* Về đối tượng cho vay của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong những năm vừa qua mở ra khá rộng, song lại chưa bao hàm một số lĩnh vực phục vụ thiết thực cho chiến lược công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Từ năm 1990 đến 1999, hàng năm Chính phủ đều có quyết định về cơ chế tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, trong đó có xác định đối tượng được ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
Đối tượng được ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước những năm đầu mở ra quá rộng và không ổn định. Các lĩnh vực, đối tượng được ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 1996 là 26, năm 1997 là 12, năm 1998 và năm 1999 là 10 đối tượng đối với các dự án xây dựng mới, chưa kể đến các dự án đầu tư chuyển tiếp.
Do đối tượng được ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước những năm đầu mở ra quá rộng trong khi nguồn vốn đầu tư bị hạn chế nên việc bố trí kế hoạch còn dàn trải và chưa bám sát đối tượng được ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quyết định hàng năm của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như số vốn tín dụng năm 1997 do Tổng cục Đầu tư
phát triển cho vay các đối tượng ưu tiên như sau: các dự án về đào tạo, y tế, phát triển khoa học công nghệ là 1,5%, than là 2,6%; cơ khí là 3,6%, dầu khí là 4,1%;
chế biến hàng xuất khẩu là 4,7%; các dự án thuộc khu vực miền núi, Tây Nguyên là 4,9%, trong khi số vốn dành cho một số lĩnh vực không thuộc đối tượng ưu tiên lại chiếm tỷ lệ rất cao như các nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch là 7,6%; sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản là 9,3%; đầu tư thiết bị thi công là 2,6%. Theo Quyết định số 107/1998/ QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ số vốn huy động bổ sung 1.500 tỷ đồng để đầu tư cho một số ngành cần ưu tiên như dệt may, da giầy, cơ khí. Nhưng thực tế kế hoạch vốn bố trí cho các ngành này rất ít: dệt may 264,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,6%; cơ khí 138,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,25%; giầy da 33 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,2%, số còn lại 1.060 tỷ đồng, được bố trí cho các dự án thuộc các ngành khác.
Hiện nay, đối tượng cho vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đang là vấn đề vướng mắc đối với tất cả các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
Theo quy định tại Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Nghị định số 51/1999/NĐ-CP, đối tượng các dự án đầu tư được Nhà nước xem xét cho vay tín dụng trung hạn và dài hạn với lãi suất ưu đãi hoặc trợ cấp một phần lãi suất cho các khoản vay từ các tổ chức tín dụng khá rộng rãi. Đó là tất cả các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn (danh mục B), đặc biệt khó khăn (danh mục C) và các dự án đầu tư vào các ngành nghề thuộc 7 lĩnh vực ưu đãi đầu tư:
- Trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng; trồng cây lâu năm trên đất hoang hóa, đồi, núi trọc; khai hoang; làm muối; nuôi trồng thủy sản ở vùng nước chưa được khai thác.
- Xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải công cộng; phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa dân tộc.
- Sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu.
- Đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ; chế biến nông, lâm, thủy sản;
dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.
- Nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ; tư vấn về pháp lý, đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
- Đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ: cải thiện sinh thái và môi trường, vệ sinh đô thị; di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi đô thị; đa dạng hóa ngành nghề, sản phẩm.
- Những ngành, nghề khác cần ưu tiên phát triển: như chăn nuôi gia súc, gia cầm; chế biến thức ăn gia súc, sản xuất và sửa chữa máy nông nghiệp, sản xuất hàng dệt, da, nhựa cao cấp, dụng cụ học tập, đồ chơi trẻ em.
Những ngành, nghề thuộc các lĩnh vực được hưởng ưu đãi đầu tư như trên là khá rộng, tuy nhiên lại chưa bao gồm một số lĩnh vực phục vụ thiết thực cho chiến lược công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước cũng như tình hình thực tế hiện nay của nước ta như hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp trọng điểm, hỗ trợ phát triển ngành cơ khí, phát triển kinh tế trang trại, hỗ trợ cho các dự án đóng tàu biển, đào tạo phát triển nguồn nhân lực...
Một vấn đề đáng lưu ý là mặc dù theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước thì tất cả các dự án đầu tư tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn và các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực trên đều được Nhà nước xem xét cho vay đầu tư với lãi suất ưu đãi hay trợ cấp một phần lãi suất cho các dự án vay vốn đầu tư từ tổ chức tín dụng thì Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 26/9/1999 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước quy định đối tượng cho
vay đầu tư lại quá hạn hẹp. Chỉ một số dự án đầu tư thuộc một số ngành, nghề được hưởng ưu đãi đầu tư như sản xuất điện, khai thác khoáng sản, hóa chất cơ bản, chế tạo máy công cụ động lực, chế biến nông lâm hải sản, sản xuất hàng xuất khẩu, trồng rừng nguyên liệu, cây công nghiệp dài ngày, cơ sở hạ tầng giao thông, cấp nước, nhà ở nhưng phải đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn mới được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Các dự án khác không thuộc đối tượng xem xét cho vay ưu đãi của Nhà nước, mặc dù những dự án này đầu tư vào các ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư hoặc đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Trong thực tế hầu hết các dự án thuộc các ngành nói trên nhất là các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, các dự án sử dụng nhiều lao động, các dự án xây dựng cơ sở chế biến, chế tạo máy công cụ, động lực do nhiều nguyên nhân về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, điện nước, nguồn nguyên liệu, nguồn lao động và chi phí vận tải đầu vào, đầu ra quá cao nên thường ít được đầu tư tại các vùng khó khăn theo quy định hiện hành của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) mà chủ yếu tập trung tại các thành phố, vùng kinh tế động lực, vùng có nguồn lao động dồi dào, nên không thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Vì vậy, nhiều dự án vay mới đăng ký kế hoạch vốn tại Quỹ Hỗ trợ phát triển không thuộc đối tượng vay vốn theo đúng quy định.
* Về chính sách, cơ chế quản lý và sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong những năm vừa qua có rất nhiều thay đổi và phát triển.
Lãi suất cho vay của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong những năm qua biến động theo xu hướng giảm dần:
- Năm 1996: theo văn bản số 1574 TC/ĐTPT ngày 14/5/1996 của Bộ Tài chính tỷ lệ lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là 1,1%/tháng tức là 13,2%/năm.
- Năm 1997: tại văn bản số 1818 TC/ĐTPT ngày 3/6/1997 của Bộ Tài chính, lãi suất tín dụng 1997 là 0,81%/tháng, tức là 9,72%/năm.
- Năm 1998: theo lãi suất như năm 1997, tức là 9,72%/năm.
- Năm 1999: Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ đầu tư quốc gia - Bộ Tài chính đã có văn bản số 19/HĐQL ngày 2/3/1999 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chính phủ quyết định mức lãi suất cho vay là 0,81%/tháng. Tại văn bản số 1206/VPCP-KTTH ngày 24/3/1999 Văn phòng Chính phủ thông báo mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư Nhà nước là 0,81%/tháng, tức là 9,72%/năm.
Như vậy ba năm 1997, 1998, 1999 lãi suất tín dụng đầu tư Nhà nước là 0,81%/tháng.
- Năm 2000: theo Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29/6/1999, lãi suất cho vay là 9%/năm. Khi lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt nam tăng, giảm 10%. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh lãi suất cho vay. Mức lãi suất cho vay vốn được xác định tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng và được giữ nguyên trong suốt thời hạn cho vay.
- Từ 1/6/2001 lãi suất cho vay ưu đãi thông thường là 5,4%/năm và lãi suất cho vay ưu đãi đặc biệt là 3%/năm.
Sự biến động về lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong những năm qua cho thấy chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước ngày càng được quan tâm, củng cố và khuyến khích để thúc đẩy đầu tư cơ bản nói riêng, đầu tư phát triển nói chung. Mặt khác, cũng thấy rằng nền kinh tế đã có sự ổn định, lạm phát đã được khống chế. Tuy nhiên, bên cạnh mặt được còn có những mặt chưa được đó là:
- Mỗi lần thay đổi, đặc biệt là khi giảm lãi suất mới chỉ áp dụng cho những dự án theo chỉ tiêu trong năm kế hoạch trở về sau. Những dự án cũ vẫn theo lãi suất cũ. Điều này đã tạo nên sự khấp khểnh về mặt bằng lãi suất không phản ánh đầy đủ chính sách ưu đãi vốn đầu tư (lãi suất cũ cao hơn các
dự án lại gặp khó khăn do chính sách tiền tệ thay đổi nhưng lại không được điều chỉnh giảm theo lãi suất mới).
- Lãi suất luôn thay đổi qua các năm dao động từ 0,7 lên 1,1%, xuống 0,81%, xuống 0,75%; 0,45% gây nhiều khó khăn cho việc xác định hiệu quả kinh tế ngay từ khi duyệt dự án và gây khó khăn cho các đầu mối cho vay trong việc xem xét tính toán thời gian vay - trả, hạch toán, theo dõi dư nợ vay và gây nhiều thắc mắc cho các chủ đầu tư.
- Lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước áp dụng đều cho tất cả các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng đầu tư Nhà nước. Do vậy, tác dụng khuyến khích, ưu đãi đầu tư còn mang tính bình quân, chưa thúc đẩy khuyến khích đầu tư vào những ngành, lĩnh vực đặc biệt ưu tiên đầu tư.
- Đối với vốn ODA cho vay lại thì chính sách tài chính áp dụng cho từng dự án chưa nhất quán, đồng bộ. Các dự án cấp nước tính chất phục vụ như nhau, nhưng lãi suất vay khác nhau; các dự án điện cũng có trường hợp tương tự... Do vậy, rất khó đánh giá hiệu quả đầu tư đối với các dự án vay vốn nước ngoài nói chung.
- Sự biến động của lãi suất không theo một biên độ dao động của tình hình thị trường, nên không phản ánh rõ được mối quan hệ giữa lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước với hoạt động thị trường tiền tệ.
Cùng với lãi suất vay vốn, mức vốn cho vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cho dự án được xác định trong kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của Nhà nước. Theo quy định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) và Nghị định 43/CP, mức vốn cho vay của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước như sau:
- Dự án nhóm A, mức vốn cho vay theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Dự án nhóm B và C, mức vốn cho vay quy định như sau:
+ Dự án đầu tư di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi đô thị, cải thiện sinh thái, môi trường, vệ sinh đô thị, mức cho vay đến 70% tổng số vốn đầu tư.
+ Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn và các tỉnh, thành phố khác, mức vốn cho vay đến 50% tổng số vốn đầu tư.
+ Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và sản xuất hàng xuất khẩu, mức vốn cho vay đến 70% tổng số vốn đầu tư.
Việc quy định phải có mức vốn tự có từ 30-50% tổng mức vốn đầu tư của dự án là phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế trong một nền kinh tế phát triển. Chính vốn tự có này là điều kiện tốt để đảm bảo tiền vay và nâng cao trách nhiệm của chủ dự án trong việc sử dụng nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế ở nước ta hiện nay thì việc thực hiện quy định về mức vốn vay như vậy là rất khó thực hiện.
Chính phủ cũng đã từng bước có những quy định để tháo gỡ, nhưng chưa thống nhất, đồng bộ (như mức vốn cho vay chương trình cơ khí, các dự án thuộc vùng kinh tế động lực và các dự án do thủ tướng chính phủ quyết định là 100 %, chương trình 5 triệu ha rừng là 90%, đánh bắt hải sản xa bờ và đóng tàu biển là 85%). Do vậy, mức vốn cho vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cần được nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế tránh những nghịch lý phát sinh trong quá trình thực hiện.
Cũng như việc xác định mức vốn cho vay, việc bảo đảm tiền vay cũng còn những bất hợp lý.
Trước đây, việc cho các doanh nghiệp nhà nước vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước chưa đề cập đến vấn đề thế chấp tài sản. Đến năm 1996, quy định tất cả các doanh nghiệp vay vốn đều phải có thế chấp tài sản hoặc tín chấp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc cho vay vốn, thực tế
cho thấy cơ sở vật chất và tài sản của doanh nghiệp quá nhỏ bé và không đủ điều kiện để thế chấp các khoản vay.
Để khắc phục những khó khăn đó, thực tế trong những năm qua các cơ quan làm nhiệm vụ cho vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (hệ thống Tổng cục Đầu tư phát triển, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) đã báo cáo Chính phủ đề nghị cho phép xử lý theo hướng:
- Đối với dự án thuộc Ngân sách địa phương thì UBND tỉnh, thành phố có biên bản cam kết sẽ bảo lãnh bằng cách: nếu dự án không có hiệu quả, không có khả năng thu hồi vốn thì tỉnh, thành phố sẽ bố trí kế hoạch ngân sách để trả nợ.
- Những dự án thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, khi vay vốn phải có tài sản thế chấp là bất động sản có khả năng phát mại và chỉ cho vay tối đa 70% giá trị tài sản thế chấp.
Để tháo gỡ những vướng mắc về thế chấp tài sản nêu trên, tại Quyết định số 52/1998/QĐ-TTg ngày 3/3/1998 Thủ tướng Chính phủ cho phép:
"Các dự án tín dụng đầu tư phát triển theo kế hoạch Nhà nước lấy tài sản hình thành bằng vốn vay để đảm bảo nợ vay. Trong thời gian chưa trả hết nợ, các doanh nghiệp không được chuyển nhượng, mua bán hoặc thế chấp đối với các tài sản thuộc vốn vay tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước" và tại Điều 15, Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29/6/1999 cũng quy định tương tự như trên.
Riêng đối với chủ đầu tư không phải là doanh nghiệp nhà nước, ngoài việc dùng tài sản hình thành bằng vốn vay để đảm bảo tiền vay, phải có tài sản thế chấp giá trị tối thiểu bằng 50% mức vốn vay. Nhưng để tháo gỡ những bất cập hiện nay khi áp dụng cơ chế đảm bảo tiền vay nói trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/2000/NQ-CP ngày 31/7/2000, cho phép áp dụng giá trị tài sản đảm bảo tiền vay bằng các biện pháp cầm cố, thế chấp theo mức tối thiểu là 30% vốn đầu tư của dự án. Đó chính là bước tiến bộ góp phần
hoàn thiện dần sự phát triển của cơ chế tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Tuy nhiên, việc xử lý thế chấp tài sản khi vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước như trên chưa thực sự có khuôn khổ pháp lý đồng bộ và phù hợp; còn có sự phân biệt lớn giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác làm cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, chưa tạo ra sân chơi bình đẳng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển.
Thời gian cho vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cũng dần được hoàn thiện. Lúc đầu, hầu hết các dự án đều được áp dụng thời hạn cho vay không quá 5 năm. Gần đây, chính phủ cho phép kéo dài thời hạn cho vay không quá 10 năm, trường hợp đặc biệt, có thể dài hơn. Hầu hết các dự án đều ký kết các hợp đồng vay vốn với thời hạn hoàn trả theo dự án khả thi được duyệt và theo khả năng tài chính cụ thể của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo dự án khả thi được duyệt, các dự án phải có đủ vốn để triển khai công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị theo tiến độ đề ra. Nhưng thực tế thì nhiều dự án phải kéo dài thời gian thi công do thiếu vốn, do công tác chuẩn bị chậm, do hợp đồng thiết bị không đúng tiến độ... Vì vậy, thời hạn vay vốn của nhiều dự án bị kéo dài hơn so với dự kiến
Thời hạn trả nợ vay (gốc và lãi) được tính từ ngày đơn vị vay vốn bắt đầu trả nợ vay cho đến ngày trả hết nợ vay theo nguyên tắc:
- Chậm nhất từ khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, đơn vị vay vốn bắt đầu trả nợ gốc hàng tháng hoặc hàng quý.
- Đơn vị vay vốn trả nợ vay hàng tháng theo số dư nợ vay, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Đơn vị vay vốn có thể trả nợ gốc và lãi theo chu kỳ sản xuất kinh doanh của dự án.