Trải qua 17 năm, kinh tế Trung Quốc đã từng bước thực hiện cải cách nhằm phù hợp với nhu cầu xây dựng cơ chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Trong lĩnh vực đầu tư, Trung Quốc đã từng bước giao cho cấp dưới quyền quản lý đầu tư, triệt để phát huy vai trò của thị trường trong việc phân bổ của cải xã hội, thực hiện hàng loạt cải cách nhằm tạo ra một tình hình mới có nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, có nhiều nguồn vốn và nhiều phương thức đầu tư. Để phù hợp với yêu cầu cải cách, vốn đầu tư cơ bản của Ngân sách Nhà nước trước đây chiếm tới 80% tổng số vốn đầu tư của toàn xã hội, nay giảm xuống chỉ còn chiếm 4-5%. Tỷ trọng đầu tư của Ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã giảm dần, đồng thời tăng đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng. Để hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các ngành nghề có liên quan, phát huy tác dụng huy động, điều hòa vốn của các chính sách tài chính, từ năm 1986 Nhà nước đã thực hiện chính sách cho vay ưu đãi đối với công trình đầu tư cơ bản. Từ năm 1986 đến năm 1994, tổng số vốn cho vay đạt được 7,08 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ đầu tư trên 300 công trình trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, thông tin, sản xuất vật liệu [28, tr. 87].
Thực hiện chính sách cải cách trong đầu tư, Trung Quốc đã thành lập Ngân hàng Phát triển Nhà nước và coi đây là một công cụ quan trọng để đi sâu cải cách cơ chế đầu tư. Ngân hàng Phát triển Nhà nước được coi là cơ quan tín dụng - tiền tệ có tính chất chính sách, nguồn vốn và hướng đầu tư của cơ quan này cuối cùng đều được đảm bảo bằng uy tín và sức mạnh hỗ trợ của tài chính Nhà nước. Việc thành lập Ngân hàng Phát triển Nhà nước để chuyển các nghiệp vụ có tính chất chính sách của Ngân hàng Phát triển nhập vào hệ thống đầu tư của Nhà nước điều hòa vốn để quản lý chung. Đi đôi với việc phát huy vai trò chủ thể của công ty đầu tư địa phương trong quá trình đầu tư vào những công trình ở cơ sở hạ tầng, ngành tài chính địa phương ở Trung Quốc cũng đã thành lập ra cơ quan đầu tư, điều hòa vốn có tính chất chính sách cho phù hợp với từng địa phương.
Cùng với các chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư của Ngân hàng Phát triển Nhà nước đã góp phần tăng tổng sản phẩm trong nước của Trung Quốc từ 385,8 tỷ nhân dân tệ năm 1987 lên 4.380 tỷ nhân dân tệ năm 1994, tốc độ phát triển bình quân tăng 9,48% hàng năm [28, tr. 86].
Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm trong việc quản lý và sử dụng tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước của một số nước châu Á cho thấy, đầu tư tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đã góp phần to lớn vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Các bài học rút ra ở đây là:
Thứ nhất, các biện pháp hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho đầu tư được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó bên cạnh hình thức cấp phát trực tiếp từ Ngân sách là cấp tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Nhưng để quản lý nguồn vốn này, ngoài tổ chức tín dụng hỗ trợ phát triển của Nhà nước, còn phải huy động các tổ chức tín dụng, ngân hàng tham gia vào việc huy động vốn và cho vay hỗ trợ phát triển theo các đối tượng được Nhà nước quy định và sẽ được Nhà nước hỗ trợ lãi suất hoặc bảo lãnh tín dụng đầu tư thông qua tổ chức tín dụng hỗ trợ phát triển của Nhà nước.
Thứ hai, để quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, hầu hết các nước đều thành lập Ngân hàng Phát triển Nhà nước, như Ngân hàng Phát triển Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển Nhà nước ở Trung Quốc, Ngân hàng ký thác ở Hàn Quốc. Ngân hàng Phát triển Nhà nước được coi là cơ quan tín dụng - tiền tệ có tính chất chính sách và hướng đầu tư của cơ quan này cuối cùng đều được đảm bảo bằng uy tín và sức mạnh hỗ trợ của tài chính Nhà nước. Việc thành lập Ngân hàng Phát triển Nhà nước để chuyển nghiệp vụ có tính chất chính sách của Ngân hàng Phát triển nhập vào hệ thống đầu tư Nhà nước để điều hòa vốn và quản lý chung. Ở nước ta, Quỹ Hỗ trợ phát triển hoạt động như một Ngân hàng chính sách.
Thứ ba, công cụ cho vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được áp dụng rộng rãi và luôn được điều chỉnh theo nhu cầu phát triển trong mỗi thời kỳ như: ở Hàn Quốc năm 1962, Nhà nước ưu tiên tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cho các doanh nghiệp sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, năm 1964 ưu tiên cho vay đối với ngành công nghiệp được khuyến khích phát triển, năm 1973 những khoản cho vay ưu đãi lại được phân bổ cho ngành hàng xuất nhập khẩu, ngành điện lực, luyện thép, luyện kim màu. Năm 1951, Ngân hàng Phát triển Nhật Bản chỉ ưu tiên cho vay đối với các ngành điện, vận tải thủy, giao thông, ngành than, thép và một số ngành công nghiệp cơ bản khác. Từ năm 1970 đến 1988 tăng cường hỗ trợ tín dụng cho nghiên cứu và triển khai để thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ ở Nhật Bản.
Thứ tư, lãi suất cho vay của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước ở các nước đều thấp hơn so với lãi suất vay thị trường tự do. Lãi suất cho vay thấp là một công cụ quan trọng của Nhà nước trong hỗ trợ vốn dài hạn cho phát triển một số ngành công nghiệp then chốt, cần nhiều vốn ở thời kỳ đầu của giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao.
Thứ năm, điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế phục vụ chiến lược phát triển của Chính phủ là một nội dung quan trọng của công cụ tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Một số nước đã thành công trong sử dụng công cụ này, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, như Nhật Bản với chiến lược phát triển công nghiệp điện tử, đóng tàu, than, thép; Hàn Quốc với chiến lược xuất khẩu, phát triển một số ngành công nghiệp nặng; Đài Loan với chiến lược hiện đại hóa máy móc thiết bị các ngành then chốt.
Thứ sáu, đối tượng cho vay của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước quá rộng, quy mô lớn, làm cho các doanh nghiệp ỷ lại, giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, làm tăng khoản nợ của Chính phủ, điển hình Nhật Bản là nước có mức vay của dân nhiều nhất thế giới.
Thứ bảy, bên cạnh hỗ trợ đầu tư thông qua tín dụng đầu tư phát triển, Nhà nước còn phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp hỗ trợ khác, như miễn giảm thuế nhằm tăng kích thích đối với các ngành, các lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
Kết luận chương 2
Qua nghiên cứu thực trạng cơ chế tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước ở Việt Nam giai đoạn 1991 - 2000 có thể rút ra một số kết luận sau:
Một là, đầu tư phát triển trong thời gian qua, tốc độ tăng vốn đầu tư tương đối nhanh, bước đầu huy động được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, tác động thúc đẩy phát triển khu vực công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư còn thấp, cơ cấu đầu tư theo ngành và vùng chưa hợp lý, chưa tạo ra được cơ cấu kinh tế có khả năng khai thác các thế mạnh trong từng ngành, từng vùng.
Hai là, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đang trong thời kỳ thử nghiệm nên bên cạnh những mặt đạt được thì vẫn còn nhiều bất cập, chưa phản ánh đúng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, chất lượng tín dụng và hiệu quả sử dụng vốn còn thấp, đầu tư chưa đồng bộ, vốn bố trí còn phân tán.
Ba là, kết quả lớn nhất thực hiện cơ chế tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong 11 năm qua là đã tạo ra được nhận thức mới, phương pháp mới, cách làm mới phù hợp với xu thể phát triển của nền kinh tế, góp phần thực hiện chủ trương xóa bao cấp trong đầu tư. Bên cạnh đó, cơ chế tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước vẫn còn bộc lộ những nhược điểm, những vấn đề chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế, thủ tục cho vay còn nhiều phiền hà, cơ chế kế hoạch hóa về cơ bản vẫn được quản lý như đối với vốn cấp phát của Ngân sách, cơ chế về đảm bảo tiền vay có sự phân biệt lớn giữa các doanh nghiệp làm cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khó tiếp cận
với nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, còn nhiều đầu mối cùng tổ chức quản lý thực hiện nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước nên cơ chế vay - trả không hoàn toàn giống nhau, dẫn đến việc không có một đầu mối nào tổng hợp, phân tích, định hướng phát triển trong quá trình thực hiện.
Bốn là, từ những kết quả đạt được của việc thực hiện tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong thời gian qua, có thể khẳng định rằng tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước vừa là công cụ, vừa là chính sách và vừa là giải pháp để quản lý một cách hữu hiệu nền kinh tế, thay cho quản lý nền kinh tế tập trung trong đầu tư. Trên góc độ khác, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước như là một đòn bẩy để kích thích hoạt động đầu tư.
Năm là, một số kinh nghiệm về hoạt động tín dụng đầu tư Nhà nước của nước ngoài cho đầu tư phát triển là những bài học quý giá, đòi hỏi chúng ta phải xem xét, nghiên cứu, cân nhắc để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện, đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong từng thời kỳ lịch sử.
Chương 3
HOÀN THIỆN CƠ CHẾ TÍN DỤNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ NƯỚC
3.1. ĐỊNH HƯỚNG TÍN DỤNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2001-2010