Ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách ưu tiên phân bổ các nguồn vật chất và tài chính cho các ngành công nghiệp then chốt. Đó là những ngành công nghiệp nền tảng nhằm mục tiêu tăng trưởng nhanh ngành công nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế. Từ năm 1951, để thực hiện tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, Nhật Bản đã thành lập Ngân hàng Phát triển. Thông qua Ngân hàng Phát triển Nhật Bản và các thiết chế tài chính khác của Chính phủ, dùng các hình thức như gửi tiền tiết kiệm bưu điện, các loại bảo hiểm, tiền đặt cọc hàng năm và các khoản khác để thu hút rộng rãi tiền vốn xã hội. Cho vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được thực hiện qua Ngân hàng Phát triển Nhật Bản. Tín dụng
từ Ngân hàng Phát triển Nhật Bản có lãi suất thấp hơn so với thị trường tự do.
Số vốn tín dụng này chỉ ưu tiên cho vay đối với các ngành điện, vận tải, giao thông đường thủy, ngành than, thép và một số ngành công nghiệp cơ bản khác (Biểu 2.2). Cho vay với lãi suất thấp là một công cụ rất quan trọng của Nhà nước trong việc hỗ trợ vốn dài hạn để phát triển một số ngành công nghiệp then chốt, cần nhiều vốn ở thời kỳ đầu của giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao.
Biểu 2.3: Đầu tư của Nhà nước vào các ngành công nghiệp cơ bản trong giai đoạn tái thiết
Đơn vị: 100 triệu yên
1951 1952 1953 1954 1955 1956 1957 1958
Thép 369
8,4%
379 7,7%
396 6,4%
256 4,8%
267 4,5%
625 6,1%
1119 8,8%
1197 9,4%
Vận tải biển 640 14,6%
615 12,4%
465 7,5%
313 5,9%
390 6,5%
741 7,2%
967 7,7%
744 5,8%
Điện lực 553 12,6%
1054 21,3%
1461 23,7%
1422 26,8%
1483 28,8%
2016 19,6%
2436 19,2%
2901 22,7%
Than 208
4,8%
202 4,1%
206 3,3%
137 2,6%
143 2,4%
135 1,3%
301 2,4%
338 2,5%
Cộng 4 ngành 1770 40,4%
2250 45,5%
2528 40.9%
2128 40,1%
2283 38,2%
3511 34,2%
4824 38,1%
5180 40,4%
Tổng cộng 4389 100%
4955 100%
6170 100%
5303 100%
5989 100%
10259 100%
12674 100%
12789 100%
Nguồn: Kinh tế Nhật Bản - Những bước thăng trầm trong lịch sử, 1998, tr.181.
Từ biểu 2.3 cho thấy, phần vốn đầu tư của Chính phủ chiếm tới 40%
tổng đầu tư vào 4 ngành công nghiệp cơ bản ở những năm 1950 (điện, vận tải biển, khai thác than và thép). Việc đầu tư của Nhà nước nói chung, đầu tư của tín dụng Nhà nước nói riêng còn giữ vai trò kích thích đầu tư tư nhân vào các ngành công nghiệp chiến lược. Nhờ đó, cơ cấu công nghiệp đã có những bước
thay đổi cơ bản, một số ngành công nghiệp như thép, hóa chất và máy móc điện tử đã trở thành ngành công nghiệp chiến lược và đã bắt đầu phát triển.
Nhìn chung, trong giai đoạn khôi phục kinh tế sau chiến tranh và những năm tiếp theo, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng một số biện pháp hỗ trợ vốn cho các ngành công nghiệp trong thời kỳ tái thiết kinh tế, như:
- Ưu tiên phân bổ các nguồn vật chất cho ngành than và thép.
- Thành lập Ngân hàng Phát triển Nhật Bản để chuyển vốn ưu tiên cho các ngành cơ bản, chủ yếu là ngành than.
- Thực hiện chương trình đầu tư cho vay vốn từ Ngân sách Nhà nước.
- Ưu tiên sử dụng ngoại tệ khan hiếm để mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ nước ngoài.
- Cung cấp tín dụng với lãi suất thấp để nhập khẩu công nghệ tiên tiến.
Kết quả của việc thực hiện những biện pháp hỗ trợ trên đã tập trung được các nguồn lực tài chính khan hiếm cho các ngành công nghiệp yết hầu lúc đó là ngành than, thép, nâng cao được năng suất và sản lượng các ngành này, ổn định đầu vào cho các ngành công nghiệp cơ khí, tạo đà cho các ngành công nghiệp có liên quan khác phát triển và đã thực hiện được mục tiêu đuổi kịp và vượt các nước Mỹ và Tây Âu về công nghệ, đồng thời giúp Nhật Bản làm chủ được công nghệ và kỹ thuật mới nhất tạo lợi thế cạnh tranh về công nghệ cho ngành công nghiệp, làm nền tảng cho kinh tế Nhật Bản chuyển sang giai đoạn tăng trưởng nhanh.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, bên cạnh nạn đói, tranh chấp về ruộng đất kéo dài đã gây ra khủng hoảng trầm trọng trong ngành nông nghiệp. Việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để khắc phục nạn khan hiếm lương thực đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách. Chính phủ Nhật bản đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, cụ thể là thực thi các dự án xây
dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp. Hệ thống tín dụng nông thôn cũng được triển khai để hỗ trợ hiện đại hóa trong nông nghiệp. Một trong những hình thức hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của Chính phủ Nhật Bản là tín dụng nông nghiệp.
Để thực hiện chủ trương đẩy mạnh sản xuất lương thực (năm 1953), Nhà nước đã thành lập "Tổ hợp tài chính nông, lâm, ngư nghiệp". Tổ hợp này hoàn toàn được Nhà nước cấp tài chính để cung cấp tín dụng dài hạn với lãi suất thấp đối với sản xuất nông nghiệp, cho vay với mục đích cải tạo đất có lãi suất quy định từ 4 đến 8% và thời hạn hoàn trả không quá 25 năm. Tổng số vốn cho vay của tổ hợp đã tăng từ 54,0 tỷ Yên (trong đó 27,0 tỷ dành cho cải tạo đất) vào cuối năm 1953 lên tới 91,7 tỷ Yên (trong đó 41,5 tỷ dành cho cải tạo đất) vào cuối năm 1955 và lên tới 125,8 tỷ Yên (trong đó 46,8 tỷ cho chương trình xây dựng của các chủ hộ có đất) vào cuối năm 1957. Tuy nhiên, từ năm 1955, vốn cho vay còn được mở rộng giúp người cày có ruộng, cải thiện phương tiện sản xuất và xây dựng các công trình nông nghiệp để phát triển và củng cố đất đai nông nghiệp với quy mô nhỏ [1, tr. 13].
Năm 1956, vốn cho vay của tổ hợp còn được đầu tư cho đề án "Phát triển tổ hợp và xây dựng nông thôn mới", phạm vi cho vay vốn được mở rộng đến người sản xuất, đặc biệt cho vay mở rộng quy mô trang trại. Số tiền cho vay cũng chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong tổng số vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Từ năm 1952, để đẩy nhanh phát triển nông nghiệp, Chính phủ đã thực hiện cơ chế bù lãi suất cho các khoản tín dụng thực hiện qua Liên hiệp Ngân hàng Nông nghiệp. Hình thức này được áp dụng nhằm thực hiện các mục đích sau:
- Vốn tín dụng đẩy mạnh chăn nuôi gia đình (1952).
- Vốn cho các hợp tác xã nông nghiệp được chính quyền cấp tỉnh và Nhà nước hỗ trợ về lãi suất hoặc đền bù khi bị thâm hụt.
- Tín dụng trợ cấp thiên tai (1955) cho nông dân vay khi gặp thiên tai.
- Vốn tăng cường ngành nông nghiệp (1956) được thực hiện dưới hai hình thức là trợ cấp Nhà nước và cho vay. Vốn này nhằm cải tiến kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Chính quyền cấp tỉnh trực tiếp cho nông dân vay, không phải trả lãi suất (khoản trợ cấp của Nhà nước Trung ương). Ngoài ra, nông dân còn được vay vốn của hợp tác xã để mua phương tiện sản xuất, chính quyền cấp tỉnh bảo lãnh việc hoàn vốn các khoản vay này.
- Nguồn vốn vay dành cho việc cải thiện kinh tế gia đình, hỗ trợ các nông dân trẻ phát huy sáng kiến, nâng cao trình độ quản lý sản xuất.
- Vốn hiện đại hóa nông nghiệp: Chính phủ cho vay thêm với lãi suất thấp nhằm thực hiện chính sách hiện đại hóa nông nghiệp.
Tóm lại, Nhật Bản đã thực hiện tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hơn 40 năm gọi là chế độ "đầu tư tài chính và vốn" (The fiscal investment and loan Programme). Kinh nghiệm của Nhật Bản có thể rút ra nhiều bài học có ích. Thực tiễn phát triển kinh tế của Nhật Bản với kế hoạch "Đầu tư tài chính và vốn", trong đó lấy Ban vận dụng tiền vốn của Bộ Tài chính Nhật Bản làm trung tâm, dùng các hình thức như gửi tiết kiệm bưu điện, các loại bảo hiểm, tiền đặt cọc hàng năm và các khoản khác để thu hút rộng rãi tiền vốn nhàn rỗi của xã hội phục vụ cho đầu tư phát triển. Chính phủ Nhật Bản thông qua các cơ quan tài chính tín dụng tiến hành các hoạt động đầu tư, bao gồm cả tín dụng hỗ trợ phát triển. Đặc biệt, giai đoạn phục hưng kinh tế sau chiến tranh đến giữa thập kỷ 80, thực hiện kế hoạch "Đầu tư tài chính và vốn" vào các doanh nghiệp chủ chốt và các ngành then chốt như thép, than, điện lực, vận tải biển, (trên 30% tổng số vốn cố định doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn này). Đến năm 1991, thực hiện kế hoạch "Đầu tư tài chính và vốn" đã huy động tiền vốn bằng 56,5% tổng tiền vốn Ngân sách Nhà nước năm ấy (= tiền vốn dự toán Ngân sách + tiền vốn " đầu tư tài chính và vốn") [55, tr. 27]. Do đó, Chính phủ Nhật Bản coi "Đầu tư tài chính và vốn" là "Dự toán Ngân sách thứ hai"
của Nhà nước và là công cụ quan trọng để quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ.