chúng ta phải tiếp tục chủ trương huy động mọi nguồn vốn trong và ngoài nước dành cho đầu tư phát triển.
Theo quan điểm của chúng tôi, huy động các nguồn vốn đầu tư trong thời kỳ này phải là:
- Đối với nguồn vốn trong nước: chủ động cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng hợp lý, đảm bảo tỷ lệ động viên thu nhập quốc dân vào Ngân sách Nhà nước từ 20-21%. Đồng thời coi trọng dành phần tích lũy cần thiết để lại cho các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh và dân cư để chủ động tạo nguồn vốn đầu tư. Quán triệt tư tưởng dựa vào nội lực, các nguồn vốn trong nước là yếu tố quyết định, yếu tố chủ động để thu hút nguồn vốn ngoài nước.
Phấn đấu đảm bảo tỷ trọng vốn trong nước chiếm 55-65% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trong suốt thời kỳ này.
- Đối với vốn ngoài nước: trên cơ sở phát huy nội lực, thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách thu hút nguồn vốn từ bên ngoài. Tiếp tục mở rộng và cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để thu hút tối đa các nguồn vốn tài trợ từ bên ngoài, vừa là nguồn vốn bổ sung thêm nguồn vốn trong nước, vừa là cơ hội tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Tuy nhiên, trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài phải đảm bảo cho được an toàn về nợ quốc gia. Tổng các khoản nợ nước ngoài của quốc gia phải ở dưới mức 50% so với GDP. Coi trọng việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nguồn vốn đầu tư phát triển của nước ngoài (FDI).
- Thực hành chính sách tiết kiệm: Muốn đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải thực hiện cần kiệm trong sản xuất và tiết kiệm trong tiêu dùng. Chỉ có triệt để thực hành tiết kiệm mới phát huy được nội lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thời gian qua, chúng ta còn lãng phí nghiêm trọng cả về sức lao động (trong đó có chất xám), về tiền vốn và công quỹ, về tài nguyên thiên nhiên. Là nước nghèo, chúng ta còn tiêu sài quá mức.
Tham nhũng là một trong những nguy cơ cơ bản. Vì vậy, cần vận động,
khuyến khích mọi người có sức lao động, mọi tiềm năng vật lực nhàn rỗi đưa vào phát triển kinh tế. Thực hành tiết kiệm từ đầu tư, sản xuất kinh doanh, tín dụng và tiêu dùng trên mọi lĩnh vực (Nhà nước, doanh nghiệp và dân cư).
Phấn đấu đưa tỷ lệ tiết kiệm trong nước (bình quân trong thời kỳ) đạt 22-25%
so với 17-18% thời kỳ 1991-2000.
- Sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước dành cho đầu tư phát triển: Nâng cao hiệu quả sử dụng của từng đồng vốn đầu tư, từng dự án đầu tư, từng ngành, lĩnh vực đầu tư và hiệu quả kinh tế - xã hội của nguồn vốn đầu tư nói chung. Đảm bảo khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ so với các nước trong khu vực và quốc tế; đảm bảo khả năng trả nợ và có tích lũy cho đầu tư phát triển.
Để đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đã trình bày ở trên thì định hướng đầu tư trong thập niên tới cần thực hiện theo những hướng cơ bản sau đây:
Một là, chiến lược đầu tư phải gắn với quy hoạch tổng thể dài hạn, dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, có trọng tâm, trọng điểm, trình tự ưu tiên, tập trung, dứt điểm, vừa đạt hiệu quả trước mắt và lâu dài, vừa dễ dàng kiểm tra, kiểm soát tránh lãng phí, chống tham nhũng.
Hai là, đầu tư phải lấy tiêu chuẩn hiệu quả kinh tế làm đầu để tạo điều kiện cho việc giải quyết các nhu cầu phát triển xã hội.
Ba là, khai thác tối đa và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước (trong nước bao gồm vốn Ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng, vốn đầu tư ngoài quốc doanh, vốn đầu tư của dân cư; ngoài nước gồm vốn ODA, FDI và các hình thức hợp tác kinh doanh) đảm bảo hiệu quả đầu tư, tận dụng và phát huy tối đa khả năng của mọi nguồn lực tài chính.
Bốn là, đầu tư phải đảm bảo hình thành những ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực, mũi nhọn trên cơ sở ưu tiên đầu tư vào những ngành có lợi thế về tài
nguyên, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên (dầu khí, chế biến bảo quản nông lâm thủy sản, dệt may), tạo cho ngành phát triển bằng những sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, giá rẻ, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Năm là, ưu tiên đầu tư vào các vùng trọng điểm có thế mạnh và sức cạnh tranh cao hơn làm động lực phát triển kinh tế cả nước, đồng thời có chính sách ưu đãi đầu tư đảm bảo sự phát triển cân đối giữa các vùng, thúc đẩy phát triển vùng sâu, vùng xa rút ngắn khoảng cách với các đô thị.
Sáu là, đối tượng đầu tư phải tuân thủ trật tự ưu tiên như sau: tạo nhiều việc làm nhất, có sức cạnh tranh và lợi thế so sánh cao nhất, xuất khẩu được nhiều nhất, đổi mới công nghệ và thiết bị.
Để đầu tư thực hiện theo các định hướng trên, trong thời gian tới phải tháo gỡ toàn bộ các vướng mắc đang cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh, giải phóng sức sản xuất theo tinh thần mọi người dân có vốn đều tự do, dễ dàng đăng ký sản xuất theo pháp luật. Khẩn trương chấn chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là luật pháp kinh tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tư nhân được tự do bỏ vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh.