỳ chính phủ nào cũng phải làm để thực thi chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư của mình. Điều này vẫn còn trong thời kỳ công nghiệp hóa đất nước và cả đến khi nước ta trở thành một nước công nghiệp. Vì thế, hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển phải lớn mạnh đủ sức, đủ tầm. Đây là việc làm quan trọng ở nước ta trong thời gian tới để đi sâu đổi mới chính sách, chế độ đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của nhà nước. Đặc trưng cơ bản của Quỹ Hỗ trợ phát triển cần được hoàn thiện như sau:

- Hoạt động chủ yếu của Quỹ Hỗ trợ phát triển là thực hiện các chương trình chỉ định gắn với đối tượng chính sách của Nhà nước.

- Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận mà để thực thi chính sách hỗ trợ của Nhà nước, song phải có giải pháp hoàn vốn.

- Lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là lãi suất ưu đãi, thấp hơn so với lãi suất cho vay của các Ngân hàng thương mại.

- Thủ tục, điều kiện, thời hạn, hạn mức tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước có những nét đặc thù so với tín dụng thông thường.

- Hoạt động của tổ chức này được miễn thuế và các khoản nộp Ngân sách Nhà nước, không bị bó hẹp về điều kiện dự trữ bắt buộc như đối với các Ngân hàng thương mại, các rủi ro về tín dụng được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

- Nguồn vốn hoạt động trong thời gian đầu một phần do Ngân sách Nhà nước đảm nhiệm, khi huy động vốn để cho vay theo lãi suất thấp thì được cấp bù chênh lệch lãi suất, khi hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cũng được Ngân sách Nhà nước cấp. Nhà nước hỗ trợ về bảo lãnh tín dụng đầu tư vượt quá khả năng thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh sẽ được Ngân sách Nhà nước tạo mọi điều kiện khi phát sinh tình trạng mất cân đối về thu chi tài chính do thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao.

- Những nhiệm vụ đặc biệt khác gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội như vùng sâu, vùng xa hoặc vùng có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo do tổ chức này trực tiếp quản lý nhưng có thể ủy thác cho các tổ chức tín dụng khác hoặc các đoàn thể chính trị xã hội đảm nhận.

Như vậy, việc hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là hết sức cần thiết theo hướng thống nhất đầu mối quản lý. Quỹ Hỗ trợ phát triển chịu sự quản lý Nhà nước của các cơ quan quản lý chuyên ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...

Kết luận chương 3

Qua nghiên cứu hoàn thiện cơ chế tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước có thể rút ra một số kết luận như sau:

Thứ nhất, chúng ta không thể thoát ly mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược đầu tư của Nhà nước khi đề cập đến các giải pháp hoàn thiện cơ chế tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Nhận rõ nhiệm vụ phát triển từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng kinh tế, chúng ta mới có thể đưa ra được

những định hướng, giải pháp hoàn thiện đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ hai, cơ cấu đầu tư ở Việt Nam đang còn nhiều bất hợp lý, chưa đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, cần phải xác định đúng đắn định hướng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội để hướng hoạt động tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước vào những ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, trong thời gian tới cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về tín dụng đầu tư nói chung và tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước nói riêng, luận án đưa ra hướng hoàn thiện cơ chế huy động nguồn vốn, cơ chế cho vay đầu tư, cơ chế hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, cơ chế bảo lãnh tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và đề xuất biện pháp tăng cường nâng cao năng lực quản lý tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

Thứ tư, chính phủ cần có kế hoạch từng bước giao thêm nhiệm vụ về hỗ trợ đầu tư cho Quỹ Hỗ trợ phát triển để một mặt, Quỹ Hỗ trợ phát triển hoạt động như là Ngân hàng Chính sách, mặt khác để các Ngân hàng thương mại không phải bận tâm làm nhiệm vụ hỗ trợ đầu tư cho Nhà nước, mà thực sự chuyển qua kinh doanh thương mại, như Quốc hội và Chính phủ đã nhiều lần đề cập và phù hợp với ý kiến tham gia của IMF và WB.

Thứ năm, Chính phủ sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành Nghị định về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và tổ chức bộ máy quản lý phù hợp. Về lâu dài, Chính phủ cần trình Quốc hội quy định hành lang pháp lý cao hơn dưới dạng luật hoặc Pháp lệnh về tín dụng, chính sách để làm cơ sở cho việc điều hành, quản lý tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ HOÀN THIỆN cơ CHẾ tín DỤNG đầu tư của NHÀ nước TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP hóa HIỆN đại hóa ở VIỆT NAM (Trang 175 - 180)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(181 trang)
w