Kinh tế Hàn Quốc bắt đầu "cất cánh" từ đầu thập kỷ 60. Năm 1962, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất, nền kinh tế Hàn Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bình quân mức tăng GNP hàng năm khoảng 9% cao hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới trong cùng thời gian. Công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, trong đó công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trên 20% và khu vực dịch vụ tăng 14% hàng năm.
Vào cuối giai đoạn "cất cánh", Hàn Quốc đã trở thành một nước công nghiệp với tiềm năng kinh tế - kỹ thuật phát triển. Sự phát triển nhanh chóng đó có hai yếu tố quan trọng góp phần vào thành công là chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và chính sách tạo nguồn vốn hợp lý, trong đó đầu tư của Nhà nước nói chung, của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước nói riêng đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ các ngành kinh tế phục vụ chiến lược phát triển trong thời kỳ này. Nhà nước đã sử dụng các công cụ khác nhau để huy động các nguồn lực, trong đó có tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
Chính phủ đã phân bổ các nguồn tài chính thông qua quỹ đầu tư quốc gia để hỗ trợ cho các ngành được khuyến khích đầu tư. Các chính sách được áp dụng là cho vay có chọn lọc, ưu đãi lãi suất cho phát triển những ngành công nghiệp có mục tiêu quốc gia. Từ năm 1973, Hàn Quốc chuyển sang phát triển các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất như công nghiệp sắt, thép, kim loại màu bằng cách cho vay ưu đãi với lãi suất thấp. Từ năm 1970-1981, đầu tư trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước cho các ngành này cũng có xu hướng tăng, chiếm 14,5% trong tổng chi Ngân sách cho đầu tư phát triển.
Để quản lý sử dụng có hiệu quả các quỹ đầu tư, ngày 30/12/1958 Hội đồng tiền tệ đưa ra: "Những quy định về việc sử dụng quỹ trong khu vực tài chính". Theo quy định này, các cơ quan tài chính khi cho vay phải căn cứ vào danh mục các lĩnh vực được ưu tiên theo mục đích của Chính phủ. Tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được áp dụng rộng rãi ở Hàn Quốc và luôn được điều chỉnh theo nhu cầu phát triển trong mỗi thời kỳ. Ví dụ năm 1962, Nhà nước ưu tiên tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cho các doanh nghiệp sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, thì năm 1964 ưu tiên cho vay đối với ngành công nghiệp được khuyến khích phát triển.
Đến cuối năm 1973, Chính phủ đã thành lập Quỹ đầu tư quốc gia bằng cách hợp nhất tất cả các quỹ khác của Chính phủ và phát hành trái phiếu quỹ đầu tư quốc gia để huy động vốn. Những khoản cho vay của quỹ đầu tư quốc gia được phân bổ cho ngành xuất nhập khẩu, điện lực, công nghiệp sơ cấp, cơ khí chế tạo quan trọng và chủ chốt như luyện thép, kim loại màu, hóa chất, máy móc và công nghiệp đóng tàu.
Chính phủ đã hỗ trợ sản xuất hàng xuất khẩu thông qua các biện pháp chủ yếu sau đây:
- Cấp tín dụng xuất khẩu với lãi suất ưu đãi.
- Trợ cấp trực tiếp cho xuất khẩu một số sản phẩm quan trọng.
- Cho vay với lãi suất ưu đãi để sản xuất hàng xuất khẩu.
- Giảm cước phí vận chuyển hàng xuất khẩu bằng đường sắt.
- Cấp tín dụng cho các nhà nhập khẩu nguyên liệu thô và thiết bị để sản xuất hàng xuất khẩu.
- Cho vay để chuyển đổi nhà máy sang sản xuất hàng xuất khẩu.
- Hoàn lại thuế hàng hóa cho hàng hóa đã xuất khẩu
- Miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị nhập để chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu.
- Giảm 30% thuế thu nhập công ty cho phần thu nhập thu được từ kinh doanh xuất khẩu.
- Khấu hao nhanh tài sản cố định được sử dụng vào sản xuất hoặc lắp ráp hàng xuất khẩu.
Sự hỗ trợ của Chính phủ cho xuất khẩu căn cứ vào kết quả xuất khẩu thực tế đạt được. Các nhà xuất khẩu chỉ được nhận hỗ trợ khi kim ngạch xuất khẩu hàng năm của họ đã vượt mức quy định. Do vậy, để nhận được ưu đãi lớn hơn, các nhà xuất khẩu phải nâng cao được khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường trong nước và quốc tế. Bằng cách đó, Chính phủ đã phân bố và sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn.
Trong những năm 70, Hàn Quốc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất. Để thực hiện được mục đích đó, bên cạnh các biện pháp ưu đãi về thuế, Chính phủ đã cấp tín dụng đầu tư ưu đãi từ Quỹ đầu tư quốc gia cho các ngành này để mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng, phát triển ngành công nghiệp nặng, công nghiệp hóa chất. Tỷ lệ vốn từ Quỹ đầu tư quốc gia trong tổng số vốn cho vay mua sắm thiết bị đã lên đến 70% vào cuối những năm 70. Quỹ này đã cung cấp tín dụng để mua sắm thiết bị phục vụ công nghiệp điện, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của điện năng, phục vụ xây dựng ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất.
Trong giai đoạn cuối những năm 70, mức độ và quy mô ưu tiên tín dụng đầu tư Nhà nước cho xuất khẩu có giảm xuống. Biện pháp trợ cấp trực tiếp cho xuất khẩu đã bị bãi bỏ. Lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước phục vụ cho xuất khẩu đã tăng lên. Chính phủ đã đầu tư trực tiếp vào các ngành sản xuất công nghiệp mang tính chất chiến lược cho phát triển kinh tế.
Từ cuối những năm 70 đã xuất hiện dấu hiệu phát triển mất cân đối buộc Chính phủ phải điều chỉnh chính sách phát triển, bắt đầu thực hiện từ đầu những năm 80. Trước hết, Chính phủ giảm trợ cấp lãi suất đối với các khoản vay xuất khẩu, tín dụng Nhà nước cấp cho các công ty lớn, cũng như một số công ty thuộc diện được vay tín dụng đầu tư nhà nước cho xuất khẩu với lãi suất thấp. Mặt khác, Nhà nước chuyển sang khuyến khích phát triển doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tín dụng đầu tư Nhà nước được ưu tiên phân bổ cho khu vực này. Như vậy, từ đầu thập kỷ 80, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước được điều chỉnh, ưu tiên cho khu vực bất lợi trước đây, đồng thời tăng cường kiểm soát tín dụng và khống chế đầu tư đối với các tập đoàn lớn nhằm giảm bớt ưu đãi về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đối với các tập đoàn này.
Tóm lại, sự tăng trưởng kinh tế nhanh của Hàn Quốc trong 3 thập kỷ liên tiếp phần lớn nhờ thực hiện các chính sách thúc đẩy xuất khẩu và công nghiệp hóa chất với sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ Ngân sách Nhà nước và tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ đã duy trì được môi trường cạnh tranh bằng cách gắn mức độ trợ giúp với hiệu quả kinh doanh đối với từng ngành, từng cơ sở.