3.2.3.1 Mức vốn vay đầu tư phải phù hợp với đặc thù nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay
Theo quy định hiện hành, mức vốn vay khác nhau đối với các loại dự án đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, có nhiều dự án, chủ đầu tư phải đảm bảo nguồn vốn tự có vào khoảng 10% (sản xuất chế biến hàng xuất khẩu) đến 50% tổng số vốn đầu tư của dự án.
Quy định như vậy nhằm tăng cường trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định đầu tư về hiệu quả kinh tế tài chính của dự án, đồng thời đòi hỏi chủ đầu tư phải huy động tối đa vốn tự có hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để tham gia đầu tư. Tuy nhiên, với mức vốn cho vay từ 50-90% tổng số vốn đầu tư của dự án thì trong điều kiện ở nước ta hiện nay là rất khó thực hiện. Mặc dù, Chính phủ cũng đã từng bước có những quy định tháo gỡ, nhưng chưa thống nhất, đồng bộ. Theo ý kiến chúng tôi, nên quy định cụ thể mức vốn vay trên cơ sở đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án và tình hình tài chính của chủ đầu tư.
Song trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu chủ đầu tư không cần vốn tự có vẫn tiến hành đầu tư, kinh doanh được bằng toàn bộ vốn tín dụng sẽ dẫn đến sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư trong quá trình đầu tư.
Do vậy, theo ý kiến chúng tôi, để nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư trong quá trình đầu tư cũng như hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và phù hợp với tình hình thực tế ở nước ta hiện nay, mức vốn cho vay đối với tất cả các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư có thể thực hiện theo hướng sau:
Thứ nhất, mức vốn cho vay đối với từng dự án chỉ là một phần của tổng số vốn đầu tư của dự án, tức là, thực hiện nguyên tắc vay phải có vốn tự có. Mức vốn cho vay được xác định theo công thức sau:
Mức vốn cho vay = Tổng số vốn đầu tư của dự án - Vốn tự có của chủ đầu tư
Thứ hai, phân loại dự án cho vay căn cứ vào vai trò, vị trí của dự án đối với ngành, lĩnh vực và đối với vùng kinh tế theo thứ tự ưu tiên để xác định tỷ lệ mức vốn cho vay đối với nhóm dự án và từng loại dự án, nhưng chủ đầu tư phải có vốn tự có ít nhất 10 % tổng số vốn đầu tư của dự án.
Thứ ba, tỷ lệ mức vốn cho vay đối với nhóm dự án và từng loại dự án thay đổi theo từng thời kỳ, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, vai trò, vị trí của dự án đối với ngành, với vùng và đối với từng khu vực, cũng như mục tiêu, yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, đối với những dự án có tầm quan trọng đặc biệt Chính phủ có thể quyết định cho vay 100 % tổng số vốn đầu tư của dự án.
3.2.3.2. Lãi suất vốn vay đảm bảo thấp hơn lãi suất thị trường, thật sự mang tính ưu đãi và có phân biệt theo đối tượng
Trong thời gian vừa qua, lãi suất cho vay của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thường xuyên thay đổi. Mỗi lần thay đổi lãi suất, đặc biệt lãi suất giảm chỉ áp dụng cho những dự án theo chỉ tiêu trong năm kế hoạch hoặc đối với những khoản giải ngân mới.
Mặt khác, sự thay đổi lãi suất cho vay của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Sự biến động của tỷ lệ lãi suất không theo một biên độ dao động của tình hình thị trường (năm 1999 lãi suất cơ bản Nhà nước cho vay trung và dài hạn là 10,2%, lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là 9,72%/năm; năm 2000 là 9% và 7%) dẫn đến thiếu sự điều chỉnh linh hoạt và không phản ánh rõ được mối quan hệ giữa lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước với lãi suất thị trường, làm cho Quỹ Hỗ trợ phát triển không chủ động được trong điều chỉnh lãi suất cho vay khi lãi suất thị trường biến động. Do vậy, tác dụng khuyến khích, ưu đãi đầu tư chưa cao, còn mạng nặng tính bình quân, chưa thực sự thúc đẩy
khuyến khích đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực, vùng cần chú trọng ưu tiên đầu tư.
Để khắc phục tình trạng trên, chính sách lãi suất cho vay của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước có thể được hoàn thiện theo hướng sau:
Một là, lãi suất cho vay của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước phải thấp hơn lãi suất cho vay trung và dài hạn của các Ngân hàng Thương mại quốc doanh và sự biến động của mức lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước phải theo một biên độ dao động của lãi suất cơ bản. Lãi suất cho vay của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong những năm tới nên quy định ở mức tối đa bằng 70% mức lãi suất cơ bản cho vay trung và dài hạn.
Hai là, không nên chỉ quy định một mức lãi suất áp dụng đều cho tất cả các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, mà nên quy định chế độ lãi suất cho vay theo chủ trương cần khuyến khích mạnh hay nhẹ đối với từng ngành nghề, lĩnh vực đầu tư và vùng đầu tư trong từng thời kỳ. Theo chúng tôi, nên có lãi suất ưu đãi thông thường và lãi suất ưu đãi đặc biệt, trong đó lãi suất ưu đãi đặc biệt phải đảm bảo lớn hơn mức thuế vốn theo quy định hiện hành.
Như vậy, đối với ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích nhẹ, mức lãi suất cho vay bằng khoảng 70% mức lãi suất cơ bản cho vay hàng năm do Ngân hàng Nhà nước công bố. Đối với ngành nghề, lĩnh vực, vùng cần khuyến khích đặc biệt, mức lãi suất cho vay phải nhỏ hơn mức lãi suất cho vay đối với những ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích nhẹ và nên ở mức khoảng 30- 50% mức lãi suất cơ bản cho vay hàng năm.
Ba là, hàng năm trên cơ sở mức lãi suất cho vay của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước quy định theo tỷ lệ % mức lãi suất cơ bản như trên, Quỹ Hỗ trợ phát triển cần chủ động xác định mức lãi suất cho vay đối với
nhóm dự án, loại dự án cần khuyến khích mạnh, nhẹ và ưu tiên đặc biệt theo quy định của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Bốn là, mức lãi suất cho vay của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng;
đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên của đất nước và mục tiêu, yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.