Trước đây, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước chủ yếu dựa vào Ngân sách Nhà nước cấp, nhưng do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong những năm gần đây và trong thời gian tới, nhu cầu vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng vốn đầu tư phát triển của toàn xã hội. Theo ý kiến chúng tôi, chính sách và cơ chế huy động vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong thời gian tới phải đảm bảo:
* Đa dạng hóa nguồn vốn và hình thức huy động vốn
Nhu cầu vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước ngày càng tăng.
Để huy động tối đa mọi nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, chính sách huy động nguồn vốn phải đa dạng hóa:
Thứ nhất, nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước là nguồn bảo đảm cho tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hoạt động theo chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước. Đây là nguồn vốn "mồi", là "cú hích" có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc động viên các nguồn vốn khác trong xã hội cho đầu tư phát triển.
Việc huy động vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước từ Ngân sách Nhà nước thông qua hình thức:
- Cấp vốn điều lệ.
- Cân đối trong chi đầu tư phát triển từ Ngân sách Nhà nước hàng năm, trong đó dành số vốn thỏa đáng để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi từ các Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm, Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài, Quỹ Điều hòa ngoại tệ, Quỹ Bảo hiểm y tế...
Trong các quỹ này thường xuyên hình thành một lượng vốn tạm thời nhàn rỗi. Những khoản vốn tạm thời nhàn rỗi đó phải được xác định chính xác và chỉ được đầu tư vào những nơi có độ an toàn cao, ít mạo hiểm. Tăng khả năng huy động của các quỹ này vào tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là sự kết hợp giữa việc tăng hiệu quả sử dụng vốn của các quỹ và tăng hiệu quả nền sản xuất xã hội nói chung.
Để huy động vốn này, Quỹ Hỗ trợ phát triển phải chủ động ký hợp đồng với các tổ chức quản lý các quỹ của Nhà nước.
Thứ ba, nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất tạm thời nhàn rỗi được hình thành từ các quỹ dự trữ tài chính và quỹ khấu hao cơ bản, quỹ đầu tư phát triển của các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất. Việc huy động vốn từ các doanh nghiệp, các tập đoàn sản xuất cho tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước phải đảm bảo tính đa dạng và đảm bảo tính hài hòa quyền lợi của các doanh nghiệp và của xã hội nói chung. Theo ý kiến chúng tôi, để huy động vốn cho tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước từ các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất đạt được kết quả, một mặt, phải có chính sách lãi suất huy động vốn hấp dẫn, hợp lý; mặt khác, Nhà nước cũng cần phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các tổng công ty Nhà nước có trách nhiệm tham gia đầu tư hoặc góp cổ phần vào tổ chức tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
Thứ tư, nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong các tầng lớp dân cư gắn với các khoản thu chi không đều, đặc biệt trong những ngành sản xuất theo thời vụ.
Người dân cũng có thể hạn chế tiêu dùng thường xuyên một cách có ý thức do cần thiết phải tích lũy tiền vốn để mua hàng hóa, sử dụng lâu dài có giá trị lớn. Còn có khoản tiền tiết kiệm dường như bắt buộc được hình thành trong nhân dân như tiết kiệm dự phòng, tiết kiệm cho tuổi già cũng được đầu tư để sinh lời.
Theo tính toán của các nhà kinh tế, kế hoạch 5 năm 2001-2005 đầu tư bằng vốn tín dụng Nhà nước vào khoảng 11,5 - 12 tỷ USD, trong đó vốn huy động gián tiếp từ khu vực dân cư khoảng 6 tỷ USD. Cần cụ thể hóa chính sách và thống nhất quy định về chính sách và cơ chế huy động vốn, thực hiện bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Để huy động vốn này, theo ý kiến chúng tôi trong thời gian tới, phải coi trọng nhiều hình thức như phát hành trái phiếu Chính phủ bằng Việt Nam đồng (VND); phát hành trái phiếu chính phủ theo hình thức đấu thầu thông qua đại lý môi giới; phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước bằng ngoại tệ (USD); phát hành trái phiếu công trình đối với công trình quan trọng; phát hành trái phiếu kho bạc.
Huy động vốn cho tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, cần chú trọng những vấn đề sau:
- Đa dạng hóa thời hạn vay vốn qua trái phiếu, chủ yếu tập trung huy động vốn bằng các loại trái phiếu trung và dài hạn.
- Phải coi việc đảm bảo đúng mức lợi ích chính đáng và hợp lý cho người cho vay là biện pháp cơ bản bảo đảm việc huy động vốn có kết quả.
- Cải tiến và hoàn thiện cơ chế phát hành trái phiếu thông qua việc bán lẻ các loại trái phiếu trung hạn, cơ chế thanh toán thuận lợi, được mua bán trên thị trường vốn và tổ chức đấu thầu loại trái phiếu dài hạn để huy động vốn nhàn rỗi trong các Ngân hàng thương mại và các nhà đầu tư.
Thứ năm, hình thức huy động vốn thông qua dịch vụ tiết kiệm bưu điện sẽ tạo thuận lợi cho người dân có thể gửi tiền tiết kiệm bất cứ lúc nào ở đâu, với số tiền nhiều hay ít. Hình thức này vừa thúc đẩy tiết kiệm trong dân cư, vừa đảm bảo cho tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước có thêm nguồn vốn để cho vay đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để công tác huy động vốn đạt được kết quả như mong muốn, cần nhanh chóng triển khai, mở rộng hình thức tiết kiệm bưu điện xuống tận thôn xã, ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước, đồng thời đa dạng hóa các thời hạn gửi tiền với lãi suất và điều kiện gửi, thanh toán hấp dẫn. Đương nhiên, cần xác định hợp lý lãi suất tiền vay Quỹ Hỗ trợ phát triển trả cho cơ quan làm dịch vụ tiết kiệm bưu điện để giảm chênh lệch giữa lãi suất Quỹ Hỗ trợ phát triển huy động từ cơ quan dịch vụ tiết kiệm bưu điện và lãi suất cho vay ra của Quỹ Hỗ trợ phát triển để giảm chi cho Ngân sách Nhà nước.
Thứ sáu, huy động các nguồn vốn ngoài nước cho tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, có thể thực hiện theo các hình thức như Chính phủ vay trực tiếp từ nước ngoài để cho vay lại, đặc biệt là từ nguồn vốn ODA; huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu quốc tế; liên doanh với các tổ chức tài chính nước ngoài để huy động vốn bảo lãnh cho vay và vay các quỹ nước ngoài như Quỹ đầu tư của Nhật, Ngân hàng Tái thiết Đức...
Như vậy để đáp ứng được nhu cầu về vốn cho tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong giai đoạn 2001-2005, phải mở rộng hơn nữa các hình thức huy động vốn đảm bảo tập trung đủ vốn cho đầu tư phát triển.
* Cơ chế lãi suất huy động vốn linh hoạt
Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng, lãi suất huy động vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước phải theo tín hiệu của thị trường, tức là lãi suất huy động vốn phải luôn thay đổi theo lãi suất thị trường.
Xác định lãi suất huy động vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, cần áp dụng đấu thầu về lãi suất, công khai về thời gian đấu thầu. Mặt khác, cần thực hiện cơ chế đa dạng hóa thời hạn huy động vốn trong một phiên đấu thầu để khuyến khích tính cạnh tranh và tăng sức hấp dẫn đối với các chủ sở hữu vốn.
Đối với các tổ chức tài chính trong nước được chỉ định huy động vốn như Bảo hiểm xã hội, Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài, mức lãi suất huy động vốn phải đảm bảo được lợi ích của cả tổ chức đi huy động lẫn tổ chức được huy động. Mức lãi suất hợp lý chính là mức lãi suất cân bằng giữa mức cung và mức cầu về vốn tín dụng. Chính điểm cân bằng đó là cơ sở để xác định mức lãi suất huy động hợp lý. Trong trường hợp mức lãi suất huy động cao hơn mức cân bằng sẽ tạo nên sự thiếu hụt của mức cầu so với cung và ngược lại. Trong cả hai trường hợp không cân bằng đó, hiệu quả của đồng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đều thấp hơn trường hợp mức lãi suất phù hợp với mức cân bằng.
Như vậy, chính sách lãi suất huy động vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước phải hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của người đi vay, cho vay và sử dụng vốn vay.
* Thời hạn huy động vốn phù hợp với điều kiện thực tế
Đối tượng cho vay của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là các dự án đầu tư trung và dài hạn thuộc một số ngành, lĩnh vực, chương trình kinh tế lớn của Nhà nước và các vùng khó khăn cần khuyến khích đầu tư. Do vậy, thời hạn huy động vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cũng phải là trung và dài hạn. Vì thế, khi xây dựng kế hoạch huy động vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước phải công khai thời hạn huy động vốn và công khai về mức lãi suất huy động để các đối tượng cho vay biết, đảm bảo chủ động trong cho vay và thu hồi vốn. Hiện nay, việc huy động vốn với thời hạn dài sẽ tạo nên nhiều rủi ro về sự mất giá của đồng tiền Việt Nam. Do đó, theo ý kiến
chúng tôi, trong thời gian tới, để giải quyết được bài toán khó hiện nay, ngoài việc tạo thói quen làm ăn lâu dài của các nhà sản xuất, kinh doanh còn phải có cơ chế đảm bảo giá trị đồng tiền trong tín dụng dài hạn. Chỉ khi các nhà đầu tư có thể dự đoán được giá trị của đồng tiền trong tương lai họ sẽ mạnh dạn đầu tư và khi đó Nhà nước có thể huy động được nhiều vốn trung và dài hạn.
Như vậy, ngoài việc huy động vốn ngắn hạn (biện pháp tình thế) để cho vay trung và dài hạn, Nhà nước cần có chính sách huy động vốn với các thời hạn khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu cho vay của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước về thời hạn.